Tham vấn về “Giám sát việc thực thi Điều 27 của Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (CRPD) trong lĩnh vực việc làm tại Việt Nam”

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 05/4/2021, tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Na Uy, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng với Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) đã phối hợp tổ chức hội thảo Hội thảo tham vấn về “Giám sát việc thực thi Điều 27 của Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền của người khuyết tật (CRPD) trong lĩnh vực việc làm tại Việt Nam”.
Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao năng lực của các nhà lãnh đạo cộng đồng từ các tổ chức của người khuyết tật và giúp họ phát huy sức mạnh hiệp lực trong việc giám sát các chỉ số về quyền con người và đảm bảo việc làm hòa nhập cho người khuyết tật ở Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có Bà Grete Lochen, Đại sứ Na-uy (tham dự online); về phía UNDP có Bà Diana Torres – Trợ lý Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam; Bà Risna Utami – Thành viên Ủy ban Liên hợp quốc về người khuyết tật (tham dự online); TS. Đặng Huỳnh Mai – Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng; TS. Võ Thị Hoàng Yến – Người sáng lập, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD); đại diện tổ chức của người khuyết tật các địa phương.

Tại Hội thảo TS. Đặng Huỳnh Mai – Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã chia sẻ về những mong muốn trong việc thực thi quyền của người khuyết tật trong lĩnh vực việc làm theo công ước Liên Hợp quốc, đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết trong việc phối hợp giữa Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, VCCI và các doanh nghiệp trong bảo đảm quyền của người khuyết tật. Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) đã trình bày về các chỉ số nhân quyền nhằm làm rõ hơn việc áp dụng các chỉ số này trong việc xây dựng các chỉ số liên quan đến việc làm của người khuyết tật. Bà Đào Thu Hương – Cán bộ về quyền của người khuyết tật, UNDP Việt Nam đã giới thiệu về thực trạng việc làm của người khuyết tật ở Việt Nam và trình bày tóm tắt khung pháp lý của Việt Nam về người khuyết tật từ đó đưa các khuyến nghị thiết thực về pháp luật và thực thi pháp luật để cải thiện việc làm cho người khuyết tật.

Tại Hội thảo các đại biểu cũng đã trao đổi về vấn đề việc làm với người khuyết tật dưới góc nhìn của doanh nghiệp nhằm chia sẻ những cơ hội và thách thức của doanh nghiệp trong việc thực hiện Điều 27 của CRPD trong lĩnh vực việc làm tại Việt Nam. Các đại biểu từ các tổ chức của người khuyết tật và đại diện từ khu vực tư nhân bày tỏ sự ủng hộ hòa nhập người khuyết tật đã trao đổi cách áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người của CRPD.

Tình hình hiện nay trên toàn cầu, Covid-19 đã gây ra nguy cơ mất việc làm và khó khăn trong việc tái gia nhập thị trường lao động cho hàng triệu người khuyết tật.Tại Việt Nam, hiện có hơn 6,2 triệu người khuyết tật và họ là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Đánh giá nhanh của UNDP về tác động kinh tế – xã hội của đại dịch Covid-19 đối với người khuyết tật cho thấy 30% người khuyết tật bị mất việc làm trong đại dịch Covid-19, gần 50% bị giảm giờ làm và gần 60% bị cắt lương. Do đó, phục hồi và chung sống cùng Covid-19 mang lại cho Việt Nam cơ hội xây dựng tương lai tốt đẹp hơn, bằng cách tăng cường bảo vệ người khuyết tật và tạo cơ hội cho người khuyết tật tăng cường đóng góp vào nỗ lực phục hồi của đất nước.

Tại Hội thảo Bà Risna Utami – Thành viên Ủy ban Liên hợp quốc về người khuyết tật đã giới thiệu cơ chế giám sát theo CRPD, vai trò của Ủy ban Liên hợp quốc về người khuyết tật trong giám sát việc thực thi CRPD, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong việc thực thi cơ chế giám sát. Cũng tại Hội thảo dưới sự hướng dẫn của TS. Võ Thị Hoàng Yến – Người sáng lập, Giám đốc DRD các đại biểu đã tham gia xây dựng bộ chỉ số giám sát Điều 27 của CRDP tại Việt Nam (theo 3 cấp độ).

Bà Diana Torres – Trợ lý Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam.

Bà Diana Torres – Trợ lý Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Bằng cách hợp tác cùng nhau để bảo vệ quyền việc làm của người khuyết tật, chúng ta đang thực hiện những hành động thực tiễn nhằm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” hướng tới các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là Mục tiêu Phát triển bền vững số 8 (SDG8) về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm và bền vững, tạo việc làm đầy đủ, năng suất và công việc thỏa đáng cho tất cả mọi người. Người khuyết tật chắc chắn là người cầm lái trên chặng đường này. Không ai khác có thể thay thế vai trò quan trọng của họ – những nhân tố tạo ra sự thay đổi tích cực – bằng cách nâng cao nhận thức về một môi trường làm việc hòa nhập cho người khuyết tật”. Do đó, UNDP đặt mục tiêu thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của người khuyết tật vào quá trình giám sát và xây dựng kế hoạch hành động để thực thi Điều 27 của CRPD tại Việt Nam.

Thực hiện chủ đề của Ngày Quốc tế về Người khuyết tật năm 2020: “Xây dựng lại tốt đẹp hơn: hướng tới một Thế giới hậu Covid-19 dành cho người khuyết tật, dễ tiếp cận và bền vững”, UNDP Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác Chính phủ để thúc đẩy môi trường làm việc dễ tiếp cận (với nơi ở hợp lý, bao gồm đường dốc cho xe lăn, thang máy, phòng vệ sinh dễ tiếp cận, ứng dụng đọc màn hình hoặc thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu) nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật có cơ hội tiếp cận đào tạo nghề quốc gia và gia nhập thị trường lao động nhiều hơn. Ví dụ, bằng các điều chỉnh đơn giản như như lắp đặt đường dốc cho xe lăn và nâng cao khả năng tiếp cận của nhà vệ sinh cho người khuyết tật, UNDP đã hỗ trợ Trung tâm Y tế Huyện Lương Sơn, Hòa Bình để cải thiện khả năng tiếp cận cho không chỉ người khuyết tật mà còn cho tất cả bệnh nhân đến khám tại trung tâm. Cũng như vậy, bằng cách tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi cho người khuyết tật, các doanh nghiệp đang thể hiện trách nhiệm xã hội đối với sự phát triển bền vững của chính họ.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Tại Hội thảo, UNDP đã quy tụ các nhà lãnh đạo được lựa chọn từ các nhóm người khuyết tật, các tổ chức và các nhóm cộng đồng thúc đẩy quyền của người khuyết tật để tạo nền tảng cho họ có thể phối hợp cùng nhau và biến những thách thức tạm thời thành cơ hội lâu dài và mục tiêu phát triển bền vững.

Tin, ảnh: Phương Truyền