Tọa đàm: “Bồi dưỡng kỹ năng đại biểu Hội đồng nhân dân”

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 20/4/2021, tại Hà Nội, Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở – Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Tọa đàm: “Bồi dưỡng kỹ năng đại biểu Hội đồng nhân dân”.

 

Tới dự, có GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển – nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; TS. Nguyễn Viết Chức – Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; đại biểu HĐND một số địa phương; đại diện lãnh đạo các khoa, ban thuộc Học viện; giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài Học viện. PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh – Trưởng khoa Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở chủ trì tọa đàm.

PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh phát biểu đề dẫn Tọa đàm.

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh nhấn mạnh sau sự thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cả nước đang trong giai đoạn khẩn trương chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Qua tổng kết thực tiễn hoạt động của HĐND các cấp đã khẳng định, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc vào năng lực đại biểu HĐND được bầu ra, do đó, để bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thì các đại biểu phải được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng thường xuyên.

Mục tiêu của tọa đàm nhằm cập nhật, hoàn thiện tài liệu, đổi mới phương pháp, tổng kết thực tiễn để nâng cao chất lượng bồi dưỡng cho các đại biểu HĐND nhiệm kỳ mới. Tọa đàm tập trung vào một số nội dung: về công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng của đại biểu HĐND; các kỹ năng cụ thể, như giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, thảo luận, kỹ năng xây dựng, ban hành nghị quyết của HĐND…

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Đào nhấn mạnh giảng viên tham gia bồi dưỡng đại biểu HĐND cần làm rõ nhận thức về vị trí của HĐND trong thiết chế quyền lực.

Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Đào nhấn mạnh giảng viên tham gia bồi dưỡng đại biểu HĐND cần làm rõ nhận thức về vị trí của HĐND trong thiết chế quyền lực, bên cạnh đó phải giải mã mối quan hệ giữa HĐND và UBND; hoạt động giám sát của HĐND đối với UBND trong việc thực thi nghị quyết của HĐND. Các đại biểu HĐND muốn thực hiện tốt chức năng là người đại biểu của nhân dân thì phải luôn liên hệ chặt chẽ với nhân dân, phản ánh được tiếng nói của người dân và hoạt động của đại biểu HĐND phải mang tính thực chất.

TS. Nguyễn Viết Chức cho rằng, bồi dưỡng kỹ năng đại biểu HĐND là rất cần thiết.

TS. Nguyễn Viết Chức cho rằng, bồi dưỡng kỹ năng đại biểu HĐND là rất cần thiết, thông qua bồi dưỡng để đại biểu HĐND các cấp hiểu về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của HĐND, các kỹ năng để thực hiện các công tác của HĐND. Do đó, tài liệu bồi dưỡng cho đại biểu HĐND phải đầy đủ nội dung về kỹ năng cho đại biểu HĐND, như: kỹ năng tranh luận, chất vấn, giám sát, tiếp xúc người dân… và phải được đưa ra giảng dạy thử tại các trường bồi dưỡng, từ đó có sự điều chỉnh và hoàn thiện. Bên cạnh đó, để hoạt động HĐND được hiệu quả thì hoạt động bồi dưỡng phải giúp xây dựng được cho đại biểu văn hóa nghị trường trong thực hiện hoạt động chất vấn, tranh luận về các vấn đề của địa phương, của quốc gia hiệu quả, thực chất và có trọng tâm.

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển đề nghị cần phải làm rõ lý luận về HĐND của Việt Nam so với các quốc gia, thể chế khác.

Theo GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển đề nghị, cần phải làm rõ lý luận về HĐND của Việt Nam so với các quốc gia, thể chế khác, trong đó phải khẳng định HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại biểu HĐND là người được người dân chọn, đại diện cho quyền lực của người dân. Vì vậy, bồi dưỡng kỹ năng đại biểu HĐND là rất cần thiết, giảng viên phải bao gồm cả những người đã tham gia đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND có nhiều kinh nghiệm sẽ giúp chất lượng bồi dưỡng được tốt hơn.

Đại biểu HĐND một số địa phương chia sẻ thực tế hoạt động.

Tại tọa đàm, các đại biểu HĐND một số địa phương đã chia sẻ thực tế hoạt động của HĐND, nêu những khó khăn trong hoạt động của đại biểu HĐND và yêu cầu, đề xuất được tham gia tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng và nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức pháp luật… cho các đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 – 2026 được bầu mới.

Kết thúc tọa đàm, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh cảm ơn các ý kiến đóng góp về cả lý luận và thực tiễn hoạt động của HĐND, cũng như hoạt động bồi dưỡng, chương trình, kiến thức cho đại biểu HĐND, đây là các ý kiến đánh giá xác đáng giúp Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở của Học viện hoàn thiện tài liệu cũng như đổi mới phương pháp giảng dạy cho các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.
Tin, ảnh: Xuân Phú