Đẩy mạnh kết nối, hợp tác giáo dục và đào tạo Việt Nam – Hàn Quốc

(Quanlynhanuoc.vn) – Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 22/12/1992. Mối quan hệ giữa hai quốc gia đã phát triển nhanh chóng với hai lần nâng cấp từ “Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI” (năm 2002) lên thành “Đối tác chiến lược” (năm 2009). Hiện nay, hai nước đã và đang có quan hệ hợp tác sâu rộng trên mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo. Bài viết đánh giá những thành tựu trong hợp tác giáo dục và đào tạo Việt Nam – Hàn Quốc thời gian qua, từ đó đưa ra giải pháp nâng cao hơn nữa hợp tác giáo dục giữa hai quốc gia.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: internet).

Có thể coi mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc là điển hình về mối quan hệ có nền tảng từ văn hóa và lịch sử tương đồng.

Về lịch sử, Việt Nam và Hàn Quốc đều là quốc gia có lịch sử lâu đời với truyền thống chống giặc ngoại xâm. Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã hình thành nên tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc của cả hai quốc gia. Về văn hóa, có vị trí địa lý cùng nằm ở châu Á, Việt Nam và Hàn Quốc đều sớm có nền giáo dục và thi cử theo tinh thần Nho giáo. Những nét tương đồng về lịch sử, văn hóa giúp cho hai quốc gia dễ xích lại gần nhau hơn, đặc biệt là trong hợp tác về giáo dục và đào tạo (GDĐT).

Vào đầu năm 1996, ngôi trường được Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam đầu tiên đã được khánh thành nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hữu nghị Việt – Hàn. Hiệp định Hợp tác GDĐT giữa Việt Nam – Hàn Quốc được ký kết vào tháng 3/2000. Hợp tác GDĐT cũng là một trong những nội dung quan trọng để Việt Nam và Hàn Quốc tiến tới tầm “Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI” như hai nước đã từng tuyên bố chung vào tháng 8/2001. Đến tháng 5/2005, hai nước đã ký Hiệp định Hợp tác GDĐT.

Đồng thời, hai bên cũng liên tục có những cuộc trao đổi, hội đàm về hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Trong giai đoạn 2016 – 2020, giáo dục cũng được coi là một trong các ưu tiên trong Chiến lược đối tác phát triển của Hàn Quốc với Việt Nam1. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 10/2017, đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam trong lĩnh vực GDĐT đạt gần 66 triệu USD với 62 dự án, chiếm khoảng gần 9% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này của Việt Nam2.

Thành tựu hợp tác giáo dục và đào tạo Việt Nam – Hàn Quốc

Về liên kết đào tạo và trao đổi, giao lưu.

Trải qua quá trình nỗ lực hợp tác cùng với sự phát triển ngày càng nhanh và mạnh mẽ của kinh tế, hoạt động liên kết đào tạo và trao đổi, giao lưu giữa Việt Nam – Hàn Quốc ngày càng đạt được những kết quả ấn tượng. Theo số liệu thống kê từ Cục Quản lý xuất, nhập cảnh Hàn Quốc, vào năm 2019, Việt Nam là quốc gia có số du học sinh tại Hàn Quốc lớn thứ hai với 37.426 sinh viên, chỉ đứng sau Trung Quốc. Cụ thể, hiện có hơn 160.165 sinh viên nước ngoài đang theo học các chương trình giáo dục bậc đại học tại Hàn Quốc, trong đó số sinh viên Việt Nam chiếm 23,4%, tăng gấp 14 lần so với năm 20093.

Về liên kết đào tạo, hiện nay, một số trường đại học của Hàn Quốc và Việt Nam đã thực hiện “Quy chế công nhận điểm học lẫn nhau”, điển hình là Trường Đại học Ngoại ngữ Pusan với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh thực hiện quy chế “Double degree”(bằng học liên kết), sinh viên học 2 năm tại Việt Nam, 2 năm tại Hàn Quốc đã tạo nhiều thuận lợi cho sinh viên trong việc học tập, nghiên cứu.

Đối với hoạt động đào tạo ngôn ngữ Hàn Quốc tại Việt Nam, ngay sau khi Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội (trước đây là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) đã thành lập bộ môn tiếng Hàn. Tiếp đó, hàng chục đơn vị nghiên cứu về Hàn Quốc đã ra đời, như: Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Viện Đông Bắc Á  – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; bộ môn Hàn Quốc học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh…

Các đơn vị nghiên cứu về Hàn Quốc nói trên đều có chung mục đích là đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, giới thiệu về đất nước, lịch sử con người, kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, ngôn ngữ, quan hệ quốc tế của Hàn Quốc để phục vụ nhu cầu hiểu biết của người dân Việt Nam; đồng thời, góp phần cung cấp thông tin, luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Về chiều ngược lại, tại Hàn Quốc, hàng loạt cơ sở giáo dục, như Đại học Ngoại ngữ Pusan, Đại học Công nghiệp Chung Nam, Đại học chuyên ngữ Sung Sim, Đại học Liên hiệp châu Á… đã thành lập khoa đào tạo tiếng Việt, hằng năm tuyển sinh và đào tạo từ 40 – 80 sinh viên.

Thiết lập các quỹ học bổng, hỗ trợ đào tạo.

Thông qua việc thiết lập các quỹ học bổng và hỗ trợ đào tạo, đặc biệt là từ phía Hàn Quốc, hoạt động hợp tác giáo dục giữa hai quốc gia đã được thúc đẩy. Việc cung cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam đã giúp sinh viên Việt Nam tiếp cận với một trong những môi trường giáo dục tiên tiến của thế giới, góp phần vào việc xây dựng hệ thống giáo dục Việt Nam tốt hơn. Về phía Hàn Quốc, quốc gia này có điều kiện quảng bá thương hiệu giáo dục của mình không chỉ đến Việt Nam mà còn trên trường quốc tế.

Về học bổng, hiện nay, Quỹ Học bổng và Văn hóa Việt Nam của Viện Phát triển Giáo dục Quốc tế Hàn Quốc đóng góp vào việc duy trì và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia trong tương lai. Trong việc trao đổi học bổng, không chỉ có Chính phủ, các tổ chức hữu nghị về giúp đỡ giáo dục Việt Nam mà còn có các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, như: Công ty Điện tử Samsung, Công ty Xây dựng Booyoung. Học bổng GKS cũng góp phần thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa Hàn Quốc và khối các nước ASEAN.

Về hỗ trợ đào tạo, không thể không nhắc đến vai trò của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KF). Bên cạnh việc cử các chuyên gia sang Việt Nam dạy tiếng Hàn, KOICA và KF đã hỗ trợ kinh phí cho khoảng 2.300 cán bộ thuộc các lĩnh vực khác nhau của Việt Nam sang Hàn Quốc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ4. Bên cạnh đó, hằng năm, KOICA cử 6 – 10 chuyên gia tình nguyện sang công tác theo yêu cầu của các cơ sở giáo dục Việt Nam, trong số đó đáng lưu ý là các chuyên gia dạy tiếng Hàn hay ngành Hàn Quốc học.

Tăng cường và nâng cấp cơ sở vật chất trường học.

Từ năm 1997 – 2001, với mục đích hỗ trợ đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp và phát triển cân bằng quốc gia, KOICA đã hỗ trợ Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Công nghiệp Việt – Hàn thông qua việc xây dựng trường, hỗ trợ trang thiết bị giáo dục, đào tạo đội ngũ giảng viên, tư vấn cho trường quá trình đào tạo… Hàn Quốc đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng 40 trường tiểu học tại các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; nâng cấp Trường Trung học Công nghiệp Hà Nội; xây dựng Trường Kỹ thuật công nghiệp Việt – Hàn và Trường Kỹ thuật cơ điện Quy Nhơn. Hàn Quốc cũng đã hỗ trợ đầu tư xây dựng mạng lưới máy tính tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trung tâm hợp tác công nghệ Việt – Hàn…

Cùng với sự hỗ trợ, hợp tác của Hàn Quốc, Việt Nam đã nỗ lực phát triển và có được nhiều thành công trong phát triển nhân lực nói chung và nhân lực có tay nghề nói riêng, tiếp tục đẩy mạnh nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Hợp tác giáo dục Việt – Hàn đã nâng cao chất lượng giáo dục cũng như cơ sở vật chất của một số trường đại học, trung tâm, viện nghiên cứu và cả các trường phổ thông tại Việt Nam thông qua việc Hàn Quốc hỗ trợ xây dựng, tài trợ về cơ sở vật chất cho Việt Nam trong vấn đề phát triển giáo dục về chất lượng và cơ sở vật chất kỹ thuật.

 Hợp tác khoa học – công nghệ liên quan đến GDĐT.

Hàn Quốc đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, xây dựng nên nền công nghiệp hiện đại. Hiện nay, Hàn Quốc đã chủ động xây dựng chiến lược đi sâu vào các lĩnh vực khoa học – kỹ thuật và công nghệ cao; đồng thời, chú trọng các hoạt động chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển. Nhận thức được Hàn Quốc có nền khoa học – công nghệ vượt trội, Việt Nam đã chủ động, tích cực trao đổi, hợp tác với Hàn Quốc trên lĩnh vực khoa học – công nghệ, đặc biệt là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Các hình thức chủ yếu là trao đổi cán bộ, đào tạo dài hạn và ngắn hạn, tổ chức các lớp học chuyên đề, các hội nghị và hội thảo khoa học.

Năm 2009, được sự hỗ trợ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và sự hợp tác từ các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, Viện Vật lý đã tổ chức “Hội thảo Việt Nam – Hàn quốc về quang tử tiên tiến” (Vietnam – Korea Workshop on Advanced Photonics)5. Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục thông qua các cuộc hội thảo sẽ là nguồn khơi cho những sáng tạo về nghiên cứu khoa học. Cũng nhờ sự giúp đỡ của KOICA, khoảng 10 năm trở lại đây, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã triển khai thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức luân phiên giữa hai nước các hội thảo khoa học trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường6

Giải pháp nâng cao hợp tác giáo dục và đào tạo Việt Nam – Hàn Quốc

Thứ nhất, Hàn Quốc cần thúc đẩy hợp tác trong biên soạn sách giáo khoa, số hóa sách giáo khoa, xây dựng tài liệu điện tử và hỗ trợ giáo viên tiếng Hàn bản địa để công tác dạy tiếng Hàn hệ 10 năm trong thời gian tới tại Việt Nam sẽ được thực hiện bài bản, hiệu quả. Việc đưa tiếng Hàn vào sách giáo khoa hệ 10 năm sẽ giúp cho rào cản ngôn ngữ trong quá trình học tập giảm bớt, góp phần thúc đẩy số lượng du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc, đặc biệt là tăng số lượng sinh viên trong các chuyên ngành thay vì phần lớn là ngành ngôn ngữ như hiện nay.

Thứ hai, về giáo dục nghề nghiệp, hai bên cần tăng cường hợp tác trên tinh thần thiết thực, hiệu quả ở các cấp độ: chính phủ, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo… thông qua các hoạt động như: thúc đẩy hợp tác chính sách; đẩy mạnh hợp tác, ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các cơ sở  của Việt Nam với các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam; đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp Hàn Quốc; tiếp nhận chuyển giao chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy và học tập, tiến tới công nhận lẫn nhau ở một số môn, một số nghề…

Thứ ba, cần triển khai mạnh mẽ việc thực hiện dự án cử công dân Việt Nam đi đào tạo tại Hàn Quốc theo đề án đào tạo cán bộ khoa học – kỹ thuật ở Hàn Quốc bằng ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần phê duyệt cho phép thực hiện một số chương trình liên kết giữa các cơ sở đào tạo đại học hai nước về việc đào tạo cán bộ, sinh viên Việt Nam với nguồn kinh phí do phía Việt Nam cấp. Tăng cường hợp tác đào tạo trình độ đại học và sau đại học giữa hai nước, trong đó chú trọng việc cấp học bổng cho công dân Việt Nam đi đào tạo tại Hàn Quốc về một số lĩnh vực mà Việt Nam cần, như: khoa học cơ bản, các ngành khai thác khoáng sản thiên nhiên, dầu khí, vật liệu mới, công nghệ sinh học, tự động hóa… và mở rộng phạm vi số trường đại học nhận đào tạo lưu học sinh Việt Nam.

Thứ tư, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường hoạt động trao đổi hợp tác GDĐT với Bộ Giáo dục và Khoa học Hàn Quốc cũng như các trường đại học của Hàn Quốc để tăng cường trao đổi thông tin về giáo dục giữa hai nước. Từ đó, tạo cơ sở để tổ chức các hoạt động giáo dục giữa hai nước do hai bộ  chủ trì, ví dụ như: triển lãm giáo dục, hội nghị, hội thảo về giáo dục… Hai bên cũng cần thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về những thế mạnh của Hàn Quốc như thống kê, quản lý thông tin trong giáo dục, dự báo nguồn nhân lực và hệ thống giáo dục đại học.

Thứ năm, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cần tiếp tục liên hệ chặt chẽ với các trường đại học của Hàn Quốc hiện có lưu học sinh Việt Nam theo học để thực hiện tốt công tác quản lý lưu học sinh, tăng cường công tác quản lý số lưu học sinh du học tự túc tại Hàn Quốc.

Chú thích:
1. Việt Nam và Hàn Quốc đánh dấu quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. https://dangcongsan.vn, ngày 17/11/2020.
2. Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục đào tạo tại Việt Nam. https://bnews.vn, ngày 09/11/2017.
3. Hơn 37.000 sinh viên Việt Nam du học Hàn Quốc. https://tuoitre.vn, ngày 01/10/2019.
Đẩy mạnh hợp tác giáo dục và đào tạo Việt Nam – Hàn Quốc. https://nhandan.com.vn, ngày 01/9/2017.
4. Hội thảo Việt Nam – Hàn Quốc về quang tử tiên tiến. https://vast.gov.vn, ngày 30/12/2009.
5. Hoạt động của tổ chức KOICA ở Việt Nam. https://tapchicongsan.org.vn, ngày 03/6/2013.

PGS. TS. Đặng Hoàng Linh –  Học viện Ngoại giao
ThS. Vũ Thị Kim Oanh – Trường Đại học Nguyễn Trãi