Phát triển nông nghiệp Việt Nam – thành tựu và những yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới  

(Quanlynhanuoc.vn) – Từ chuỗi số liệu tăng trưởng GDP, tỷ lệ tăng sản phẩm nông nghiệp và kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam những năm đầu đổi mới đến nay cho thấy, nông nghiệp  đã trở thành “bệ đỡ” của nền kinh tế trước biến động khó lường của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cùng với những yêu cầu mới đặt ra hiện nay đòi hỏi ngành Nông nghiệp Việt Nam cần có những bước chuyển mới mang tính đột phá hơn.

Ảnh minh họa (Nguồn: internet).

Phát triển nông nghiệp Việt Nam những năm đổi mới

Nhìn nhận về lợi thế phát triển nông nghiệp của Việt Nam, Báo cáo Rà soát nông nghiệp và lương thực của Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) cho thấy1, tính trung bình, Việt Nam tương đối phong phú về tài nguyên nước, tuy nhiên lại khan hiếm về đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp bình quân/đầu người ở Việt Nam là 0,12 ha, bằng 1/6 mức trung bình của thế giới. Tổng diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam tăng nhanh vào giữa những năm 90 của thế kỷ XX (61%) và được duy trì tương đối ổn định đến nay. Điều này cho thấy, nếu nông nghiệp muốn đạt mức tăng trưởng cao hơn thì phải được thực hiện thông qua tăng năng suất.

Phát huy lợi thế tự nhiên, trong hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam luôn duy trì ở mức tăng trưởng trung bình khoảng 3,5%/năm, mức cao ở khu vực châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Sau thời kỳ thiếu lương thực kéo dài, từ năm 1989, Việt Nam đã dầ̀n trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản trên thế giới. Giai đoạn 2008 – 2017, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành Nông nghiệp Việt Nam đạt bình quân 2,66%/năm, năm 2018 đạt 3,76%, năm 2019, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng 2,2%2.

Thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam ngày càng được mở rộng, cơ cấu sản xuất hiệu quả hơn và gắn với nhu cầu thị trường. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ… được triển khai đem lại giá trị hàng hóa lớn, thân thiện với môi trường. Trong khu vực nông, lâm, thủy sản, ngành Nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, cũng là mức tăng cao nhất của giai đoạn 2012 – 2018, đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế3.

Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP cho giá trị kinh tế cao. Từng chuyên ngành, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi đã tăng nhanh về diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng và tỉ trọng đóng góp cho tăng trưởng. Vì vậy, mặc dù diện tích gieo trồng lúa trên cả nước năm 2018 giảm 134,8 nghìn ha, nhưng năng suất tăng cao (bình quân cả nước 58,1 tạ/ha, tăng 2,6 tạ/ha), năm 2018, sản lượng lúa đạt 43,98 triệu tấn, tăng 1,24 triệu tấn so với năm 2017; năm 2019 đạt 43,45 triệu tấn, tăng 12,2%; sản lượng rau các loại tăng 80,5%, trái cây tăng 50%. Hiện năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và 1,5 lần so với Ấn Độ; trở thành quốc gia có chỉ số bền vững an ninh lương thực cao hơn phần lớn các quốc gia đang phát triển ở châu Á4.

Năm 2020, mặc dù phải gánh chịu thời tiết bất thường, thiên tai, dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi trên cả nước, dịch Covid-19…), nhưng nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học – kỹ thuật, tái cơ cấu sản xuất, ngăn ngừa kiểm soát dịch bệnh nên  ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt “mục tiêu kép” là vừa phát triển ngành, vừa phòng, chống hiệu quả dịch bệnh. Giá trị sản xuất toàn ngành trong năm ước tăng 2,75% so với năm 2019. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,7%; lâm nghiệp tăng 2,4%; thủy sản tăng 3,3%; GDP toàn ngành dự kiến tăng 2,65%, giúp bảo đảm an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào. Công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính có sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành 5.

Cùng với lúa, nhiều loại cây lương thực truyền thống, giá thị thấp cũng có xu hướng giảm mạnh về diện tích. Trong lĩnh vực trồng trọt, đã chuyển đổi khoảng 200.000 ha trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn, đồng thời, tăng cường chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh thâm canh phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa để tăng năng suất, chất lượng và giảm chi phí sản xuất.

Xét ở bình diện quốc tế, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước tham gia mạnh mẽ vào quá trình hội nhập và toàn cầu hóa với các hiệp định thương mại tự do (FTA), bắt đầu từ các FTA thế hệ thứ nhất tập trung ở việc tự do hóa lĩnh vực thương mại hàng hóa, sang các FTA thế hệ thứ hai với việc mở rộng phạm vi tự do hóa sang các lĩnh vực dịch vụ nhất định, và FTA thế hệ mới tiếp tục mở rộng phạm vi tự do về dịch vụ, đầu tư. Tính đến tháng 02/2020, Việt Nam đã tham gia 12 FTA, 1 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực, 3 FTA đang đàm phán; tham gia và thực thi toàn bộ các cam kết trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); tham gia các FTA thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với mức độ hội nhập sâu rộng và toàn diện nhất từ trước tới nay.

Với năng lực tốt về cung, cùng với quá trình mở cửa hội nhập sâu rộng, Việt Nam đã từng bước khẳng định vị trí trên thị trường nông lâm thủy sản toàn cầu; vươn lên trở thành một nhà cung cấp lớn trên thị trường nông sản thế giới về quy mô và phạm vi thương mại. Tiêu biểu như trong bối cảnh thị trường thế giới năm 2018 có nhiều biến động: chiến tranh thương mại Mỹ – Trung; sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường nông sản lớn, như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc … nhưng nông nghiệp Việt Nam đã vượt lên khó khăn và duy trì tốc độ phát triển ấn tượng. Hàng hóa nông sản của Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu, có mặt tại 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường chất lượng cao, như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc…

Nếu như năm 1986, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành Nông nghiệp chỉ đạt 486,2 triệu USD; năm 2000 đạt 4,2 tỷ USD, thì đến năm 2018 đạt 40,5 tỷ USD. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã đạt 41,3 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; thặng dư thương mại đạt 9,5 – 10 tỷ USD…6. Trong đó, có 10 mặt hàng nông sản kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Điều này khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả. Mặt khác, giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này.

Năm 2020, công tác xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực như: gạo, gỗ, thủy sản, trái cây…, tại các thị trường trọng điểm được đẩy mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 41,2 tỷ USD7. Trong đại dịch thế giới, nông nghiệp Việt Nam không chỉ bảo đảm an ninh lương thực trong nước mà còn hỗ trợ tích cực nhiều quốc gia…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp vẫn chưa bảo đảm bền vững. Thách thức về thiên tai, dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn. Một số nội dung chưa đạt mục tiêu đề ra… Cơ sở hạ tầng của ngành Nông nghiệp còn yếu. Thu nhập và đời sống người dân nông thôn còn thấp so với khu vực thành thị.

Công tác dự báo cung cầu thị trường các mặt hàng nông sản thiết yếu vẫn còn yếu. Tỷ suất lợi nhuận thấp, tình trạng thiếu việc làm tương đối nghiêm trọng; chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm thiếu ổn định; giá trị bổ sung không cao; đặc biệt, trình độ đổi mới sáng tạo công nghệ còn thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, tăng trưởng có xu hướng giảm. Trong cơ cấu kinh tế toàn ngành, tỷ trọng giá trị nông nghiệp còn lớn; chăn nuôi chưa trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn; thủy sản sau thời gian tăng trưởng nhanh đang có xu hướng chững lại. Đặc biệt, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lại có mức NSLĐ thấp nhất trong các khu vực kinh tế…

Những yêu cầu mới đặt ra và một số kiến nghị

Trong tầm nhìn dài hạn hướng tới một quốc gia thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, khát vọng Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình cao là yêu cầu lớn đặt ra. Để đạt mục tiêu này, từ nay đến năm 2030, tăng trưởng GDP bình quân hằng năm phải đạt từ 7 – 8%. Mặc dù lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh, tăng trưởng kinh tế giữ được ổn định, song còn dưới mức cần thiết để đạt được vị thế của nước có thu nhập trung bình cao; ngược lại, có nguy cơ tiềm ẩn về bẫy thu nhập trung bình. Thách thức đặt ra trong các ưu tiên chính sách là nâng tăng trưởng dài hạn một cách bền vững ở mức trên 7%/năm từ nay đến năm 2030.

Năm 2021 và những năm tiếp theo, tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường: kinh tế tăng trưởng chậm; chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn; xu hướng tăng cường sử dụng hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước gia tăng; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Cùng với sự gia tăng dân số, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới có xu hướng tăng nhưng yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn. Cạnh đó là những khó khăn, thách thức do dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng tại các thị trường xuất khẩu quan trọng của nông, lâm, thủy sản Việt Nam như Trung Quốc, EU, Mỹ, buộc các nước này áp dụng các biện pháp phòng dịch đã gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu…

Cùng với đó là việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA với mức độ hội nhập sâu rộng và toàn diện nhất từ trước tới nay của Việt Nam. Trong “sân chơi” đó, Việt Nam chấp nhận cam kết không bảo hộ và tuân thủ hầu hết các tiêu chuẩn của các quốc gia thành viên và thị trường thế giới. Xu hướng đó đòi hỏi nông nghiệp Việt Nam phải chấp nhận cạnh tranh và tuân thủ tiêu chuẩn thị trường trong cả ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.

Ở trong nước, năm 2020 và những  năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp xác định tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Chuỗi số liệu tăng trưởng GDP, tỷ lệ tăng sản phẩm nông nghiệp và kim ngạch xuất khẩu nông sản từ những năm đầu đổi mới đến nay cho thấy, nông nghiệp đã trở thành “bệ đỡ” của nền kinh tế trước biến động khó lường của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều ngành hàng nông sản của Việt Nam hiện vẫn còn dựa vào lao động giản đơn; quy mô sản xuất nhỏ với lợi thế so sánh thấp; xuất khẩu ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp và lợi ích thu được không cao. Việt Nam có vị trí địa lý nằm trong khu vực chịu tác động lớn của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phát triển sản xuất nông nghiệp hàm chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững… Tình trạng mưa đá ở phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra phổ biến ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; khô hạn gay gắt ở các tỉnh Tây Nguyên… tác động tiêu cực tới năng suất, sản lượng một số ngành hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như lúa gạo, trái cây, cà phê, hồ tiêu, cao su.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, xét trên bình diện chung, vị thế của ngành Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng thông qua cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản thế giới. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), CTTPP, EVFTA, các cơ chế khác, rộng hơn là WTO tăng mạnh. Cùng với đó là việc mở rộng thị trường nội địa, nông sản Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều phân khúc thị trường; đặc biệt thông qua các thị trường trung gian, nông sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các cam kết trong AEC, EVFTA… cùng với những cơ chế đã và đang tiếp tục được ký kết sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Trước thực trạng đó, để phát triển nông nghiệp Việt Nam hiệu quả, ứng phó thành công trước những biến đổi bất ổn của thị trường toàn cầu và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nông nghiệp Việt Nam cần hướng vào việc gia tăng giá trị, nâng cao hiệu suất và đổi mới sáng tạo; đặc biệt chú trọng nghiên cứu xu hướng thị trường, đưa sản xuất gắn với tiêu thụ.

Năm 2021, toàn ngành cần tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; xây dựng nông thôn mới nhằm “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh, văn minh, nông dân giàu có”. Phấn đấu đạt một số chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 2,7 – 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản từ 2,8 – 3,1%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 42 tỷ USD8.

Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; chú trọng tạo lập môi trường thuận lợi cho hình thành có hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương; tiếp tục tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất và chế biến nông sản, tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ; đa dạng hóa thị trường cả trong nước và xuất khẩu; đầu tư phát triển nhân lực trong nông nghiệp.

Thực hiện quy hoạch nông nghiệp theo hướng dựa vào thị trường mở, không nên cố định diện tích lúa mà theo hướng bảo tồn diện tích đất nông nghiệp; đồng thời, cần dựa trên tín hiệu thị trường, quy hoạch lại các vùng sản xuất, nuôi trồng thích hợp, tổ chức sản xuất điều phối theo nhu cầu của thị trường, chú trọng nhu cầu/tín hiệu thị trường xuất khẩu. Thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp cả trong mục tiêu trung hạn và dài hạn để có chiến lược bảo tồn và sử dụng đất nông nghiệp.

Là một trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, nông nghiệp Việt Nam đứng trước nguy cơ lớn hơn so với nhiều nước trong khu vực. Để chuẩn bị ứng phó kịp thời, các nội dung/tác động của biến đổi khí hậu phải được lồng ghép đầy đủ vào công tác hoạch định chính sách, dành những ưu tiên cho các dự án đầu tư xanh và giải pháp thông minh trong cải thiện, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cần tập trung nâng cao năng lực quản lý và ứng phó rủi ro liên quan đến thời tiết và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cũng như các rủi ro về thị trường. Thay đổi phương pháp canh tác và lựa chọn giống phù hợp với các vùng đất có những biến đổi khác nhau về khí hậu. Xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển để có thể giải quyết được những thách thức mới nảy sinh của quá trình biến đổi khí hậu.

Chú thích:
1. Báo cáo rà soát nông nghiệp và lương thực của OECD với chủ đề: Chính sách nông nghiệp Việt Nam, 2015.
2, 4. Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019, triển khai kế hoạch công tác năm 2020 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2018 của Tổng cục Thống kê.
5, 7, 8. Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 24/12/2020.
6. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2019 của Tổng cục Thống kê.

TS. Bùi Kim Thanh – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
TS. Tạ Đức Thanh – Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Thương mại