Quản lý nhà nước về nông nghiệp của tỉnh Oudomxay, nước CHDCND Lào

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước CHDCND Lào, chính quyền tỉnh Oudomxay chú trọng phát triển kinh tế – xã hội trên toàn tỉnh, các ngành nghề, lĩnh vực đều có bước phát triển mới. Trong đó, lĩnh vực nông – lâm nghiệp vẫn được xem là chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh.

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachit khẳng định tại Lễ mít-tinh kỷ niệm lần thứ 45 Quốc khánh nước CHDCND Lào (2-12-1975 – 2-12-2020): diện mạo của đất nước đã thay đổi nhanh chóng, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc (https://nhandan.com.vn).

 Điều kiện tự nhiên của tỉnh Oudomxay

Tỉnh Oudomxay nằm phía Tây Bắc nước CHDCND Lào, có diện tích 15.370 km2 và đường biên giới dài 15 km với Trung Quốc.

Địa hình của Oudomxay chủ yếu là núi non hiểm trở. Độ cao dao động từ 300m – 1.800m so với mực nước biển. Có đến 60 dòng sông lớn nhỏ chảy qua; khí hậu gió mùa điều hòa, lượng mưa hằng năm khoảng 1.900 mm – 2.600 mm1.

Oudomxay có tài nguyên thiên nhiên phong phú; diện tích rừng lớn với nhiều loại thú quý hiếm; có hạ tầng khá, tạo sự thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Tỉnh Oudomxay bao gồm có 7 huyện, trong đó có 2 huyện nghèo nhất (huyện Nga và huyện Pak Beng), còn 5 huyện khác có điều kiện phát triển khá tốt, đời sống dân cư ổn định2.

Những kết quả và hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp của tỉnh Oudomxay

Tỉnh đã chủ động tập trung chỉ đạo thực hiện công tác lập quy hoạch; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình; xây dựng và thực hiện các đề án, dự án, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các cấp ủy, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể ở từng huyện, từng đơn vị trực thuộc.

Với các kế hoạch trong 5 năm, 10 năm và tầm nhìn đến năm 2030 đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, trong đó, nổi bật lên là việc quy hoạch phát triển vùng sản xuất các sản phẩm nông sản có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực liên quan đến dịch vụ nông nghiệp đã tích cực triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh, trên cơ sở những định hướng và ưu đãi của chính quyền địa phương trong phát triển vùng nhiên liệu nông nghiệp.

Các cấp chính quyền tỉnh Oudomxay triển khai xây dựng kế hoạch phát triển và bảo vệ rừng, đặc biệt là các khu rừng đặc dụng, các khu rừng còn giữ được vẻ hoang sơ, bảo đảm môi trường sinh thái được cân bằng và phát triển bền vững. Tỉnh đã xây dựng Đề án giao đất, khoán rừng tự nhiên gắn với giao trách nhiệm đối với các hộ gia đình, các công ty (hay còn gọi là chủ rừng) để bảo đảm đúng đối tượng, trách nhiệm trong việc chăm sóc, phát triển và bảo vệ cảnh quan, bảo vệ rừng. Từ đó, chủ động sản xuất – kinh doanh và bảo vệ rừng, bảo vệ và bồi đắp đất được giao có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan QLNN về nông – lâm – nghiệp trong tỉnh.

Đồng thời với đó là việc ban hành văn bản chính sách về nông nghiệp luôn được chú trọng. Từ đó hình thành nên hành lang pháp lý và môi trường lành mạnh để thúc đẩy sản xuất, quản lý các vấn đề trong nông nghiệp ở địa phương. Các chính sách về khuyến khích đầu tư, ưu đãi trong thuê đất và tín dụng; ưu tiên, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; hướng nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích hoạt động đào tạo nghề cho nông dân; thực hiện chính sách xã hội, cải thiện đời sống nhân dân… sẽ tạo động lực cho nông nghiệp phát triển toàn diện, bảo đảm sự phát triển nông nghiệp hài hòa và phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Các chính sách phát triển nông nghiệp, như: chính sách phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả, phát triển vùng nuôi cá nước ngọt có chất lượng, vùng chăn nuôi bò lấy thịt, chăn nuôi gà, vịt,… được tỉnh triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện trên thực tế đã mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao. Qua đó, mang lại diện mạo mới trong đời sống của người dân, cư dân nông thôn có tích lũy về vật chất, tạo ra được nhiều sản phẩm hàng hóa nông sản chất lượng… Từ đó, các vấn đề về xã hội như chăm sóc sức, y tế, văn hóa, giáo dục được nâng lên rõ nét.

Các chính sách về phát triển khoa học – công nghệ trong nông nghiệp cũng được tỉnh quan tâm và là đối tượng ưu tiên hàng đầu. Nhờ việc áp dụng khoa học – công nghệ đã hỗ trợ chương trình phát triển về giống về cây, con giống để cho năng suất và chất lượng cao, rút ngắn thời gian gieo trồng, chăn nuôi, mang lại hiệu quả thiết thực trong thâm canh tăng vụ, tăng chất lượng thịt đàn gia cầm, gia súc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có chính sách đầu tư, thúc đẩy phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông trong tỉnh, bảo đảm đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản và các hàng hóa khác được thuận lợi trong tỉnh và với các tỉnh lân cận.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực QLNN về nông nghiệp cũng được triển khai thường xuyên, như: thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về quản lý rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên rừng, giống cây lâm nghiệp, dịch vụ môi trường rừng thuộc phạm vi quản lý của Sở Nông – Lâm nghiệp tỉnh và các nội dung khác theo quy định…

Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong QLNN về nông nghiệp thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, như: chưa có sự thống nhất trong việc xác định vị trí, vai trò của ngành nông nghiệp trong tổng thể nền kinh tế, thể hiện qua sự đánh giá khác nhau về vai trò, vị trí của sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, dẫn đến nhiều bất cập trong hoạch định và thực thi các chính sách phát triển nông nghiệp thời gian qua, nhất là chính sách đầu tư cho phát triển nông nghiệp.

Quy hoạch phân bổ tài nguyên (đất đai, nguồn nước…) phục vụ phát triển nông nghiệp còn chưa hợp lý, chưa hướng tới thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Tình trạng quy hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản liên tục bị phá vỡ tạo ra tình trạng hỗn loạn trong sản xuất, hao phí vốn đầu tư của người nông dân, gây khó khăn cho đời sống của họ, đặc biệt là đối với người nông dân ở những vùng còn nhiều khó khăn.

Tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản còn phân tán, thể hiện ở kết cấu hạ tầng tại các địa phương trong toàn tỉnh sản xuất tập trung chưa phát triển; quy mô đất đai còn nhỏ bé; các hợp tác xã và tổ chức kinh tế hợp tác chưa phát triển được nhiều hoạt động dịch vụ; hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước ở lĩnh vực nông nghiệp còn yếu kém, trong khi các doanh nghiệp tư nhân lại chưa phát triển, tính liên kết trong sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế…

Một số kiến nghị mang tính giải pháp

Để đẩy mạnh sự phát triển nông nghiệp ở tỉnh Oudomxay, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Quy hoạch sản xuất phải gắn với công nghiệp chế biến và bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đồng thời phải gắn với một kết cấu hạ tầng đồng bộ. Bên cạnh đó, phát huy ưu thế của tỉnh về sản xuất nông nghiệp làm động lực phát triển kinh tế – xã hội hiệu quả và vững bền. Lấy việc cơ cấu ngành Nông nghiệp làm trọng tâm trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển đóng vai trò định hướng, chiến lược trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh nói riêng và của Nhà nước nói chung. Có một chiến lược quy hoạch, kế hoạch khoa học, hợp lý, sát với tình hình và điều kiện cụ thể của địa phương sẽ là động lực, là nhân tố cơ bản giúp định hình và phát triển sản xuất theo định hướng.

Thứ hai, tăng cường QLNN về đất đai, giống, chất lượng nông sản.

Với sự đổi mới về tư duy, đổi mới về chính sách phát triển trong nông nghiệp, đặc biệt là các chính sách về đất đai, về vốn, về giống về chất lượng hàng hóa nông sản,… là những nội dung quan trọng, thúc đẩy hoặc kìm hãm phát triển sản xuất. Để bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng phát triển trong nông nghiệp, cần phải tăng cường hơn nữa công tác QLNN về phát triển nông nghiệp, trong đó chú trọng cải cách về đất đai, tập trung ruộng đất để hình thành nên các vùng chuyên canh, mạnh dạn giao đất, khoán rừng, tạo cho chủ rừng có những quyền và giao trách nhiệm để họ quản lý, phát triển theo sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, cần quản lý chặt về phân bổ giống cây trồng, vật nuôi bảo đảm cung cấp tới người dân những sản phẩm có chất lượng và năng suất cao. Từ đó chất lượng nông sản sẽ được bảo đảm, Nhà nước cần đưa ra những tiêu chí, những chuẩn mực về chất lượng sản phẩm để đánh giá khách quan theo tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng hàng nông sản.

Thứ ba, hoàn thiện tổ chức bộ máy QLNN về nông nghiệp.

Để tăng cường công tác QLNN đối với nông nghiệp, cơ cấu tổ chức của cơ quan QLNN phải được sắp xếp hợp lý, gọn nhẹ trên cơ sở xác định chức năng và nhiệm vụ phù hợp. Việc đổi mới cơ cấu tổ chức của các cơ quan nhà nước cung ứng dịch vụ công là yêu cầu tất yếu, bảo đảm các nguyên tắc hoạt động của bộ máy hành chính.

Tổng rà soát và định kỳ rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp nhà nước. Trên cơ sở đó, phân định chức năng QLNN về nông nghiệp và QLNN đối với các lĩnh vực khác; xóa bỏ tình trạng chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Tiếp tục thực hiện phân cấp hợp lý giữa UBND tỉnh cho các cơ quan chuyên môn và UBND huyện; bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện có hiệu quả thẩm quyền được phân cấp.

Thứ tư, nâng cao trình độ cán bộ, công chức làm công tác QLNN về nông nghiệp.

Trước mắt, tạo các chương trình bồi dưỡng, tập huấn ngắn ngày để giúp cho đội ngũ này cập nhật những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, của tỉnh trong phát triển nông nghiệp. Tổ chức các lớp bồi dưỡng về kiến thức QLNN, các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ tổ chức và hướng dẫn người dân, tuyên truyền phổ biến, tạo lập được đội ngũ cán bộ, công chức giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, giàu kinh nghiệm, kiến thức về QLNN. Từ đó chính họ lại là những cán bộ, những chuyên gia nông nghiệp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong tuyên truyền, phổ biến tốt hơn.

Về lâu dài cần có chiến lược quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng tạo lập cán bộ nguồn cho ngành Nông nghiệp của tỉnh. Các biện pháp như xây dựng quy trình, quy hoạch, tổ chức cử đi đào tạo, tập huấn ở các nước có nền nông nghiệp phát triển và đang phát triển (có sự tương đồng với Lào) như ở Nhật Bản, Việt Nam,… để học tập về kinh nghiệp tổ chức quản lý nhà nước, tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, học tập về mô hình, cách thức,… Điều này sẽ tạo sự mới mẻ trong phát triển nông nghiệp của địa phương, trực tiếp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý giỏi trong tương lai.

Thứ năm, thúc đẩy hợp tác quốc tế và kêu gọi đầu tư để phát triển sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh Oudomxay nói chung và các đơn vị, sở, ngành trong tỉnh nói riêng cần chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào tỉnh, tranh thủ ngoại lực vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh cần tranh thủ vốn, khoa học – kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý của nước ngoài vào các ngành nghề, lĩnh vực ở tỉnh. Bởi đây sẽ là những yếu tố có sức mạnh và sự tác động vượt bậc để giúp cho nền nông nghiệp có sự bứt phá lớn trong thời gian ngắn. Đồng thời, khi kêu gọi đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài có thể tranh thủ được những lợi thế của địa phương về nguồn tài nguyên thiên nhiên, về nguồn nhân công giá rẻ, chi phí thuê đất đai, nhà xưởng có nhiều ưu đãi,… trên cơ sở hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Muốn thực hiện được điều đó thì các cấp chính quyền tỉnh, đặc biệt là lãnh đạo Sở Nông – Lâm nghiệp cần phải khẩn trương, chủ động đề xuất phương án, chương trình, đề xuất chính sách, chủ trương để kêu gọi đầu tư trong nông nghiệp. Quảng bá về hình ảnh tỉnh Oudomxay trong và ngoài nước, vừa tìm kiếm cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào tỉnh, vừa tìm thị trường giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông sản của địa phương.

Thứ sáu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động QLNN về nông nghiệp.

Để công tác QLNN về nông nghiệp ở tỉnh Oudomxay được tiến hành thuận lợi, mang lại hiệu quả cao thì cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong các hoạt động nông nghiệp diễn ra trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở phối hợp với Thanh tra tỉnh tổ chức thanh tra liên ngành tại các huyện, các bản, các công trình thủy lợi, các trang trại chăn nuôi,… Đồng thời, trực tiếp giám sát trở lại đối với đội ngũ cán bộ, công chức để uốn nắn và điều chỉnh hành vi, thái độ của họ trong công tác QLNN đối với nông nghiệp, trong việc cung ứng các dịch vụ công trong nông nghiệp cho nhân dân và tổ chức.

Chú thích:
1. Niên giám thống kê tỉnh Oudomxay năm 2018.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường. Báo cáo tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Oudomxay, ngày 22/6/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng bộ tỉnh Oudomxay (2015). Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Oudomxay lần thứ XV.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Oudomxay. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2017, phương hướng và nhiệm vụ năm 2018.
3. Sở Nông – Lâm nghiệp Oudomxay (2017). Báo cáo kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Oudomxay lần thứ XIV.

Phonethachit Southivong
NCS K13 của Học viện Hành chính Quốc gia