Bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam và vai trò của Nhà nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Sự kiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với nguy cơ đánh mất thương hiệu đã được cảnh báo từ rất lâu, nhưng thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp không có khả năng bảo vệ cho chính mình trước tư duy thực dụng của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh trách nhiệm của chính doanh nghiệp, Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ thương hiệu sản phẩm, nhất là những sản phẩm có uy tín trên thị trường.

 

Anh hùng lao động Hồ Quang Cua, “cha đẻ” của loại gạo ST25 ngon nhất thế giới cho biết, vấn đề đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài rất phức tạp. Ảnh: dantri.com.vn.

Việt Nam có nhiều sản phẩm là những đặc sản, như: Kẹo dừa Bến Tre, Bánh Phồng tôm Sa Giang, Bánh Pía Sóc Trăng… Tuy nhiên, khi các sản phẩm đặc sản của Việt Nam được người tiêu dùng trên thế giới biết đến thì nó đã được dán nhãn mác của một quốc gia khác. Chẳng hạn như, kẹo dừa Bến Tre đã được dán nhãn mác của Công ty TNHH Rừng Dừa, do Trung Quốc sản xuất mà không phải là thương hiệu của Cơ sở sản xuất kẹo dừa mang nhãn hiệu Quê Hương sản xuất tại Bến Tre của Việt Nam. Chính vì vậy, Công ty TNHH sản xuất – kinh doanh tổng hợp Đông Á (tiền thân là cơ sở sản xuất kẹo dừa mang nhãn hiệu Quê Hương) sau đó đã mất rất nhiều thời gian ròng rã, kiên trì theo đuổi vụ kiện với doanh nghiệp Trung Quốc để giành lại thương hiệu sản phẩm Kẹo dừa Bến Tre của mình.

Tuy nhiên, câu chuyện về thương hiệu sản phẩm “Kẹo dừa Bến Tre” không phải là chuyện cá biệt với doanh nghiệp Việt Nam khi bước chân ra thị trường toàn cầu. Từng có việc tương tự diễn ra với một trong những thương hiệu cà phê nổi tiếng nhất Việt Nam – Cafe Trung Nguyên. Tháng 7/2000, Công ty Trung Nguyên tiếp xúc với Công ty Rice Field với mục đích đưa sản phẩm sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, khi hai bên còn đang thương thảo, chưa đi đến ký thỏa thuận hợp đồng thì phía đối tác đã đăng ký bảo hộ thương hiệu “Cafe Trung Nguyên” với các cơ quan chức năng Mỹ và Tổ chức Bảo hộ trí tuệ thế giới (WIPO).

Đứng trước nguy cơ mất thương hiệu tại thị trường Mỹ, một mặt Cafe Trung Nguyên nộp đơn đăng ký bảo hộ với các cơ quan chức năng Hoa Kỳ, với WIPO; mặt khác, tiến hành thương thảo, đàm phán với Rice Field. Sau 2 năm thương thảo, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu. WIPO đã không chấp nhận bảo hộ cho Rice Field, công ty này cũng đành lùi bước và nhận làm đại lý phân phối Cafe Trung Nguyên tại Mỹ. Song, Trung Nguyên đã phải rất vất vả và tiêu tốn hàng trăm nghìn USD cho việc lấy lại thương hiệu.

Tiếp đến là thương hiệu nước mắm Phú Quốc bị các nhà sản xuất nước mắm ở Thái Lan làm giả nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc bán ở châu Âu. Hay như sản phẩm thuốc lá Vinataba bị tới 12 nước chiếm dụng thương hiệu này; Công ty Võng xếp Duy Lợi bị công ty của doanh nhân Jonason Miki đăng ký thương hiệu tại Nhật Bản…

Câu chuyện về thương hiệu Việt, tưởng chừng chỉ có khi các doanh nghiệp Việt Nam mới tham gia vào quá trình hội nhập với những bước đầu làm quen, còn nhiều bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm nên chưa được chú trọng. Nhưng thực tế, vấn đề bản quyền thương hiệu Việt vẫn đang chưa được coi trọng khi mới đây, “Gạo ST25 bị doanh nghiệp Mỹ đăng ký thương hiệu”. Hiện tại, ý kiến công luận đều thể hiện sự “bức xúc hộ” cho doanh nghiệp, một số bài viết trách cứ doanh nghiệp đã không tỉnh táo, không thức thời để đăng ký bản quyền thương hiệu sản phẩm. Một số khác đưa ra những lời cảnh báo, nhắc nhở bài học cho các doanh nghiệp đang muốn thâm nhập vào thị trường thế giới, nhưng lại chưa có ý kiến về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này, nếu có cũng chỉ coi Nhà nước “đóng vai phụ”.

Câu chuyện hội nhập của các doanh nghiệp hiện nay không chỉ là việc bị “đạo thương hiệu”, mà còn ở chỗ doanh nghiệp phải chịu thiệt thòi, bị kiện cáo do không nắm vững pháp luật tại các quốc gia khi tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa, chào bán sản phẩm của mình. Và, còn là việc đặt tên sản phẩm quá “thuần Việt” khi khai thác thị trường nước ngoài, trong đó có những từ thuần Việt với nghĩa trong sáng, nhưng sang các quốc gia khác, âm đọc lên lại mang nghĩa khá nhạy cảm…

Nhà nước, với vai trò là “bà đỡ” cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có sản phẩm thương hiệu độc quyền. Theo đó, bên cạnh việc bảo hộ cho những sản phẩm đã được đăng ký thương hiệu của doanh nghiệp, cơ quan chức năng còn phải nắm bắt thông tin, góp ý, cảnh báo và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đăng ký và bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình, nhất là đối với những sản phẩm độc quyền, có uy tín tại địa phương.

Trong thực tế, đã có nhiều quyết sách lớn của Nhà nước quan tâm đến vấn đề này. Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003 về “Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam”. Đây được coi là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn. Chính vì vậy, gần đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ban hành quy chế xây dựng, quản lý thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030”.

Dù vậy, hiện vẫn còn những sản phẩm có thương hiệu mạnh tiếp tục là nạn nhân của việc đánh mất hoặc nguy cơ đánh mất thương hiệu vào tay các doanh nghiệp nước ngoài, cho thấy vẫn còn những “khe hở”, cần phải có sự xem xét, nghiên cứu một cách thấu đáo để hạn chế đến mức tối đa tình trạng này. Trong việc kiếm tìm giải pháp, vai trò của Nhà nước, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Thiết nghĩ, đối với các sản phẩm là thương hiệu quốc gia, Nhà nước phải đứng sau việc đăng ký bản quyền, thương hiệu quốc tế. Bởi đó là cách không chỉ bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp, mà còn là cách để bảo vệ thương hiệu của cả một quốc gia. Và cũng để doanh nghiệp không đơn độc trong hành trình khẳng định mình trên thị trường quốc tế.

TS. Nguyễn Thị Hường
Học viện Hành chính Quốc gia