Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của Nhân dân  

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm coi Đảng là người lãnh đạo, đồng thời là đày tớ trung thành của Nhân dân là nhất quán. Đó là sự kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại với đỉnh cao là chủ nghĩa Mác – Lênin. Theo Người, quan hệ của Đảng và Nhân dân là tất yếu khách quan, là đòi hỏi tự nhiên của cuộc sống. Đảng ra đời là vì hạnh phúc của Nhân dân; Đảng tồn tại, phát triển, làm nên sự nghiệp vẻ vang là nhờ có sức dân. Ngược lại, Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng mới được giải phóng, mới được tự do và hạnh phúc.

 

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội. (Nguồn: TTXVN)

Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam. Ngay từ khi mới ra đời,  Đảng đã giành được quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trở thành nhân tố chủ yếu đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sau khi lãnh đạo Nhân dân ta làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn thể xã hội. Điều đó đã được khẳng định cả về mặt lý luận và thực tiễn của cách mạng nước ta. Hiến pháp năm 2013, tại Điều 4 đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Khẳng định điều này để thấy rằng vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội không chỉ là quy định trong nội bộ Đảng mà là quy tắc Hiến định có giá trị bắt buộc đối với mọi người trong xã hội bất kể họ có phải là đảng viên của Đảng hay không. Trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước ta hiện nay, xây dựng chế độ nhất nguyên, một Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, lãnh đạo hệ thống chính trị là nguyên tắc không thể thay đổi. Cần chú ý rằng, bên cạnh những mặt tích cực của hệ thống nhất nguyên, duy nhất một Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, lãnh đạo hệ thống chính trị, thì hệ thống này cũng có những mặt hạn chế, đó là, dễ mắc những sai lầm chủ quan duy ý chí; đảng viên lạm quyền, tham nhũng, dễ vi phạm đến các quyền dân chủ của công dân, dễ xa rời dân, dễ bị suy thoái phẩm chất đạo đức.

Trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh viết: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác – Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”1.

Có thể xem đây là những tri thức đầu tiên mà Hồ Chí Minh tự đúc rút, khảo nghiệm. Đó cũng chính là cơ sở khởi đầu cho một quá trình trưởng thành về ý thức giai cấp, về liên minh giai cấp trong đấu tranh cách mạng – nền tảng của sự ra đời tư tưởng về mối quan hệ giữa Đảng với Dân, trong đó Đảng đóng vai trò là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của Nhân dân.

Niềm tin to lớn của Hồ Chí Minh với Nhân dân không chỉ bắt nguồn từ truyền thống yêu nước của dân tộc ta mà còn được Người rút ra qua đánh giá về các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Hồ Chí Minh kết luận: “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”2 . Cách mạng muốn thành công phải biết dựa vào sức mạnh của Nhân dân, có công – nông làm gốc, có Đảng vững bền tiên phong dẫn đường. Điều này cho thấy sự kết hợp chặt chẽ truyền thống dân tộc và chủ nghĩa Mác – Lênin đã tạo nên nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Nói cách khác, truyền thống của dân tộc Việt Nam đã gặp gỡ quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò của Nhân dân và kết tinh trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người khẳng định, nếu có một đảng cách mạng chân chính lãnh đạo thì nhất định Nhân dân ta có thể tự mình đứng lên đánh đổ ách thống trị của các thế lực ngoại bang, giành lại quyền độc lập, tự do cho đất nước, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân.

Việc yêu cầu cán bộ, đảng viên phải là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của Nhân dân trong điều kiện đảng cầm quyền được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, nhắc nhở, uốn nắn ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong các bức thư mà Người căn dặn cán bộ về cách làm việc, như: “Gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” (ngày 17/10/1945), “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” (ngày 01/3/1947), “Thư gửi các đồng chí Trung Bộ” (tháng 4/1947) cùng với các bức thư gửi các cơ quan, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Người không lúc nào quên nhắc nhở đến mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường”3.

Người khẳng định: “Trong lúc dân tộc đang ở ngã tư đường, chết hay sống, mất hay còn, mỗi đồng chí và toàn cả đoàn thể phải đem tất cả tinh thần và lực lượng ra để đưa toàn dân quay về một hướng, nhằm vào một mục đích: đánh đuổi thực dân Pháp và làm cho nước thống nhất và độc lập”4. Nếu không sửa chữa các bệnh địa phương, bè phái, quân phiệt, hẹp hòi, ích kỷ, hình thức, vô kỷ luật, kiêu ngạo, thì không đoàn kết được Nhân dân, không đưa “toàn dân hướng về một hướng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo điều này từ rất sớm về các nguy cơ của một đảng cầm quyền là phải thường xuyên cảnh giác với bệnh quan liêu và sự suy thoái về đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Quan hệ của Đảng và Nhân dân là tất yếu khách quan, là đòi hỏi tự nhiên của cuộc sống. Đảng ra đời là vì hạnh phúc của Nhân dân. Đảng tồn tại, phát triển, làm nên sự nghiệp vẻ vang là nhờ có sức dân. Ngược lại, Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng mới được giải phóng, mới được tự do và hạnh phúc.

Một vấn đề nữa rất quan trọng để biến đường lối của Đảng thành hành động của quần chúng đã được Nhân dân khái quát thành câu ca “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, muốn phát động bất cứ một phong trào nào của Nhân dân, người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu về mọi mặt, phải đứng ở các tuyến đầu trong cuộc sống, nói và làm phải đi đôi. Khi kêu gọi thanh niên nhập ngũ, đảng viên trẻ phải xung phong đi trước, con cái cán bộ lãnh đạo không được trốn tránh nghĩa vụ; huy động dân công và thanh niên xung phong cũng như vậy. Khi thực hiện các chính sách ở vùng tự do hay ở vùng sau lưng địch, đảng viên phải tự nguyện đi đầu. Đối với những việc khó, ở những nơi gian khổ, đảng viên phải có mặt, đảng viên phải nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho người khác. Thực tế hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta chứng tỏ, đảng viên là nhân tố chủ yếu tạo ra sức chiến đấu của đơn vị lực lượng vũ trang. Trong đội ngũ những anh hùng, chiến sĩ thi đua của kháng chiến, đại bộ phận là đảng viên.

Đảng viên đi trước, làng nước theo sau là một chân lý đơn giản, nhưng thực hiện được nó là cả một quá trình gian khổ. Đảng viên đi trước, không có nghĩa là đi một mình, mà phải là vai trò đầu tàu, kéo được cả làng nước theo sau. Muốn thế phải có một loạt biện pháp tổng hợp kèm theo, để có một phong trào quần chúng thật sự. Thời kỳ trước đây, Đảng ta đã có những phong trào, mô hình rất hay nhưng đến nay lại không được đúc rút thành kinh nghiệm để vận dụng, như: Đảng đã có chủ trương tổ chức các nhóm trung kiên ở các thôn ấp, các cơ quan, xí nghiệp, trường học, đơn vị quân đội cùng với những đảng viên trở thành đầu tàu của phong trào.

Một đảng có đại bộ phận đảng viên đi trước, cả về nhận thức và hành động, điều đó có nghĩa là một Đảng tiên phong, là Đảng Mác – Lênin chân chính, Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Chỉ với một việc làm nhỏ cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, đem gạo đó để cứu đói, Nhân dân đã hiểu ngay Hồ Chí Minh và cán bộ của Cụ Hồ, chế độ mới do Cụ Hồ đứng đầu là chế độ vì dân, của dân và do dân. Chính vì vậy mà Nhân dân cả nước, cả dân tộc đã đi theo con đường kháng chiến, kiến quốc của Hồ Chí Minh.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm coi Đảng là người lãnh đạo, đồng thời là đày tớ trung thành của dân là nhất quán. Đó là sự kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại với đỉnh cao là chủ nghĩa Mác – Lênin. Chúng ta cần chú ý nội dung này vì trong điều kiện Đảng cầm quyền lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội thì nhiều người hiện nay chỉ muốn đóng vai trò lãnh đạo chứ không muốn thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ là đày tớ, công bộc của dân.

Nói đến vấn đề Đảng là đày tớ, công bộc của dân không thể không nói đến bổn phận và nghĩa vụ của dân trong mối quan hệ với Tổ quốc. Nói cách khác, chúng ta xác định Đảng là người đày tớ trung thành của Nhân dân nhưng Đảng phải đóng vai trò lãnh đạo của mình trong việc hoạch định đường lối, chính sách. Đảng “Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”5.

Cần khẳng định rằng: “Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”6. Điều này có nghĩa là mỗi người dân cần phải có ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ kỷ cương, đấu tranh vì lợi ích chung của Tổ quốc. Yêu cầu đặt ra không phải là sự phục tùng vô nguyên tắc, chấp nhận sự áp chế mà là sự tuân thủ tích cực và tự giác các công việc của xã hội.

Thực hiện tốt vai trò người chủ, mỗi công dân phải tích cực tham gia vào việc xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thẩm định sự đúng đắn của đường lối, chủ trương đó trong cuộc sống. Muốn vậy, vấn đề đặt ra là cần phải tăng cường nâng cao nhận thức trong quảng đại quần chúng Nhân dân. Những hoạt động sôi nổi của các tầng lớp Nhân dân xung quanh việc thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thời gian qua là minh chứng rõ nét cho việc Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình đối với vận mệnh của Đảng và của dân tộc.

Hồ Chí Minh hiểu rất rõ truyền thống yêu nước và sức mạnh của Nhân dân ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Đó chính là nhân tố quan trọng làm nên bản sắc và con người Việt Nam. Từ đúc kết lịch sử dân tộc, Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”7. Tuy nhiên, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhân dân không dừng lại trong phạm vi hạn hẹp của chế độ phong kiến. Dân là gốc, là nền tảng của cách mạng, tức là dân phải là người có quyền làm chủ thật sự, bao nhiêu quyền hạn đều phải là của dân chứ không phải của vua hay của một bộ phận nhỏ trong xã hội.

Thông thường, nhiều cá nhân, nhiều tập đoàn trong xã hội khi củng cố được địa vị thống trị của mình thì quay lưng lại, thậm chí đi ngược lại quyền lợi của dân. Nguy cơ đó cũng cần phải chú ý và chưa thể loại trừ hoàn toàn trong xã hội ta và thậm chí nhiều lúc, nhiều nơi, tình trạng cán bộ, đảng viên lên mặt “quan cách mạng” không phải là chuyện hiếm gặp. Đề cao Nhân dân và coi sự ủng hộ của Nhân dân là điều kiện tiên quyết để cách mạng thành công chính là khởi nguồn cho tư tưởng cán bộ, đảng viên phải phấn đấu là đày tớ trung thành của Nhân dân: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”8.

Đảng đóng vai trò lãnh đạo khi đã có chính quyền, có nghĩa là Đảng chịu trách nhiệm trước lịch sử về vận mệnh phát triển của dân tộc, về sự phát triển toàn diện của xã hội, về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Thông qua Nhà nước, Đảng thực hiện sự lãnh đạo của mình đối với xã hội. Nhà nước là tổ chức thể hiện tập trung nhất quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện ý chí và lợi ích của Nhân dân, nhân danh Nhân dân để quản lý xã hội. Tuy nhiên, khi đã có chính quyền, nhiều đảng viên lại rất dễ nảy sinh tư tưởng phó mặc Nhà nước hoặc chỉ cần biết mỗi Nhà nước mà xa rời tôn chỉ của Đảng, lên mặt “quan cách mạng” đối với Nhân dân.

Điều này xuất phát từ việc nhiều cán bộ, đảng viên được bố trí vào các cương vị, chức vụ trong bộ máy nhà nước. Đó là việc làm cần thiết để thực thi vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước thông qua công tác cán bộ. Nhưng khi có chức, có quyền thì một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên lợi dụng và lạm dụng chức quyền để làm những điều đi ngược lại với bổn phận và tư cách người đảng viên cộng sản; quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, hối lộ, ức hiếp Nhân dân, vi phạm nghiêm trọng quyền làm chủ của Nhân dân. Nói tóm lại là đi ngược lại yêu cầu cán bộ phải là người đày tớ trung thành của Nhân dân, làm cho Nhân dân oán ghét, uy tín của Đảng bị giảm sút.

Là người lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội và toàn dân tộc là nhiệm vụ rất nặng nề. Giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền để lãnh đạo Nhân dân xây dựng chế độ xã hội mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc còn khó khăn gấp bội. Khi đã có chính quyền, thuận lợi có nhiều nhưng khó khăn cũng không ít, trong đó có cả khó khăn từ bên trong. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn bó mật thiết với Nhân dân là yếu tố cơ bản, góp phần quyết định sự thành công của cách mạng. Trước hết, trong Đảng phải thường xuyên phát huy dân chủ, thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình. Đặc biệt cần phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Trên các phương diện xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chúng ta đã giành được thành tựu nhất định, thành tựu đó bảo đảm cho Đảng giữ vững vai trò lãnh đạo và đất nước tiếp tục phát triển ổn định.

Có thể khẳng định, năm 2020 là năm thành công của nước ta với những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước. Thành công toàn diện, vang dội của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là một đỉnh cao thắng lợi mới của đường lối đối ngoại đa phương của Ðảng. Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN có mức tăng trưởng kinh tế dương. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng được tiến hành đồng bộ, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng với phương châm không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, không cho phép “hạ cánh an toàn” ngày càng lan tỏa. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu: đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Sự ủng hộ của Nhân dân đã giúp Đảng ta vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp từ cơ sở đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đến nay, mô hình thực hiện “mục tiêu kép” của Việt Nam trong thời kỳ bùng nổ dịch bệnh Covid-19 là bài học quý cho các nước, tạo niềm tin cho Nhân dân cả nước, bạn bè trên thế giới về khả năng ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh nhưng vẫn quan tâm phát triển kinh tế – xã hội của chúng ta. Điều đó cho thấy dưới sự lãnh đạo sáng suốt, có hiệu quả của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đồng thuận của Nhân dân, nhất định Đảng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 563.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 297.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 64.
4, 5, 8. Hồ Chí Minh.Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 87, 333.
6. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 258.
7. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 453.
PGS.TS. Lê Văn Cường
Viện Xây dựng Đảng –  Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh