Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh Quảng Ninh

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng. Kết quả này đáp ứng yêu cầu củng cố nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy chính quyền, xây dựng nền hành chính hiện đại và Chính phủ điện tử theo mục tiêu đã đề ra trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước và của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

 

Cán bộ công chức cấp xã tại Quảng Ninh thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (Nguồn: https://www.quangninh.gov.vn/).
Một số kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh Quảng Ninh

 Kết quả đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước

– Kết quả đào tạo: về đào tạo lý luận chính trị (từ năm 2015 – 2019), tỉnh đã cử 7.911 lượt CBCCVC đi học các lớp lý luận chính trị. Trong đó, cử nhân: 77 lượt; cao cấp: 1.489 lượt; trung cấp: 5.865 lượt; sơ cấp: 480 lượt)1. Đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ (từ năm 2015 – 2020), đã cử đi đào tạo được tổng số 393 lượt CBCCVC đạt trình độ từ đại học trở lên (trong đó, tiến sỹ: 31 lượt; thạc sỹ: 255 lượt; đại học: 107 lượt). Đồng thời, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, các địa phương, đơn vị đã tạo điều kiện để CBCCVC tham dự học tập ngoài giờ hành chính. Tính đến ngày 31/12/2019, tỷ lệ CBCCVC cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ sau đại học là 5,24%…2. Ngoài ra, tỉnh cũng đã phối hợp với các cơ sở đào tạo ở trong nước  mở các lớp đào tạo thạc sỹ về chính sách công, Luật, quản lý kinh tế… tại tỉnh theo nhu cầu tại chỗ để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

– Kết quả bồi dưỡng: từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện mở 21 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước (QLNN)  (trong đó, 1 lớp bồi dưỡng kiến thức QLNN chương trình chuyên viên cao cấp; 10 lớp bồi dưỡng kiến thức QLNN chương trình chuyên viên chính; 10 lớp bồi dưỡng kiến thức QLNN chương trình chuyên viên) với tổng số 2.985 lượt cán bộ, công chức (trong đó, chuyên viên cao cấp 111 lượt; chuyên viên chính 1.001 lượt; chuyên viên 1.873 lượt)…3. Về bồi dưỡng cán bộ nguồn, tỉnh đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở 3 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và bồi dưỡng cán bộ nguồn cho 191 cán bộ đương nhiệm và quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nhiệm kỳ 2015 – 2020…4.

Về bồi dưỡng theo chức danh, tỉnh đã cử 407 lượt cán bộ đi bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị Khu vực I (trong đó, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức cán bộ là 121 lượt; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn phòng: 78 lượt; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra: 101 lượt; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo: 38 lượt; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận: 69  lượt)5.

Về bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ, với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, tỉnh đã quan tâm đầu tư kinh phí để tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng Anh, tin học với tổng số 1.831 lượt (trong đó, ngoại ngữ là 576 lượt; tin học là 1.255 lượt)6.

Về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, bên cạnh việc bồi dưỡng lý luận chính trị, kỹ năng QLNN, tỉnh đặc biệt quan tâm đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ để chuẩn hóa đội ngũ CBCCVC theo tiêu chuẩn từng ngạch công chức, hạng viên chức với nhiều nội dung cập nhật, phù hợp với bối cảnh phát triển của địa phương cho tổng số 13.041 lượt CBCCVC7.

Về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh, tỉnh đã cử CBCCVC tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 1 tại Học viện Quốc phòng và phối hợp với Hội đồng Giáo dục Quốc phòng – An ninh Quân khu 3, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh cho các đối tượng 2, 3 và 4 với tổng số 8.875 lượt CBCCVC tham dự (trong đó, đối tượng 1 là 05 lượt; đối tượng 2 là 269 lượt; đối tượng 3 là 1.435 lượt; đối tượng 4 là 7.166 lượt)8.

Kết quả đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài

Tỉnh đã lựa chọn cơ sở ĐTBD ở nước ngoài có uy tín, chất lượng ở nhiều quốc gia, khu vực, xếp thứ hạng cao trên thế giới có thế mạnh, đáp ứng nhu cầu ĐTBD của tỉnh, như: Đại học Công nghệ Nam Dương (Nanyan -NTU) của Xinh-ga-po về quản lý hành chính công; Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản (GRIPS) về chính quyền địa phương; Đại học Quốc gia Kangwon, Hàn Quốc về lĩnh vực quản lý và phát triển nông nghiệp, nông thôn; Đại học Công nghệ Auckland (AUT), Niu Di-lân về lĩnh vực du lịch; Đại học RMIT, Ốt-xtrây-li-a về lãnh đạo, quản lý và phát triển hợp tác công – tư; Đại học Thâm Quyến, Trung Quốc về quản lý xây dựng đặc khu kinh tế, quy hoạch, quản lý đô thị, và môi trường…

Căn cứ vào “đơn đặt hàng” của tỉnh, cơ sở đào tạo nước ngoài xây dựng, thiết kế chương trình riêng cho mỗi chương trình ĐTBD và gửi đề xuất đào tạo cho tỉnh. Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp cùng Sở Nội vụ nghiên cứu đề xuất, đồng thời lấy ý kiến các ngành chuyên môn, tổng hợp báo cáo, xin ý kiến của Ban Thường trực Tỉnh ủy, sau đó trao đổi với cơ sở ĐTBD để điều chỉnh, bổ sung, thống nhất nội dung, kết cấu chương trình học tập và kinh phí đào tạo, bảo đảm tính thực tiễn, sát với yêu cầu của tỉnh; đồng thời xác lập các mô hình, địa điểm thăm quan thực tế gắn với nội dung học tập. Đối tượng học viên chủ yếu là cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, phụ trách lĩnh vực phát triển của tỉnh sẽ trực tiếp tham dự các chuyên đề ĐTBD.

Trên cơ sở yêu cầu về ĐTBD nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, trong 5 năm gần đây, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn CBCCVC tham gia các lớp bồi dưỡng ở nước ngoài. Đồng thời, trên cơ sở các chương trình, kế hoạch của các cơ quan trung ương, tỉnh đã cử CBCCVC tham gia các chương trình bồi dưỡng và đào tạo sau đại học. Từ năm 2011 đến nay, đã có 628 lượt CBCCVC đi ĐTBD ở nước ngoài với tổng kinh phí là 73 tỷ 614 triệu đồng (trong đó, đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ là 16 lượt; bồi dưỡng ngoại ngữ là 138 lượt; bồi dưỡng ngắn hạn là 474 lượt)9.

 Những hạn chế của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức 

– Đối với công tác ĐTBD trong nước: mặc dù tỉnh đã quan tâm, đầu tư cơ bản cho công tác ĐTBD CBCCVC nhưng có thể thấy định mức chi cho công tác này còn thấp và chậm sửa đổi, chưa phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu tổ chức thực hiện ĐTBD đặt ra. Trong các cơ quan hành chính, việc thực hiện cơ chế khoán chi hành chính đã ảnh hưởng đến việc cử CBCCVC đi ĐTBD. Thực tiễn nhu cầu mở lớp ĐTBD ngày càng cao, số lượng học viên tập trung học tập tại Trường Chính trị tỉnh nhiều, do vậy, nhu cầu nội trú của học viên không được đáp ứng, dẫn đến một số lớp không tổ chức theo đúng tiến độ, hoặc khó khăn cho CBCCVC ở xa di chuyển đến học tập.

Một số nội dung trong chương trình, giáo trình bồi dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, còn nặng về lý luận, thiếu thực tế, có sự trùng lặp về nội dung giữa một số chương trình ĐTBD, gây lãng phí về thời gian và kinh phí đào tạo.  Một bộ phận giảng viên chưa tổ chức bài giảng sát với đối tượng học viên, chưa đi sâu vào việc rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ…, do vậy, sau ĐTBD có tình trạng CBCCVC còn lúng túng trong thực hiện, triển khai thực hiện nhiệm vụ.

– Đối với công tác ĐTBD ở nước ngoài: hạn chế đầu tiên thuộc về nguồn CBCCVC không đủ trình độ ngoại ngữ để đi đào tạo trình độ sau đại học, mặc dù một số cơ sở giáo dục, đào tạo của nước ngoài dành học bổng cho tỉnh. Một số chương trình ĐTBD trung hạn có nguồn học bổng từ các cơ quan trung ương (ví dụ Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương…) thì Quảng Ninh cũng không có ứng viên đáp ứng tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, tồn tại một số chương trình ứng viên đủ tiêu chuẩn nhưng kinh phí hỗ trợ của tỉnh và học bổng lại hạn hẹp, chỉ cho kinh phí đào tạo nên học viên  không có khả năng trang trải phần kinh phí về ăn ở, đi lại, sinh hoạt phí…

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng và chất lượng đào tạo ở nước ngoài của tỉnh. Công tác bồi dưỡng ở nước ngoài còn bộc lộ hạn chế trong việc thiết kế nội dung chương trình bồi dưỡng nước ngoài chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương. Sau khi bồi dưỡng, một số chương trình và kiến thức khó có khả năng áp dụng ngay ở Quảng Ninh do sự khác biệt về hệ thống chính trị, điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng nguồn nhân lực hiện tại; hoặc do khác biệt về điều kiện tự nhiên – xã hội, khí hậu, thổ nhưỡng… (ví dụ: lớp bồi dưỡng về quản lý và phát triển trồng trọt, nuôi trồng thủy sản tại Đài Loan).

Một số lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ ở nước ngoài (ở Ma-lai-xi-a) chưa thực sự hiệu quả do việc tuyển chọn học viên cử đi bồi dưỡng chủ yếu dựa vào đăng ký của các cơ quan, đơn vị, địa phương, không kiểm tra sát hạch về trình độ đầu vào… mà nguyên nhân là tỉnh chưa xây dựng được cơ chế kiểm tra, đánh giá trình độ năng lực của học viên trước khi bồi dưỡng; đồng thời thiếu cơ chế đánh giá sau bồi dưỡng về hiệu quả áp dụng các kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn ở nước ngoài của các học viên vào thực tế công việc.

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở Quảng Ninh trong thời gian tới

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng CBCCVC trong việc bảo đảm hiệu quả, chất lượng công tác ĐTBD.

Hiện nay, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến từng CBCCVC về vai trò, ý nghĩa, hiệu quả và chất lượng công tác ĐTBD; nghiêm túc thực hiện Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về ĐTBD CBCCVC. Từ nội dung này cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và quán triệt nội dung ĐTBD ngay trong từng cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh để từng vị trí công tác, từ lãnh đạo, quản lý đến nhân viên đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý và thực hiện ĐTBD hằng năm. Đồng thời, khuyến khích, xây dựng môi trường học tập suốt đời, không ngừng nâng cao năng lực làm việc, năng lực thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ CBCCVC.

Thứ hai, xây dựng hệ thống thể chế khoa học, đồng bộ, hiệu quả về công tác ĐTBD CBCCVC trong tỉnh.

Trước hết cần tái cấu trúc lại bộ máy quản lý công tác ĐTBD CBCCVC trong tỉnh theo hướng thống nhất, đồng bộ, hiệu quả phù hợp với xu thế phát triển của Quảng Ninh trong giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, cần phân cấp lại chức năng quản lý ĐTBD giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ. Đồng thời, phân cấp chức năng, nhiệm vụ về ĐTBD giữa các đơn vị thực thi ĐTBD như Trường Chính trị của tỉnh với các trường đại học trực thuộc tỉnh, các trung tâm giáo dục thường xuyên trong tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện…

Cần chú trọng ban hành các chính sách ĐTBD CBCCVC đặc thù để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong giai đoạn đã qua, đồng thời khuyến khích xã hội hóa công tác ĐTBD CBCCVC, đáp ứng nhu cầu và tăng cường công tác kiểm định chất lượng ĐTBD CBCCVC trong tỉnh. Các chính sách này, cần khuyến khích cơ chế tự chủ của các cơ quan, đơn vị; đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cũng như trách nhiệm của từng cá nhân CBCCVC về công tác ĐTBD. Tỉnh cần ban hành cơ chế ĐTBD quốc tế mạnh mẽ hơn cho CBCCVC để đội ngũ này sớm có năng lực làm việc trong môi trường phát triển của Trung tâm kinh tế quốc tế.

Thứ ba, sắp xếp, nâng cao năng lực, chất lượng hệ thống các cơ sở ĐTBD CBCCVC trong tỉnh.

Hệ thống các cơ sở ĐTBD CBCCVC trong tỉnh cần được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả và chất lượng. Cần nghiên cứu tập trung phát triển Trường Chính trị của tỉnh trở thành trung tâm ĐTBD CBCCVC có chất lượng và uy tín. Theo đó, thu hẹp đầu mối chức năng của các trung tâm chính trị cấp huyện để tập trung vào Trường Chính trị của tỉnh. Đổi mới chức năng, nhiệm vụ của Trường Chính trị để nâng tầm nhiệm vụ chính trị lên một tầm cao mới. Đặc biệt, cần chú trọng ĐTBD đội ngũ giảng viên của Trường để thực sự có năng lực ĐTBD CBCCVC trong tỉnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển trong tỉnh. Giảng viên cần có thời gian luân chuyển ít nhất 5 năm kinh nghiệm hoạt động thực tiễn quản lý tại địa phương và có năng lực sư phạm. Đồng thời, ưu tiên cho Trường Chính trị của tỉnh có cơ chế hợp tác quốc tế mạnh mẽ để thu hút đội ngũ giảng viên quốc tế có kinh nghiệm tham gia công tác ĐTBD CBCCVC cho tỉnh.

Chú thích:
1, 4, 5, 6, 7, 10. Tỉnh ủy Quảng Ninh. Báo cáo tổng kết 5 năm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn (2015 – 2019) của tỉnh Quảng Ninh.
2, 3, 9.  Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh. Báo cáo kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Quảng Ninh và những thành tựu trong 30 năm đổi mới. http://baoquangninh.com.vn, ngày 30/10/2016.

Ths. Ngô Văn Hùng
 Trường Đại học Nội vụ Hà Nội