Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tòa án nhân dân quận, huyện ở TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, đội ngũ cán bộ Tòa án nhân dân quận, huyện ở TP. Hồ Chí Minh đã được các cấp chính quyền quan tâm xây dựng, bảo đảm đủ số lượng, đúng cơ cấu, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ và hoạt động của cả hệ thống tòa án. Chất lượng hoạt động của Tòa án nhân dân quận, huyện đã được nâng lên một bước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế – xã hội.

 

Lãnh đạo TANDTP.HCM và các công chức Văn phòng TANDTP.HCM (Nguồn: http://stttt2.icti-hcm.gov.vn).

1. Ngành Tòa án nhân dân (TAND) TP. Hồ Chí Minh được thành lập tháng 9/1976, hệ thống tổ chức bộ máy lúc đó gồm TAND thành phố và 11 TAND quận, huyện1.

Những năm qua, đội ngũ cán bộ (ĐNCB) TAND quận, huyện ở TP. Hồ Chí Minh đã được các cấp chính quyền quan tâm xây dựng, bảo đảm đủ số lượng, đúng cơ cấu, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ và hoạt động của cả hệ thống tòa án. Chất lượng hoạt động của TAND quận, huyện đã được nâng lên một bước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế – xã hội.

Đến nay, ngành TAND thành phố gồm TAND thành phố, 24 TAND quận, huyện và có 5 tòa chuyên trách, 3 bộ phận trực thuộc. Biên chế của toàn ngành lúc đầu chỉ có 80 người, đến nay đã có 734 cán bộ, công chức (thành phố: 233 người; quận, huyện: 501 người); 253 thẩm phán (thành phố: 81 người; quận, huyện: 172 người); 383 thư ký (thành phố: 119 người; quận, huyện: 264 người); 98 CBCC khác (thành phố: 33 người; quận, huyện: 65 người), chưa tính đến số người lao động hợp đồng2.

Cùng với đó, chất lượng ĐNCB ngày càng được nâng lên rõ rệt, trình độ thạc sỹ từ 91 người (năm 2011) tăng lên 152 người (năm 2015) và  257 người (năm 2019); số cán bộ có trình độ tiến sỹ là 3 người (năm 2011) tăng lên 25 người (năm 2015) và 45 người (năm 2019)3.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD)  ĐNCB TAND quận, huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay. Từ năm 2015 đến nay, ngành TAND đã mở được 90 lớp đào tạo với 2.560 lượt người tham gia và 410 lớp bồi dưỡng với 6.709 lượt người4.

Công tác giải quyết các vụ án có nhiều chuyển biến, mặc dù số lượng các vụ án rất lớn với tính chất ngày càng phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng. Năm 2018, tòa xét xử 1.820 vụ việc, năm 2019, xét xử 1.915 vụ việc bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật 5. Hằng năm, TAND TP. Hồ Chí Minh phải giải quyết số lượng án các loại rất lớn chiếm tỷ lệ bằng 1/5 lượng án của cả nước, nhất là từ năm 1999 đến nay, toàn ngành phải giải quyết từ 30.000 – 36.000 vụ/năm6.

Với tư tưởng xuyên suốt là xây dựng, phát triển ĐNCB, thẩm phán theo hướng toàn diện cả về lý luận chính trị, phẩm chất, năng lực thực tiễn trên nguyên tắc coi trọng cả “đức” và “tài”, “đức” là gốc. Qua đó, mỗi cán bộ TAND thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trước Đảng, trước Nhân dân, kiên định với lý tưởng cách mạng của Đảng, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng. Vì vậy, mỗi cán bộ TAND quận, huyện phải thật sự là tấm gương về đạo đức, lối sống, gắn bó mật thiết với Nhân dân, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong tổ chức.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đó là:

(1) Số lượng thẩm phán còn thiếu, ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ xét xử; (2) Trình độ năng lực của ĐNCB TAND, đặc biệt là sự am hiểu về luật pháp quốc tế còn nhiều hạn chế; (3) Một số cán bộ thẩm phán chưa ý thức đầy đủ về hoạt động xét xử, còn nể nang, chấp nhận những sai sót của các cơ quan tố tụng, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh và công bằng của bản án.

2. Để nâng cao chất chất lượng ĐNCB TAND quận, huyện ở TP. Hồ Chí Minh cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao chất lượng ĐTBD ĐNCB TAND quận, huyện ở TP. Hồ Chí Minh.

Để bảo đảm chất lượng ĐNCB TAND quận, huyện ở TP. Hồ Chí Minh, cần quan tâm chú trọng ngay từ khi đào tạo cử nhân Luật là một nội dung quan trọng. Đây được coi là “cái gốc” của chất lượng ĐNCB TAND quận, huyện, do vậy, cần tiến hành thường xuyên và có kế hoạch cụ thể. Chú trọng việc đào tạo chuyên sâu sau đại học để xây dựng ĐNCB, thẩm phán giỏi trên từng lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu xã hội.

Hoàn thiện chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo cán bộ TAND theo hướng tăng cường trang bị kỹ năng nghề nghiệp, sát với yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, tiếp tục bổ sung đề cương môn học, đề cương chi tiết bài giảng và khai thác các hồ sơ vụ án điển hình để làm bài học tình huống cho học viên.

Tăng cường trau dồi công tác chuyên môn, nghiệp vụ gắn với công tác giáo dục chính trị tư tưởng và quản lý cán bộ.

Hai là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Xử lý nghiêm những tập thể và cá nhân có sai phạm trong quản lý, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ.

TAND cấp quận, huyện căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ; phát hiện sớm và khắc phục, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế nghiệp vụ trong hoạt động của tòa án nói chung và trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án nói riêng theo đúng quy định.

Ba là, đổi mới việc lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ tòa án.

Đổi mới cơ chế, phương pháp, nội dung và hình thức tuyển chọn cán bộ phù hợp với vị trí việc làm – năng lực công chức. Hoàn thiện cơ chế tuyển chọn cán bộ, thực hiện việc tuyển chọn thông qua thi cử công khai. Trên cơ sở đó, xây dựng ĐNCB TAND chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại đủ khả năng đảm đương các công việc của TAND quận, huyện ở TP. Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay.

Bốn là, nâng cao chất lượng công tác luân chuyển ĐNCB TAND quận, huyện.

Để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, TAND quận, huyện ở TP. Hồ Chí Minh cần xây dựng ĐNCB TAND có đầy đủ phẩm chất và năng lực, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Muốn vậy, trước tiên cần kịp thời hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ. Hằng năm, phải có báo cáo cụ thể chi tiết về công tác cán bộ. Trong đó đánh giá ưu điểm, hạn chế, đặc biệt là công tác xây dựng ĐNCB trong sạch, vững mạnh, từng bước kiện toàn ĐNCB đủ về số lượng và bảo đảm về chất lượng. Cần làm rõ nguyên nhân của những yếu kém để bổ nhiệm, điều động cán bộ cho phù hợp và hiệu quả.

Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các quy chế, quy định trong công tác cán bộ về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển; về ĐTBD cán bộ, công chức; về kiểm tra, giám sát và quản lý cán bộ, công chức; về kỷ luật cán bộ, công chức; về bảo vệ chính trị nội bộ…, bảo đảm sự gắn kết giữa các khâu trong công tác cán bộ. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, quy hoạch và luân chuyển cán bộ. Xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của các khâu trong công tác cán bộ (phân loại, đánh giá cán bộ là tiền đề, quy hoạch cán bộ là nền tảng, luân chuyển cán bộ là đột phá và ĐTBD cán bộ là yêu cầu vừa cấp bách vừa lâu dài).

Năm là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho ĐNCB TAND.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp cho ĐNCB, TAND quận, huyện có ý nghĩa rất quan trọng. Việc bồi dưỡng cần đi vào các nội dung thiết thực đối với từng chức danh công chức; phương pháp bồi dưỡng cần thường xuyên cập nhật để thực hiện mục tiêu định hướng hành động trong tình hình mới và phải mang tính thống nhất.

Mỗi cán bộ tòa án đều cần phải tự giác, gương mẫu, tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, biến quá trình nâng cao trình độ, năng lực, tu dưỡng đạo đức cách mạng trở thành nhu cầu tự thân của chính mình.

Phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực đi cùng với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tích cực tham gia, hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Cán sự Đảng TAND tối cao phát động trong toàn ngành với chủ đề: “Nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức và thẩm phán ngành Tòa án nhân dân”. Mỗi chi bộ, căn cứ vào tình hình thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, thực hiện nghiêm túc, có nền nếp tự phê bình và phê bình thông qua sinh hoạt chi bộ hằng tháng là việc làm mang tính xây dựng, phát triển tổ chức thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đảng, vận dụng đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực công tác; thực hiện giải pháp cải tiến, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với việc nâng cao chất lượng ĐNCB TAND quận, huyện.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết của ngành Tòa án năm 2020, triển khai nhiệm vụ của ngành Tòa án năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Ngành Tòa án xây dựng cho được ĐNCB trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xứng đáng với vị trí trung tâm của hoạt động tư pháp. Phấn đấu xây dựng TAND  xứng đáng trở thành “Thành trì bảo vệ công lý” đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và sự mong đợi của nhân dân7.

Chú thích:
1, 2. Tòa án nhân dân TP. Hồ chí Minh. 40 năm hình thành và phát triển Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh. (ngày 10/8/1976 – 10/8/1916), tr. 6, 125.
3, 4, 5. Báo cáo tổng kết công tác năm 2019 phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, tr. 6, 15, 15.
6. Báo cáo tổng kết công tác năm 2018 phương hướng nhiệm vụ năm 2019 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, tr. 3.
7. Phấn đấu xây dựng Tòa án nhân dân xứng đáng trở thành “thành trì bảo vệ công lý”. http://nhandan.com.vn, ngày 21/12/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2000.
2. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. H. NXB Chính trị quốc gia, 2007.
3. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002.
4. Nghị quyết số 49-NQ/TW Ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011.
6. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006.

ThS. Trương Như Thủy
Học viện Chính trị – Bộ Quốc phòng