(Quanlynhanuoc.vn) – Năm 2021, TP. Hồ Chí Minh được phép thực hiện một số mô hình, cơ chế đột phá, nhất là mô hình chính quyền đô thị và thành lập thành phố trong thành phố. Đây cũng là năm đầu tiên, TP. Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó Nghị quyết XI của Đảng bộ Thành phố đã xác định rõ mục tiêu phát triển đến năm 2025, 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Việc TP. Hồ Chí Minh chủ động triển khai nghị quyết với cách tiếp cận mới, đặc biệt chú trọng trách nhiệm cán bộ và kết quả cụ thể, giúp tạo thêm niềm tin, kỳ vọng về sự bứt phá phát triển của TP. Hồ Chí Minh.
Nét mới trong xác định trách nhiệm
Đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, TP. Hồ Chí Minh cảnh giác cao độ và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra, bảo đảm mức tăng trưởng kinh tế ở mức cao. TP. Hồ Chí Minh cũng nỗ lực thực hiện nhiều chủ trương, chính sách cùng với cách làm chủ động, tạo tiền đề về sự phát triển bứt phá và bền vững của thành phố. Nổi bật là việc thành lập TP. Thủ Đức đúng kế hoạch. Bộ máy tổ chức, cán bộ của mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước sau khi hình thành đã vận hành trơn tru, tiếp tục nhiệm vụ của 3 quận (2, 9 và Thủ Đức cũ) thông suốt, không gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cũng nhập cuộc tốt việc xây dựng chính quyền đô thị, chuẩn bị công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp một cách chặt chẽ.
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, trong đó có việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Ở công việc này, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã có những định hướng với cách tiếp cận mới, từ đó củng cố, phát huy những thành tựu của TP. Hồ Chí Minh để nâng tầm phát triển.
Cụ thể, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh xác định đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh là đô thị thông minh, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế và đi đầu trong đổi mới sáng tạo. Đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu. Đối chiếu lại quá trình phát triển của TP. Hồ Chí Minh thời gian qua, có không ít ý kiến cho rằng, những mục tiêu đó là khá cao. Song, theo lãnh đạo Thành phố, việc đặt ra mục tiêu ấy là có cơ sở, niềm tin vào truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình của TP. Hồ Chí Minh. Đặt ra mục tiêu ấy cũng rất cần thiết để đáp ứng khát vọng đưa TP. Hồ Chí Minh phát triển đột phá, góp phần đưa Việt Nam phát triển hùng cường, thịnh vượng, theo Nghị quyết XIII của Đảng.
Đặc biệt, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã có những định hướng, chỉ đạo cụ thể khắc phục tình trạng “tổ chức thực hiện nghị quyết vẫn là khâu yếu” để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống của người dân. Từ năm 2021, cán bộ, đảng viên của TP. Hồ Chí Minh bắt đầu xây dựng chương trình hành động, gắn với thực hiện nhiệm vụ đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh lưu ý, chương trình hành động này không được nêu chung chung mà phải là nội dung cụ thể, định lượng rõ ràng. Đồng thời có phân công người thực hiện, thời gian thực hiện và tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát cũng như sơ kết, tổng kết và thi đua khen thưởng.
Tạo điều kiện và bảo vệ cán bộ dấn thân
TP. Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu gắn chương trình hành động với nghị quyết của Đảng là vì kết quả của việc đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống phụ thuộc rất lớn vào thái độ, trách nhiệm cán bộ, đảng viên. Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, yêu cầu mỗi cán bộ phải xây dựng một chương trình hành động (phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của mình) không chỉ là một cam kết chính trị với nhiệm vụ được phân công mà còn để mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định được trách nhiệm của mình.
Chương trình hành động còn là căn cứ quan trọng để kiểm tra giám sát, đánh giá kết quả thực hiện định lượng hơn. Qua đó, công tác đánh giá, phân tích chất lượng cán bộ, đảng viên sát hợp hơn. TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu cán bộ phải xây dựng chương trình hành động khi được giới thiệu hoặc ứng cử vào các chức danh lãnh đạo cũng giúp cho cử tri, các cơ quan dân cử, MTTQ giám sát chức trách nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo được thuận lợi hơn. Cách làm ấy cũng góp phần nâng cao hơn hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, của MTTQ.
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh còn đặc biệt lưu ý đến việc tạo cơ chế, điều kiện kích phát tinh thần dấn thân của đội ngũ cán bộ, công chức. Theo đó, bí thư, ban thường vụ Đảng ủy các cấp phải chịu trách nhiệm đối với các hành động đúng, tốt, dám xả thân, dấn thân của cán bộ mình và phải là người “đứng mũi chịu sào” vì việc làm của cán bộ là theo chỉ đạo, phục vụ lợi ích chung.
Một thông điệp quan trọng khác được lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, là chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát để phát huy gương điển hình và kịp thời phát hiện uốn nắn những sai sót.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, đây vừa là áp lực, thử thách đối với những cán bộ có bản lĩnh, trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân nhưng cũng sẽ tạo ra khó khăn, làm chùn bước cán bộ thiếu ý chí, thiếu bản lĩnh, năng lực. Chú trọng kiểm tra, giám sát, TP. Hồ Chí Minh sẽ bảo vệ được cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng dấn thân vì lợi ích chung. Ngược lại, những cán bộ hư hỏng do không phấn đấu học tập, rèn luyện, có biểu hiện tư lợi, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, không vì lợi ích chung thì phải xử lý nghiêm minh.