Khát vọng và đổi mới, sáng tạo vì con người trong văn kiện Đại hội XIII

(Quanlynhanuoc.vn) – Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Lần đầu tiên trong chủ đề của Đại hội và trong các dự thảo báo cáo chính trị đã đề cập đến “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yếu tố “hạnh phúc” của Nhân dân. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi vai trò của Nhân dân và mục tiêu phục vụ Nhân dân được đề cập nhiều trong các văn kiện của Đảng.
Toàn cảnh Đại hội XIII của Đảng (nguồn: baoquocte.vn)
Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhanh, bền vững

Ba đột phá chiến lược (thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng) được nêu lần đầu tiên tại Đại hội XI của Đảng (năm 2011). Hiện nay, trong Văn kiện Đại hội XIII, nội hàm của vấn đề này được phát triển hơn so với nội dung trong Văn kiện Đại hội XI và XII. Chẳng hạn, trước đây xác định chỉ là phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì tại Văn kiện Đại hội XIII đã xác định “hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển”, tức thể chế phát triển cho tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội. Các kỳ đại hội trước chỉ xác định nguồn nhân lực chung, hiện nay xác định rõ ưu tiên nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt. Tương tự, trong đột phá chiến lược về hạ tầng, Văn kiện Đại hội XIII xác định cụ thể ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Việc xác định cụ thể trong Văn kiện đã làm rõ hơn nội hàm của thể chế phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn “bình thường mới” hiện nay và thời gian tới. Tính “bình thường mới” là đất nước sinh sống, hoạt động trong trạng thái đặc trưng bởi cách thức hoạt động, sinh hoạt, giao tiếp xã hội tích cực, chủ động phòng, chống đại dịch Covid-19 và sự hỗ trợ của công nghệ 4.0, mang tính “ảo”, “gián tiếp” nhiều hơn nhưng vẫn phải bảo đảm thuộc tính tự nhiên xã hội sống động, hiện thực trực tiếp nhất của con người và xã hội trong bối cảnh còn có sự  tác động của đại dịch Covid-19 và quá trình  hình thành, phát triển xã hội số (xã hội 5.0) trên nền tảng công nghệ 4.0 và internet.

Trước mắt, Chính phủ không thể kiến tạo ngay lập tức một thể chế phát triển hoàn toàn mới thoát ly điều kiện Việt Nam và thế giới. Thể chế phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn “bình thường mới” cần tập trung vào giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp: phòng, chống tốt đại dịch Covid-19, đồng thời, phát huy nội lực, phối hợp tích cực với các đối tác quốc tế để nhanh chóng phục hồi, ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô; tăng cường nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào sản xuất vắc-xin do Việt Nam tự nghiên cứu, điều chế và sản xuất chống được đại dịch Covid-19…

Hai là, phát triển trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19: tăng cường đầu tư công như một giải pháp mạnh, để hỗ trợ duy trì tổng vốn đầu tư xã hội; tận dụng triệt để các khả năng áp dụng công nghệ 4.0 để nhanh chóng nối lại các dòng chảy vật chất bị đứt gãy; hỗ trợ các doanh nghiệp để vượt qua thời kỳ khó khăn, đặc biệt trong giữ việc làm cho người lao động…

Ba là, nâng cao năng lực phát triển nhằm kiến tạo niềm tin, khát vọng nơi người dân: đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và cải cách thể chế đáp ứng được yêu cầu chuyển mạnh sang nền kinh tế số và xã hội số; nâng cao năng lực của các đầu tàu kinh tế Bắc – Trung – Nam, chú ý phát hiện, phát triển vùng kinh tế mới ở cả ba miền; tìm kiếm hướng phát triển mới, thị trường mới, bạn hàng mới; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản trị và khoa học – công nghệ; cải cách thể chế quản lý nhà nước theo hướng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của Nhà nước nhằm thực hiện công khai, minh bạch nghĩa vụ bảo đảm công lý, quyền con người, quyền công dân…

Niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Khát vọng chỉ được hình thành, phát triển khi mỗi người và toàn dân tộc có niềm tin vào thể chế phát triển theo hướng hiện đại của đất nước. Văn kiện các đại hội trước đây mới chỉ đề cập chủ đề niềm tin, khát vọng. Đến Văn kiện Đại hội XIII, ngay trong chủ đề của Đại hội và các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đều khẳng định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”. Các mục tiêu được định lượng cụ thể: phấn đấu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao1.

Hiện nay, khát vọng và cũng là yêu cầu cấp thiết đang đặt ra đối với Đảng, Nhà nước và toàn dân là đổi mới, sáng tạo (ĐMST) để đi tắt đón đầu nhằm đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Đây cũng là mục tiêu chính được ưu tiên thực hiện tại Văn kiện Đại hội XIII. Bởi lẽ, chúng ta đã nhiều lần để lỡ thời cơ mà các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2, thứ 3 tạo ra. Giờ đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang kiến tạo thời cơ và lôi cuốn toàn nhân loại phát triển. Do đó, Việt Nam cũng cần chủ động, tích cực nắm bắt thời cơ đó.

Khát vọng thôi thúc mạnh mẽ từ niềm tin vào thể chế phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đó thực chất là tinh thần của chủ nghĩa yêu nước khi vận nước đã đến. Trong khát vọng phải có “tham vọng” tỉnh táo và định lượng được những thách thức mới và khi đã thành “sĩ khí quốc dân”2, thì lòng dân bền vững, “không có việc gì khó” (Hồ Chí Minh) để quyết chí và dám vượt qua mọi thách thức nhằm bước tới đài vinh quang “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”3 trong thế kỷ XXI như tâm nguyện của Hồ Chủ tịch.

Đổi mới, sáng tạo để hiện thực hóa khát vọng nhằm đẩy mạnh phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Khát vọng nuôi dưỡng, thúc đẩy nhu cầu, năng lực ĐMST. Đây cũng là một trong những phương châm được xác định tại Văn kiện Đại hội XIII. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không ĐMST thì không thể phát triển nhanh, bền vững. Trong công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay, đổi mới gắn với sáng tạo và ĐMST gắn với phát triển là một thuộc tính và chính là kết quả vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “thế giới ngày ngày đổi mới, xã hội ngày một phát triển, nhân dân ngày càng tiến bộ” nên “tư tưởng, hành động cũng phải phát triển”4. ĐMST phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện cả cách nghĩ và cách làm theo phương châm: ĐMST trong tư duy, trước hết trong tư duy  kinh tế, trong thực hiện ba đột phá chiến lược (thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng), trong công tác tổ chức và cán bộ, trong phong cách hoạt động, sinh hoạt…, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy ĐMST trong phát triển công nghệ số và trong khởi nghiệp.

Trước hết, ĐMST trong phát triển công nghệ số nhằm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, thực chất, không theo kiểu phong trào trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quản trị…, để từng bước hình thành kinh tế số, chính phủ số, xã hội số. Muốn vậy, trọng tâm là phát triển hệ thống ĐMST quốc gia cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ lắp ráp, gia công sang tự chủ sáng tạo, thiết kế một cách chủ động, để sản xuất các sản phẩm công nghệ số “Make in Vietnam”. Thông qua đó sẽ cải thiện được chất lượng tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế tự chủ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam cần sớm hiện thực hóa mục tiêu thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Nếu ĐMST chỉ ở tầm “Made in Vietnam” thì chỉ bằng lòng với tiêu chí một nước đang phát triển, còn nếu ĐMST theo kiểu “Make in Vietnam”, nước ta có thể trở thành một nước phát triển. Đây là khát vọng có tính tham vọng không phải là không tỉnh táo, nhất là khi Việt Nam đã phát triển được mạng 5G nội địa.

Thứ hai, là ĐMST hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia cũng phải thực hiện theo kiểu “Make in Vietnam” để kiến tạo lại hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm nhanh chóng chuyển dịch mạnh mẽ doanh nghiệp từ kiểu thủ công “hàng xén” sang tổ chức, vận hành kiểu công nghệ 4.0 mang thuộc tính “Make in Vietnam”. Qua đó, buộc các doanh nghiệp phải nghiên cứu sáng tạo nhiều hơn, sản xuất nhiều hơn với giá trị gia tăng tại Việt Nam cũng cao hơn so với việc chỉ đơn thuần buôn bán gia công, lắp ráp theo kiểu “Made in Vietnam”; đồng thời, thực hiện được chiến lược xây tổ, “ấp trứng” cho “đại bàng” quốc tịch Việt Nam.

Yếu tố cơ bản thúc đẩy ĐMST là thể chế có khả năng trao quyền, bảo đảm quyền, thúc đẩy dân chủ trong đời sống kinh tế – xã hội, xây dựng văn hóa phản biện, kích thích bày tỏ ý kiến và chính kiến cá nhân. ĐMST là biểu hiện và kết quả của niềm tin và khát vọng, của “sĩ khí quốc dân”, vì thế là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, phải nêu gương dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì sự nghiệp chung, đội ngũ trí thức, doanh nhân đóng vai trò nòng cốt trong lao động sáng tạo…

Tất cả vì độc lập, tự do, hạnh phúc và phồn vinh của mỗi người và của cả dân tộc Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặt mục tiêu xây dựng đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc của mỗi người và của mọi người Việt Nam. Kế thừa tư tưởng vì con người đó, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII xác định tư tưởng cốt lõi và xuyên suốt là: hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước để kiến tạo niềm tin, khát vọng, ĐMST vì độc lập, tự do, hạnh phúc và phồn vinh của mỗi người và của cả đất nước Việt Nam. Trong đó đã chú trọng tiêu chí hạnh phúc của người dân… Chẳng hạn như trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã hướng đến tiêu chí hài lòng của người dân để đánh giá tổng hợp kết quả xây dựng nông thôn mới.

Để triển khai, thực hiện tư tưởng cốt lõi và xuyên suốt nêu trên, Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII đã phát triển phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”5. Phương châm này chỉ được nhất quán triển khai thực thi trong cuộc sống, nếu thực hiện việc lồng ghép, tích hợp cách tiếp cận dựa trên quyền con người vào cách tiếp cận chính trị – pháp lý, trước hết trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, cho phù hợp với thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Với việc tiếp tục thực hiện dân chủ hóa để trao quyền cho địa phương, cơ sở và người dân sẽ xác lập được mối quan hệ  giữa  lấy con người làm trung tâm – bảo đảm quyền con người – phát triển con người toàn diện. Việc bảo đảm quyền con người là khâu kết nối cần thiết, không thể thiếu giữa khâu lấy con người làm trung tâm và phát triển con người toàn diện.

Phương hướng triển khai thực hiện mấu chốt là: “Tạo bước chuyển căn bản nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo… Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; hoàn thiện và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới…”6.

Các giải pháp chủ yếu là phải thực hiện quy hoạch, quản lý phát triển kinh tế – xã hội hiệu lực, hiệu quả để giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội nhằm bảo đảm sự ổn định (một cách năng động) và phát triển nhanh, bền vững; đồng thời kiểm soát,  xử lý rủi ro, bảo đảm mọi người dân đều được bình đẳng về cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện. Việc thực hiện công bằng xã hội phải dựa trên sự gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhằm bảo đảm Nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của sự nghiệp đổi mới, đặc biệt trong việc bảo đảm các dịch vụ cơ bản cho những người yếu thế (chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, giáo dục, việc làm, thu nhập…)

Chú thích:
1. Khát vọng phát triển đất nước và đổi mới, sáng tạo – điểm nhấn của Đại hội Đảng lần thứ XIII. http://hdll.vn, ngày 15/11/2020.
2. Nguyễn Thanh Tuấn. Văn hóa bản địa Việt Nam – Khuynh hướng phát triển hiện đại. H. NXB Văn hóa – Thông tin và Viện Văn hóa, 2012, tr. 284.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 35.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 55.
5. Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tháng 4/2020, tr. 57.
6. Nguyễn Phú Trọng. Chuẩn bị thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Tạp chí Cộng sản, số 949 (tháng 9/2020).
PGS. TS. Nguyễn Thanh Tuấn
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh