Quản lý nhà nước về di sản văn hóa – những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện  

(Quanlynhanuoc.vn) – Việt Nam đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ với công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Quá trình này đã tạo ra nhiều biến đổi sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Sự biến đổi mạnh mẽ về văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống, đòi hỏi Nhà nước phải tăng cường quản lý trong lĩnh vực này, trong đó có di sản văn hóa. Bài viết tập trung phân tích những vấn đề đặt ra trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở Việt Nam hiện nay.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: internet).
Vai trò của di sản văn hóa

Di sản văn hóa (DSVH) có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của một quốc gia cũng như đối với đời sống của mỗi cá nhân trong xã hội. Vai trò này thể hiện trên các phương diện sau:

Thứ nhất, DSVH là tài sản của quốc gia.

Theo Luật DSVH năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã khẳng định: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là bộ phận của cộng đồng văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”. Đối với Việt Nam, trong bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay, bảo vệ DSVH có đóng góp cho hòa bình và an ninh – điều kiện tiên quyết cơ bản cho sự phát triển kinh tế – xã hội, cho phép cộng đồng các dân tộc hướng tới sự tham gia toàn diện vào việc ngăn ngừa tranh chấp, xây dựng hòa bình và thịnh vượng.

Hệ thống các DSVH là tài sản chung của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, là môi trường nhân quyền mà cả dân tộc cùng chung vai gắng sức sáng tạo ra trong suốt tiến trình lịch sử của mình. Chính vì thế, nó cũng là nhân tố quan trọng, là hạt nhân gắn kết cộng đồng xã hội ở những cấp độ khác nhau. Có DSVH của một gia đình, một dòng họ, có DSVH của một làng bản, của tộc người, nhưng quan trọng hơn là DSVH của cả dân tộc, vì đó là cộng đồng chính trị – xã hội hình thành trên cơ sở đoàn kết của số đông người, cùng “chung lưng đấu cật” trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Thứ hai, DSVH là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

DSVH được xem như là một nguồn lực trực tiếp tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, cũng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Các DSVH như các cổ vật, di vật, bảo vật các di tích lịch sử văn hoá, các danh lam thắng cảnh… là một nguồn tài sản vật chất khổng lồ xét cả về mặt kinh tế và mặt tinh thần. Về khía cạnh kinh tế các loại cổ vật, di vật và bảo vật quốc gia đều là những vật có giá trị kinh tế lớn. Với tư cách là một sản phẩm văn hóa, giá trị kinh tế của chúng không tính theo quy luật giá trị thông thường, theo lượng lao động đầu tư vào để sản xuất ra chúng mà được tính theo những thang bậc hoàn toàn khác như tính độc đáo, tính quý hiếm, tính biểu trưng…

Thứ ba, DSVH thúc đẩy quá trình phát triển đời sống tinh thần.

DSVH không chỉ có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội mà còn đáp ứng cũng như thúc đẩy đời sống tinh thần của mỗi người.

DSVH với những biểu hiện khác nhau, là sợi dây nối kết cộng đồng vững chắc khi nó hướng con người trở về với cội nguồn, với những giá trị thiêng liêng của văn hóa dân tộc, từ đó làm thức dậy ý chí tự chủ, tự cường dân tộc, kết nối con người vào cộng đồng, kết nối hiện tại vào truyền thống, tạo nên sức mạnh tổng thể của cả dân tộc. Sự phát triển vượt bậc của Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinh-ga-po chính là dựa trên sức mạnh tổng thể đó.

Những vấn đề đặt ra trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở Việt Nam hiện nay

Đảng và Nhà nước ta luôn coi đây là một trong những nội dung trọng tâm trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để bảo đảm thực hiện được mục tiêu cũng như nhiệm vụ này, Nhà nước luôn chú trọng công tác QLNN đối với các DSVH. Hệ thống pháp luật, chính sách về DSVH từng bước được hoàn thiện. Nhà nước đã chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến để nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cũng như ý thức pháp luật của xã hội về DSVH. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực này cũng đã phát hiện những hành vi vi phạm để từ đó có hướng xử lý. QLNN về DSVH đã góp phần tích cực vào quá trình bảo tồn cũng như phát triển DSVH, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, QLNN về DSVH cũng tồn tại những vấn đề cần được giải quyết.

Một là, hệ thống pháp luật về DSVH chưa hoàn thiện.

Hệ thống pháp luật về DSVH cũng còn tồn tại nhiều hạn chế cần được khắc phục như, chưa có các quy định về việc rút tên DSVH phi vật thể ra khỏi Danh mục quốc gia về DSVH phi vật thể khi các trường hợp đối tượng không còn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cơ bản của một DSVH phi vật thể trong quá trình phát triển.

Rút tên DSVH phi vật thể khi không còn đủ các điều kiện là điều cần thiết và phù hợp với sự phát triển của các loại hình bảo tồn, phát triển DSVH và khi một giá trị văn hóa đã không còn phù hợp với sự phát triển của cộng đồng, không được cộng đồng lưu truyền và không thể tồn tại trong đời sống văn hóa của cộng đồng thì cần phải được rút ra khỏi Danh mục quốc gia về DSVH phi vật thể. Chẳng hạn, một số thuật ngữ trong văn bản pháp luật còn nhầm lẫn hoặc sử dụng các từ ngữ mang tính đa nghĩa không phù hợp với tinh thần của Công ước về bảo vệ DSVH phi vật thể của UNESCO).

Một số thuật ngữ chưa được làm rõ như khái niệm “lên đồng”, “hầu đồng” phân biệt với “thực hành tín ngưỡng thờ mẫu” và làm căn cứ rõ ràng cho việc quy định hành vi vi phạm trong khoản 2a Điều 18 Mục 3 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa và ở mức độ cụ thể như thế nào là vi phạm. Tránh trường hợp lợi dụng “thực hành tín ngưỡng thờ mẫu” để tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật2. Ngoài ra, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực DSVH còn chưa quy định cụ thể, chế tài đặt ra chưa cao. Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện vi phạm.

Hai là, tác động của quá trình phát triển kinh tế – xã hội tạo ra sức ép cho việc quản lý và phát triển các DSVH.

Với sự phát triển mạnh mẽ của các lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội, đặc biệt là quá trình đô thị hóa đã làm cho sự xuất hiện của nhiều công trình “nhân tạo”. Quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng… được hình thành để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội đã tạo ra áp lực lớn cho sự phát triển các DSVH. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn di sản còn gặp khá nhiều khó khăn, phải thường xuyên đối mặt với sự xuống cấp của di tích. Áp lực về phát triển kinh tế – xã hội cũng tác động trực tiếp đến công tác bảo tồn di tích. Du lịch phát triển mạnh đem lại nguồn thu đáng kể cho nguồn ngân sách địa phương, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, lượng khách đến tham quan nhiều và tập trung đông cộng với sự thiếu ý thức của người dân đối với bảo tồn, gìn giữ di sản dẫn đến tình trạng cơ sở hạ tầng quá tải.

Ba là, công tác bảo tồn và phát triển DSVH chưa khoa học.

Hiện nay công tác bảo tồn và phát triển DSVH mặc dù được quan tâm, nhưng cách thức tiến hành chưa khoa học và hiệu quả. Công tác trùng tu và bảo vệ các DSVH bị hạn chế bởi kinh phí cũng như vướng các thủ tục hành chính. Điều này dẫn đến sự xuống cấp của các DSVH. Công tác bảo tồn và phát huy các DSVH còn chưa tương xứng với giá trị, tầm vóc của di sản. Việc quản lý, bảo vệ di tích, bảo quản cổ vật, di vật, hiện vật tại một số địa phương còn chưa hiệu quả. Một số di tích hạn chế về diện tích, nằm xen kẽ trong các địa bàn dân cư nên việc tổ chức các hoạt động văn hóa tại di tích gặp khó khăn.

Ngoài ra, còn chưa xây dựng được lực lượng nghệ nhân là những người tham gia giữ gìn, bảo tồn, phục dựng lễ hội tại cơ sở; đội ngũ cán bộ văn hóa từ cấp xã đến cấp huyện còn hạn chế nhất định về năng lực hướng dẫn, tổ chức, phục dựng lễ hội và các hoạt động văn hóa dân gian nói riêng, việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH nói chung,…

Trên thực tế nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực DSVH còn mỏng, năng lực quản lý và chuyên môn còn nhiều hạn chế; nhiệm vụ kiểm kê di tích, quy hoạch khảo cổ, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích ở nhiều địa phương còn thiếu đồng bộ và chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn tới nhiều sai phạm vẫn còn tiếp diễn; phần lớn các bảo tàng chậm đổi mới cả về nội dung trưng bày, hình thức hoạt động nên thiếu tính hấp dẫn và chưa gắn kết được với hoạt động du lịch; nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ về yêu cầu cấp thiết của việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học DSVH phi vật thể trên địa bàn.

Bốn là, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về DSVH còn chưa thực hiện đầy đủ và nghiêm túc.

Công tác thanh tra, kiểm tra ở một số lĩnh vực của DSVH chưa thật sự đạt hiệu quả là do lực lượng thanh tra, hậu kiểm còn mỏng, chế tài xử lý vi phạm còn thiếu hoặc chưa đủ sức răn đe. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ theo các quy hoạch, chiến lược, đề án đã được phê duyệt trong lĩnh vực DSVH chưa thật tốt.

Công tác thanh tra, kiểm tra mặc dù đã được thực hiện, nhưng nhìn chung còn chưa tiến hành đồng bộ. Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm trong lĩnh vực này chủ yếu đến từ phản ánh, kiến nghị của báo chí và người dân. Tính chủ động của các cơ quan quản lý văn hóa là chưa cao. Điều này dẫn đến tình trạng sai phạm, xâm phạm đến các di tích văn hóa vẫn còn diễn ra.

Giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở Việt Nam

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về DSVH.

Pháp luật là một trong những công cụ rất quan trọng để Nhà nước thực hiện công tác QLNN. Để công tác QLNN đối với DSVH thực sự có hiệu quả thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là điều quan trọng và cần thiết. Các cơ quan chuyên môn về lĩnh vực văn hóa cần chủ động làm tốt công tác tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, tăng cường công tác QLNN đối với các DSVH. Đồng thời phải tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản; khuyến khích các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đóng góp kinh phí để tu bổ di tích, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng nhà nước, tổ chức các hoạt động truyền dạy DSVH phi vật thể; có chính sách hỗ trợ, tôn vinh những tổ chức, cá nhân, nghệ nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích và thực hành, truyền dạy DSVH phi vật thể… Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng DSVH Quốc gia rà soát lại, đánh giá, tổng kết quá trình thực thi Luật Di sản.

Thứ hai, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức (CBCC) và người dân.

Để công tác QLNN đối với DSVH đạt hiệu quả cao thì cần nâng cao nhận thức của cả CBCC và người dân. Mỗi người dân và CBCC cần có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về nội dung, ý nghĩa và sự cần thiết việc QLNN đối với DSVH. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững. Đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về phát triển DSVH. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội về vị trí, vai trò, chức năng của DSVH trong đổi mới và phát triển bền vững. Bảo vệ DSVH phải được chú trọng tương xứng, hài hòa với phát triển kinh tế – xã hội. DSVH phải giữ vai trò điều tiết, định hướng sự phát triển đất nước trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế bằng mục tiêu nhân văn, hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hóa.

Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước đối với DSVH.

Cần phải tuyển dụng những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo đúng ngành, đúng nghề, có phẩm chất đạo đức, có lòng yêu nghề, nhiệt tình với công việc. Đặc biệt là trong công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa đòi hỏi rất lớn sự say mê và nhiệt tình với công việc. Việc quản lý và sử dụng cán bộ để đạt hiệu quả cao, đòi hỏi các cấp lãnh đạo phải đưa ra các quy định, quy chế đối với CBCC, đồng thời phân công trách nhiệm rõ ràng, tránh chồng chéo làm giảm hiệu quả công việc.

Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị DSVH thật sự tâm huyết, có trình độ, năng lực chuyên môn. Đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về DSVH cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa thông tin; đội ngũ quản lý, bảo vệ và tổ chức hoạt động tại các di tích; có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với những người trực tiếp làm công tác quản lý và bảo vệ di tích, những người có công truyền dạy và phổ biến DSVH phi vật thể; tuyển chọn, xây dựng, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên điểm tại các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng; trước hết là tại các địa điểm di tích có khả năng khai thác phục vụ du lịch.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Cần tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, rà soát lại các lễ hội nhằm tìm ra và loại bỏ các yếu tố phản cảm, đồng thời hạn chế các hoạt động mang tính thương mại hóa lễ hội, chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng lễ hội để hoạt động trái phép cũng như các hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích không đúng quy định của pháp luật.

Tổ chức kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất việc quản lý và sử dụng di tích văn hóa. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về QLNN đối với DSVH gắn với trách nhiệm cá nhân và tổ chức khi để xảy ra sai phạm. Các cấp, các ngành cần phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và cư dân đối với việc QLNN đối với các DSVH.

Các cơ quan nhà nước cần làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân có đóng góp hiệu quả trong công tác QLNN đối với các di tích lịch sử văn hóa. Các địa phương cần tăng QLNN đối với DSVH, kiên quyết xử lý các vi phạm làm tổn hại tới DSVH, tập trung giải quyết dứt điểm và có trọng điểm những vụ việc vi phạm, lấn chiếm di sản đã kéo dài nhiều năm.

Văn hóa ngày càng được nhìn nhận như là một lực lượng dẫn đường và tạo động lực của phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. DSVH cùng với các ngành công nghiệp sáng tạo, ngành du lịch văn hóa trở thành một “ngành sản xuất”, tạo ra của cải xã hội và ngày càng chiếm một tỷ trọng lớn trong ngân sách mỗi quốc gia. DSVH được xác định là tài sản quý giá của cộng đồng, cũng là yếu tố cốt lõi của bản sắc dân tộc, đồng thời là một bộ phận của DSVH nhân loại. Không có sự quản lý thống nhất của Nhà nước thì nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị DSVH khó mà thực hiện. Vì vậy, tăng cường vai trò QLNN trong lĩnh vực bảo tồn các giá trị DSVH là nhiệm vụ trọng tâm trong việc gìn giữ, bảo vệ các giá trị DSVH của dân tộc.

Tài liệu tham khảo:
1. Đào Duy Anh. Việt Nam Văn hóa sử cương. H. NXB Hồng Đức, 2012.
2. Đỗ Thanh Hương. Hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta hiện nay. Tạp chí Cộng sản, ngày 20/8/2020.
3. Luật Di sản văn hóa năm 2001.
4. Quốc hội. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Hà Nội, 2009.
5. Quản lý nhà nước về di sản văn hóa và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong thời kỳ hội nhập. http:// vietnamhoc.net, ngày 06/5/2020.

ThS. Nguyễn Khánh Tùng
 Học viện Chính trị khu vực II
ThS. Trần Bá Hùng
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh