Đẩy mạnh cải cách hành chính để phát triển kinh tế – xã hội thành phố Cần Thơ

(Quanlynhanuoc.vn) – Xác định cải cách hành chính là khâu đột phá để phát triển kinh tế – xã hội, UBND thành phố Cần Thơ đã nỗ lực triển khai công tác này, lấy hiệu quả cải cách hành chính, sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là mục tiêu, động lực phấn đấu xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân tốt hơn.

 

Kết quả trong công tác cải cách hành chính tại thành phố Cần Thơ

Về cải cách thể chế

Thành phố thực hiện nghiêm túc quy trình xây dựng và ban hành văn bản theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015, bảo đảm thời gian, chất lượng các báo cáo thẩm định ngày càng được nâng cao. Trong năm, thành phố đã ban hành 20 VBQPPL, trong đó 9 nghị quyết và 11 quyết định. Công tác kiểm tra, rà soát, xử lý VBQPPL được thực hiện kịp thời, bảo đảm tính hợp pháp, hợp hiến và thống nhất của hệ thống pháp luật, đã tự kiểm tra và kiểm tra 10 VBQPPL của thành phố và quận, huyện, trong đó, có 8 văn bản phù hợp với quy định của pháp luật; 2 văn bản có sai sót về trình bày, bố cục văn bản.

Tập huấn khảo sát sự hài lòng của người dân về thủ tục hành chính.

Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC)

Năm 2020, thành phố đã ban hành 47 quyết định công bố danh mục TTHC. Hiện tại, tổng số TTHC của toàn thành phố là 1.871, giảm 20 thủ tục so với năm 2019. Việc niêm yết, công khai TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cơ bản thực hiện tốt, được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và tích hợp về cổng dịch vụ công thành phố. Thành phố đã thông qua phương án đơn giản hóa cho 15 TTHC, trong đó rút ngắn thời gian giải quyết từ 1 đến 5 ngày làm việc cho 10 TTHC; đơn giản hóa biểu mẫu, số lượng, thành phần hồ sơ cho 5 TTHC.

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC, từng bước nâng cao sự hài lòng của tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Kết quả, trong năm 2020, thành phố đã tiếp nhận 613.655 hồ sơ, trong đó, giải quyết đúng hẹn 584.968 hồ sơ, giải quyết trễ hẹn 9.641 hồ sơ, còn lại 19.046 hồ sơ đang giải quyết.

Niêm yết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ.

Về cải cách tổ chức bộ máy

Tiếp tục triển khai thực hiện đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp, thành phố đã ban hành quyết định thành lập 1 đơn vị, tổ chức lại 7 đơn vị (qua đó giảm 1 phòng chuyên môn, 3 đơn vị sự nghiệp);… Phê duyệt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho 16 đơn vị và ban hành các kế hoạch về thực hiện phân cấp, tổ chức bộ máy. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực công nghệ thông tin và ban hành văn bản chỉ đạo đẩy mạnh sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy và Đề án vị trí việc làm của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW đến tháng 10/2020, về biên chế công chức trong cơ quan hành chính đã tinh giản và cắt giảm 211/213 biên chế, giảm 9,9% so với biên chế giao năm 2015 (đạt 99,06% kế hoạch của giai đoạn 2015 – 2021); số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập đã tinh giản và cắt giảm 2.313/3.327 người, giảm 14,38% so với biên chế giao năm 2015 (đạt 143,8% kế hoạch của giai đoạn 2015 – 2021).

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng được thực hiện thường xuyên. Trong năm, thành phố đã cử 1.345 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, trong đó: đào tạo chuyên môn 82 lượt; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước: 947 lượt; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo vị trí việc làm: 316 lượt.

Cải cách tài chính công

Tính đến nay, thành phố có 283 cơ quan hành chính thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan hành chính. Trong đó, cấp thành phố có 43 cơ quan; cấp quận, huyện có 157 cơ quan; cấp xã có 83 cơ quan. Về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập: Hiện nay toàn thành phố có 529 đơn vị sự nghiệp, trong đó, cấp thành phố là 114 đơn vị, giảm 2 đơn vị so với năm 2019; cấp huyện là 434 đơn vị, giảm 2 đơn vị so với năm 2019.

Hiện đại hóa hành chính

Tính từ đầu năm 2020, thành phố đã tổ chức được 197 cuộc họp trực tuyến, gồm 81 cuộc họp trực tuyến cấp thành phố do UBND thành phố, sở, ban, ngành chủ trì và 116 cuộc họp trực tuyến do UBND quận, huyện chủ trì họp với cấp xã, phường thị trấn. Hệ thống camera giám sát hoạt động bộ phận một cửa của 83/83 xã, phường, thị trấn được trang bị nhằm theo dõi tình hình hoạt động, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, công chức bộ phận một cửa.

Việc ứng dụng chữ ký số được các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố sử dụng thường xuyên, hiệu quả, bảo đảm an toàn, xác thực độ tin cậy trong việc gửi, nhận văn bản điện tử. 100% cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức là lãnh đạo sở, ban, ngành; UBND quận, huyện và lãnh đạo cấp phòng, đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành; UBND quận, huyện; UBND xã, phường, thị trấn đã được cấp phát chữ ký số để sử dụng.

Các sở, ban, ngành thành phố đã và đang triển khai sử dụng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, như: hệ thống thông tin quản lý cán bộ, công chức, viên chức (Sở Nội vụ); hệ thống quản lý dự án đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư); hệ thống Phần mềm VNEDU quản lý trường mầm non và hệ thống phần mềm Smas quản lý nhà trường (Sở Giáo dục và Đào tạo),…

Tính đến ngày 30/9/2020, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 942, đạt 51% (tăng 3% so với năm 2019), trong đó dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 562, đạt tỷ lệ 31%  và 380 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt tỷ lệ 20,7%; tổng số hồ sơ trực tuyến mức 3 và 4 là 26%.

Người dân lấy số thứ tự tại bộ phận một cửa quận Ô Môn.
Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2021

Hồ sơ công việc (bao gồm hồ sơ văn bản điện tử và hồ sơ thủ tục hành chính) được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật): tối thiểu 85% hồ sơ công việc tại cấp thành phố; 65% hồ sơ công việc tại cấp huyện; 35% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Tối thiểu 65% TTHC đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến của thành phố thực hiện ở mức độ 4.

Hoàn thành xây dựng và phê duyệt 90% hồ sơ hệ thống thông tin bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ.

Đạt tối thiểu 90% các cơ quan hành chính nhà nước có kết quả đánh giá việc giải quyết TTHC xếp loại tốt trở lên.

Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 87%. Mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ giáo dục công lập đạt tối thiểu 90%, về dịch vụ y tế công lập đạt tối thiểu 85%.

– 100% các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

– Có thêm đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.

Hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin báo cáo, kết nối với hệ thống của Chính phủ.

Hoàng Thị Hậu