Truyền thông đa kênh thu hút sự tham gia của người dân vào hoạt động quản trị địa phương ở Hàn Quốc  

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết giới thiệu kinh nghiệm của Hàn Quốc (đặc biệt là chính quyền thành phố Seoul) trong việc sử dụng truyền thông đa kênh nhằm thu hút sự tham gia của người dân vào quản trị địa phương. Trên cơ sở đó, rút ra những kinh nghiệm cho Việt Nam đối với việc áp dụng một số mô hình truyền thông đa kênh trong thu hút sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay.

 

KBS – Một trong những đài truyền hình lớn nhất ở Hàn Quốc (Ảnh: TL)

Quản trị nhà nước trong thời đại ngày nay không chỉ là công việc của riêng nhà nước mà cần có sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, trong đó vai trò của người dân là vô cùng quan trọng. Lý thuyết quản trị tốt khẳng định: “Thu hút sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước được coi là một yếu tố cốt lõi của quản trị tốt”1.

Mô hình truyền thông đa kênh trong tương tác giữa chính quyền và người dân của Hàn Quốc

Hàn Quốc là quốc gia nằm ở khu vực châu Á với thể chế chính trị dân chủ tư sản. Là một quốc gia tăng trưởng kinh tế nhanh, sau 40 năm có tốc độ tăng trưởng bình quân 7,6%, Hàn Quốc đã trở thành nền kinh tế đứng thứ ba châu Á và thứ 13 thế giới. Sản phẩm công nghiệp của Hàn Quốc chinh phục người tiêu dùng trên toàn cầu. Ngay từ năm 2014, Hàn Quốc đã đạt GDP bình quân đầu người 32.400 USD, gấp 14 lần Việt Nam2.

Có được những thành tựu trên là do Hàn Quốc đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), sử dụng một cách linh hoạt phương tiện truyền thông đa kênh (TTĐK) trong kết nối và thu hút sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước.

Theo đó, để tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước, Chính phủ Hàn Quốc đã nghiêm túc thiết lập chính phủ điện tử vào giữa những năm 80 của thế kỷ XX. Đến năm 2002 được xác định là thời kỳ cung cấp cơ sở chính phủ điện tử. Nhờ đó, Hàn Quốc đạt được tốc độ thâm nhập internet cao nhất thế giới cùng với mức dịch vụ chính phủ điện tử cao thứ 23. Với cơ sở nền tảng về CNTT này, các chính quyền địa phương đã xây dựng những phương thức quản trị có sự tham gia của người dân thông qua CNTT, trong đó thiết lập Mô hình TTĐK (multi-channel communication) để tương tác với người dân.

Tại thành phố Seoul – Thủ đô của Hàn Quốc, mô hình TTĐK (multi-channel communication) được vận hành từ tháng 10/2011 đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong mối quan hệ giữa người dân và chính quyền thành phố. Người dân không còn đóng vai trò thụ động mà đã chủ động tham gia, trở thành đối tác trong việc tạo ra nhiều giải pháp sáng tạo cho các vấn đề của thành phố. Ở đây, mô hình TTĐK được hiểu là việc áp dụng cả kênh truyền thông trực tuyến và kênh truyền thông ngoại tuyến vào hỗ trợ hoạt động quản lý của chính quyền và người dân. Kênh truyền thông trực tuyến bao gồm: trang web chính thức của chính quyền thành phố (Hope Seoul: www.Seoul.go.kr); kênh truyền hình trực tuyến các hoạt động của thành phố (Live – Seoul: tv.seoul.go.kr); trang thông tin về sự tham gia của công dân (Seoul Talk Talk: inews.seoul.go.kr); Văn phòng Thị trưởng trực tuyến (Online Mayor Office: Mayor seoul.go.kr)….

Kênh truyền thông ngoại tuyến bao gồm:  Diễn đàn Cheong Chek (tổ chức hội thảo để thiết kế và phát triển một chương trình hoặc chính sách mới); thảo luận Suk Ui (thảo luận giữa chính quyền và chuyên gia, lãnh đạo các tổ chức dân sự để tuyên truyền và chấp thuận chính sách); Văn phòng Thị trưởng di động (Thị trưởng và các công chức đến tận nơi phát sinh vụ việc để lắng nghe trực tiếp và giải quyết trực tiếp vấn đề phát sinh)…

Với các công cụ và chương trình truyền thông trực tuyến cũng như ngoại tuyến, chính quyền khuyến khích công dân bày tỏ ý kiến của mình bằng cách chia sẻ trên các kênh truyền thông. Chính quyền thành phố sở hữu các phương tiện truyền thông khác nhau, bao gồm các trang web, đài phát thanh, bảng quảng cáo, không gian quảng cáo tàu điện ngầm/xe buýt… và sử dụng chúng để thông báo, quảng bá công việc của chính quyền cho công dân. Hiện nay, khoảng 30% trong số các phương tiện truyền thông này dành cho công dân. Công dân có thể sử dụng các kênh đó để quảng bá các hoạt động xã hội của họ. Có nhiều cơ hội cho người dân đóng góp những bài viết, hình ảnh hoặc video trên các trang web như Seoul Talk Talk…4.

 Một số mô hình truyền thông đa kênh được áp dụng thành công ở Hàn Quốc

 Trung tâm Truyền thông Xã hội (Social Media Center – SMC)

Trung tâm Truyền thông Xã hội chịu trách nhiệm tập trung và điều phối thông tin do công dân gửi đến thông qua các kênh khác nhau như: Twitter, Facebook và MeToday. Ngoài ra còn một số trang web thông báo hoạt động của chính quyền với công dân nhằm mục đích bảo đảm giao tiếp nhanh hơn và hiệu quả hơn. Với một trung tâm tập trung, thành phố Seoul có thể xử lý số lượng lớn các thông điệp nhận được của công dân thông qua 44 tài khoản khác nhau. Chính quyền thành phố đã rút ngắn quá trình xử lý thư bằng cách tự động thu thập tất cả các tin nhắn nhận được thông qua 44 tài khoản5. Trung tâm Truyền thông Xã hội hoạt động như một hệ thống tập trung kênh dẫn các thông điệp liên quan đến các nhóm thích hợp, nhận phản hồi từ các đội đó và gửi phản hồi tới công chúng thông qua các tài khoản khác nhau của các đội liên quan.

 Diễn đàn Cheong-Chek

Diễn đàn Cheong – Chek là một kênh truyền thông ngoại tuyến, với nhiệm vụ tổ chức hội thảo để thiết kế và phát triển một chương trình, chính sách mới. Đây cũng là một kênh truyền thông hiệu quả của chính quyền Seoul. Diễn đàn cởi mở đối với mọi công dân về nguyên tắc và nỗ lực đáng kể trong việc quảng cáo thông qua các kênh truyền thông trực tuyến khác nhau và mời các nhóm người dân được quyền (dựa trên chủ đề đã chọn). Toàn bộ quá trình được phát sóng trực tiếp qua trang web “Live Seoul”, tài khoản Twitter của chính quyền và trang Facebook. Diễn đàn thường kéo dài 100 phút và có thể chạy ở các định dạng khác nhau như World Café hoặc TED, trình bày theo phong cách với phần “Hỏi và Đáp”. Thị trưởng ngồi cùng với người dân, lắng nghe những ý tưởng, đề xuất của họ và chia sẻ suy nghĩ của mình vào cuối mỗi diễn đàn.

Khi Diễn đàn kết thúc, tổ chức biên dịch các đề xuất từ Diễn đàn và thành lập một ủy ban bao gồm các viên chức thành phố từ các bộ phận có liên quan, đại diện của các nhóm dân sự và các chuyên gia khác để tiếp tục tổ chức các cuộc thảo luận chính thức cho đến khi những gợi ý của công dân được thực hiện trên thực tế. Thông thường, phải mất từ hai tháng đến một năm để có được những gợi ý. Trong khoảng thời gian này, các cán bộ chính quyền xuất bản một báo cáo tiến độ hai tuần một lần trên trang web Diễn đàn và chia sẻ thông tin cập nhật với những người tham gia Diễn đàn thông qua dịch vụ nhắn tin văn bản.

Một kết quả quan trọng trong hoạt động của Diễn đàn là tạo ra các cơ quan quản lý công dân mới nhằm phát triển và hỗ trợ các chính sách công. Nhiệm vụ lớn nhất liên quan đến Diễn đàn là tiếp tục báo cáo tiến độ trong khi chính quyền thực hiện các đề xuất của công dân tại Diễn đàn. Nhiệm vụ này yêu cầu chính quyền thành lập nhiều tổ chức cộng đồng, liên tục thu thập phản hồi thông qua các cơ quan và yêu cầu các cơ quan thực hiện một số nhiệm vụ trong việc thực hiện các ý tưởng của công dân.

Văn phòng Thị trưởng di động

Mô hình Văn phòng Thị trưởng di động (Mobile Mayoral Office (MMO) được thực hiện từ tháng 5/2013 và được áp dụng cho 2 loại hình: Văn phòng Thị trưởng di động cho các quận và cho các vấn đề đã chọn. MMO cho một quận hoạt động thường xuyên, trong khi MMO cho một vấn đề đã chọn chỉ hoạt động khi một vấn đề nhất định đã trở thành một cuộc tranh luận xã hội nghiêm trọng6. Đây là sáng kiến giải quyết công việc một cách trực tiếp, tại nơi phát sinh vấn đề và được thiết kế để xác định nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề chưa được giải quyết hoặc các vấn đề ẩn, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp khả thi.

Để đạt được mục tiêu này, những người ra quyết định quan trọng (gồm thị trưởng, các phó thị trưởng, trưởng khu phố, các nghị sỹ và thành viên của hội đồng thành phố và địa phương) sẽ đến tận nơi có vấn đề đang chờ giải quyết và gặp gỡ công dân. Văn phòng Thị trưởng di động sử dụng TTĐK (CCF, Suk-Ui và các công cụ truyền thông trực tuyến khác) trong suốt quá trình hoạt động của một chương trình. Chương trình được phát sóng qua trang web “Live Mobile Mayoral Office 24” và được báo cáo trực tuyến trên Twitter, Facebook. Cuối cùng, một ủy ban quản trị mới sẽ được thành lập để theo dõi và thảo luận các hoạt động sau khi hoàn thành Chương trình. Ủy ban tiếp tục theo dõi các hành động xuất phát từ quá trình này có thực sự được thực hiện hay không.

Những kinh nghiệm cho Việt Nam

Tại Việt Nam, Báo cáo “Việt Nam 2035 – Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” của Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (năm 2016) đã khẳng định một trong ba yếu tố quyết định hiệu lực nhà nước là “sự tham gia rộng rãi của công chúng vào quá trình hoạch định chính sách để bảo đảm sự đồng bộ giữa chính sách và chương trình của Nhà nước với nhu cầu và khát vọng của công chúng”7.

Tuy nhiên, hiện nay, sự tham gia của người dân Việt Nam vào hoạt động quản trị nhà nước nói chung, quản trị tại chính quyền địa phương các cấp nói riêng còn chưa cao mặc dù Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp đã cố gắng áp dụng nhiều cách thức, đặc biệt là việc áp dụng CNTT để tăng cường kết nối, thu hút người dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước. Ví dụ, ở trung ương có Cổng thông tin điện tử của Chính phủ; tài khoản Facebook của Cổng thông tin điện tử Chính phủ: “Thông tin Chính phủ” và “Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia” để cung cấp thông tin một cách kịp thời cho người dân về các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành hoặc các thông tin thời sự chính trị, kinh tế – xã hội…

Ở cấp địa phương, các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có Cổng thông tin điện tử của địa phương mình. Ngoài ra, một số tỉnh như Quảng Ninh đã xây dựng và vận hành trang Facebook DDCI Quảng Ninh và các huyện để tuyên truyền về Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của sở, ngành, quận, huyện (DDCI) cũng như nhiều thông tin khác về chính sách của tỉnh. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sử dụng trang Facebook có tên “Thủ đô Hà Nội – Việt Nam” để cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành của cơ quan này đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên trang mạng xã hội. Thành phố Đà Nẵng 10 năm liền được xếp hạng ở vị trí quán quân về Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông với các trang Facebook như: “Quản lý đô thị Đà Nẵng; “Cảnh sát giao thông Thành phố Đà Nẵng”. TP. Hồ Chí Minh thiết lập “Tổng đài 1022” để kết nối với người dân về các vấn đề liên quan đến sự cố hạ tầng kỹ thuật…8.

Dù vậy nhưng đây chỉ là những ví dụ rất nhỏ của các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng CNTT, đặc biệt là mạng xã hội trong việc kết nối với người dân. Hơn nữa, hiệu quả sử dụng của các kênh truyền thông này cũng chưa cao. Ví dụ, với Facebook “Cổng thông tin Chính phủ” mặc dù được thành lập từ năm 2015, đến nay đã được 5 năm nhưng hiện tại chỉ có 1.224.862 người theo dõi trang này, trong khi số lượng người dùng Facebook ở Việt Nam là khoảng hơn 69.280.000 người dùng9, tức là chỉ có gần 1,8% người dùng facebook ở Việt Nam truy cập Facebook “Cổng thông tin Chính phủ”. Trong khi để bảo đảm sự tham gia thực chất của người dân, cần phải thu hút người dân tham gia vào các vấn đề quan trọng hơn như hoạch định chính sách, pháp luật; tham gia trực tiếp vào các hoạt động cộng đồng hoặc giám sát hoạt động của cán bộ, công chức…

Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc áp dụng mô hình TTĐK, góp phần tạo ra các giải pháp sáng tạo thông qua các loại hình quản trị khác nhau, góp phần tăng cường cam kết và quản lý của người dân, có thể khẳng định, mô hình TTĐK của Hàn Quốc đã cung cấp những bài học quý giá cho Việt Nam và nhiều quốc gia khác đang có kế hoạch tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động quản trị nhà nước và thúc đẩy đổi mới xã hội. Theo đó, để việc áp dụng đạt hiệu quả cao, giảm bớt những trở ngại trên thực tế, cần chú trọng các nội dung sau:

Thứ nhất, cần hoàn thiện hơn nữa việc xây dựng chính phủ điện tử. Sở dĩ Hàn Quốc thành công trong việc sử dụng các kênh TTĐK để tương tác với người dân là do nước này đã xây dựng kết cấu hạ tầng chính phủ điện tử tương đối hoàn chỉnh. Tại Việt Nam, đây là mục tiêu đã được đưa ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025.

Thứ hai, cần thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về cách thức thực hiện quyền lực nhà nước. Cán bộ, công chức phải nhận thức được xu hướng tất yếu của việc minh bạch hóa thông tin, trách nhiệm giải trình và chịu sự giám sát của người dân trong thực thi công vụ, cách thức tổ chức công việc một cách tích cực. Đồng thời, nâng cao mức độ “phản ứng nhanh” của cơ quan nhà nước trước các vấn đề phát sinh trong cuộc sống của người dân, trách nhiệm hơn dưới sự giám sát chặt chẽ của người dân.

Thứ ba, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về vai trò của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước. Phải coi sự tham gia của người dân không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà là quyền của công dân, là nguồn cung cấp thông tin hữu ích phục vụ cho hoạt động quản lý. Do vậy, cán bộ, công chức cần có thái độ tôn trọng người dân, khuyến khích và tôn trọng sự khác biệt trong quan điểm của người dân. Chỉ khi người dân thấy được sự tôn trọng, sự lắng nghe thật sự của chính quyền thì họ mới nhiệt tình tham gia.

Thứ tư, cần xây dựng văn hóa tham gia. Văn hóa tham gia phải được coi là giá trị cốt lõi của mỗi công dân trong xã hội dân chủ. Người dân phải coi việc tham gia vào hoạt động xã hội là một chuẩn mực của con người hiểu biết, hiện đại, sống vì cộng đồng, sống trong nhà nước dân chủ. Từ đó mới thúc đẩy sự tham gia đông đảo của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước.

Chú thích:
1. Vũ Công Giao, Nguyễn Hoàng Anh, Đặng Minh Tuấn, Nguyễn Minh Tuấn. Quản trị tốt – Lý luận thực tiễn. H. NXB Chính trị quốc gia sự thật, 2017, tr. 40.
2. Điều gì làm nên huyền thoại kinh tế Hàn Quốc. http://www.daikynguyenvn.com, ngày 22/12/2018.
3. Promoting Citizen Participation in e-Government – From the Korean Experience in e-Participation. http://unpan1.un.org, ngày 15/02/2019.
4, 5, 6. Seoul City’s Social Innovation Strategy: a model of multi-channel communication to strengthen governance and citizen engagement. https://pdfs.semanticscholar.org, ngày 15/02/2019.
7. Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việt Nam 2035 – Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ. http://vids.mpi.gov.vn, ngày 15/02/2019.
8. Khi người dân và chính quyền “đối thoại” qua mạng xã hội. https://enternews.vn, ngày 19/12/2018.
9. Thống kê Facebook Việt Nam 2020. https://quangcaotructuyen24h.vn, ngày 13/10/2020

TS. Trần Thị Hương Huế
Học viện Hành chính Quốc gia