Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Huấn luyện cán bộ” và sự vận dụng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công an nhân dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Việc quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ có ý nghĩa quyết định đến việc lựa chọn những cán bộ tốt cho Đảng. Tư tưởng của Người về công tác cán bộ thể hiện tập trung ở việc xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp huấn luyện, đào tạo cán bộ. Các cấp, các ngành, trong đó có lực lượng công an nhân dân cần phải vận dụng, cụ thể hóa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các giáo sư, cán bộ giảng dạy các trường ĐH và THCN (12/1958). Ảnh tư liệu
Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Huấn luyện cán bộ”

Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ được Người quan tâm đặc biệt. Người cho rằng thành bại của sự nghiệp cách mạng tùy thuộc vào công tác cán bộ: “Tôi không sợ bọn đế quốc, bọn phản động. Đồng bào sẽ đánh thắng chúng. Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ, làm cho đồng bào mất lòng tin với chế độ, Nhà nước và Đảng. Có thể nói, kẻ phá hoại sự nghiệp cách mạng đáng sợ nhất là những người ấy, vì trước mắt đồng bào, họ là Đảng và Nhà nước. Kẻ thù hằng ngày nói xấu chúng ta, đồng bào ta không mắc lừa. Người của ta làm hại cách mạng là nguy hiểm nhất. Đồng bào sẽ xa lánh, không tin chúng ta. Đưa những người yếu kém về năng lực, nhất là kém cỏi về phẩm chất, nhân cách vào bất kỳ nhiệm vụ nào cũng nguy hại”1 .

Từ đó, Người căn dặn: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Sự quan tâm, chú trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác quan trọng này thể hiện ở những quan điểm, những chủ trương và biện pháp của Người trong việc đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) và xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng.

(1) Về mục tiêu huấn luyện, đào tạo cán bộ:

Đối với mục tiêu, huấn luyện và đào tạo cán bộ, Hồ Chí Minh cho rằng: học tập là để nâng cao trình độ, để sửa chữa tư tưởng, để trung thành với sự nghiệp cách mạng, “tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm trọn nhiệm vụ cách mạng”2. “Học để làm việc, làm người rồi mới để làm cán bộ”. Học để tu dưỡng đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Học để tin tưởng vào đoàn thể, tin tưởng vào Nhân dân, tin tưởng vào tương lai dân tộc. Như vậy, mục tiêu ĐTBD cán bộ được xác định rất rõ ràng.

Để đạt được mục tiêu trên, Hồ Chí Minh nêu lên một quy trình chặt chẽ gồm những vấn đề sau:

Cần phải xác định đối tượng huấn luyện. Đó là cán bộ, hội viên các đoàn thể, cán bộ các ngành chuyên môn của chính quyền và Nhân dân. Nhưng trước hết là huấn luyện cán bộ, vì có cán bộ tốt thì thành công, không có cán bộ tốt thì hỏng việc. Về vấn đề này, Người ví công tác đào tạo, huấn luyện như người sản xuất, các ngành công tác như người tiêu thụ hàng hóa. Ban huấn luyện như người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ, nếu làm ít thì không đáp ứng được nhu cầu, ngược lại làm nhiều sẽ lãng phí.

Trong công tác đào tạo cán bộ, người huấn luyện, tức người giảng viên, theo Hồ Chí Minh phải “là người kiểu mẫu” về mọi mặt, như: tư tưởng, đạo đức, lối sống, phải có kiến thức cao, rộng. Là nhà giáo dục, trước hết họ cũng phải được giáo dục nếu không muốn bị tụt hậu. Hồ Chí Minh dạy rằng: “Không phải ai cũng huấn luyện được. Muốn huấn luyện được thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội… người huấn luyện nào tự cho mình là đã biết đủ cả rồi thì người đó là dốt nhất”3.

Nhắc lại triết lý của tiền nhân “học không biết chán, dạy không biết mỏi” (Khổng Tử), “học, học nữa, học mãi” (Lênin), Hồ Chí Minh căn dặn chúng ta rằng mỗi người giảng viên phải ghi nhớ và thực hiện điều đó, những người làm huấn luyện lại càng phải nhớ hơn ai hết. Thực tế hiện nay cho thấy, đội ngũ giảng viên, những người có trách nhiệm lớn trong công tác đào tạo cán bộ công an đã phát triển khá mạnh và có đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp trồng người cho hệ thống chính trị và ngành Công an. Tuy nhiên, so với yêu cầu mới vẫn còn nhiều bất cập, trình độ chuyên môn còn hạn chế, nặng về lý thuyết mà thiếu kinh nghiệm quản lý, phương pháp giảng dạy lạc hậu, trong khi việc tuyển dụng, ĐTBD giảng viên còn nặng về hình thức, một bộ phận giảng viên có biểu hiện suy giảm đạo đức, lối sống làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và uy tín của cơ sở đào tạo.

(2) Nội dung huấn luyện cán bộ:

Nội dung huấn luyện cán bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách toàn diện, gồm lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, văn hóa, chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Người luôn khẳng định “lý luận là trí khôn của Đảng”, của người cán bộ cách mạng. Lý luận góp phần nâng cao nhận thức và khả năng tư duy của người cán bộ. Đánh giá cao tầm quan trọng của lý luận, Hồ Chí Minh cho rằng “làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp. Có lý luận thì mới hiểu được mọi việc trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng”4.

Từ nhận thức đó, Hồ Chí Minh cho rằng, trong nội dung huấn luyện, về mặt lý luận, phải lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm gốc. Tuy vậy, Người cũng lưu ý: “chủ nghĩa Mác – Lênin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh”5. Vì vậy, trong đào tạo, huấn luyện cán bộ, Hồ Chí Minh luôn nhắc cả người dạy lẫn người học cần hết sức tránh tình trạng “chỉ học thuộc ít câu của Mác – Lênin để lòe người ta”6 hoặc “tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng”7. Theo Hồ Chí Minh, học chủ nghĩa Mác – Lênin là nắm lấy cái cốt của nó để phân tích, vận dụng vào việc giải quyết các vấn đề của thực tiễn phù hợp với điều kiện Việt Nam. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhắc nhở chúng ta rằng: Bác Hồ là người “có sự dị ứng bẩm sinh với bệnh giáo điều dập khuôn, bệnh công thức sáo mòn” và Người luôn đòi hỏi “không được sao chép nguyên văn những gì có sẵn, điều cốt yếu là hiểu đúng tinh thần và biết vận dụng các nguyên lý sát với tình hình cụ thể”8.

Thực trạng công tác ĐTBD cán bộ, công chức (CBCC) những năm qua phần nội dung lý luận Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã được quán triệt đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn những biểu hiện lệch lạc nhất định, vẫn còn tình trạng coi nhẹ lý luận chính trị, giảng dạy lý luận còn chung chung, trừu tượng, ít gắn với thực tiễn, khả năng vận dụng còn hạn chế, phương pháp giảng dạy ít đổi mới làm cho người học không thấy được giá trị thế giới quan, phương pháp luận và kim chỉ nam của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nên ít hứng thú học tập.

Ngoài ra, phải dạy văn hóa cho cán bộ để họ có cơ sở tiếp thu lý luận, chuyển hóa tri thức của người dạy thành của mình. Ngày nay, tri thức của nhân loại rất phong phú và phát triển nhanh, nếu CBCC mà không chịu khó học văn hóa sẽ rất dễ bị lạc hậu.

(3) Phương pháp huấn luyện:

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện, đào tạo cán bộ, phương pháp huấn luyện được Người dành sự quan tâm không nhỏ. Qua các bài giảng, các tài liệu mà Hồ Chí Minh sử dụng tại các lớp huấn luyện cán bộ cũng như các bài nói và viết của Người ta thấy nổi lên phương pháp huấn luyện thật đặc sắc, độc đáo, rất dễ hiểu, dễ nhớ. Do hiểu rõ, nắm chắc trình độ người học nên nội dung các buổi giảng bài hay nói chuyện của Người bao giờ cũng rất thiết thực, cụ thể, phù hợp, bổ ích và đạt hiệu quả cao. Học viên “nghe đến đâu hiểu đến đấy, giản dị mà sâu sắc, dễ nhớ, lại sáng tỏ như có đèn rọi vào trí óc”. Trả lời câu hỏi “Huấn luyện thế nào? Hồ Chí Minh cho rằng “cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”9. Người từng nhắc nhở “khuyết điểm chung là tham nhiều mà làm không chu đáo, không biết “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”10.

Những vấn đề khó hiểu, phức tạp luôn được Người diễn giải nôm na, dễ hiểu, giản dị thông qua những hình ảnh quen thuộc, những vật dụng đời thường. Người nói: “muốn dạy cho người ta biết con voi là thế nào thì có thể nói tỉ mỉ bộ xương của nó ra sao, nó có mấy cái răng, nó sống thế nào, sống được mấy năm, v.v… Nhưng nếu chưa thể dạy kỹ như thế được thì cũng có thể nói cho người ta biết bao quát hình thù của con voi như: mình nó to bằng ba bốn con trâu, nó có chân lớn như cột nhà, hai tai to như hai cái quạt, một cái vòi và hai cái ngà ở đầu, v.v… Như thế, người học không thể lầm con voi với con tôm, con mèo hay con bò được”11.

Trong cách huấn luyện cán bộ của Hồ Chí Minh có một phương pháp mang tính nguyên tắc là lý luận phải gắn với thực tiễn. Người nhấn mạnh: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”12.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người học phải biết tự động học tập, tức là chủ động, tự giác trong học tập, phải lấy tự học làm cốt và “học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”13. Nhờ học Nhân dân mà nhiều cán bộ đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích như: “cán bộ đoàn kết mọi việc đều làm được; cán bộ phải được dân yêu, dân tin, dân phục; cán bộ phải đi sát nhân dân, học dân”14.

Trong việc đào tạo, huấn luyện cán bộ, việc mở lớp cũng có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cán bộ. Người phê bình việc mở lớp nhiều mà không quan tâm đến số lượng và chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo và khả năng tiếp thu của người học. Người viết: “Vì mở nhiều lớp nên thiếu người giảng. Thiếu người giảng thì học viên đâm chán nản. Thiếu người giảng thì đi “bắt phu”, vì thế người đến giảng khi nào cũng hấp tấp, lướt qua lớp này một chút, lớp khác một chút như “chuồn chuồn đạp nước”, dạy không được chu đáo. Thiếu người giảng thì thường khi lại phải “bịt lỗ”, người “bịt lỗ” năng lực kém, nói sai có hại cho học sinh, nghĩa là có hại cho đoàn thể”15.

Hồ Chí Minh cho rằng phải theo trình độ cán bộ cao hay thấp mà đặt lớp chứ không theo cấp bậc cao hay thấp và phải huấn luyện chuyên môn cho cán bộ sao cho “ai lãnh đạo trong ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn về ngành ấy. Ví dụ: những đồng chí lãnh đạo hỏa xa phải biết chuyên môn về hỏa xa, có thế lãnh đạo mới sát”16.

Vận dụng tư tưởng “Huấn luyện cán bộ” của Hồ Chí Minh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công an nhân dân hiện nay

Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Đảng ta đặc biệt đề cao vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Muốn vậy, chúng ta phải ĐTBD, xây dựng được đội ngũ cán bộ công an nhân dân (CAND) vững mạnh về mọi mặt, trên cơ sở làm tốt các khâu, các bước, các công đoạn của công tác huấn luyện cán bộ. Để làm tốt vấn đề này trong thời gian tới, công tác ĐTBD cán bộ CAND cần tập trung vào những nhiệm vụ cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng cường bồi dưỡng lý luận chính trị.

Việc học tập, nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là nhân tố quyết định bảo đảm cho lực lượng CAND luôn trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với Nhân dân Việt Nam. Hồ Chí Minh luôn giáo dục cho cán bộ phải lấy đức là gốc của người cách mạng. Trong bối cảnh trăm công ngàn việc của những năm đầu cách mạng, Người vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng, giáo dục những chuẩn mực căn cốt của người cán bộ CAND với tác phẩm nổi tiếng “Tư cách người công an cách mệnh”. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, chiến sĩ công an phải luôn rèn luyện tư cách đạo đức mà ngày nay mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND đều có thể thuộc lòng, nhưng không phải ai lúc nào cũng làm tốt được Sáu điều Bác dạy.

Trong hoàn cảnh hiện nay, theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), cần giáo dục cho đội ngũ CAND nhận thức sâu sắc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt và thực hiện nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước; thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của Đảng. Vững vàng về tư tưởng, không hoang mang, dao động trước khó khăn, thách thức; kiên quyết đấu tranh với quan điểm, tư tưởng sai trái, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đặc biệt, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu, thủ đoạn hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng ngừa các thủ đoạn tấn công, lôi kéo, mua chuộc của các thế lực thù địch và các loại tội phạm. Thường xuyên tự rèn luyện, trau dồi đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư… Có như vậy thì cán bộ, chiến sĩ công an mới có đủ vũ khí sắc bén, hình thành tư duy khoa học, khắc phục sự nhận thức giáo điều, bảo thủ, lệch lạc, mơ hồ và hoài nghi.

Thứ hai, tăng cường công tác ĐTBD cán bộ CAND theo chức danh và vị trí việc làm.

Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về ĐTBD CBCC, viên chức nhấn mạnh rằng: mục tiêu của ĐTBD là trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của CBCC và hoạt động nghề nghiệp của viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ CBCC, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước. Do đó, nội dung, chương trình ĐTBD hiện nay cần phải tập trung theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, phù hợp với từng đối tượng, công việc mà cán bộ CAND đang đảm nhiệm. Chương trình ĐTBD cần dựa trên nhu cầu công việc, phải được xác định rõ về nội dung kiến thức, kỹ năng và phải có tính mở để học viên có thể lựa chọn các hình thức học tập phù hợp, thiết thực với yêu cầu công việc.

Thứ ba, đổi mới nội dung chương trình ĐTBD theo hướng gắn với thực tiễn, phục vụ thực tiễn.

Mục tiêu ĐTBD cán bộ CAND, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, có năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh. Mọi sự thay đổi của nhà trường phải nhằm đào tạo được những cán bộ có năng lực, kỹ năng mới như năng lực tổng kết thực tiễn; tổ chức thực hiện nhiệm vụ; tư duy phân tích và tổng hợp; xử lý thông tin đa chiều… Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ sở ĐTBD cần đổi mới nội dung chương trình ĐTBD sát với nhu cầu thực tế, nội dung phải bảo đảm trang bị cho người học đủ kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ theo yêu cầu công việc. Ngoài việc trang bị kiến thức về lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ một cách tổng thể, toàn diện và khoa học thì cần dành một thời lượng thích hợp cho kỹ năng thực hành trong cấu trúc chương trình ĐTBD đối với những đối tượng khác nhau để khi gặp những tình huống cụ thể, cán bộ có thể xử lý kịp thời và hiệu quả.

Thứ tư, thay đổi trong quản trị các học viện và nhà trường.

Trong tương lai không xa, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ thực tế ảo trong ĐTBD cán bộ sẽ chiếm ưu thế. Chẳng hạn, học viên sẽ được giảng viên hướng dẫn nhập các thông tin, dữ liệu quản lý của lĩnh vực mình phụ trách vào hệ thống máy tính của nhà trường để thực hành phân tích. Bên cạnh đó, trong nhà trường cũng sẽ có sự thay đổi về quy mô và cơ cấu đội ngũ giảng viên cả về trình độ chuyên môn và kỹ năng, các môn học có tính hàn lâm giảm dần thời lượng, thay vào đó là các môn học về phát triển năng lực, kỹ năng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Những công việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc bố trí cán bộ quản lý, đội ngũ giảng viên và người lao động của nhà trường. Vì vậy, đội ngũ này cần được chuyên nghiệp hóa và có khả năng sáng tạo cao, có phương pháp đào tạo hiện đại với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong quản trị nhà trường cần tăng cường phân cấp, phân quyền và tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, tăng khả năng sử dụng các công cụ quản lý hiện đại không chỉ đáp ứng nhu cầu ĐTBD cán bộ trước mắt mà còn phục vụ lâu dài nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong CAND.

Thứ năm, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong các nhà trường, học viện CAND.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo. Sự ra đời và phát triển của các thiết bị thông minh khiến con người được tận hưởng những tiện ích của kỷ nguyên internet giúp cho việc tiếp nhận tri thức nhanh chóng hơn, rút ngắn khoảng cách. Vì vậy, trong quá trình tương tác giữa giảng viên và người học cũng cần phải thay đổi cho phù hợp. Người thầy với vai trò truyền thụ tri thức theo lối truyền thống sang vai trò xúc tác, điều phối và hướng dẫn người học nắm bắt được các nhu cầu, xu hướng mới cũng như chuẩn bị cho họ các công cụ cần thiết để tự học, tự rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp. Để đạt được mục tiêu đó, đội ngũ giảng viên phải thường xuyên trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy, phương tiện kết nối internet để giúp người học định hướng về chất lượng và ý nghĩa của nguồn thông tin, đồng thời giúp cho người học tự tìm đến những cách hiểu mới. Đây cũng chính là áp lực không nhỏ đối với đội ngũ làm công tác giảng dạy trong các nhà trường, học viện CAND.

Thấm nhuần Lời dạy của Người, học tập và làm theo tấm gương của người thầy vĩ đại Hồ Chí Minh, với tinh thần đổi mới, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác ĐTBD cán bộ CAND, tạo nên sự thống nhất về tổ chức quản lý đào tạo để từng bước chính quy, hiện đại hóa việc ĐTBD cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Chú thích:
1. Lời Bác căn dặn cán bộ. Báo Nhân Dân, ngày 19/8/1997.
2, 3, 4, 9, 10, 11, 13, 14, 15, 16. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 360, 356, 357, 357, 362, 358, 361, 362, 362 – 363, 357.
5, 6. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 120, 120.
7, 12. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 95, 95.
8. Phạm Văn Đồng. Hồ Chí Minh quá khứ, hiện tại và tương lai. Tập 1. H. NXB Sự thật, 1991, tr. 21, 98.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hải Vân
Học viện Chính trị Công an nhân dân