Những chỉ dẫn quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành Kiểm sát nhân dân       

(Quanlynhanuoc.vn) – Tháng 02/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc. Bức thư tuy ngắn gọn nhưng cực kỳ quan trọng đối với ngành Tư pháp, hoạt động tư pháp, trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân. Việc nghiên cứu những chỉ dẫn của Người là hết sức cần thiết và bổ ích cho tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân ở nước ta hiện nay.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đứng hàng đầu bên trái (Nnguồn: https://kiemsat.vn).

Tư pháp là một lĩnh vực hoạt động vô cùng quan trọng, không chỉ bảo đảm việc xét xử công minh, đúng luật của tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân mà còn phải đề cao vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND), của các kiểm sát viên trong thực hiện quyền công tố và kiểm tra giám sát hoạt động tư pháp… trên thực tế, cũng chưa được coi trọng đúng mức và cũng có không ít hạn chế do những lý do khách quan và chủ quan. Phải đến năm 1960, khi nước ta đã có Hiến pháp năm 1959 thay thế Hiến pháp năm 1946, Viện KSND mới được thành lập để thúc đẩy hoạt động tư pháp.

Sau khi ký Lệnh số 1-LCT ngày 01/01/1960 công bố Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đến ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 17-LCT công bố Luật Tổ chức Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; Lệnh số 18-LCT công bố Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ; Lệnh số 19-LCT công bố Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, và Lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức Viện KSND cũng như Lệnh số 21-LCT bổ nhiệm Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa… Đến ngày 18/4/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 12-LCT, công bố pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức Viện KSND tối cao.

Trong các tác phẩm của Hồ Chí Minh, Người thường nhấn mạnh tới hoạt động của Chính phủ, tới công tác thanh tra của Chính phủ, tới việc kiểm tra, kiểm soát công việc của cán bộ, công chức. Các hoạt động thanh tra, kiểm soát được chú trọng ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời và Chính phủ đã điều hành nội trị, ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (từ Chính phủ lâm thời đến Chính phủ chính thức được quốc dân Đại hội Tân Trào trong bối cảnh khởi nghĩa giành chính quyền) cử ra, rồi được “Nghị viện nhân dân” tức Quốc hội khóa I, năm 1946 phê chuẩn. Người đã có những chỉ dẫn rất quan trọng về tư pháp và cán bộ trong ngành Tư pháp tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc trong thời kỳ vừa kháng chiến vừa kiến quốc.  

Thứ nhất, về dân chủ

Dân chủ không chỉ là vấn đề chính trị và pháp luật, thuộc về tính chất của chế độ chính trị và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Nhà nước (trong đó có tư pháp với thiết chế Tòa án nhân dân và Viện KSND) mà còn có nội dung kinh tế, đạo đức và văn hóa, liên quan mật thiết tới quyền và lợi ích của người dân, tới nghĩa vụ, bổn phận, trách nhiệm của người dân đối với xã hội và Nhà nước của mình, của công chức trong các cơ quan công quyền đối với Nhân dân, với các công dân của Nhà nước.

Người đã nhiều lần nói đến dân chủ và thực hành dân chủ, nhất là thực hành dân chủ trong Đảng, trong các cơ quan chính quyền nhà nước. Người khẳng định, “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng sức đoàn kết của nhân dân” và “dân chủ là của quý báu nhất trên đời của dân”. Bởi thế, “thực hành dân chủ rộng rãi sẽ là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi nhiệm vụ và vượt qua mọi khó khăn”1.

Luận đề ngắn gọn mà điển hình nhất cho quan niệm của Người về dân chủ, mang ý nghĩa kinh điển trong định nghĩa về dân chủ, làm thay đổi căn bản nhận thức về dân chủ, về vai trò, địa vị của người dân trong chính thể dân chủ là: “Dân chủ là gì? Dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ”. Người dân ở vị thế người chủ, chủ động, tích cực và sáng tạo khác hẳn với các nhà tư tưởng mang ý thức hệ phong kiến coi dân là thụ động, bị động trước lịch sử, quyền lực tối cao là vua, “thế thiên hành đạo”, là “thiên tử” chăn dắt muôn dân, những thảo dân, thứ dân, là bề tôi của triều đình. Dân không chỉ ở vị thế người chủ mà còn có năng lực hành động để làm chủ.

Hồ Chí Minh cũng từng hình dung chỉ có thực hành dân chủ, tôn trọng dân, nghe dân và hành động vì dân, tin vào sức mạnh to lớn của Nhân dân thì mới tẩy trừ được quan liêu và tham nhũng, cũng như chỉ có dùng văn hóa mới chữa được thói phù hoa xa xỉ. Người cũng không quên nhấn mạnh rằng dân đã có quyền làm chủ thì cũng phải tự giác thực hiện nghĩa vụ của người chủ. Hồ Chí Minh xác lập mối quan hệ không tách rời giữa quyền và nghĩa vụ trong nội dung của dân chủ, cũng như quan hệ giữa dân chủ với pháp luật, kỷ luật, kỷ cương, giữa dân chủ với tập trung trong lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách thành nguyên tắc, chế độ tập trung dân chủ hay dân chủ tập trung. Đề cao trách nhiệm, chịu trách nhiệm và dám nhận, dám chịu trách nhiệm là đòi hỏi có tính pháp lý mà cũng là yêu cầu đạo đức đối với người của Nhà nước khi thi hành công vụ.

Trong tác phẩm “Dân vận”, năm 1949, Người đã nêu rõ trong phần đầu của tác phẩm quan trọng này là những lý luận về dân chủ, được coi là một mẫu mực trình bày lý luận về dân chủ với Nhân dân là chủ thể.

NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ

“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân

Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân2.

Dân chủ đối lập với quan liêu. Người chỉ rõ nguyên nhân của bệnh quan liêu: là vì xa cách quần chúng, không hiểu biết dân chúng, không học hỏi dân chúng, sợ dân chúng phê bình…3

Người cũng chỉ ra “thang thuốc chữa bệnh quan liêu”: phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết. Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân. Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình. Phải làm kiểu mẫu: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư4.

Suy đến cùng, muốn thực hiện dân chủ và tôn trọng quyền làm chủ của dân, cán bộ đảng viên, công chức, nhất là những người lãnh đạo phải có quan điểm nhân dân và tác phong quần chúng, trọng dân phải đi liền với trọng pháp, phải tận tụy và nêu cao trách nhiệm trong công việc phục vụ Nhân dân, không chỉ làm tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ và bổn phận được giao phó, mà còn phải thường xuyên tu dưỡng, trau dồi đạo đức. Người căn dặn chiến sĩ công an, bộ đội mà cũng là căn dặn tất cả mọi người “phải kính trọng lễ phép với nhân dân”, “không làm điều gì trái ý dân”, việc lợi cho dân khó mấy cũng phải làm, việc có hại cho dân phải kiên quyết tránh cho bằng được.

Dân chủ gắn liền với dân vận, thực hành dân chủ đồng thời phải thực hành dân vận, ăn ở sao cho được lòng dân. Phải thật thà nhúng tay vào việc, lời nói đi đôi với việc làm, phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, miệng nói, chân đi, tay làm5.

Nói tóm lại, dân chủ thể hiện nổi bật tính pháp lý và tính nhân văn, tôn trọng luật pháp, tôn trọng con người. Tính quy định đó của dân chủ cần phải được thể hiện trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước, trong cơ cấu nhà nước và trong công tác hằng ngày của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước – những đại diện của Nhà nước trong quan hệ với dân, tiếp xúc và phục vụ các công dân của Nhà nước dân chủ pháp quyền.

Thứ hai, về Nhà nước và pháp luật

Người khẳng định “nước ta là nước dân chủ”. Người còn giải thích rõ “Chính phủ cộng hòa dân chủ là gì?”, là đầy tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì chính phủ phải là đầy tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đầy tớ làm việc cho mình thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình. Phê bình nhưng không phải là chửi”6. Là người đứng đầu Chính phủ, Người tỏ rõ trách nhiệm và sự chân thành đối với quốc dân đồng bào “xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ, giám sát công việc của Chính phủ”7.

Để Nhà nước thực sự là của dân, tất cả quyền lực nhà nước là của dân, để dân tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ Nhà nước, giúp đỡ chính phủ, đưa phong trào cách mạng tiến lên, giành được thắng lợi, Người đòi hỏi đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, từ chính phủ trung ương đến ủy ban các làng, xã, huyện, tỉnh là hình thức tổ chức Chính phủ ở địa phương, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải sáng suốt, khôn khéo, cẩn thận, kiên quyết, siêng năng, nhất trí… Nếu một người sơ suất, một việc sơ suất là có thể hỏng việc to, sai một li đi một dặm8. Phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm như địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, óc quân phiệt quan liêu, óc hẹp hòi, ham chuộng hình thức, làm việc lối bàn giấy, vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm, ích kỷ, hủ hóa9. Người đã nói rõ tình trạng đó trong “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” ngày 01/3/1947. Những chứng bệnh ấy rất nguy hại cho Nhà nước, cho chế độ, cho lòng dân, nó từ bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi và thói ba hoa mà ra và sâu xa do chủ nghĩa cá nhân mà ra. Khái quát này được Người đề cập trong “Sửa đổi lối làm việc”, năm 1947, tác phẩm đầu tiên thể hiện tư tưởng đổi mới của Người trong điều kiện Đảng cầm quyền.

Đáng lưu ý là, khi đề cập đến tổ chức và hoạt động của Nhà nước, bao giờ Người cũng nhất quán với tư tưởng dân chủ, pháp luật, sớm phát hiện những biểu hiện suy thoái hư hỏng của cán bộ khi đã có chức quyền với sự phê phán gay gắt. Người đòi hỏi phải dùng pháp luật mà nghiêm trị, lấy đạo đức để thức tỉnh, khuyên răn, cảm hóa, thuyết phục, còn nếu không được, không sửa chữa khuyết điểm, lỗi lầm thì sẽ nghiêm trị, chính phủ quyết không dung thứ. Đó là sự kết hợp đức trị với pháp trị mà luật pháp phải được thi hành nghiêm minh, phải thành sức mạnh pháp quyền. Tất cả đều do mục đích phục vụ dân, bảo vệ dân quy định. Nhà nước và pháp luật trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện tính dân chủ mà còn có tính nhân dân sâu sắc.

Chính vì trước sau như một, nhất quán triệt để với tinh thần trọng dân, trọng pháp, đặt dân chúng lên địa vị cao nhất là người chủ, đặt lợi ích của Tổ quốc và dân tộc lên trên hết mà Nhà nước và pháp luật phải kiên quyết tẩy sạch, rửa sạch (chữ dùng của Hồ Chí Minh) tệ quan liêu, lãng phí, tham ô, ở tất cả các cấp, từ trung ương tới địa phương và tận cơ sở làng xã (cấp xã).Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”10.

Nói về quản lý, Người chú trọng phát hiện những yếu kém ở cơ sở, những nghịch lý phải giải quyết. Cấp xã là gần gũi Nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính (tác giả nhấn mạnh). Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi. Thế mà vì hẹp hòi, bao biện, không biết phân công. Vì Nhân dân chưa biết lựa chọn để cử ra những người có năng lực. Vì cấp trên không biết cất nhắc, giúp đỡ, đốc thúc, kiểm tra, huấn luyện. Thành thử phần nhiều cấp xã là uể oải, thiếu năng lực, kém tinh thần11.

Nhận định và phát hiện này của Người cách đây đã mấy chục năm nhưng vẫn chưa hết tính thời sự, bức xúc khi nói về tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền cơ sở và vấn đề đặt ra của đổi mới, cải cách hành chính ở cơ sở, nhất là ở nông thôn.

Nói về Nhà nước là nói tới Hiến pháp và pháp luật, đó là công cụ quan trọng bậc nhất của quản lý, là sinh khí tất yếu của sức sống nhà nước. Thiết chế, bộ máy muốn hoạt động có hiệu quả phải có thể chế thực sự là dân chủ pháp quyền, phải có nhân lực đủ mạnh, đó là cán bộ, công chức có đủ đức, đủ tài.

Ngay sau khi tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của chính phủ lâm thời, Người đã lưu ý sự cần thiết phải có Hiến pháp, phải chuẩn bị Tổng tuyển cử bầu Quốc hội để nước độc lập, có chủ quyền phải được khẳng định bởi địa vị pháp lý của nó, ở trong nước và trong đời sống chính trị quốc tế, hoạt động của Nhà nước phải hợp hiến, hợp pháp. Đây là một trong sáu vấn đề cấp bách trong tư duy quản lý của Hồ Chí Minh, trong hoạt động chấp chính và tham chính của Nhà nước và Nhân dân ta sau khi đã tuyên bố độc lập.

Không phải không có lý do mà Người đã sớm nghĩ đến công tác thanh tra, hoạt động thanh tra, kiểm soát đối với các cấp chính quyền. Ngay trong những năm đầu xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa, Người đã cho ban bố Quốc lệnh12, xác định rõ việc thưởng cho những người có công và trừng phạt những kẻ có tội, nhất là tội Việt gian phản quốc, hại nước, hại dân phải được nghiêm trị bằng pháp luật, coi đó là tội nặng nhất phải áp dụng hình phạt nặng nhất. Do đó, trong mười điều trừng phạt, từ Điều 1-10, Người đều ghi: Tử hình. Đó thực sự là tinh thần pháp quyền, là sức mạnh quyền uy luật pháp để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, quyền tự do, hạnh phúc của nhân dân. Người đòi hỏi pháp luật phải nghiêm minh, trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, ở cương vị nào và làm việc gì. Đó không chỉ là pháp luật nghiêm minh mà còn là công bằng, dân chủ trong thực thi pháp luật13.

Thứ ba, về kiểm tra, thanh tra, giám sát và tư pháp

Hồ Chí Minh gắn liền công tác lãnh đạo với kiểm tra, kiểm soát. Người nhấn mạnh lãnh đạo đúng là đưa ra những quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng, lại phải tổ chức sự thi hành cho đúng đồng thời phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp đỡ mới được. Muốn chống bệnh quan liêu, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không và thi hành có đúng không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện thì chỉ có một cách là khéo kiểm soát14.

Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm soát khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi. Muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín.

Kiểm soát phải từ trên xuống và từ dưới lên

Theo Người, quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Đây là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên. Trong Đảng, việc kiểm soát theo nguyên tắc dân chủ tập trung, phê bình và tự phê bình, những nguyên tắc mà Đảng phải thực hành triệt để15.

Lãnh đạo kiểm soát các cán bộ và nhân viên kết hợp với quần chúng kiểm soát người lãnh đạo16.

Nói về tầm quan trọng và tác dụng của kiểm tra, Người nhấn mạnh: khi đã có chính sách đúng thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích17.

Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của Nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời. Người cũng chỉ rõ, quên mất kiểm tra là một sai lầm rất to của cán bộ lãnh đạo và cơ quan lãnh đạo18.

Để sửa khuyết điểm, sai lầm ấy, người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và uy tín… Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm. Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn pha, bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng, chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra19. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm20.

Những chỉ dẫn trên đây của Người về công tác kiểm tra, từ trong Đảng đến các cơ quan nhà nước là rất toàn diện, sâu sắc, thiết thực, cụ thể, bao gồm nội dung kiểm tra, phương pháp kiểm tra, yêu cầu đặt ra đối với người đi kiểm tra, nhất là người lãnh đạo, chú trọng vào chế độ trách nhiệm và mối liên hệ với dân chúng, tạo mọi điều kiện cho dân chúng kiểm tra công việc lãnh đạo và phê bình lãnh đạo. Đó là tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch cần phải có trong lãnh đạo, quản lý.

Nếu kiểm tra là công việc thường xuyên, là một mắt xích quan trọng trong lãnh đạo tổ chức thực hiện, nhất là kiểm tra việc thi hành Nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước thì thanh tra có thể xem là một loại hình đặc biệt, có trọng điểm, có chiều sâu của việc kiểm tra (công việc và con người) khi xuất hiện những tình huống. Thanh tra có liên quan tới khiếu nại, tố cáo của người dân, của cán bộ đối với những sai phạm trong thi hành chính sách, gây phản ứng bất bình trong dân chúng, cả những oan sai, bất công trong xét xử, đối xử với công dân. Thanh tra là để phát hiện các tình huống đó và giải quyết kịp thời, hợp tình hợp lý, khắc phục những mâu thuẫn, xung đột dẫn tới mất ổn định và gây tổn hại tới lợi ích của người dân, của xã hội. Kiểm tra là để uốn nắn tình hình, thúc đẩy hoạt động của người và việc cho tốt lên. Thanh tra là để xác minh và xử lý các tình huống phức tạp trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, trong thi hành chính sách và pháp luật, tình trạng chia rẽ, mất đoàn kết trong các cơ quan, các địa phương. Kiểm tra, thanh tra, khiếu nại, tố cáo, kiểm tra, giám sát đều có mối liên hệ với nhau.

Trong thời kỳ kháng chiến, Hồ Chí Minh đã có lần gửi thư cho đồng bào Liên khu IV, nhờ Ủy ban Kháng chiến hành chính liên khu chuyển để giải quyết những việc lộn xộn xảy ra gây bất bình cho dân do một số cán bộ đã làm sai chủ trương, chính sách, vi phạm quyền dân chủ của dân. Người chỉ thị, thư này phải đưa đọc tận các xã trong Liên khu, trước hết tại các xã đã xảy ra những việc ép uổng nông dân như đã viết rõ trong thư của Phó Thủ tướng. Người còn dặn, khi đọc khắp rồi, phải báo cáo dư luận của đồng bào thế nào, không được đăng báo. Ngày 22/7/1950, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra chỉ thị về việc kiểm thảo để sửa đổi nề nếp vận động Nhân dân theo thư Hồ Chủ tịch,

Trong thư, Người căn dặn đồng bào, khi ai có điều gì oan ức thì có thể do các đoàn thể tố cáo lên cấp trên. Đó là quyền dân chủ của tất cả công dân Việt Nam. Đồng bào cần hiểu rõ và khéo dùng quyền ấy. Cũng như tất cả công dân Việt Nam đều phải hiểu rõ và làm tròn nghĩa vụ kháng chiến cứu quốc21.

Người nói rõ với dân chúng rằng, “chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân”22.

Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới

Đồng bào có oan ức mới khiếu nại, hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại, Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ, do đó, mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn.

Nói về thái độ và phẩm chất của thanh tra viên, kiểm sát viên, Người đã nhấn mạnh rằng, nghe không được thiên lệch, nên nghe người này, nghe người kia. Phải khách quan, chớ do ý muốn và suy đoán chủ quan của mình.

Phải chống quan liêu. Thanh tra muốn biết, muốn thấy, muốn hiểu rõ sự thật ở cơ quan, địa phương nào phải đến tận nơi, nghe ngóng, tìm hiểu, chịu khó. Phải cẩn thận, khách quan, điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng, chịu khó. Phẩm chất của người cán bộ thanh tra là phải tự mình nghiêm chỉnh, phải có đạo đức cách mạng… Tóm lại, công việc thanh tra phải cẩn thận, khách quan, nghe ngóng, đừng hấp tấp chủ quan, quan liêu. Cán bộ thanh tra phải tự mình gương mẫu, muốn thế phải cố gắng học tập, rèn luyện, quyết tâm tiến bộ và làm tròn nhiệm vụ thanh tra mà Đảng giao cho23.

Phát biểu trong phiên họp bế mạc Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III), ngày 27/12/1965, Người phê phán tình trạng kỷ luật không nghiêm và dẫn chứng rằng: vừa qua có hiện tượng Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã ra lệnh nhưng cấp dưới không thi hành rồi cũng không có kỷ luật. Có cán bộ đảng viên lợi dụng quyền thế của Đảng và Nhà nước làm những việc trái với chính sách và pháp luật, xâm phạm đến lợi ích vật chất và quyền tự do dân chủ của Nhân dân nhưng cũng chưa bị xử lý kịp thời. Như vậy là kỷ luật chưa nghiêm. Chúng ta cần phải chú ý hơn nữa đến việc giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật trong Đảng, thực hiện đúng chính sách khen thưởng và kỷ luật24.

Đặc biệt quan trọng là những chỉ dẫn của Người với tư pháp và hoạt động tư pháp mà Người đã nêu ra trong những năm đầu xây dựng chính thể dân chủ cộng hòa, trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc. Người đã từng nêu rõ “cách thức tổ chức Ủy ban nhân dân” trong đó có đề cập tới tiểu ban tư pháp 25. Người có “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” (Nghệ An) ngày 17/9/1945, phê phán những khuyết điểm mà cán bộ ta mắc phải như khuynh hướng chật hẹp và bao biện, lạm dụng hình phạt “đào bới những chuyện cũ ra làm án mới”, “không nên bắt bớ lung tung, không nên tịch thu vô lý, làm cho dân kinh khủng”. Kỷ luật không đủ nghiêm, để cho bọn giả mạo tiếng chính phủ hoặc tên Việt Minh ức hiếp dân, xoáy tiền dân, lấy đồ đạc của dân, làm cho dân oán… Và phải đề phòng hủ hóa, lên mặt quan cách mạng, độc hành độc đoán, dĩ công dinh tư, dùng phép công để báo thù tư làm cho dân oán đến Chính phủ và đoàn thể. Người rút ra kết luận: “Những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động, phải lập tức sửa đổi ngay26

Ngay trong những ngày đầu của chính thể cộng hòa dân chủ, Người còn nhấn mạnh “Chính phủ là công bộc của dân”, “sao cho được lòng dân”, lại có thư gửi Ủy ban nhân dân, các kỳ, tỉnh, huyện và làng (Cứu quốc, 17/10/1945), chỉ trích các chứng bệnh: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo…27 Người đòi hỏi, nếu ai đã mắc sai lầm ấy mà “không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”28.

Tháng 02/1948, Người có thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc. Bức thư tuy ngắn gọn nhưng cực kỳ quan trọng đối với ngành Tư pháp, hoạt động tư pháp, trong đó có ngành KSND.

Người động viên ngành Tư pháp, từ Bộ trưởng, Thứ trưởng đến toàn thể nhân viên, ai cũng chịu khổ, chịu khó, tận tụy hy sinh, để làm tròn nhiệm vụ. Đó là một sự vẻ vang cho giới tư pháp ta.

Người cũng nói rõ, công việc tư pháp cũng như mọi công việc khác là càng làm ta càng tiến bộ, nhưng càng tiến bộ ta càng thấy rõ những sự trở ngại và những khuyết điểm còn sót lại. Và ta càng phải cố gắng để giải quyết hoặc khắc phục những trở ngại và khuyết điểm ấy. Sau đó, Người nêu rõ quan niệm về tư pháp và cán bộ tư pháp. Người nhấn mạnh:

– Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là làm gương cho dân trong mọi việc. Giới trí thức phải hy sinh đấu tranh, dũng cảm hơn nữa, để làm gương cho Nhân dân.

– Các bạn là viên chức của chính phủ dân chủ cộng hòa mà các bạn đã giúp xây dựng nên.. Nhiệm vụ của các bạn là tuyệt đối trung thành với chính quyền dân chủ.

– Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác để tránh những mối xích mích lẫn nhau, có thể vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính.

– Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương “phụng công thủ pháp”, “chí công vô tư” cho Nhân dân noi theo29.

Đó là những tư tưởng lớn, sáng suốt của Người, mãi mãi còn giá trịý nghĩa cho hoạt động tư pháp, cho đội ngũ cán bộ tư pháp của chúng ta ngày nay, trong đó có thiết chế KSND kiểm sát viên, từ tổ chức đến hoạt động của ngành, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ viên chức trong ngành. Toát lên từ toàn bộ bức thư với những chỉ dẫn của Người, nổi bật ở tinh thần trọng dân (vì dân) và trọng pháp (tôn trọng Hiến pháp và pháp luật) là đoàn kết hợp tác, tận tụy phấn dấu hy sinh cho sự nghiệp phát triển đất nước và hạnh phúc của Nhân dân, là sự trung thành tuyệt đối với Đảng – Nhà nước và Nhân dân. Các cán bộ Chính quyền, Tòa án, Viện kiểm sát đều có chung lý tưởng, mục đích phụng sự Nhân dân như tên gọi Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, KSND mà hằng ngày chúng ta nhắc đến. Vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh, gắn liền tư tưởng với đạo đức và phong cách của Người trong công tác hàng ngày, chúng ta tâm niệm bền bỉ thực hành những chỉ dẫn cao quý của Người:

– “Dĩ công vi thượng” (đặt việc của dân, lợi ích của dân lên trên hết).

– “Quang minh chính đại” (lòng trung thực, ngay thẳng, liêm chính, trọng đạo lý, đạo nghĩa khi thi hành công vụ, trong ứng xử với người, với việc, với tổ chức, đoàn thể và với nhân dân. Đó cũng là đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư).

– “Tinh thành đoàn kết” (chân thành, tinh tế, vị tha, nhân ái, khoan dung). Có lòng ngay thẳng, có sự chân thành, có động cơ trong sáng và đạo đức cách mạng gương mẫu thì mới đoàn kết thật thà, thực sự và quy tụ sự đoàn kết của mọi người.

– “Phụng công thủ pháp” (phụng sự việc công, việc nước, việc dân để thực hành pháp luật).

– “Thiết diện vô tư” (ngay thẳng, chính trực, đề cao lý trí sáng suốt trong công việc. Tư pháp cũng như mọi công việc khác, suy đến cùng là “ở đời” và “làm người”. Do đó, phải “thân dân” và “chính tâm”, phải dân chủ đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Chú thích:
1. Nguyễn Khắc Mai. 100 câu nói về dân chủ của Hồ Chí Minh. NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2007.
2, 3, 4, 5, 13, 21. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 232, 432 – 434, 432 – 434, 432 – 434, 126 – 128, 396 – 397.
6, 7, 8, 9, 11, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 29. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 74- 75, 74 – 75, 87 – 92, 87 – 92, 460, 327 – 328, 327 – 328, 327 – 328, 327 – 328, 636 – 638, 472 – 473.
10. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 357.
12, 25, 26, 27, 28. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 189, 12 – 13, 18 – 20, 21- 22, 64 – 66.
22. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 82.
23. Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thanh tra. H. NXB Thanh tra nhà nước, 2002, tr 72 – 74.
24. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 14. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 696.
GS. TS Hoàng Chí Bảo
Chuyên gia cao cấp
Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương