Sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị qua thực tiễn tỉnh Long An

(Quanlynhanuoc.vn) – Việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan địa phương theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW đã khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Kết quả, mô hình đang triển khai, những bài học sẽ là những kinh nghiệm cần được tổng kết đánh giá để tìm ra những mô hình, cách thức phù hợp, mang tính hệ thống góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh Long An nói riêng và các địa phương trong thời gian tới.

 

Người dân làm thủ tục, giấy tờ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Long An thuận lợi hơn trước (nguồn: https://nhandan.com.vn).
Công tác triển khai quán triệt Nghị quyết

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các Kế hoạch của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội, Tỉnh ủy Long An đã xây dựng và ban hành Đề án số 02-ĐA/TU ngày 29/12/2017 về việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Long An theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng, ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 02/02/2018 triển khai thực hiện đề án của Tỉnh ủy và kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trên cơ sở đề án, kế hoạch của tỉnh, các cấp ủy địa phương, lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện.

Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để học tập, nghiên cứu, quán triệt đề án, kế hoạch. Chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn tổ chức quán triệt đến các cấp ủy và tổ chức đảng và toàn thể cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên bằng các hình thức phù hợp gắn với xây dựng đề án, nghị quyết ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Các cấp ủy, tổ chức đảng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung cơ bản của đề án, nhất là nội dung liên quan đến các cấp cơ sở. Qua đó, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động.

Kết quả thực hiện sắp xếp bộ máy tổ chức theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quyết định, hướng dẫn.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Đảng đoàn Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, Ban cán sự Đảng ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh và các cơ quan liên quan sửa đổi và bổ sung các chế độ, chính sách liên quan đến thực hiện đề án, như: Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 của HĐND tỉnh về chế độ kiêm nhiệm cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, ấp, khu phố; Nghị quyết 01/NQ-HĐND, ngày 12/3/2019 của HĐND tỉnh quy định chế độ hỗ trợ thôi việc do sắp xếp tổ chức bộ máy cấp xã theo Đề án số 02-ĐA/TU ngày 29/12/2017 của Tỉnh ủy và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh… Đồng thời, các cơ quan, đơn vị rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đơn vị mới sau khi sắp xếp bộ máy để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp tổ chức bộ máy…

Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy1.

Một là, giảm đầu mối. Thực hiện cơ cấu lại tổ chức, nhân sự, rà soát lại các đơn vị có chức năng và nhiệm vụ tương đồng, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Kết quả giảm 122 đầu mối, gồm: 5 đầu mối cấp tỉnh tương đương cấp sở, 117 đầu mối cấp phòng và tương đương.

Hai là, giảm số lượng lãnh đạo, quản lý. Về số lượng lãnh đạo, quản lý đã giảm 3 biên chế cấp trưởng đơn vị cấp tỉnh; 72 trưởng phòng và tương đương; 137 phó trưởng phòng và tương đương.

Ba là, giảm biên chế. Tính đến ngày 03/01/2020, khối cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị – xã hội cấp tỉnh, huyện giảm 129 biên chế; khối cơ quan chính quyền giảm 177 công chức.

Bốn là, thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tỉnh. Tỉnh chủ động hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND tỉnh thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND tỉnh kể từ ngày 01/3/2019. Qua đó, đã giảm 2 đơn vị cấp tỉnh, 2 cấp trưởng.

Năm là, thực hiện kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu. Tỉnh đã thực hiện mô hình kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố gồm: Trưởng ban Tổ chức cấp ủy đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ cấp huyện; Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra cấp ủy đồng thời là Chánh Thanh tra cấp huyện; Trưởng ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện; Trưởng Ban Tuyên giáo cấp ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Sáu là, mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND các cấp và bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, xã. Cấp tỉnh: 8/15 huyện, thị xã, thành phố (gồm thành phố Tân An, các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành) và 124/192 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình Bí thư đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND các cấp. Có 46/192 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình Bí thư đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã (cấp huyện chưa thực hiện mô hình này).

Bảy là, sắp xếp lại chức danh không chuyên trách cấp xã. Tính đến ngày 10/12/2019, số lượng cán bộ không chuyên trách cấp xã hiện có là 1.295 người (trung bình mỗi xã bố trí còn 6,74 người, theo quy định Đề án 2 từ 5 – 7 người tùy từng loại xã). So với trước khi thực hiện đề án, giảm 2.589 người. Hiện có 150 xã, phường, thị trấn bố trí theo Đề án từ 5 – 7 người và có 6 huyện đã hoàn thành việc sắp xếp.

Tám là, sắp xếp lại các chức danh ở ấp, khu phố. Tính đến ngày 30/10/2019, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố là 3.661 người được hưởng chế độ phụ cấp từ nguồn ngân sách nhà nước, so với số lượng quy định là 5.190 người (giảm 1.529 người) và so với số lượng trước khi thực hiện đề án là 9.342 người (giảm 5.681 người). Do thực hiện việc bố trí 5 chức danh không chuyên trách ở ấp, khu phố và thực hiện bố trí kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách nên mỗi ấp, khu phố chỉ có từ 3 – 4 người hoạt động không chuyên trách áp dụng đối với chức danh: Bí thư chi bộ ấp, khu phố; Trưởng ấp hoặc Trưởng khu phố; Trưởng Ban công tác mặt trận ấp, khu phố.

Chín là, tổ chức lại Đảng bộ khối cơ quan và Đảng bộ khối Doanh nghiệp tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng, ban hành Đề án số 04-ĐA/TU ngày 07/6/2018 về sáp nhập Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh thành Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh. Sau khi có Kết luận số 34-KL/TW ngày 07/8/2018 của Bộ chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 1508-QĐ/TU ngày 24/10/2018 về việc hợp nhất Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh thành Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đi vào hoạt động kể từ ngày 01/11/2018.

Nhìn chung, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy với quyết tâm chính trị cao và đạt được kết quả tích cực. Các nội dung của Đề án về cơ bản thực hiện bảo đảm theo tiến độ, lộ trình đề ra; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được tinh gọn, hoạt động ổn định, có hiệu quả. Trong đó, đã giảm đầu mối, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) theo vị trí việc làm gắn thực hiện tinh giản biên chế; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác được quy định cụ thể, rõ ràng, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo.

Những khó khăn, hạn chế trong triển khai Nghị quyết

Bên cạnh những thành công và kết quả đạt được khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW vẫn còn gặp những khó khăn, bất cập. Cụ thể:

Thứ nhất, về phía địa phương.

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, người lao động có lúc, có nơi chưa được chú trọng thường xuyên nên trong triển khai thực hiện còn lúng túng. Một số nơi cơ cấu lại đội ngũ CBCC chưa phù hợp với vị trí việc làm; sau sắp xếp còn lúng túng trong xây dựng chức năng, nhiệm vụ và quy chế hoạt động. Các địa phương thực hiện sắp xếp cán bộ không chuyên trách cấp xã tuy bảo đảm về số lượng theo quy định nhưng chức danh kiêm nhiệm chưa đồng bộ, thống nhất. Người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố cầm chừng, hiệu quả hoạt động không cao, phong trào đi xuống. Việc giải quyết chế độ nghỉ chính sách đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã chưa kịp thời.

Thứ hai, về sự chỉ đạo của trung ương.

Văn bản quy phạm pháp luật chưa được Chính phủ ban hành đồng bộ để quy định, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản liên quan đến công tác quản lý trên các lĩnh vực tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương nên địa phương chưa có cơ sở để tổ chức thực hiện. Việc thí điểm mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm một số chức danh còn khác nhau, chưa chờ hướng dẫn chung. Chế độ, chính sách cho các vị trí kiêm nhiệm, đối tượng tinh giản biên chế chưa có hướng dẫn cụ thể từ trung ương dẫn đến tình trạng các địa phương phải chờ sự chỉ đạo của trung ương.

Sở dĩ có những khó khăn, bất cập trên là do một số nguyên nhân, như: (1) Thiếu cơ sở pháp lý cho các địa phương trong việc xác định các đơn vị chuyên môn để làm căn cứ quyết định thành lập, hợp nhất, sáp nhập hoặc không thành lập. (2) Công tác quán triệt nghị quyết ở một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thường xuyên, chưa quyết liệt, thiếu kiểm tra, giám sát; một số cơ quan chưa chủ động tham mưu đề xuất giải pháp, còn trông chờ cấp trên chỉ đạo. (3) Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính còn mang tính cơ học, thiếu căn cứ khoa học. (4) Chế độ đối với công chức sau khi sáp nhập chưa được hướng dẫn cụ thể theo quy chế Đảng hay cơ quan chính quyền. (5) Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên. (6) Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hệ thống tổ chức nhà nước còn hạn chế.

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc sắp xếp bộ máy tổ chức tại Long An

Về phía địa phương

Một là, tiếp tục thực hiện các nội dung Đề án số 02-ĐA/TU đề ra; tập trung rà soát cơ cấu lại CBCC theo vị trí việc làm gắn với thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình; rà soát xây dựng lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan đơn vị mới được sắp xếp.

Hai là, tập trung thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt chuẩn theo quy định, bảo đảm thời gian, lộ trình theo Kết luận số 497-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với sắp xếp cán bộ cấp xã nhiệm kỳ tới bảo đảm dân chủ, khách quan, phù hợp với năng lực cán bộ.

Ba là, triển khai thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố phù hợp với tình hình địa phương. Theo đó, có cơ chế, chính sách thống nhất về số lượng, chức danh, chế độ phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm, khoán kinh phí hoạt động… nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cấp cơ sở. Rà soát, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách và kinh phí hoạt động cho Mặt trận Tổ quốc, các chi hội, đoàn thể ở ấp, khu phố thực hiện theo Đề án 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy.

Bốn là, chủ động nghiên cứu, sắp xếp cán bộ không chuyên trách ở cấp xã phù hợp với năng lực, sở trường và kinh nghiệm của từng cán bộ gắn với đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ.

Năm là, phát huy vai trò của người đứng đầu, tăng cường công tác phối hợp, chú trọng đến việc nhân rộng mô hình, cách làm, sáng tạo, hiệu quả.

Về phía Trung ương

Cần hoàn thiện đồng bộ về mặt pháp lý, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phân định rõ về các cấp quản lý tổ chức bộ máy, số lượng đầu mối, nhân sự… đối với mô hình chính quyền đô thị, nông thôn, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, hải đảo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, lắng nghe các ý kiến phản hồi đóng góp của người dân, CBCC và các địa phương. Tổng kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm về các mô hình triển khai có hiệu quả để làm điển hình, nhân rộng. Đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đồng thời, ứng dụng các nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm của các nước phù hợp với thực tiễn của Việt Nam trong tham mưu chính sách, mô hình tổ chức bộ máy, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

Chú thích:
1. Báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU ngày 03/01/2020 của Tỉnh ủy Long An, 2 – 7.

PGS.TS. Nguyễn Thị Vân Hương
Học viện Hành chính Quốc gia