Tư duy chiến lược của các nhà lãnh đạo, quản lý kinh tế trong bối cảnh hội nhập  

(Quanlynhanuoc.vn) – Hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng đã trở thành xu thế và trào lưu mới, được xem là định hướng chiến lược của Đảng ta trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ trật tự an ninh quốc gia. Vì vậy, việc xác định rõ và nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức do hội nhập quốc tế mang đến, đặt ra trọng trách cho các nhà lãnh đạo, quản lý cấp cao trong nhận thức và đổi mới tư duy đạt tầm chiến lược để phát triển kinh tế nhanh, mạnh và bền vững. Bài viết tập trung nhấn mạnh những cơ hội và thách thức do hội nhập quốc tế gây ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế, tác động đến việc đổi mới tư duy tầm chiến lược của các nhà lãnh đạo, quản lý cấp cao.

 

Ảnh minh họa

Một số vấn đề cơ bản về tư duy chiến lược

 Khái quát về tư duy chiến lược

Kết quả của các nghiên cứu cho thấy, tư duy chiến lược (TDCL) ra đời và phát triển trong các cuộc chiến tranh; tiếp đến từ khu vực tư, các nhà quản trị phải có TDCL trong hoạt động quản trị sản xuất kinh – doanh. Bởi, môi trường cạnh tranh khốc liệt buộc các nhà quản trị doanh nghiệp (DN) không thể không có tư duy tầm chiến lược để phân tích đối thủ, nội tại DN và môi trường. Có thể hiểu TDCL là điều kiện tiên quyết để các nhà quản trị điều hành hoạt động kinh doanh sao cho đạt lợi nhuận cao nhất khi mà nguyên liệu đầu vào ngày một khan hiếm; yêu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn của người dân và DN ngày càng cao; thị phần kinh doanh ngày càng thu hẹp do có nhiều DN cùng tham gia sản xuất cung ứng sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc thay thế.

Với khu vực công, các tổ chức công bao gồm các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập (còn được gọi là các tổ chức công) do cơ quản quản lý nhà nước đủ thẩm quyền ban hành quyết định thành lập để thực hiện nhiệm vụ quản lý một ngành, một lĩnh vực nào đó hoặc cung cấp các dịch vụ công cho xã hội. Việc quản lý điều hành hoạt động thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao hay cung cấp các dịch vụ công theo đơn đặt hàng của Nhà nước, đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý (LĐQL) phải bổ sung một số kiến thức về quản trị tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước. Ngày nay, đơn vị sự nghiệp ngày càng nhận thức rõ ràng hơn: đáp ứng nhu cầu của khách hàng là sự sống còn của đơn vị, là sứ mệnh được trao. Vì vậy, nhà LĐQL, đặc biệt là nhà LĐQL cấp cao trong hoạt động quản lý điều hành, khi tham gia xây dựng chính sách, lập kế hoạch chiến lược phải thể hiện rõ tầm nhìn, tài năng lãnh đạo xử lý những vấn đề nảy sinh trong hoạt động của tổ chức, cũng như tâm đức của nhà LĐQL với cán bộ, công chức trong tổ chức tạo ra môi trường tốt, gắn kết mọi người hướng tới thực hiện mục tiêu chung của tổ chức.

Đặc điểm của tư duy chiến lược

Nhiều nhà LĐQL cho rằng, TDCL có thể hiểu là sự kết hợp ba cách tư duy. Một là, tư duy rộng: thể hiện cách nhìn nhận toàn diện và có hệ thống về môi trường mà tổ chức đang tồn tại, từ đó thấy được xu hướng biến đổi của môi trường và vị trí mà tổ chức phải đạt tới khi môi trường đó thay đổi. Hai là, tư duy sâu: là sự phân tích một cách sâu sắc về các cơ hội, thách thức, điểm mạnh và điểm yếu của tổ chức, tìm thấy điểm tựa làm đòn bẩy cho sự phát triển của tổ chức, kiểm soát, chỉnh sửa được điểm yếu để tổ chức hoạt động ngày một hiệu quả hơn. Ba là, tư duy dài hạn: thể hiện tầm nhìn về mục tiêu phía trước, nhận thức được các xu hướng thay đổi và không ngừng làm cho tổ chức thích nghi với môi trường để đạt tới mục tiêu mong muốn. Sự kết hợp ba loại tư duy này đòi hỏi gắn tầm nhìn dài hạn với mục tiêu mong muốn và xử lý các vấn đề trong một tổng thể để đạt được mục tiêu cuối cùng của tổ chức.

Cơ hội và thách thức do hội nhập quốc tế đối với Việt Nam

Cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại

Hội nhập quốc tế (HNQT) chính là quá trình chủ động tham gia ngày càng sâu, rộng vào đời sống mọi mặt của quốc tế, như: kinh tế, văn hóa, an ninh quốc gia,… HNQT được xác định là xu thế thời đại và đang trở thành lực hấp dẫn lớn đối với mọi quốc gia, ngày càng có sự cuốn hút mạnh mẽ, trở thành một hy vọng, một điều kiện cho phát triển nhanh, mạnh và bền vững. HNQT trở thành xu thế chung của tất cả các quốc gia để phát triển. Cơ hội do HNQT mang lại cho Việt Nam là rất lớn.

Thứ nhất, trong 35 năm đổi mới, đến nay, Việt Nam đã HNQT ngày càng sâu rộng, có quan hệ ngoại giao, kinh tế với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; tham gia, trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín, toàn cầu và khu vực (Liên hiệp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)…, đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, trong đó có những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Cũng chính nhờ hội nhập, Việt Nam đã mở rộng thị trường cho xuất – nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, các nguồn vốn, thành tựu khoa học – công nghệ (KHCN) để đạt được những thành tựu phát triển.

Thu nhập bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái của Việt Nam năm 1988 chỉ đạt 86 USD – mức thấp nhất thế giới, nhưng đã tăng gần như liên tục qua các năm sau đó và đến hết năm 2016, đã đạt 2.200 USD, năm 2017, đạt 2.385 USD1.

Nếu như tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 1986 – 1990 chỉ đạt 4,4%/năm thì bình quân thời kỳ 1991 – 2011 đạt 7,34%/năm. Đặc biệt, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trong năm 2007, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,46% (mức cao nhất trong vòng 11 năm trước đó)2. Năm 2018, Việt Nam chính thức ký kết và phê chuẩn FTA thế hệ mới, rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA tháng 6/2018, thúc đẩy đàm phán RCEP. Đây là những FTA toàn diện, quy mô rộng, mức độ cam kết cao, bao hàm nhiều nội dung mới.

Nền kinh tế nước ta đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu. Thực hiện các cam kết từ khi gia nhập WTO, như: tự do hóa quyền kinh doanh xuất – nhập khẩu; xóa bỏ các hạn chế xuất – nhập khẩu; xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu gây bóp méo cạnh tranh; giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động của DN… Việt Nam có vị thế ngày càng lớn trong xuất khẩu hàng hóa toàn cầu và được xếp vào nhóm có nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới. Từ chỗ thường xuyên nhập siêu, Việt Nam đã dần chuyển sang cân bằng xuất – nhập khẩu, thậm chí đã có xuất siêu.

Thứ hai, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang diễn ra mạnh mẽ, tạo ra những bước phát triển nhảy vọt của lực lượng sản xuất xã hội. Trong đó, KHCN, tri thức trở thành nguồn lực và động lực quan trọng nhất đối với sự phát triển. Các yếu tố sản xuất khác, như: vốn, đất đai, tài nguyên thiên nhiên… trước đây từng là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của các quốc gia, giảm xuống. Với sự phát triển của hệ thống internet và các mạng thông tin kết nối toàn cầu, tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và truyền bá tri thức. Chính những điều này tạo ra cho Việt Nam, một nước được đánh giá có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, tỷ lệ người sử dụng internet cao so với nhiều nước có thu nhập bình quân đầu người như Việt Nam, cơ hội để có thể hiện đại hóa, phát triển.

Thứ ba, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, trở thành khu vực phát triển năng động, có vai trò ngày càng quan trọng đối với phát triển kinh tế thế giới. Trong khu vực, có nhiều nền kinh tế lớn, có tiềm lực tài chính, KHCN mạnh, phát triển năng động, như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… có những thị trường lớn, các nguồn vốn đầu tư lớn. Là một nước nằm trong khu vực phát triển năng động này, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, cũng tạo ra những cơ hội phát triển cho Việt Nam.

Thứ tư, Việt Nam là đất nước có sự ổn định chính trị – xã hội cao; con người thông minh, nhân hậu, mến khách; có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp; nhiều di sản văn hóa – lịch sử có sức thu hút lớn; nghệ thuật ẩm thực… được bạn bè quốc tế yêu thích. Sau nhiều năm phát triển, đã xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, hệ thống điện, nước, công nghệ thông tin, viễn thông khá đồng bộ, hiện đại, kết nối quốc tế. Hệ thống DN, nơi sáng tạo ra nguồn vốn tài chính quốc gia đang được tái cấu trúc để có thể khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế thị trường. Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, các quy định về điều kiện kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện được thu hẹp, ngày càng công khai, minh bạch; môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, thông thoáng, được nâng bậc theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế có uy tín. Nền kinh tế Việt Nam đang được cơ cấu lại, đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng KHCN và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ năm, đại dịch Covid-19, trên thực tế đã khiến các nước không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới biết và hiểu rõ hơn về Việt Nam trong phòng, chống, khống chế đại dịch. Việt Nam được xem là quốc gia an toàn, điểm đến hấp dẫn, đây là cơ hội để Việt Nam phát triển du lịch – ngành công nghiệp không khói.

Những điều này tạo ra cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Thách thức do hội nhập gây nên

Điều đáng chú ý là nhiều thách thức trong đó lại có xuất phát điểm từ những mặt khác của chính những yếu tố tạo ra cơ hội cho phát triển kinh tế đất nước.

Một là, HNQT ngày càng sâu rộng sẽ đặt DN và các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam trước thách thức phải cạnh tranh quyết liệt với các DN và các sản phẩm hàng hóa của nước ngoài không chỉ ở thị trường nước ngoài mà ngay cả ở thị trường trong nước của Việt Nam. Trong khi, các DN Việt Nam phổ biến là DN nhỏ và vừa, trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính hạn chế, phải cạnh tranh với những DN lớn, công nghệ cao, tiềm lực tài chính hùng hậu, có những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, hiện nay, phần lớn là ở những công đoạn có trình độ công nghệ thấp, gia công, lắp ráp là chính.

Hai là, HNQT, kinh tế Việt Nam đứng trước thách thức sẽ chịu tác động trực tiếp từ những biến động kinh tế từ bên ngoài, từ những biến động trên thị trường khu vực, thế giới về giá cả, lãi suất, tỷ giá của các đồng tiền, nhất là những đồng tiền có ảnh hưởng lớn, có khả năng thanh khoản nhanh. Nếu Việt Nam không chủ động có biện pháp ứng phó và nếu nội lực của nền kinh tế yếu kém kéo dài, chắc chắn thách thức này sẽ trở thành nguy cơ. Đồng thời, các DN Việt Nam còn đối mặt với những thách thức từ những cuộc tấn công mạng vào các hệ thống quản lý, hệ thống dữ liệu  công nghệ, kế hoạch, các bí quyết kinh doanh, nhất là của những đối thủ cạnh tranh bị đánh cắp.

Những điều kiện vay vốn nước ngoài (vay chính phủ các nước, vay các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế, phát hành trái phiếu quốc tế…) càng dễ dàng, thuận lợi thì nợ nước ngoài cũng càng có khả năng, điều kiện tăng nhanh, sẽ trở thành thách thức lớn khi việc sử dụng vốn vay kém hiệu quả.

Ba là, vấn đề tốc độ phát triển nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, của những thay đổi, phát triển công nghệ diễn ra nhanh chóng trên thế giới thì đối với Việt Nam cũng là một thách thức lớn. Hơn nữa, trong khi ở Việt Nam, hệ thống thể chế cho các hoạt động, các lĩnh vực, các mô hình kinh doanh mới, việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng, xử lý tranh chấp chưa được luật hóa hoặc chưa đồng bộ. Thách thức khác đối với Việt Nam là trình độ KHCN rất cao, rất mới, diễn ra trên diện rất rộng, hầu như tất cả các lĩnh vực kinh tế, phạm vi tác động rất lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để nắm bắt được cơ hội, đòi hỏi phải đáp ứng được đồng thời tất cả các yêu cầu đặt ra, đòi hỏi đất nước cũng phải có trình độ phát triển cao về KHCN, có nguồn nhân lực chất lượng cao, từ cán bộ nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ, thiết kế sản phẩm đến những người trực tiếp sản xuất.

Bốn là, kinh tế Việt Nam phát triển chưa ổn định, chưa thực sự bền vững. Nợ công, thâm hụt ngân sách nhà nước cao, kéo dài. DN trong nước chủ yếu là DN nhỏ, trình độ công nghệ thấp. Nền kinh tế cơ bản còn dựa vào vốn đầu tư, tài nguyên thiên nhiên (một số không tái tạo), lao động phổ thông, chuyển dịch sang phát triển dựa trên KHCN và nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều bất cập. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế thấp, chuyển biến chưa theo kịp nhịp độ chung. Kinh nghiệm các nước phát triển đi trước cho thấy, các nước phát triển theo hướng cất cánh được, vượt qua bẫy thu nhập trung bình đều chỉ diễn ra trong thời kỳ dân số vàng. Nếu kinh tế Việt Nam không cất cánh được trong thời kỳ dân số vàng, Việt Nam sẽ khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Năm là, Việt Nam là một trong năm quốc gia trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu (theo đánh giá của các tổ chức quốc tế). Hiện nay, biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra nhanh, tình trạng nước biển xâm nhập sâu vào các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; sạt lở đê biển, xói lở bờ biển xảy ra ở nhiều vùng; thiên tai, bão lũ cường độ lớn xảy ra nhiều, mức độ tàn phá lớn…

Không vượt qua được những thách thức cụ thể đã nêu, thì thách thức lớn nhất với Việt Nam sẽ là tụt hậu so với các nước khác ngày một xa hơn. Việc xác định cơ hội và thách thức là cơ sở để Việt Nam quyết tâm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững trước tiên thuộc trọng trách của các nhà LĐQL cao cấp.

Hội nhập quốc tế, xu thế thời đại tác động tới phát triển tư duy chiến lược của nhà lãnh đạo, quản lý kinh tế

HNQT ngày càng sâu và rộng đã trở thành điều kiện cho phát triển bền vững, ngày nay không một nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào khép kín mà phát triển được. Đó là vì những cơ hội trong hội nhập mang lại cho mỗi quốc gia, dòng chu chuyển vốn giữa các quốc gia đã hỗ trợ về năng lực tài chính cho các quốc gia trong thực thi các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cũng như xã hội, tạo ra các tiêu chí để xây dựng quốc gia hiện đại (một trong số những mục tiêu chiến lược phát triển của Việt Nam). Các nhà LĐQL kinh tế cần được bổ túc các kiến thức về hội nhập để sẵn sàng đón nhận cơ hội, đồng thời nhận biết được các thách thức có thể phát sinh trong hội nhập. Có kiến thức lý thuyết về hội nhập kinh tế quốc tế, hình thành kỹ năng phân tích thực trạng dựa trên khung lý thuyết; các nhà LĐQL có thể hiểu rất rõ về nội lực của tổ chức, của địa phương, của ngành và của đất nước, có thể đưa ra những sáng kiến có căn cứ khoa học để xây dựng và ban hành chính sách có khả năng thực thi cao.

Ở địa phương hay ở các bộ, ngành, lĩnh vực, TDCL sẽ đặt các nhà LĐQL xem xét, thể hiện trong xây dựng chiến lược phát triển của mình trong một “cơ thể” của đất nước. Như vậy, sẽ không còn hiện tượng mỗi địa phương phát triển theo kiểu “cát cứ” thành 63 nền kinh tế riêng biệt.

Nhà LĐQL ở các địa phương, các lĩnh vực, ngành, đặc biệt là nhà LĐQL kinh tế, hơn ai hết phải thấu hiểu, nắm bắt được những cơ hội (rất cụ thể và đo lường được là gì? Bao nhiêu?) và thách thức do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại (thách thức lớn nhất khó vượt qua, có thể trở thành nguy cơ? Thách thức có thể vượt qua? Trong thời gian bao lâu, điều kiện để vượt qua? Thách thức nào có thể trở thành cơ hội?), với tầm TDCL, nhà LĐQL sẽ xây dựng các kế hoạch chiến lược cho phát triển địa phương, ngành, lĩnh vực được giao LĐQL, hòa trong mục tiêu tổng thể phát triển kinh tế đất nước.

Làm thế nào để tận dụng được các cơ hội và không chỉ sẵn sàng đối mặt với thách thức mà vượt qua hoặc biến thách thức thành cơ hội để địa phương, ngành, lĩnh vực mình quản lý phát triển, góp phần cho sự nghiệp phát triển chung của Việt Nam.

Chú thích:
1, 2. Đổi mới tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế. https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 17/4/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2016.
2. Vũ Văn Phúc – Phạm Minh Chính. Hội nhập kinh tế quốc tế 30 năm nhìn lại. H. NXB Chính trị quốc gia, 2015.
TS. Đặng Thị Hà
Học viện Hành chính Quốc gia