Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích ở Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Di tích là những trang sử sống mang dấu ấn về sự biến động, thăng trầm của nhiều thời kỳ lịch sử, đồng thời, cũng là bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Di tích còn mang ý nghĩa là nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế. Do đó, việc quản lý nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân.

 

Di tích Hoàng thành Huế, Thừa Thiên Huế – nguồn: http://hueworldheritage.org.vn.
Khái quát chung

Di tích là dấu vết của quá khứ còn lưu lại trong lòng đất hoặc trên mặt đất có ý nghĩa về mặt văn hóa và lịch sử1. Ở Việt Nam, một di tích khi đủ điều kiện sẽ được công nhận xếp hạng theo thứ tự: di tích cấp tỉnh, di tích cấp quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt. Tính đến năm 2020, Việt Nam có hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Mật độ và số lượng di tích nhiều nhất ở 10 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng (chiếm 56% số di tích cấp quốc gia và 46% tổng số di tích). Trong số di tích cấp quốc gia, có 112 di tích quốc gia đặc biệt và trong đó có 8 di sản thế giới2.

Căn cứ Điều 4 Luật Di sản văn hóa năm 2001, Điều 14 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa, các di tích được phân loại gồm: di tích lịch sử – văn hóa; di tích kiến trúc nghệ thuật; di tích khảo cổ; di tích thắng cảnh và di tích lịch sử cách mạng.

Tại Việt Nam, các tỉnh có số lượng di tích lớn hơn 1.500 gồm: Hà Nội (5.175 di tích); Thái Bình (2.539 di tích); Bắc Giang (2.237 di tích); Bắc Ninh (1.859 di tích); Ninh Bình (1.879 di tích); Đồng Nai (1.800 di tích); Hà Nam (1.784 di tích); Nam Định (1.655 di tích); Thanh Hóa (1.535 di tích)3

Nhận thức rõ tầm quan trọng và giá trị của di tích, Đảng và Nhà nước ta đã có những định hướng, quyết sách chiến lược cơ bản nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của di tích. Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) đã đề ra nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể”.

Văn kiện Đại hội X của Đảng cũng nhấn mạnh: “Tiếp tục đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến, các di tích văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc, các giá trị văn hóa, nghệ thuật, ngôn ngữ, thuần phong mỹ tục của cộng đồng các dân tộc; bảo tồn và phát huy văn hóa, văn nghệ dân gian; kết hợp hài hòa việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch”.

Với tinh thần đó, tại các kỳ Đại hội XI, XII và XIII của Đảng, vấn đề coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa cách mạng tiếp tục được nhấn mạnh, triển khai và cụ thể hóa. Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ), phần nội dung về lĩnh vực di tích chỉ rõ: “Đầu tư đồng bộ bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa tiêu biểu trở thành di sản có chất lượng cao về khoa học bảo tồn và môi trường văn hóa, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế du lịch. Triển khai việc quy hoạch chi tiết đối với các di tích để giải quyết hợp lý, hài hòa, bền vững giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội…”

Trùng tu khu di tích Tháp Mỹ Sơn, Quảng Nam – nguồn: tuoitre.vn.
Thực trạng công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại Việt Nam hiện nay

Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử, văn hóa có nhiều tiến bộ. Những chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cũng như các quy định của pháp luật về di sản văn hóa được tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể Nhân dân. Do đó, nhận thức và ý thức trách nhiệm đối với việc bảo vệ, gìn giữ các di tích được nâng lên rõ rệt. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý di tích được nâng cao. Công tác chỉ đạo thực hiện các nội dung chuyên môn sát sao, cụ thể, có hiệu quả. Việc xếp hạng, khoanh vùng bảo vệ di tích đã tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý và bảo tồn các di tích ở địa phương. Công tác tu bổ, tôn tạo từng bước đi vào nề nếp. Nguồn kinh phí cho hoạt động này đã được xã hội hóa nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp từ nguồn kinh phí của Nhà nước, từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Cùng với sự phát triển về kinh tế, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt trong trong lĩnh vực bảo tồn giá trị di tích lịch sử – văn hóa luôn được quan tâm và đạt được nhiều kết quả đáng chú ý. Nhiều di tích lịch sử đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa và là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Điều này có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, làm thay đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống Nhân dân. Cụ thể:

Trong năm 2019, với bối cảnh du lịch quốc tế trên phạm vi toàn cầu có xu hướng tăng chậm lại, thì ngành Du lịch nước ta vẫn đạt những kết quả ấn tượng: Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch cao hàng đầu thế giới, trong khu vực ASEAN có khả năng vượt qua In-đô-nê-xi-a và bám sát Xinh-ga-po về lượng khách quốc tế.

Tổng hợp từ năm 2015 – 2019, du lịch Việt Nam có những thăng tiến vượt bậc về các chỉ số quan trọng: khách quốc tế đến đã tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lên khoảng 18 triệu lượt, tăng bình quân khoảng 22% mỗi năm. Chỉ số năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam theo Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới tăng 12 bậc, từ 71/141 năm 2015, lên 63/140 năm 2019. Trong đó, các chỉ số về tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới4. Điều này, chứng tỏ Việt Nam là quốc gia có nhiều di tích, danh thắng; công tác phát huy giá trị di tích được khai thác tốt và là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại Việt Nam hiện nay còn một số hạn chế. Cụ thể:

Một là, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ di tích chưa tốt, chưa thường xuyên. Xuất phát từ việc các văn bản luật ít được chú ý, trong khi một số người, ở một số nơi có thói quen hành động theo cảm tính. Ý thức về di sản văn hóa trong cộng đồng rất khác nhau: có nơi, người dân tôn trọng, đóng góp tiền của để tu bổ, tôn tạo di tích, tô lại tượng, đúc lại chuông…; nhưng có nơi lại xảy ra tình trạng mất đồ thờ tự, lấn chiếm đất đai, phá hủy di tích. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế – xã hội như: khai thác vật liệu xây dựng, xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, dân sinh… trong một số trường hợp cũng góp phần gây ảnh hưởng lớn đến di tích.

Hai là, công tác quản lý di tích trên một số địa bàn còn buông lỏng, khiến việc xâm phạm, lấn chiếm di tích còn diễn ra. Chẳng hạn, tại Hà Nội, trong số 2.000 di tích được xếp hạng, có hơn 400 di tích bị xâm phạm nghiêm trọng; việc bê tông hóa ở Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); công trình sai phạm nghiêm trọng tại Tràng An (Ninh Bình)5 … Công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với những đóng góp của tổ chức, cá nhân cho việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích có những hạn chế, dẫn đến việc cơ quan chuyên môn khó quản lý nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước (đóng góp, ủng hộ của các nhà hảo tâm).

Ba là, việc thực hiện các nội dung công tác bảo tồn mới chỉ giải quyết những vấn đề mang tính cấp bách, trước mắt, chưa xây dựng kế hoạch có quy mô tổng thể, lâu dài mang tính liên kết bền vững. Nhiều di tích không được bảo quản đúng mức, gây hư hỏng nghiêm trọng hay bị sửa lại khác xa mẫu cổ. Chẳng hạn: thành nhà Hồ (Thanh Hóa) tôn tạo “không đúng cách”; chùa Phật Tích tại Bắc Ninh bị phá bỏ…

Bốn là, công tác giáo dục truyền thống cách mạng thông qua di tích còn hạn chế, chưa thu hút được đối tượng thanh thiếu niên; hoạt động du lịch cũng có những ảnh hưởng thiếu tích cực đến việc bảo vệ di sản, đặc biệt là các di tích gắn với yếu tố tâm linh. Ngành du lịch Việt Nam thường chỉ chú trọng khai thác triệt để các thắng cảnh thiên nhiên như một điểm mạnh nhưng việc xã hội hóa các danh thắng (cho phép các công ty đầu tư khai thác và bán vé vào cửa), dẫn đến việc hầu hết các nơi danh thắng đều thu tiền vào tham quan và các công ty này lại không quan tâm bảo trì đúng mức. Do đó, một số cảnh quan di tích đang bị xuống cấp hay phá hủy, như: Thác Voi, Thác Liên Khương (di tích thắng cảnh cấp quốc gia tại tỉnh Lâm Đồng); Đình Tân Hoa (di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia tại tỉnh Vĩnh Long)6

Nhiều công trình được xây dựng sai phép tại khu di tích Tràng An, Ninh Bình – ảnh: Phức Ngư (thanhnien.vn).
Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Hệ thống di tích là một bộ phận cấu thành của di sản văn hóa, là tài sản vô giá của nhân loại. Mỗi di sản là bức thông điệp mà tổ tiên để lại cho thế hệ mai sau về lịch sử oai hùng của dân tộc, về giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc. Do vậy, việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích là một vấn đề quan trọng, cần thiết. Đặc biệt, trong quá trình toàn cầu hóa như hiện nay thì vấn đề cấp thiết được đặt ra là quản lý như thế nào để giải quyết thỏa đáng các mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, bảo tồn và phát triển. Tác giả đề xuất những giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức về giá trị di tích và ý thức chấp hành pháp luật về di tích, bảo vệ di tích trong cộng đồng.

Cần chú trọng xây dựng nội dung tuyên truyền pháp luật về di tích với những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di tích với phương châm “đưa di tích về cộng đồng”. Có nghĩa là, cư dân địa phương tham gia vào việc quản lý, bảo vệ di tích, đồng thời quan tâm đến lợi ích cộng đồng; coi trọng giải quyết các mối quan hệ giữa trách nhiệm và lợi ích của cộng đồng cư dân trong toàn bộ các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Bên cạnh đó, tuyên truyền nhằm xây dựng, vun đắp giá trị bền vững chính là “tính thiêng” của mỗi di tích, để vừa tạo ra sự riêng biệt của di tích, vừa thu hút du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.

Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho nhân lực hiện đang đảm nhiệm công việc này tại các cấp, nhằm nâng cao trình độ về chuyên môn, cập nhật tiếp thu kiến thức mới áp dụng vào việc quản lý di tích trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Chú trọng xây dựng đội ngũ thợ lành nghề tham gia các hoạt động bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật về di sản cho cán bộ cơ sở, các ban quản lý di tích cũng như những người trực tiếp tham gia trông coi, bảo vệ di tích.

Ba là, đầu tư các nguồn lực cho việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Cần xem xét tăng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, trong đó tập trung cho các nội dung như: công tác quy hoạch; công tác tu bổ, tôn tạo; công tác bảo vệ di tích. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích; xây dựng chính sách thu hút, kêu gọi nguồn đầu tư từ xã hội, các nguồn tài trợ, ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, rà soát các cơ chế, chính sách đã ban hành, để từ đó bổ sung hoàn thiện hoặc ban hành mới các văn bản pháp quy về quản lý di tích và các cơ chế về bảo tồn và phát huy giá trị di tích phù hợp với tình tình thực tế. Thực hiện phân cấp quản lý di tích để nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền. Củng cố, hoàn thiện bộ máy quản lý di tích, xây dựng mô hình khung cho các ban quản lý. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để tăng hiệu quả quản lý.

Năm là, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ về di tích.

Xây dựng khung hướng dẫn về tổ chức các hoạt động sinh hoạt, tín ngưỡng tại di tích bảo đảm quy định của pháp luật, văn minh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tăng cường công tác kiểm tra về an ninh trật tự, giữ gìn cảnh quan môi trường của di tích. Hình thành các tổ chức tư vấn đánh giá giá trị của di tích, nhất là trong quá trình tôn tạo, tu bổ lại di tích. Bên cạnh đó, phát huy trách nhiệm giám sát của cộng đồng để kịp thời phát hiện, điều chỉnh các sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai các dự án, nhằm bảo vệ tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích trong quá trình bảo quản, tu bổ di tích.

Chú thích:
1. Viện Ngôn ngữ học Việt Nam. Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng, 2006, tr. 169.
2,3. Di tích Việt Nam. Bách khoa toàn thư mở https://vi.wikipedia.org, ngày 19/02/2020.
4. Nguyễn Trùng Khánh. Ấn tượng du lịch Việt Nam năm 2019 và bước đi bền vững của ngành Du lich trong tương lai. Tạp chí Quản lý nhà nước số tháng 1/2020, tr 26.
5. Loạt di tích, di sản bị xâm hại nghiêm trọng. https://www.tienphong.vn, ngày 05/6/2019.
6. Di sản văn hóa cần được bảo tồn. http://baodantoc.vn, ngày 28/5/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Di sản Văn hóa năm 2001.
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa năm 2009.
3. Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, IX, X, XI, XII và XIII.

Hoàng Trang
Học viện Hành chính Quốc gia