Thừa Thiên Huế tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng PCI và nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chỉ số PAPI hiệu quả 

(Quanlynhanuoc.vn) – Thừa Thiên – Huế đứng thứ 17, tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số PCI  nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có chỉ số PAPI hiệu quả.
Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện giải pháp chuyển đổi số.

Sáng 15/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020 (PCI) dựa trên khảo sát gần 12.300 doanh nghiệp. Kết quả, Thừa Thiên Huế có số điểm đánh giá là 65,3 điểm, nằm trong nhóm khá của toàn quốc. Chỉ số này phần nào đánh giá về tính năng động, tiên phong của chính quyền địa phương đã được cải thiện, chi phí không chính thức giảm; cải cách hành chính hiệu quả và môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng.

Trước đó, ngày 14/4/2021 trong công bố Báo cáo chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (với tên viết tắt tiếng Anh là PAPI) – một công cụ để người dân tham gia giám sát hiệu quả chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở và người dân do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nghiên cứu, khảo sát từ 14.732 người dân được chọn ngẫu nhiên để hỏi và đo lường với 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử. Kết quả đo lường 8 chỉ số này, Thừa Thiên – Huế nằm trong top 10 trong số 63 tỉnh thành.

Thừa Thiên – Huế xếp thứ 1/63 tỉnh, thành phố về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan.

Điểm tổng hợp chỉ số PAPI của Thừa Thiên Huế đạt 44,53 điểm. Trong đó các chỉ số: tham gia của người dân ở cấp cơ sở 5,04; công khai minh bạch 5,47; trách nhiệm giải trình với người dân 5,03; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công 7,32; thủ tục hành chính công 7,41; cung ứng dịch vụ công 7,33; quản trị môi trường 3,94; quản trị điện tử 2,99. Trong 8 chỉ số thành phần thì Thừa Thiên Huế có 4 chỉ số thuộc nhóm cao nhất toàn quốc gồm: kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.

Ứng dụng thương mại điện tử, giải pháp bứt phá cho doanh nghiệp.

Với những kết quả quan trọng đạt được như trên là do Thừa Thiên – Huế đã triển khai nhiều kế hoạch hành động về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh. Đề ra mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh hướng đến môi trường thân thiện, an toàn, công khai minh bạch; kiểm soát tham nhũng; xây dựng các chính sách, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Tỉnh đã luôn quan tâm, khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực kêu gọi đầu tư của tỉnh…

Để duy trì vị trí xếp hạng chỉ số PAPI trong nhóm cao nhất toàn quốc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết tốt các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực liên quan đến người dân.

Thuý Vân