Thể chế quản lý thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới và hàm ý chính sách cho Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Lựa chọn mô hình kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng tuyến tính truyền thống, gắn với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Kinh nghiệm của các nước đi trước chỉ ra vai trò đặc biệt quan trọng của thể chế quản lý trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn.

 

Ảnh minh họa.

Nền kinh tế tuần hoàn vận hành như một chu trình khép kín, trong đó những chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất và sinh hoạt được phân loại, tái chế, tái sử dụng,… Loại bỏ việc tạo ra rác thải làm cho mục tiêu phát triển kinh tế có thể song hành với mục tiêu bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững. Nền kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế – xã hội và môi trường, giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sự biến động giá và rủi ro đến từ các nhà cung cấp, gia tăng tính đổi mới sáng tạo bằng việc thay thế các sản phẩm. Theo Cơ quan phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), đến năm 2030, lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn có thể đem lại 4,5 nghìn tỷ USD và hỗ trợ 10/17 chỉ tiêu về phát triển bền vững của Liên hiệp quốc 1.

Lựa chọn mô hình kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng tuyến tính truyền thống, gắn với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Kinh nghiệm của các nước đi trước chỉ ra vai trò đặc biệt quan trọng của thể chế quản lý trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn.

Kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở các nước

Các nước Liên minh châu Âu (EU)

Hiện nay, EU là nơi có những kết quả đáng kể nhất của việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Chủ trương của EU sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên dựa trên việc sử dụng lại và sự chế biến sâu tài nguyên thiên nhiên. Văn bản mang tính pháp lý đầu tiên là Sắc lệnh khung 2008/98/EC, thông qua năm 2008, yêu cầu các nước thành viên ban hành các văn bản pháp luật nội bộ điều chỉnh việc quản lý chất thải cả của sản xuất và sinh hoạt. Năm 2015, EU thông qua kế hoạch hành động về phát triển kinh tế tuần hoàn, đồng thời thông qua một loạt các văn bản pháp lý điều tiết quá trình này. Mục tiêu đặt ra là tăng việc sử dụng lại và chế biến rác thải sinh hoạt lên 70% vào năm 2030; tăng lượng chế biến lại rác thải từ bao gói lên 80% vào năm 2030, với các mục tiêu giữa kỳ là 60% vào năm 2020 và 70% vào năm 2025; đến năm 2025, nghiêm cấm việc chôn lấp các loại rác thải nhựa, kim loại, kính, giấy, bìa các-tông và rác thải có thể phân hủy sinh học. Các nước thành viên đến năm 2030 phải loại bỏ hoàn toàn các bãi phế thải; đồng thời, thúc đẩy hình thành thị trường các nguyên vật liệu tái chế2.

Đối với từng loại chất thải, EU có các cách tiếp cận giải quyết khác nhau. Ví dụ như chất thải nhựa. Theo tính toán, sản xuất các sản phẩm từ nhựa ở EU tăng trưởng 5%/năm, trong đó, chỉ 24% là loại nhựa có thể chế biến lại, còn lại phải đốt để tiêu hủy. Để giải quyết vấn đề này, các nước EU áp dụng các hạn chế trong sử dụng các loại bao gói bằng nhựa; khuyến khích phát triển các sản phẩm nhựa có thể tái chế và nghiêm cấm chôn lấp rác thải nhựa. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 toàn bộ các sản phẩm bao gói từ nhựa có thể tái chế được.

Trong nghiên cứu khoa học, năm 2017, EU xây dựng cơ chế liên kết các chính phủ, tập đoàn, công ty và các tổ chức nghiên cứu để tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm cũng như kiến thức trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn3.

Liên bang Nga

Ngày 19/4/2017, bằng Sắc lệnh số 176, Tổng thống Nga ban hành Chiến lược an ninh môi trường, trong đó đề ra các nhiệm vụ: sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; tăng cường khả năng tái chế chất thải của sản xuất và tiêu dùng; xây dựng ngành công nghiệp tái chế các chất thải; khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này. Triển khai Chiến lược này, Liên bang Nga ban hành một loạt văn bản pháp lý điều tiết các lĩnh vực cụ thể như danh mục các chất thải của sản xuất và sinh hoạt bị nghiêm cấm chôn lấp; các tiêu chuẩn định mức kinh tế – kỹ thuật,…

Năm 2018, Nga ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp chế biến, tái chế và loại bỏ chất thải sản xuất và sinh hoạt nguy hại. Chiến lược dự kiến thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn I, (từ năm 2018 – 2021): thiết lập các tiêu chuẩn pháp lý, định mức kinh tế – kỹ thuật trong lĩnh vực chế biến, tái chế và loại bỏ chất thải nguy hại và sử dụng các nguyên vật liệu tái chế; triển khai các biện pháp, cơ chế kinh tế kích thích sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế (tài trợ nhà nước, các biện pháp thuế quan và các ưu đãi đầu tư khác); xây dựng cơ chế khuyến khích kinh tế đối với các chủ thể sản xuất – kinh doanh trong việc giảm thiểu chất thải và tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải cũng như loại bỏ chất thải nguy hại; thực hiện các biện pháp khuyến khích các đơn vị ngành chế tạo máy trong việc sản xuất các máy móc, thiết bị, dây chuyền chế biến, tái chế cũng như loại bỏ độc hại của chất thải.

Giai đoạn II, (từ năm 2022 – 2030): đề ra mục tiêu xây dựng, phát triển ngành công nghiệp chế biến, tái chế và loại bỏ độc hại của chất thải (bao gồm cả việc chế tạo máy móc, thiết bị, dây chuyền chế biến, tái chế chất thải tiên tiến, có khả năng cạnh tranh và xuất khẩu)4. Phát triển thị trường các nguyên vật liệu tái chế, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng phụ từ nguyên vật liệu tái chế, từ chất thải của dây chuyền sản xuất chính.

Trong lĩnh vực rác thải sinh hoạt, Nga cũng thực hiện các bước đi quyết liệt trong việc phân loại, chế biến và xử lý, đặc biệt là với chất thải rắn. Nga cũng xây dựng lộ trình xóa bỏ các bãi rác thải cũng như làm sạch môi trường các vị trí bãi rác hiện tại; xây dựng các điều kiện kích thích việc tái chế toàn bộ chất thải thuộc diện cấm chôn lấp; thực hiện việc thu phí xả rác từ người dân.

Trung Quốc

Một trong những hệ lụy của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong thời gian khá dài ở Trung Quốc là tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đây là lý do buộc nước này phải tìm kiếm một mô hình phát triển tiết kiệm tài nguyên và có lợi cho môi trường – thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Từ cách tư duy đó, Trung Quốc đã xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý, đề ra mục tiêu, xây dựng luật pháp, chính sách và biện pháp để có thể “nhảy vọt’’ từ phát triển gây tổn hại môi trường sang phát triển bằng con đường bền vững.

Năm 2005, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc thừa nhận những rủi ro về kinh tế và môi trường trong việc khai thác tài nguyên quá mức ở quốc gia này; đồng thời cho rằng nền kinh tế tuần hoàn là phương tiện chủ đạo để đối phó với những rủi ro đó. Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia cùng các cơ quan khác đã ban hành các nguyên tắc của nền kinh tế tuần toàn và thúc đẩy các mô hình cộng sinh công nghiệp. Kèm theo đó, Trung Quốc có các chính sách về thuế, tài chính và hình thành một quỹ hỗ trợ để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn.

Năm 2008, Luật Bảo vệ nền kinh tế tuần hoàn của Trung Quốc ra đời, trong đó yêu cầu các cơ quan, ban ngành nhà nước ở cấp địa phương phải cân nhắc đến những vấn đề liên quan môi trường trong các chiến lược đầu tư và phát triển, với các ngành được chú trọng là than, sắt, điện tử, hóa chất và xăng dầu. Tiếp theo, Kế hoạch năm năm lần thứ 12 (giai đoạn 2011 – 2015) đề ra những mục tiêu cụ thể như tới năm 2015 đạt mức tái sử dụng 72% chất thải rắn công nghiệp và gia tăng 15% hiệu suất nguồn lực. Năm 2013, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ban hành Chiến lược quốc gia để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn – một chiến lược đầu tiên trên thế giới, với những mục tiêu cụ thể như: đến năm 2015 tăng hiệu suất sử dụng năng lượng (GDP trên đơn vị năng lượng) 18,5% so với năm 2010; nâng cao hiệu suất sử dụng nước 43%; đầu ra của ngành công nghiệp tái chế đạt 276 tỷ USD…5.

Năm 2017, Chương trình chính sách kinh tế tuần hoàn được Trung Quốc thông qua với việc mở rộng trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất trong việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn nguyên liệu có khả năng tái tạo. Để bảo đảm thực hiện thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, Trung Quốc thành lập Tổ chức giám sát thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn. Tổ chức này có sự tham gia của Tổng cục Môi trường Trung Quốc với ba khâu của kinh tế tuần hoàn: vòng tuần hoàn nhỏ thực hiện ở quy mô nhà máy và khu công nghiệp; vòng tuần hoàn vừa thực hiện ở quy mô lớn hơn và vòng tuần hoàn lớn thực hiện trên toàn bộ nền kinh tế. Trung Quốc cũng tiến hành xây dựng các khu công nghiệp sinh thái quốc gia về xử lý và tái sản xuất phế thải.

Một số kinh nghiệm có thể tham khảo cho Việt Nam

Phát triển kinh tế tuần hoàn là xu hướng chung của thế giới đã được chứng minh thành công ở nhiều quốc gia. Sự phát triển kinh tế của Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung đó. Từ thực tiễn phát triển kinh tế tuần hoàn của các nước, có thể rút ra một số vấn đề gợi mở để chúng ta tham khảo, vận dụng cho việc phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ nhất, cần phải có nhận thức đầy đủ về bản chất của kinh tế tuần hoàn; tính cấp thiết phải chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn của giới lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Từ đó, có quyết tâm chính trị của giới lãnh đạo trong việc đề ra chủ trương, chính sách chuyển đổi, phát triển kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, quá trình này sẽ có sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Thứ hai, thể chế quản lý có vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Các nước đã và đang thực hiện kinh tế tuần hoàn đều ban hành các văn bản luật, xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển kinh tế tuần hoàn. Từ nền tảng pháp lý đó, trong tổ chức thực hiện được cụ thể hóa bằng các chiến lược, chương trình, kế hoạch với mục tiêu xác định cho mỗi thời kỳ, giai đoạn. Việt Nam cần tham khảo và có lộ trình xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, toàn diện cho sự phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ ba, trong chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, vai trò của Chính phủ là đặc biệt quan trọng. Thông qua việc ban hành các định mức kinh tế – kỹ thuật; sử dụng công cụ thuế và các công cụ chính sách khác, Chính phủ khuyến khích việc giảm thiểu chất thải trong sản xuất và tiêu dùng; khuyến khích việc tái chế, tái sử dụng chất thải; hạn chế ô nhiễm môi trường. Các biện pháp kiểm tra, giám sát cũng như các chế tài có thể coi là những biện pháp hiệu quả thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp và người dân tiết giảm, tái chế, tái sử dụng chất thải, qua đó, tạo điều kiện cho kinh tế tuần hoàn phát triển.

Thứ tư, điều cốt lõi trong phát triển kinh tế tuần hoàn là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, của kinh tế số và kết nối dữ liệu,… Các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao và cách mạng công nghiệp 4.0, do vậy, cần có cơ chế, chính sách cho phát triển công nghệ sạch, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải. Chất thải phải là nguồn tài nguyên trong nền kinh tế xét cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng. Ở đây lại thấy vai trò đặc biệt quan trọng của Nhà nước, nhất là trong đầu tư nghiên cứu khoa học, đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, kinh tế số,… làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của kinh tế tuần hoàn. Nhà nước cũng cần triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển kinh tế tuần hoàn từ cách tiếp cận chung toàn cầu, nguyên tắc xác lập theo ngành, lĩnh vực, triển khai mô hình, tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn, từ đó lựa chọn vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh thực tiễn và phổ biến đến doanh nghiệp, người dân, các nhà quản lý để có thể áp dụng trong thực tiễn.

Thứ năm, sự chuyển đổi, phát triển kinh tế tuần hoàn rất khác nhau ở các nước, căn cứ vào điều kiện cụ thể của mỗi nước. Mỗi nước trên cơ sở năng lực, trình độ phát triển khoa học – công nghệ, năng lực và trình độ công nghệ của cộng đồng doanh nghiệp và nhận thức của người dân để có chiến lược chuyển đổi phù hợp với các mục tiêu, lộ trình khả thi. Việt Nam cũng cần có những đánh giá tổng quan về các khía cạnh nêu trên để xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi với lộ trình và mục tiêu phù hợp.

Thứ sáu, trong những bước đầu tiên để phát triển kinh tế tuần hoàn, các nước đều tập trung vào vấn đề chất thải của sản xuất và tiêu dùng với phương châm: tiết giảm, tái chế, tái sử dụng. Chất thải được phân loại và mỗi loại có cách tiếp cận giải quyết khác nhau. Đây là một kinh nghiệm cần tham khảo. Trong những bước đầu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cũng nên tập trung vào vấn đề chất thải của cả sản xuất và đời sống, phân loại và có các biện pháp sát thực và phù hợp để giải quyết từng loại chất thải.

Thứ bảy, như đã phân tích, cách tiếp cận và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn ở các nước rất khác nhau, vì vậy, tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia đã và đang thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn, từ đó chuyển giao và áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam là một việc làm cần thiết.

Chú thích:
1, 5. Kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và các điều kiện để chuyển đổi ở Việt Nam. http://tapchitaichinh.vn, ngày 30/01/2019.
2, 3, 4. Сысоева Е. А. Циркулярная экономика в контексте устойчивого развития (Xư-xôi-e-va E. A. Kinh tế tuần hoàn dưới góc độ phát triển bền vững – tiếng Nga). http://www.m-economy.ru

ThS. Lê Thị Phượng – ThS. Trịnh Thị Thu Hiền
 Học viện Báo chí và Tuyên truyền