Giải quyết vấn đề khủng hoảng tị nạn tại cộng đồng liên minh châu Âu  

(Quanlynhanuoc.vn) – Nhiều Chính phủ các nước châu Âu đã có những động thái bất chấp việc tôn trọng quyền của NTN, kiểm soát chặt chẽ về an ninh biên giới với dây thép gai, hàng rào biên giới, Cảnh sát và bảo vệ vũ trang để ngăn cản dòng người tị nạn, đặc biệt là những người tị nạn vượt biên trái phép. Tuy nhiên, trên thực tiễn, những người tị nạn trái phép vẫn liều cả tính mạng bất chấp bằng mọi cách để tới được những miền đất hứa.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: internet).

 Vấn đề của người tị nạn tại các nước châu Âu

Trong buổi khai mạc tại Hội nghị thường niên của UNHCR ở Geneva (Thụy Sỹ), ông Filippo Grandi – Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (NTN) đã phát biểu về số lượng người di cư và tị nạn vượt biên sang châu Âu đang tăng vọt, họ bất chấp nguy hiểm để tìm tới những nơi an toàn thông qua rất nhiều con đường và biện pháp khác nhau1. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IMO), trong năm 2019, ước tính 100.000 người di cư đã tìm cách vượt Địa Trung Hải để sang châu Âu và khoảng 1.200 người bị thiệt mạng2.

Dòng NTN không chỉ gia tăng đột biến mà còn phân bố không đồng đều, chỉ tập trung vào một số quốc gia. Hy Lạp là một trong 6 quốc gia tiếp nhận số lượng người tỵ nạn lớn nhất với khoảng 821 nghìn người (chiếm 80%). I-ta-li-a cũng là đích đến của 150 nghìn người di cư vượt biển. Còn Bun-ga-ri tiếp nhận gần 30 nghìn người và Tây Ban Nha đón tiếp hơn 3.800 người3. Theo thống kê tại Hy Lạp, đang có ít nhất 110 ngàn NTN, trong đó có khoảng 40 ngàn người tại các trại di cư trên các đảo, luôn trong tình trạng quá tải. Cũng theo cơ quan thống kê Liên bang Đức, tổng số NTN đến nước này có thể lên tới 3,6 triệu người vào năm 2020 với trung bình nửa triệu người sẽ đến mỗi năm4. Số NTN chủ yếu là những người đến từ Xi-ri, I-rắc và Áp-gha-nít-xtan do đây là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề từ những cuộc nội chiến, từ chủ nghĩa đế quốc phương Tây, sự bạo lực của chế độ độc tài…

Những người đã phải trải qua hành trình đầy nguy hiểm vượt biển Địa Trung Hải để đến châu Âu hoặc lựa chọn đường bộ từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Bun-ga-ri và Hy Lạp. Việc này dẫn đến hệ quả rối loạn về trật tự công cộng, an ninh biên giới tại một số quốc gia khi xảy ra những cuộc đụng độ giữa NTN và cảnh sát biên giới. Đồng thời, những quốc gia lục địa già phải chịu gánh nặng về kinh tế khi cưu mang những NTN.

Nhiều Chính phủ các nước châu Âu đã có những động thái bất chấp việc tôn trọng quyền của NTN, kiểm soát chặt chẽ về an ninh biên giới với dây thép gai, hàng rào biên giới, Cảnh sát và bảo vệ vũ trang để ngăn cản dòng NTN, đặc biệt là những NTN vượt biên trái phép. Tuy nhiên, trên thực tiễn, những NTN trái phép vẫn liều cả tính mạng bất chấp bằng mọi cách để tới được những miền đất hứa. Họ chấp nhận những cuộc hành trình đầy nguy hiểm với hy vọng rằng có thể được tiếp nhận ở châu Âu – một tổ hợp kinh tế giàu mạnh nhất thế giới với cơ sở hạ tầng, những ngành công nghiệp lớn, nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản và nâng cao chất lượng sống.

Thậm chí những nhà lãnh đạo châu Âu đã cố gắng biến những NTN thành “những người di cư kinh tế” để hạn chế một số quyền gây ảnh hưởng đến các nước này như quyền định cư, hưởng các dịch vụ xã hội, quyền không bị trục xuất. Tình trạng kỳ thị, phân biệt chủng tộc, tẩy chay NTN nước ngoài, gây hấn, xung đột sắc tộc ngày càng tăng ở nhiều nơi. Theo đó, hầu hết NTN không chỉ tồn tại trong những điều kiện kém thuận lợi mà còn phải sống trong những chế độ lạm quyền và thường bị đe dọa tính mạng5. Trên thực tiễn, các cuộc khủng hoảng tị nạn đang leo thang một cách nhanh chóng do sự thiếu hụt các giải pháp, các nhà lãnh đạo châu Âu lại chỉ đưa ra rất ít các chính sách cụ thể, dẫn tới tình trạng vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng.

Một số khuyến nghị bảo đảm quyền của người tị nạn trong các công ước quốc tế tại Cộng đồng liên minh châu Âu

Chúng ta đã chứng kiến năm 2019, sự việc thi thể 39 người Việt trong container vượt biên trái phép tại Anh; hay 11 người châu Phi đắm thuyền chết trên đường đến “vùng đất hứa” ngày 11/10/2020, khiến nhân loại thức tỉnh về một cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất sau thế chiến thứ hai. Trước thực trạng đó, thực sự cần thiết để Cộng đồng Liên minh châu Âu (EU) xây dựng những giải pháp về phương diện luật pháp, chính trị ngoại giao, kinh tế và xã hội nhằm vừa bảo đảm quyền của NTN, vừa tuân thủ các nghĩa vụ được ghi trong các công ước cơ bản. Một số khuyến nghị cụ thể như sau:

 Bảo đảm thực thi luật pháp quốc tế 

Tôn trọng luật pháp quốc tế về quyền của NTN là nền tảng bảo đảm an ninh và ổn định tại châu Âu nói riêng và trên thế giới nói chung, đồng thời mang lại tính khả thi rõ rệt trong việc đẩy lùi cuộc khủng hoảng tị nạn vốn đang là một trong những vấn đề gây nhức nhối nhất đối với những nhà lãnh đạo châu Âu hiện nay.

Thứ nhất, biện pháp đầu tiên nhằm bảo đảm quyền NTN, đó là tôn trọng phẩm giá và tuân thủ tuyệt đối các quyền của NTN. Đây cũng là một trong những vấn đề cốt lõi để hoàn thiện hệ thống luật pháp quốc tế về nhân quyền. Việc tiếp nhận NTN phải phù hợp và dựa trên các quyền cơ bản của những NTN chứ không phải tập trung vào việc lập hàng rào dây thép gai, đàn áp bằng hơi cay hay vòi rồng. Các quốc gia thành viên EU và những nước là thành viên Hiến chương châu Âu cần thiết lập các nghĩa vụ bảo vệ quốc tế như các nguyên tắc hướng dẫn hoạt động chung của châu Âu, nơi cuộc khủng hoảng tị nạn đang nóng hơn bao giờ hết. Hành vi trục xuất những NTN cần phải bị xóa bỏ để phù hợp với Công ước 1951.

Thứ hai, các quốc gia trong EU phải có một sự công nhận rõ ràng trong các văn bản pháp luật lẫn chính sách đề ra về quyền và nghĩa vụ được ghi nhận trong Công ước tị nạn năm 1951. EU và các nước thành viên cũng phải chấp thuận rằng bất kỳ nghĩa vụ nào đã thỏa thuận đều không thể bị chối bỏ hoặc đùn đẩy sang một nước thứ ba hay tổ chức khác. Đồng thời, các quy định về vấn đề tị nạn cần được rà soát và sửa đổi đặc biệt là nguyên tắc Dublin và một số khuôn khổ pháp lý khác nhằm tạo điều kiện để NTN dễ dàng tiếp cận được với sự bảo vệ quốc tế ở châu Âu. Trong đó, các biện pháp bảo vệ đặc biệt và các thỏa thuận tiếp nhận phải được đưa ra để đáp ứng các nhu cầu cụ thể của phụ nữ, trẻ em và các nhóm người dễ bị tổn thương khác.

Hơn nữa, các nghĩa vụ hợp tác với UNHCR được quy định trong Điều 35 của Công ước tị nạn năm 1951 cũng như được công nhận rõ ràng trong luật pháp EU cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc và chuyển đổi thành những hành động thực tế như quan sát, kết luận và kiến nghị liên quan đến các biện pháp của Hệ thống tị nạn chung châu Âu (CEAS). Đồng thời, các nước châu Âu cần phải thiết lập một cơ quan đánh giá một cách khách quan và vô tư, giám sát liên tục việc thực hiện của CEAS, Công ước về NTN và các quy định bảo vệ quốc tế của Hiến chương đối với tất cả các nước thành viên. Nghị viện châu Âu sẽ làm việc chặt chẽ với UNHCR để bảo đảm các nước thứ ba – các bên tham gia Công ước 1951, dựa trên nghĩa vụ của mình sẽ cung cấp bảo vệ đầy đủ và bền vững, hỗ trợ UNHCR trong nỗ lực thuyết phục các quốc gia mà chưa phải là thành viên của Công ước tị nạn năm 1951 tham gia ký kết và phê chuẩn.

Nghị viện châu Âu nên yêu cầu Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (FRONTEX), hành động đúng với các nghĩa vụ của mình để bảo đảm việc tôn trọng các quyền cơ bản, kèm theo đó là bản báo cáo hàng năm về tính thực thi của các chính sách mà cơ quan này đã đề ra. Các nước trong EU phải cố gắng thuyết phục Hung-ga-ri, giảm thiểu các biện pháp hạn chế biên giới để bảo đảm cho mọi cá nhân đang tìm kiếm sự bảo vệ có thể xin tị nạn.

Thứ ba, đối với thủ tục xin tị nạn, chính phủ các nước châu Âu nên tôn trọng quyền xin được tị nạn đối với bất kỳ cá nhân nào như đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế. Thủ tục tị nạn ở nước tiếp nhận phải được tiến hành xét duyệt nhanh chóng, công bằng và hiệu quả. Các cơ sở tiếp nhận phải có đội ngũ nhân viên được đào tạo để tiếp nhận và hỗ trợ việc nộp đơn, đăng ký đồng thời có thái độ tôn trọng những NTN. Việc cam kết với các cá nhân nộp đơn xin tị nạn cũng là điều cần thiết. Ủy ban châu Âu nên trình bày, giải thích những thông tin về những cách tiếp cận mới liên quan đến quyền tiếp cận các thủ tục tị nạn. Nghị viện châu Âu cũng cần phải áp dụng cách tiếp cận phù hợp với các tiêu chuẩn áp dụng theo Điều lệ của các quyền cơ bản và các công cụ liên quan.

Hợp tác phát triển về chính trị, ngoại giao 

Sự thiếu nhất quán và gắn kết giữa các chính sách đối nội và đối ngoại của CEAS và nghiêm trọng hơn cả là sự phát triển của hệ thống “quản lý biên giới chung” và chính sách đối ngoại của hệ thống “tiếp cận toàn cầu về di cư và chuyển dịch tự do” (GAMM) của EU là những sai lầm nghiêm trọng và cần phải có những giải pháp về chính trị, ngoại giao một cách thích hợp và khéo léo.

Một là, Nghị viện châu Âu cần phải là trung tâm trong việc bảo đảm tính nhất quán trong nghĩa vụ của GAMM với EU và nước thành viên liên quan đến việc bảo hộ quốc tế. Tính minh bạch và có trách nhiệm phải trở thành một ưu tiên hàng đầu của chính sách EU, trong đó bao gồm những hành động cụ thể, các chương trình tài trợ và những dự án thiết thực ở các nước thứ ba để bảo đảm sự gia tăng giá trị và tính nhất quán chính sách của EU. Các nước châu Âu cần phải đàm phán, tham vấn với các nước thứ ba trong việc đoàn kết, chia sẻ gánh nặng theo hướng có lợi cho cả châu Âu và các nước còn lại. Cần lưu ý rằng, trong trường hợp các nước thứ ba không thực hiện đúng những cam kết đề ra, Nghị viện châu Âu nên đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng trước bất kỳ chính sách trừng phạt nào của EU đối với các nước thứ ba.

Hai là, Nghị viện châu Âu nên tham gia đối thoại với các nước phía Nam Địa Trung Hải và trao đổi thẳng thắn, trực tiếp liên quan đến vấn đề NTN để bảo đảm các cuộc đối thoại này có thể giải quyết, tháo gỡ dần vấn đề tị nạn, trên cơ sở tôn trọng các nghĩa vụ trong việc cung cấp bảo vệ cho tất cả những người có như cầu tị nạn trong phạm vi thẩm quyền của mình. Nghị viện cần lưu tâm đến cuộc đối thoại và không nên coi đây một cơ chế để gây áp lực với các nước ở phía Nam Địa Trung Hải để buộc họ chịu trách nhiệm trong việc bảo vệ những NTN tại EU.

Ba là, Nghị viện châu Âu nên yêu cầu sự giải thích từ Ủy ban và Hội đồng châu Âu liên quan đến các cuộc đàm phán và hoạt động với Cáp-Ve, Môn-đô-va, Gru-di-a và Ác-mê-ni-a cũng như sự hợp tác với Ma-rốc về việc thiếu vắng các hiệp định và thỏa thuận tị nạn. Nghị viện châu Âu cũng có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện các chương trình tái định cư trong các vòng tiếp theo trong những cuộc tham vấn về sự ưu tiên tái định cư hoặc khi Ủy ban châu Âu ra mắt đề xuất của mình về cách cải thiện các chương trình tái định cư của EU vào năm 2016.

Bốn là, EU cần huy động các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là vai trò của Liên hiệp quốc trong giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Hơn nữa, việc bảo vệ mạng sống cho những NTN là rất quan trọng. Do đó, EU cần phải duy trì hoạt động tìm kiếm và cứu hộ để giảm thiểu tối đa số lượng NTN thương vong.

Ưu tiên và hỗ trợ phát triển kinh tế  

Các nước châu Âu nên tài trợ các khoản kinh phí cần thiết để hỗ trợ cho cuộc khủng hoảng tị nạn đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng nghiêm trọng tại lục địa này. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo EU phải lập một kế hoạch rõ ràng, toàn diện và mạnh mẽ để đáp ứng tình hình trước mắt, trung và dài hạn nhằm bảo đảm đủ chỗ ở, lương thực chống rét cho NTN. EU phải có cơ chế, chính sách để các nước thành viên giành thêm nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động tiếp nhận và tạo điều kiện cho người di cư hòa nhập vào cộng đồng của châu lục theo hướng: hỗ trợ hội nhập vào cộng đồng sở tại và tìm việc làm. Đồng thời, tăng cường cung cấp tài chính cho những quốc gia ở gần nguồn dân tị nạn và hỗ trợ các hoạt động quản lý biên giới ngoài của EU.

Các nhà tài trợ nên khẩn trương tạo ra cơ chế tài trợ đặc biệt (hoặc mở ra các cơ chế tài chính hiện tại) để hỗ trợ việc ứng phó với những NTN và người di cư ở châu Âu. UNHCR và FRA phải cùng tham gia vào những đánh giá đó. Thêm vào đó, các nước thuộc EU phải cùng nhau chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận NTN trên cơ sở điều kiện kinh tế của mỗi nước và các quốc gia phải có báo cáo về tình hình kinh tế hằng năm để trên cơ sở đó có thể đánh giá mức độ hỗ trợ được cho NTN.

Phát triển môi trường xã hội 

Cuộc khủng hoảng ở châu Âu có thể đã được giải quyết nếu NTN tìm đến được với các con đường hợp pháp thay thế, bao gồm tái định cư NTN, các chương trình tiếp nhận nhân đạo, hộ chiếu du học, làm việc và các chương trình đoàn tụ gia đình. Cần nỗ lực để phát triển một kế hoạch toàn diện cho việc thúc đẩy và hỗ trợ như một vấn đề cấp bách; đồng thời, bảo đảm các tiêu chuẩn tối thiểu trong việc bảo vệ NTN. Các nhà lãnh đạo châu Âu nên can thiệp nhiều hơn để giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc và bài ngoại.

Cần chú trọng đầu tư trong việc giải quyết những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến cuộc khủng hoảng tị nạn như các cuộc xung đột, bạo lực, nội chiến, nghèo đói, bất bình đẳng, bất công, tham nhũng, buôn bán vũ khí, cạnh tranh cho các nguồn tài nguyên và biến đổi khí hậu là điều cần thiết để giảm bớt số lượng NTN ngày càng tăng. Việc chung tay giải quyết những vấn đề gốc rễ về mặt xã hội của các nước đang còn tồn đọng những vấn đề bất ổn, từ đó có thể giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay một cách khả thi, căn bản, lâu dài, góp phần ổn định tình hình an ninh, kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân ở khu vực đầy biến động này.

Chú thích:
1. UNHCR chỉ trích châu Âu đóng cửa biên giới với người tỵ nạn khốn khổ. https://www.vietnamplus.vn, ngày 05/10/2020.
2. 11 người châu Phi đắm thuyền chết trên đường đến “ đất hứa” châu Âu. https://tuoitre.vn, ngày 12/10/2020.
3. Quản trị khủng hoảng di cư nhìn từ góc độ hợp tác quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam. https://viettimes.vn, ngày 29/10/2019.
4. Dự báo khoảng 3,6 triệu người tị nạn sẽ đến Đức vào năm 2020. https://dangcongsan.vn, ngày 25/02/2016.
5. European Parliament and Council (2008), Directive 2008/115/EC of the European Parliament and of the Council of 16 December 2008 on common standards and procedures in Member States for returning illegally staying third-country nationals.

ThS. Nguyễn Phương Thảo
 Học viện Cảnh sát nhân dân