Bộ Nội vụ luôn coi trọng công tác cán bộ nữ

(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác tạo nguồn đối với cán bộ nữ luôn được Lãnh đạo Bộ quan tâm, ngày càng có nhiều cán bộ nữ được bổ sung vào nguồn quy hoạch dài hạn, phát huy tốt trong công tác, được tín nhiệm và được đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng của đơn vị. Công tác phát triển đảng trong nữ cán bộ, công chức của Bộ cũng được các cấp ủy chú trọng chỉ đạo.

 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. 

1. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2012/NĐ-CP ngày 16/7/2012 quy định trách nhiệm của bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước (QLNN), Bộ Nội vụ đã triển khai tại các đơn vị thuộc, trực thuộc tuyên truyền, phổ biến và quán triệt các nội dung về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc bảo đảm cho các cấp Hội phụ nữ tham gia QLNN.

Trong quá trình xây dựng, tuyên truyền phổ biến và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, dự án thuộc phạm vi QLNN Bộ Nội vụ đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chủ động tạo điều kiện để các cấp Hội phụ nữ tham gia. Đồng thời, chỉ đạo việc nghiên cứu, đề xuất và lồng ghép các nội dung liên quan đến bình đẳng giới (BĐG), quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình, dự án… do Bộ chủ trì xây dựng.

Thực hiện Luật BĐG, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo bằng văn bản đến cấp ủy, người đứng đầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ về công tác BĐG. Đó là các kế hoạch dài hạn, trung hạn và hằng năm nhằm triển khai hiệu quả Luật BĐG, bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động (NLĐ) nữ tham gia đầy đủ mọi hoạt động của Bộ; thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục giúp toàn thể CBCCVC, NLĐ nắm vững những nội dung cơ bản trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt là Luật BĐG năm 2006; Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04/6/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BĐG; Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ về các biện pháp bảo đảm BĐG; Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thực hiện biện pháp BĐG đối với nữ CBCCVC giai đoạn 2016 – 2020; Kế hoạch số 6267/KH-BNV ngày 30/12/2016 của Bộ Nội vụ về việc thực hiện biện pháp bảo đảm BĐG đối với nữ CBCCVC thuộc Bộ Nội vụ giai đoạn 2016 – 2020.

Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Nội vụ đã chỉ đạo các đơn vị quán triệt tới các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, các tổ chức đoàn thể và công chức, viên chức, NLĐ những nội dung công tác BĐG; đồng thời, xây dựng Chương trình hành động của đảng bộ, chi bộ; đưa những vấn đề cần tập trung lãnh đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện vào nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ, xác định rõ nội dung, chỉ tiêu, biện pháp cụ thể về công tác BĐG. Chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ làm tốt việc xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa từng nội dung, hướng dẫn xây dựng quy chế phối hợp hoạt động chi tiết và kịp thời bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị, từng bước thực hiện tốt công tác BĐG trong các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.

2. Quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 56/2012/NĐ-CP của Chính phủ có những tác động làm chuyển biến, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò của phụ nữ nói chung và nữ CBCCVC và NLĐ ngành Nội vụ nói riêng. Bộ Nội vụ đã quan tâm quán triệt và chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị định số 56/2012/NĐ-CP và các văn bản có liên quan đến thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và toàn thể đội ngũ CBCCVC và NLĐ thuộc Bộ. Cụ thể:

Một là, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý (LĐQL).

Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ LĐQL các cấp và năng lực của đội ngũ cán bộ trong diện quy hoạch vào các chức danh LĐQL. Thúc đẩy sự hiện diện cao hơn của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo chính trị và các vị trí chủ chốt ở các cấp lãnh đạo. Tiếp tục tôn vinh những thành tích, đóng góp của các nữ LĐQL ở các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Có các biện pháp hỗ trợ nhằm giúp phụ nữ nâng cao năng lực tham gia vào các vị trí LĐQL trong các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ. Công tác tạo nguồn đối với cán bộ nữ luôn được Lãnh đạo Bộ quan tâm, ngày càng có nhiều cán bộ nữ được bổ sung vào nguồn quy hoạch dài hạn, phát huy tốt trong công tác, được tín nhiệm và được đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng của đơn vị. Công tác phát triển đảng trong nữ cán bộ, công chức của Bộ cũng được các cấp ủy chú trọng chỉ đạo.

Tại một buổi công bố và trao các Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng đối với công chức thuộc Văn phòng Bộ Nội vụ năm 2020.

Kiện toàn nhiều nữ đảng viên tham gia cấp ủy: chẳng hạn, số lượng nữ tham gia Đảng ủy Bộ Nội vụ nhiệm kỳ 2015 – 2020 là 6/28 người (chiếm 21,42%); tỷ lệ nữ quy hoạch cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2020 – 2025: 12/46 người (chiếm 26,09%);  nữ giữ chức vụ lãnh đạo tại Bộ và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ: 17/74 người (chiếm 22,97%); nữ quy hoạch các chức vụ lãnh đạo nhiệm kỳ 2016 – 2021 ở cấp vụ: 23/54 người (chiếm 42,59%, cấp phòng: 02/09 người (chiếm 22,2%); nữ giữ chức vụ chủ chốt: 01 người (chiếm 16,6%)1.

Hai là, giảm khoảng cách giới trong việc làm, thu nhập.

Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Nội vụ đã phối hợp cùng Công đoàn Bộ và Ban Nữ công đề xuất với Đảng ủy Bộ, Lãnh đạo Bộ và các đơn vị có liên quan tạo điều kiện để nữ công chức, viên chức có việc làm và thu nhập ổn định, tạo điều kiện cho chị em được tham gia các lớp đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và đề bạt cán bộ nữ có năng lực vào các vị trí LĐQL. Đề xuất các chỉ tiêu, những vấn đề giới cần ưu tiên nhằm thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm trong giai đoạn 2021- 2030.  Tạo môi trường bình đẳng để 100% cán bộ nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn được tuyển dụng và được tham gia vào các lĩnh vực công tác chuyên môn của đơn vị. Bố trí cán bộ nữ vào những vị trí công tác phù hợp với năng lực, sở trường và điều kiện sức khỏe để có thể phát huy được kết quả trong công việc.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong đào tạo, bồi dưỡng.

Khuyến khích các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ ưu tiên đề cử số lượng nữ tham gia các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ. Thúc đẩy sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các sáng kiến và các chương trình, đề án của Bộ Nội vụ. Tăng cường cán bộ nữ trong các đoàn công tác đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài. Luôn quan tâm dành kinh phí thích đáng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, đặc biệt là công chức, viên chức nữ. Trong thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng được triển khai với nhiều hình thức, trên nhiều lĩnh vực, chú trọng cả đào tạo chuyên ngành, lý luận chính trị, đào tạo gắn với bồi dưỡng cập nhật kiến thức, ngoại ngữ, đồng thời, đào tạo sau đại học, gắn yêu cầu đào tạo với chức danh quy hoạch. Tính đến cuối năm 2020, số lượng nữ trong các đơn vị của Bộ Nội vụ có trình độ thạc sỹ là 157 người, tiến sỹ là 60 người2.

Bốn là, bảo đảm BĐG trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Công tác chăm sóc sức khỏe đối với CBCCVC luôn được Lãnh đạo Bộ quan tâm, nhất là với chị em phụ nữ. Mỗi năm một lần, Bộ Nội vụ có kế hoạch phối hợp với các bệnh viện tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 100% CBCCVC. Chị em trong độ tuổi thai sản được bố trí công việc phù hợp, được tiếp cận với các dịch vụ y tế nhằm thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản, khi sinh con được hưởng đầy đủ các chế độ và quyền lợi theo quy định của Nhà nước. Đối với nữ công chức, viên chức khi khám sức khỏe được khám thêm chuyên khoa phụ sản, khám các danh mục dành cho nữ. Nữ công chức, viên chức có thai từ tháng thứ 7 làm công việc nặng nhọc, độc hại sẽ được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn.

Năm là, bảo đảm BĐG trong lĩnh vực văn hóa và thông tin.

Công đoàn Bộ và Ban Nữ công tích cực duy trì các hoạt động nhằm tạo điều kiện cho chị em phụ nữ giao lưu, học hỏi, giúp đỡ nhau làm tốt công tác chuyên môn và làm tròn thiên chức của người phụ nữ trong gia đình cũng như ở cơ quan. Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc” được công đoàn phát động hằng năm… Các cơ quan báo chí của Bộ Nội vụ và các đơn vị trực thuộc đã xây dựng và duy trì chuyên mục tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BĐG; các kế hoạch, nội dung về thực hiện BĐG của cả hệ thống Bộ Nội vụ.

Sáu là, bảo đảm BĐG trong đời sống gia đình.

Tăng cường công tác tuyên truyền về BĐG nhằm nâng cao nhận thức về công tác cán bộ nữ, góp phần xóa bỏ các định kiến, các quan niệm không phù hợp về vai trò của nam và nữ trong gia đình và ngoài xã hội, xóa bỏ bạo lực trong gia đình. Hằng năm, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ phối hợp với Công đoàn Bộ phát động “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” luôn nhận  được sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả công chức, viên chức nữ trong Bộ.

Bảy là, nâng cao năng lực QLNN về BĐG.

Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tăng cường triển khai các hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Nội vụ và các đơn vị trực thuộc. Theo thống kê, sau 10 năm thi hành Luật BĐG, Bộ Nội vụ luôn quan tâm đến việc cử công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tham gia đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và nghiệp vụ. 100% cán bộ làm công tác BĐG được truyền thông nâng cao nhận thức về BĐG. 100% các đơn vị trực thuộc Bộ Nội vụ có Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và đi vào hoạt động3.

Về cơ bản các chỉ tiêu trong Chiến lược quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 đã đạt kết quả khả quan với mục tiêu năm sau tốt hơn năm trước. Nữ công chức, viên chức, NLĐ đã tích cực tham gia nhiều hơn trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa; giỏi việc nước, đảm việc nhà. Thực hiện tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị cho cán bộ nữ, bảo đảm bình đẳng về chế độ, chính sách liên quan đến đào tạo giữa cán bộ nam và cán bộ nữ. Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực về BĐG cho đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về BĐG với quy mô lớn và tập trung vào những vấn đề, đối tượng cụ thể; thực hiện hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy BĐG.

Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Nội vụ cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc: (1) Nguồn thông tin và cơ sở dữ liệu có tách biệt về giới đang trong quá trình hoàn thiện, do đó chưa đáp ứng yêu cầu của việc phân tích giới và lồng ghép giới theo quy định của Luật BĐG. (2) Đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG còn mỏng (chủ yếu kiêm nhiệm) nên chưa thực sự phát huy được hiệu quả khi triển khai các hoạt động về BĐG. Kinh phí triển khai các hoạt động hạn hẹp, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. (3) Công tác phối hợp giữa chuyên môn với tổ chức Hội phụ nữ các cấp ở một số đơn vị chưa chặt chẽ, thường xuyên; chưa xây dựng quy chế phối hợp trong tuyên truyền, triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát các chế độ, chính sách liên quan đến lao động nữ. (4) Nhận thức về việc phối hợp, bảo đảm cho các cấp Hội phụ nữ tham gia QLNN ở một số đơn vị trực thuộc Bộ còn hạn chế dẫn đến chưa có sự chủ động, chưa quan tâm đúng mức, phương pháp phối hợp còn hình thức; sự phối hợp giữa thủ trưởng đơn vị với các tổ chức đoàn thể còn chưa hiệu quả.

3. Để thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 – 2030 và tăng cường sự tham gia của nữ giới vào các vị trí LĐQL, Bộ Nội vụ cần tích cực triển khai các nội dung sau:

Thứ nhất, tích cực lồng ghép nội dung về giới và BĐG, có chuyên đề bắt buộc trong chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh đối với CBCCVC. Phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ LĐQL nữ và đội ngũ cán bộ nữ trong diện quy hoạch giai đoạn 2021 – 2025.

Thứ hai, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí LĐQL các cấp nhằm từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực QLNN. Bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường các giải pháp tạo điều kiện cho phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thứ ba, tổ chức các buổi hội thảo, diễn đàn chia sẻ thông tin, kiến thức, kỹ năng về BĐG cho tất cả CBCCVC nhằm tăng cường việc nhìn nhận, đánh giá và tiếp cận các vấn đề từ góc độ giới và BĐG. Tăng cường tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa với các chuyên đề về BĐG cho các nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về BĐG trong gia đình. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG thông qua việc học tập, trao đổi kinh nghiệm với tổ chức nước ngoài hoặc các bộ, ngành khác có cách làm hiệu quả về hoạt động này. Đồng thời, công chức được giao nhiệm vụ hoạch định chính sách, pháp luật cần được bồi dưỡng kỹ năng lồng ghép vấn đề giới trong xây dựng chính sách, pháp luật.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với các phong trào thi đua khác do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động. Động viên, khích lệ lao động nữ thi đua nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, góp phần vào việc hoàn thiện chuẩn mực người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thời kỳ hội nhập sâu rộng của đất nước.

Chú thích:
1, 2, 3. Báo cáo số 211/TCCB ngày  23/4/2020 của Bộ Nội vụ về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 và đề xuất Chiến lược giai đoạn 2021 – 2030.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 663/TCCB ngày 25/8/2017 của Bộ Nội vụ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 56/2012/NĐ-CP ngày 16/7/2012 của Chính phủ quy định trách nhiệm của bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước.

ThS. Vũ Thị Loan
  Bộ Nội vụ