So sánh mức độ cải thiện chỉ số PAPI của các cấp chính quyền trong năm 2020

(Quanlynhanuoc.vn) – Việc đánh giá, xếp hạng chỉ số PAPI hằng năm đối với các tỉnh, thành phố ở Việt Nam ngày càng được ghi nhận là công cụ phản ánh tiếng nói chung của người dân về mức độ hiệu quả của bộ máy nhà nước và chất lượng cung ứng dịch vụ của chính quyền các cấp.

 

Năm 2009, sau hai năm thử nghiệm lần lượt với 3 tỉnh (năm 2009) và 30 tỉnh (năm 2010), các chỉ số của PAPI ngày càng được hoàn thiện. Năm 2011, nghiên cứu PAPI lần đầu tiên được triển khai trên toàn quốc với sự tham gia của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, từ đó, các chỉ báo chính được cố định để phục vụ việc so sánh kết quả qua các năm. Kể từ năm 2011 đến nay, PAPI không chỉ là một bộ chỉ báo hữu dụng phản ánh năng lực và hiệu quả quản trị ở cấp trung ương và cấp tỉnh, mà còn là công cụ đánh giá mức độ cải thiện của các cấp chính quyền qua thời gian.

Trong nội dung bài viết, tác giả tổng kết 8 chỉ số nội dung của PAPI năm 2020 nhằm phân tích về chính quyền các cấp tại Việt Nam đã có những thay đổi như thế nào? Còn những những tồn tại gì cần khắc phục? Qua đó, góp phần để chúng ta hiểu và có cái nhìn mới về chính quyền tại mỗi địa phương.

Đánh giá các chỉ số nội dung của PAPI với đời sống kinh tế – xã hội của Việt Nam trong năm 2020

Chỉ số PAPI không xếp hạng các địa phương, bởi từng tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế – xã hội, đặc điểm sinh hoạt địa phương và địa lý khác nhau. Tuy nhiên, những tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển kinh tế – xã hội tương đồng có thể so sánh và học hỏi lẫn nhau.

Chỉ số nội dung 1: “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”

Tích cực và chủ động vào đời sống chính trị, kinh tế – xã hội của đất nước là quyền hiến định của mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là những người từ 18 tuổi trở lên. Việc tham gia đó có ý nghĩa quan trọng để người dân phát huy quyền làm chủ, góp phần cải thiện hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương.

Ở chỉ số này, Thái Nguyên là tỉnh có chuyển biến nhiều nhất về tham gia của người dân ở cấp cơ sở so với kết quả của tỉnh năm 2019. Chất lượng bầu cử cơ sở ở đây là người đại diện cấp thôn, tổ dân phố đóng góp phần lớn cho điểm tổng chỉ số nội dung này của các tỉnh, thành phố. Hòa Bình là tỉnh đạt điểm cao nhất ở nội dung thành phần này với 1,9 điểm trên thang đo từ 0,25 – 2,5 điểm. Sóc Trăng đạt điểm thấp nhất ở nội dung này với chỉ 1,05 điểm. Ở chỉ tiêu “Tham gia của người dân vào việc ra quyết định xây mới hoặc tu sửa công trình công cộng ở địa phương”, Quảng Ninh, An Giang và Cà Mau có nhiều tiến bộ trong năm 2020 so với năm 2018. Yên Bái và Thái Nguyên được đánh giá khá ổn định qua các năm.

Tuy nhiên, cũng có sự giảm sút được nhận thấy qua điều tra ở chỉ số nội dung này đó là hơn một nửa số tỉnh, thành phố đạt kết quả thấp hơn so với năm 2019. Trong số đó, 6 tỉnh, thành phố (gồm: Bến Tre, Khánh Hòa, Điện Biên, Lâm Đồng, Đồng Tháp và Bình Dương) có mức giảm trên 10% điểm. Nội dung thành phần “tri thức công dân” đóng góp ít nhất cho điểm số chung của chỉ số lĩnh vực nội dung này. Thái Nguyên là địa phương đạt điểm cao nhất ở nội dung thành phần này, song tỉnh cũng chỉ đạt khoảng 1 điểm trên thang đo từ 0,25 – 2,5 điểm. Sóc Trăng cũng lại là tỉnh đạt điểm thấp nhất ở nội dung này với 0,63 điểm. Kiên Giang thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất ở chỉ tiêu này trong năm 2020.

Từ số liệu nêu trên, những lĩnh vực cần ưu tiên các tỉnh, thành phố cần tập trung cải thiện nhằm huy động sự tham gia rộng rãi của người dân, đó là tạo cơ hội tham gia bầu cử bình đẳng; thông tin một cách đầy đủ và minh bạch về tiến trình và kết quả bầu cử; tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri rộng rãi, dân chủ hơn; và tạo cơ hội cho mọi công dân trong khu dân cư tham gia thảo luận, theo dõi, giám sát việc xây mới hoặc tu sửa các công trình công cộng diễn ra ở địa bàn.

Chỉ số nội dung 2: “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”

Gồm bốn nội dung thành phần (1) Tiếp cận thông tin, (2) Công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo; (3) Công khai, minh bạch ngân sách cấp xã; (4) Công khai, minh bạch quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường thu hồi đất.

Nội dung này có 12 tỉnh, thành phố cải thiện đáng kể so với năm 2019 trong nỗ lực công khai, minh bạch ở bốn nội dung thành phần. Bình Định (4,88 điểm lên 5,52 điểm) và Thái Nguyên (5,67 điểm lên 6,32 điểm) có mức cải thiện nhiều nhất qua 2 năm (2019 và 2020). Trong 16 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất thì có 9 tỉnh phía Bắc, 4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh miền Nam. Điểm nội dung thành phần “công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo” đóng góp nhiều nhất vào điểm chỉ số nội dung này. Tỉnh Thái Nguyên, Bà Rịa -Vũng Tàu và Quảng Ninh đều đạt trên 2 điểm, trong khi Lâm Đồng và Khánh Hòa chỉ đạt dưới 1,4 điểm trên thang đo từ 0,25 – 2,5 điểm.

Trong năm 2020, về những giảm sút của một số địa phương trong nội dung này, kể đến là hai tỉnh: Sóc Trăng và Bình Dương (4,99 điểm xuống 4,49 điểm và 5,65 điểm xuống 5,09 điểm), điển hình là tỉnh Khánh Hoà, có 3 năm liên tiếp (2018, 2019 và 2020) đạt điểm thấp nhất toàn quốc. Một thực trạng đáng lo ngại cần bàn đến ở đây khi thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, nhà nhà người người được tiếp cận với máy móc công nghệ tân tiến, thông tin phổ rộng nhưng chỉ số nội dung thành phần “tiếp cận thông tin” ở tất cả tỉnh, thành phố đều thấp, Thái Nguyên đạt điểm cao nhất song cũng chỉ ở mức 1.04 điểm trong khi An Giang đạt điểm thấp nhất trong thang điểm từ 0,25 – 2,5 điểm. Điều này đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với các đơn vị khảo sát, điều tra để thấy tình hình thực tế tại từng địa phương chứ không phải chỉ cần chú trọng một năm đầu tư bao nhiêu kinh phí và đã phổ cập thông tin đến tất cả các vùng trên cả nước từ những báo cáo hằng quý, hằng năm trên giấy tờ các địa phương trình lên.

Chỉ số nội dung 3: “Trách nhiệm giải trình với người dân”

Ngoài nội dung thành phần “mức độ và hiệu quả tương tác với chính quyền địa phương” đo lường hiệu quả của các cuộc tiếp xúc công dân, cử tri của các cấp chính quyền theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013, từ năm 2018, chỉ số nội dung “trách nhiệm giải trình với người dân” có thêm hai nội dung thành phần được điều chỉnh và bổ sung là “giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân” và “tiếp cận dịch vụ tư pháp”.

Năm 2020, có 12 tỉnh, thành phố có tiến bộ đáng kể so với kết quả về thực hiện nội dung “trách nhiệm giải trình” so với năm 2019. Vĩnh Long và Tiền Giang có tỷ lệ tăng điểm lớn nhất so với 61 tỉnh, thành phố khác (lần lượt từ 4,30 điểm lên 4,73 điểm và 4,52 điểm lên 4,92 điểm). Nội dung thành phần “mức độ và hiệu quả tương tác với chính quyền địa phương” đóng góp nhiều nhất vào điểm chung của chỉ số nội dung này. Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp và Bình Dương là 5 tỉnh dẫn đầu ở nội dung thành phần này. 5 tỉnh dẫn đầu nội dung thành phần “tiếp cận dịch vụ tư pháp” gồm Quảng Bình, Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Thừa Thiên – Huế, mặc dù điểm số vẫn chỉ dao động từ 2,04 – 2,07 điểm (thấp hơn nhiều so với điểm tuyệt đối 3,33 điểm).

Những sụt giảm trong năm 2020 cũng phải kể đến trong nội dung “trách nhiệm giải trình với người dân” đó là 12 tỉnh, thành phố có mức giảm sút điểm đáng kể (giảm hơn 5 phần trăm điểm) so với năm 2019. Điểm của Quảng Ngãi giảm nhiều nhất (từ 5,59 điểm ở nhóm dẫn đầu giảm xuống 4,75 điểm ở nhóm thấp). Nội dung thành phần “giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân” đóng góp ít nhất cho chỉ số nội dung chính. Sóc Trăng, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bình Dương là 5 tỉnh, thành phố đạt điểm thấp nhất ở nội dung thành phần này. 5 tỉnh đứng cuối nội dung thành phần “tiếp cận dịch vụ tư pháp” gồm Lai Châu, Sơn La, Khánh Hòa, Quảng Ngãi và Long An. Với những chỉ số nội dung này, các tỉnh, thành phố cần cải thiện hơn nữa trách nhiệm giải trình với người dân ở cả ba khía cạnh PAPI đo lường. Ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ, các cấp chính quyền cần thực hiện nhiều các cuộc tiếp xúc không định kỳ để biết và giải quyết sớm nhiều vấn đề bức xúc còn trong dân cư. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần cởi mở hơn để tiếp nhận các khuyến nghị, khiếu nại, tố cáo cũng như sớm giải đáp thỏa đáng bức xúc từ công dân nhằm cải thiện niềm tin của người dân vào các cơ chế tiếp nhận khiếu nại, tố cáo hiện có. Về hiệu quả của dịch vụ tư pháp, tòa án địa phương có thể dựa vào niềm tin của người dân để tiếp tục cải thiện thực chất hiệu quả giải quyết các tranh chấp dân sự cho người dân.

Chỉ số nội dung 4: “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”

Đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền qua bốn nội dung thành phần, gồm “kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương”, “kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công”, “công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công” và “quyết tâm chống tham nhũng”.

Trong năm 2020, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công được Đảng, Nhà nước tập trung cao độ, xử lý nghiêm và dứt khoát, đem lại niềm tin của Nhân dân về sự trong sạch, minh bạch trong khu vực công trong thời gian tới. Cụ thể, có 18 tỉnh, thành phố có tiến bộ rõ rệt so với kết quả năm 2019. Như nhiều năm trước, Bến Tre tiếp tục đứng trong nhóm 16 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất ở chỉ số nội dung này (đạt 8,19 điểm). 14/16 địa phương dẫn đầu ở chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kiểm soát 6 loại hành vi tham nhũng ở cán bộ, công chức là các tỉnh miền Trung và phía Nam chỉ có 2 tỉnh phía Bắc là Hà Nam và Quảng Ninh trong nhóm dẫn đầu. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu trong ở chỉ tiêu đo lường mức độ hiệu quả kiểm soát một số hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức (từ 7,64 điểm lên 8,29 điểm), đây là minh chứng cho chính sách xây dựng và phát triển quản trị và hành chính công đúng đắn của chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong nhiệm kỳ qua.

Về mặt sụt giảm ở chỉ số nội dung này, đó là có 6 tỉnh có mức sụt giảm điểm đáng kể so với kết quả năm 2019. Điểm của Ninh Thuận và Ninh Bình sụt giảm nhiều nhất (lần lượt từ 7,18 điểm xuống 6,55 điểm và 6,94 điểm xuống 6,32 điểm). Sáu loại hình hành vi tham nhũng phổ biến nhất ở Lâm Đồng, Kon Tum, Khánh Hòa, Hải Phòng và Ninh Bình. Tuy Quảng Ninh thuộc nhóm dẫn đầu trong nội dung này nhưng nạn “lót tay” để có việc làm trong cơ quan nhà nước khá phổ biến.

Ở Bến Tre và Đồng Tháp, hiện trạng “lót tay” khi làm giấy phép xây dựng như một vấn nạn. Mối quan hệ thân quen với người có chức, có quyền trong bộ máy chính quyền vẫn được xem là quan trọng hoặc rất quan trọng khi muốn xin vào làm 1 trong 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã, phường, kể cả ở những tỉnh dẫn đầu ở chỉ tiêu đánh giá này. Năm 2020, Phú Yên, Lai Châu, Khánh Hòa, Sơn La, Điện Biên, Lâm Đồng và Quảng Bình là những nơi mối quan hệ thân quen trong tuyển dụng vào khu vực nhà nước phổ biến nhất.

Tóm lại, còn tồn tại hai vấn đề cần các cấp chính quyền tập trung giải quyết để giảm thiểu tham nhũng, nhũng nhiễu cho người dân. Thứ nhất, nhũng nhiễu trong cung cấp dịch vụ hành chính và lạm dụng công quỹ cho mục đích riêng. Thứ hai, quan trọng hơn, là tham nhũng trong tuyển dụng nhân lực vào bộ máy nhà nước còn tồn tại “vị thân” và “lót tay” để được vào làm công chức, viên chức từ cấp cơ sở. Đây là cơ sở cho niềm tin vào sự thay đổi tích cực trong kiểm soát tham nhũng ở cấp tỉnh, với điều kiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng được duy trì. Các tỉnh phía Bắc cũng cần học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh phía Nam ở lĩnh vực nội dung này.

Chỉ số nội dung 5: “Thủ tục hành chính công”

Chỉ số nội dung này đo lường chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công ở những lĩnh vực cần thiết nhất cho đời sống của người dân, bao gồm: dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở; dịch vụ cấp giấy phép xây dựng; dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dịch vụ hành chính công cấp xã/phường.

Tỉnh Bắc Ninh, Đồng Tháp, Bình Thuận và Thái Nguyên đạt một số tiến bộ ở Chỉ số nội dung “thủ tục hành chính công” so với 2019 (lần lượt tăng từ 7,19 điểm lên 7,64 điểm, 7,35 điểm lên 7,78 điểm, 7,08 điểm lên 7,45 điểm và 7,29 điểm lên 7,66 điểm). Một điều đáng mừng là năm 2020, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đạt tiến bộ ở chỉ tiêu “trả kết quả đúng lịch hẹn”. Tại nội dung này, phần lớn các địa phương cải thiện dịch vụ hành chính cấp xã, phường khi so với những năm trước. Chỉ tiêu có thay đổi tích cực nhất trong năm 2020 là công khai mức phí phải nộp. Hòa Bình, Nam Định và Thái Nguyên là ba trong số những tỉnh có nhiều biến chuyển tích cực ở chỉ tiêu này.

Tuy nhiên, ở mảng nội dung này, điểm chỉ số của tỉnh Tiền Giang và Cần Thơ sụt giảm so với kết quả năm 2019 (lần lượt từ 7,62 điểm xuống 7,10 điểm và 7,59 điểm xuống 7,09 điểm). Hơn 30 tỉnh, thành phố cần thực hiện công khai mức phí phải nộp cho dịch vụ hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Riêng Quảng Ngãi cần tập trung cải thiện tiêu chí này để người sử dụng dịch vụ hài lòng hơn. Năng lực thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ở cấp xã, phường vẫn là điểm yếu của khoảng 20 tỉnh, thành phố. Khánh Hòa, Lai Châu, Điện Biên, Bình Định, Gia Lai và Cần Thơ là những tỉnh đạt số điểm thấp nhất ở chỉ tiêu này.

Qua kết quả chỉ số nội dung này cho thấy, hiệu quả cung ứng dịch vụ hành chính công có sự cải thiện đáng kể trên phạm vi toàn quốc qua các năm. Điểm số tăng lên so với trước đây ở cả bốn nội dung thành phần một lần nữa cho thấy những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương trong cải cách thủ tục hành chính đang đem lại một số kết quả. Mặc dù vậy, các tỉnh, thành phố vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện hiệu quả cung ứng dịch vụ hành chính công khi nghiên cứu kỹ khoảng cách giữa mức điểm đạt được với mức tối đa ở mỗi nội dung thành phần. Riêng các sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan ngành dọc cấp quận, huyện cần tập trung đổi mới và giám sát bộ phận cung ứng dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chỉ số nội dung 6: “Cung ứng dịch vụ công”

Chỉ số nội dung này tập trung đo lường mức độ hiệu quả cung ứng bốn dịch vụ công căn bản cho người dân, gồm: (i) Y tế công lập; (ii) Giáo dục tiểu học công lập; (iii) Cơ sở hạ tầng căn bản; (iv) An ninh, trật tự tại địa bàn khu dân cư. Năm 2018, ba chỉ tiêu được bổ sung gồm tỷ lệ hộ gia đình không bị cắt/cúp điện thuộc nội dung thành phần “cơ sở hạ tầng căn bản”, và tỷ lệ người cảm thấy an toàn khi đi bộ một mình vào ban ngày và ban đêm thuộc nội dung thành phần “An ninh, trật tự khu dân cư”.

Năm 2020, chỉ có 4 tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Kon Tum và Gia 
Lai đạt bước tiến đáng kể trong hiệu quả cung ứng dịch vụ công so với kết quả năm 2019. Phần lớn các tỉnh, thành phố được đánh giá khá hơn ở nội dung thành phần “y tế công lập”, với mức điểm đạt được dao động từ 1,7 điểm (của Lâm Đồng) đến 2,21 điểm (của Đồng Tháp) trên thang từ 0,25 – 2,5 điểm.

Ở chỉ tiêu “chất lượng trường tiểu học công lập”, có hơn 30 tỉnh, thành phố đạt điểm cao hơn ở tiêu chí “lớp học là nhà kiên cố”, “nhà vệ sinh sạch sẽ”, “có nước sạch để uống ở trường” và “không phải học ca ba”. Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Phú Thọ và Điện Biên đạt điểm cao nhất ở chỉ tiêu này. Phần lớn các tỉnh, thành phố được đánh giá khá ở nội dung thành phần “cơ sở hạ tầng căn bản” ở các tiêu chí về tiếp cận đường xá, điện lưới và thu gom rác thải năm 2020. Điểm trung bình cấp tỉnh dao động từ 1,76 điểm (của Phú Yên) đến 2,38 điểm (của Đà Nẵng) trên thang đo từ 0,25 – 2,5 điểm.

Về mặt sụt giảm, 21 tỉnh, thành phố giảm sút đáng kể so với kết quả năm 2019, đặc biệt là Cà Mau, Ninh Thuận, Đồng Nai và Bến Tre (lần lượt giảm từ 7,07 điểm xuống 6,35 điểm, 7,66 điểm xuống 6,89 điểm, 7,40 điểm xuống 6,71 điểm và 7,43 điểm xuống 6,74 điểm). Ở chỉ tiêu “chất lượng bệnh viện công tuyến huyện/quận”, Lâm Đồng, Hải Phòng, Bình Dương, Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh là những địa phương đạt điểm thấp nhất. Hiện trạng thiếu giường bệnh vẫn phổ biến ở tất cả 63 tỉnh, thành phố.

Hiện trạng giáo viên ưu ái học sinh tham gia các lớp học thêm và sĩ số lớp học trên 35 học sinh vẫn là hai vấn đề phổ biến trên toàn quốc. Bạc Liêu, Bến Tre, Bắc Giang, Hưng Yên và Đồng Tháp là 5 tỉnh đạt điểm thấp nhất ở chỉ tiêu “tổng chất lượng trường tiểu học công lập” năm 2020.

Phần lớn các tỉnh đạt điểm trung bình ở nội dung thành phần “an ninh, trật tự địa bàn khu dân cư” năm 2020. Điểm trung bình cấp tỉnh dao động từ 1,34 điểm (của Cao Bằng) đến 1,63 điểm (của Quảng Ninh) trên thang đo từ 0,25 – 2,5 điểm.

Chỉ số nội dung này cho thấy các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đều được đánh giá từ mức trung bình khá trở lên trong năm 2020. Song, điểm trung bình toàn quốc ở mức 7,1 điểm cho thấy các địa phương còn nhiều việc phải làm để cải thiện chất lượng dịch vụ công, nhất là khi xem xét khoảng cách tới điểm tối đa (10 điểm) của chỉ số nội dung này. Chính quyền địa phương cũng cần tập trung giải quyết vấn đề an ninh, trật tự ở khu dân cư. Các tỉnh, thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng cần chú trọng tới nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân để tương xứng với sự phát triển của thành phố trực thuộc Trung ương.

Chỉ số nội dung 7: “Quản trị môi trường”

Chỉ số này bắt đầu được đưa vào chỉ số PAPI từ năm 2018 nhằm đo lường đánh giá của người dân về chất lượng không khí và chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Các chỉ tiêu đánh giá bao gồm tỷ lệ người trả lời cho biết về chất lượng không khí và chất lượng nguồn nước sinh hoạt nơi cư trú.

Đến năm 2020, đã có 11 tỉnh, thành phố cải thiện đáng kể ở chỉ số nội dung “quản trị môi trường” so với năm 2019. Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Hòa Bình và Hà Nam tăng ít nhất 10% điểm so với năm 2019. Đồng Tháp là tỉnh duy nhất trên toàn quốc đạt mức điểm 5,2 trên thang đo từ 1 – 10 điểm ở chỉ số nội dung này. Ở nội dung thành phần “chất lượng không khí”, Quảng Ninh, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn và Thanh Hóa đạt điểm cao nhất (tương ứng 2,35 điểm; 2,11 điểm; 2,10 điểm; 2,08 điểm và 2,01 điểm). Ở nội dung thành phần “nghiêm túc trong bảo vệ môi trường”, Đồng Tháp đạt điểm cao nhất toàn quốc (1,32 điểm), song vẫn cách rất xa mức điểm tối đa (3,33 điểm).

Về mặt sụt giảm trong năm 2020, điểm của 16 tỉnh, thành phố giảm đáng kể. Các tỉnh Bạc Liêu, Bắc Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Bến Tre có mức sụt giảm nhiều nhất (giảm đến 10% điểm so với điểm của năm 2019). Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đà Nẵng rơi vào nhóm 16 tỉnh đạt điểm thấp nhất. Các tỉnh phát triển công nghiệp, gồm Bình Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Lâm Đồng cũng nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất về quản trị môi trường, trong đó, Hưng Yên, Hà Nam, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hà Nội và Phú Thọ đạt điểm thấp nhất ở nội dung thành phần “chất lượng không khí”. Bắc Giang, Lâm Đồng và Hải Phòng chỉ đạt 0,78 – 0,8 điểm ở nội dung thành phần “nghiêm túc trong bảo vệ môi trường”.

Chỉ số mới này cho thấy người dân ở tất cả tỉnh, thành phố chưa hài lòng với chất lượng môi sinh và hiệu quả quản trị môi trường. Các chỉ báo hiện có cho thấy những tín hiệu đáng lo ngại về chất lượng không khí, chất lượng nguồn nước ăn uống và sinh hoạt, và mức độ nghiêm túc của chính quyền trong việc bảo đảm sự tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường của doanh nghiệp hoạt động gần hoặc tại địa bàn dân cư. Việc đưa chỉ số nội dung này vào đo lường PAPI phần nào cung cấp những dữ liệu ban đầu để các cấp chính quyền hiểu được người dân đánh giá như thế nào về chất lượng nước và không khí tại địa phương và tìm ra những điểm nóng về môi sinh cần tập trung giải quyết.

Chỉ số nội dung 8: “Quản trị điện tử”

Đây là chỉ số nội dung mới bắt đầu được đưa vào chỉ số PAPI từ năm 2018 và đang tiếp tục được bổ sung và cải tiến cho đến nay. Chỉ số này cho biết đánh giá của người dân về hai khía cạnh mang tính tương tác của chính phủ điện tử: mức độ sẵn có và sử dụng dịch vụ công trực tuyến do chính quyền cung cấp. Đây là dữ liệu cơ sở ban đầu giúp các cấp chính quyền xem xét điều kiện khả thi cho việc phát triển chính phủ điện tử tại địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền chủ động tương tác với người dân qua nền tảng internet trong cả 3 khâu xây dựng, thực thi và giám sát thực thi chính sách.

Sau 2 năm đưa vào đo lường PAPI, qua khảo sát, Đà Nẵng đạt điểm cao nhất toàn quốc ở chỉ số nội dung “quản trị điện tử”, mặc dù chỉ đạt 3,60 điểm trên thang đo từ 1 – 10 điểm. Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kon Tum và Vĩnh Long có mức gia tăng điểm nhiều nhất ở nội dung thành phần “sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương” song vẫn ở mức rất khiêm tốn. Điểm nội dung thành phần “tiếp cận và sử dụng internet tại địa phương” của hầu hết các tỉnh, thành phố năm 2020 tăng lên so với năm 2019. Đây là tín hiệu đáng mừng sau 2 năm đưa ra chỉ số đã giúp các tỉnh, thành phố lấy đó làm thước đo để có chính sách, chiến lược thay đổi cũng như phát triển chỉ số quản trị điện tử ở địa phương được nâng cao và hiệu quả hơn trong cung ứng dịch vụ công điện tử tiến tới chính phủ số.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục trong những năm tiếp theo, đó là có khoảng cách lớn giữa tỷ lệ người dân sử dụng internet và tỷ lệ người dùng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương. Việc sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương cho một số dịch vụ hành chính công không thay đổi qua hai năm. Hầu hết các tỉnh, thành phố đạt điểm rất thấp ở nội dung thành phần “phúc đáp của chính quyền địa phương qua cổng thông tin điện tử”, với mức điểm dao động từ 0,33 (của Quảng Ngãi và Yên Bái) đến 0,58 điểm (của Hà Tĩnh) trên thang đo từ 0,33 – 3,33 điểm. Vì vậy, để người dân sử dụng cổng thông tin điện tử nhiều hơn, các cấp chính quyền cần đổi mới giao diện để cổng thông tin điện tử và dịch vụ công trực tuyến thân thiện với người dùng, từ đó người dân biết tới sự tồn tại của chúng và sử dụng chúng thường xuyên hơn.

Trong năm 2020 và quý đầu của năm 2021, hơn một năm Việt Nam đã phải hứng trọn đại dịch Covid-19 và thiên tai liên tiếp tại miền Trung, PAPI trở thành công cụ hữu hiệu để thu thập cảm nhận và trải nghiệm của người dân về cách thức thực thi chính sách và ứng phó của chính quyền trong điều kiện đại dịch COVID-19 mang tính thời sự nhất. Theo thống kê của PAPI năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh, vẫn có tới 15 tỉnh, thành phố tổ chức các buổi hội thảo để phân tích đánh giá của người dân qua PAPI và tìm biện pháp cải thiện hiệu quả thực hiện công vụ. Tới nay, đã có 62/63 tỉnh thành lập ra kế hoạch, chỉ thị hay quyết định nhằm cải thiện kết quả PAPI. Trong đó, chỉ riêng trong năm 2020, có tới 30 tỉnh, thành phố ban hành mới kế hoạch hành động nhằm đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của người dân.

Những phát hiện của PAPI ngày càng được sử dụng nhiều hơn và được nhắc tới trong nhiều văn kiện của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức chính trị – xã hội. Chỉ số PAPI đã tạo lập được một chỗ đứng vững vàng trong công luận, trở thành một hệ thống chỉ báo, giám sát công bằng, trung lập và có chất lượng, phục vụ cho việc đổi mới công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công trong thời gian tới của Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo PAPI năm 2020.
2. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam. https://vi.wikipedia.org.
3. https://papi.org.vn.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hương
Học viện Hành chính Quốc gia