Phát huy tinh thần yêu nước trong phòng, chống “giặc Covid – 19”

(Quanlynhanuoc.vn) – Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đúc kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Ðó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”1 .  Hiện tại, “giặc covid – 19” là thứ giặc nguy hiểm tấn công trực tiếp vào sức khỏe của mọi người dân. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, Nhân dân ta lại “một lòng nồng nàn yêu nước” để sớm chiến thắng “giặc covid – 19”.

 

Một trong hàng ngàn bức tranh cổ động do các em thiếu nhi trên khắp cả nước vẽ hưởng ứng cuộc chiến phòng chống Covid-19 (Ảnh: Intenet)

1. Cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã trải qua nhiểu đợt bùng phát dịch. Đợt dịch đầu tiên diễn ra vào vào tháng 3-4/2020; đợt dịch thứ hai vào diễn ra vào tháng 7-8/2020 liên quan Đà Nẵng; đợt dịch thứ ba diễn ra vào tháng 1-2/2021 liên quan Hải Dương; đợt bùng phát dịch thứ 4, kể từ ngày 27/4/2021 ở các khu công nghiệp tỉnh bắc Giang, Bắc Ninh và các địa phương khác.

Theo giới chuyên môn, đợt dịch lần thứ 4 tại Việt Nam diễn biến theo chiều hướng phức tạp, nhiều thách thức với đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng. Trong thời gian ngắn (trong vòng một tháng), số ca mắc mới trong nước tăng kỷ lục, lần đầu tiên Việt Nam xác lập kỷ lục ghi nhận số ca nhiễm trong nước vượt ba chữ số (tính từ ngày 27/4- 31/5/2021 là 4316 ca trong nước và 221 ca nhập cảnh)2, lần đầu tiên ghi nhận biến thể có tốc độ lây nhiễm mạnh nhất, nhiều cơ sở y tế phải cách ly, phong tỏa…

Hiện nay tình hình dịch Covid – 19 trên thế giới, khu vực vẫn rất phức tạp. Trong nước, vừa phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác ở tuyến biên giới;  ngăn chặn nhập cảnh trái phép, đồng thời phải đối mặt với những thách thức số ca nhiễm tăng cao trong cộng đồng. Trong cuộc chiến lần này, nước ta phải ứng phó cùng lúc với hai biến thể của virus SARS/CoV-2 gồm biến thể của Anh và biến thể kép của Ấn Độ, đều là biến thể có tốc độ lây lan nhanh. Theo GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế thì Việt Nam ở trong tình trạng báo động cao do nguy cơ và khả năng lây nhiễm của virus mạnh. Nếu như ở đợt dịch thứ 3, Việt Nam phải đối mặt với biến thể mới của virus SARS/CoV-2 của Anh với tốc độ lây lan hơn 70%, thì lần thứ 4 này, biến thể của Ấn Độ còn khó khăn, thách thức hơn rất nhiều.

Dịch Covid-19 hiện đang có cả hai mũi tấn công; từ bệnh viện tấn công ra cộng đồng và từ cộng đồng tấn công vào bệnh viện. Lần đầu tiên trong suốt 1,5 năm chống dịch của Việt Nam, đã có nhiều cơ sở y tế phải phong tỏa/cách ly y tế để thực hiện khoanh vùng, truy vết chống dịch.

2. Gọi Covid -19 là “giặc” vì nó đang gây ra nỗi sợ hãi, cảnh ly biệt, sự chết chóc cho toàn cầu. Mỗi giây phút trôi qua lại có công dân của một nước nào đó trên thế giới phải bỏ mạng vì tên “giặc” này.  Sự “hung tàn” của Covid-19 đang “tuyên chiến” với cả thế giới, chúng thật “mưu mô, xảo quyệt” khi đã và đang âm thầm gây ra những tác hại trên toàn cầu, không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân mà còn dẫn đến sự tiêu cực trong đời sống kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, mỗi gia đình.

Những ngày này, bên cạnh những thông tin cập nhật về tình hình lây lan của dịch bệnh và kết quả chiến đấu với “giặc Covid-19”, nhất là các biện pháp quyết liệt của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương, hơn lúc nào chúng ta thấy sáng lên tinh thần yêu nước được thể hiện khắp nơi nơi trên đất nước Việt Nam. Lòng yêu nước là phẩm chất tự hào của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Nó được nuôi dưỡng trong mỗi người Việt Nam và thể hiện rõ nhất trong các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Có thể nói,  Covid-19 cũng chính là “giặc ngoại xâm”- một loại giặc giấu mặt nhưng vô cùng nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe Nhân dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước .

Từ khi cuộc chiến đấu chống “giặc Covid-19” được khởi động, chúng ta đã thấy tinh thần quyết liệt, khẩn trương ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương. Nhiều Chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Đảng đã được ban hành để kịp thời ứng phó với những diễn biến mới của dịch Covid-19; các biện pháp ngăn chặn, cách ly tại địa bàn dân cư và các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã được triển khai nhằm cô lập, triệt tiêu và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nhiều chiến thuật, chiến lược mới được áp dụng để phù hợp với diễn biến và tốc độ lây lan của Covid-19.

Chiến lược của Việt Nam chuyển từ trạng thái phòng ngự là chính sang kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính. Tấn công chính là phải tăng cường các biện pháp tích cực, chủ động, tăng cường các biện pháp về công nghệ, tăng cường các biện pháp kiểm soát, giám sát, kiểm tra, tăng cường xử lý cụ thể, đặc biệt là phải thực hiện nghiêm thông điệp “5K + vaccine”.

Quyết tâm chính trị cao của Đảng, Chính phủ về chống dịch Covid-19 đã tạo được sự đồng lòng, đồng sức, đồng thuận cao trên phạm vi toàn xã hội, thực sự là “ý Đảng-lòng dân”, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân. Vì thế, đã khơi dậy tinh thần yêu nước, nâng cao niềm tin cảu Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đã hình thành phong trào cách mạng sâu rộng của quần chúng nhân dân, quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh “chống dịch như chống giặc”. Mỗi người dân không chỉ quan tâm bảo vệ sức khỏe bản thân mình, chấp hành nghiêm các quy định của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch, mà còn nêu cao ý thức cộng đồng, đoàn kết chung tay, góp sức cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tạo nên “thế trận lòng dân” vững chắc để chiến thắng dịch bệnh. Việt Nam là một dân tộc có truyền thống đoàn kết, luôn thể hiện được bản lĩnh, ý chí vững vàng mỗi khi đương đầu với mọi hiểm nguy, thách thức. Chính vì vậy, không có khó khăn nào mà nước ta không thể vượt qua. Tại thời điểm này, phẩm chất của dân tộc ta lại một lần nữa được củng cố và phát huy toàn diện.

Đã qua nhiều ngày đêm chống lại dịch bệnh, Nhân dân Việt Nam luôn chung sức đồng lòng cùng Đảng, nhà nước chiến đấu với dịch bệnh. Nhân dân từ miền ngược đến miền xuôi; từ đồng bào trong nước đến đồng bào ta ở nước ngoài; từ người già đến em nhỏ… không phân biệt tuổi tác, không phân biệt ngành nghề; không phân biệt địa vị… mỗi người đều đồng lòng ủng hộ Chính phủ chống “giặc Covid- 19” từ vật chất đến tinh thần.

Trong cuộc chiến này này, với chiến lược chủ động tấn công tạo hiệu quả miễn dịch trong cộng đồng bằng chiến lược vắcxin đã và đang được sự ủng hộ có trách nhiệm của Nhân dân, doạnh nghiệp và của cả cộng đồng xã hội. chiến dịch tình nguyện của sinh viên, thầy và trò của nhiều trường học trong cả nước ngày đêm làm tấm chắn vững chắc cho hậu phương và làm trụ vững cho tuyến đầu chống dịch; đó còn là những “siêu thị không đồng”; những cây ATM gạo; những suất ăn yêu thương… Tất cả đều chứa đựng tình yêu thương, sự sẻ chia, nghĩa đồng bào gửi đến vùng “tâm dịch” với mong muốn chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Sức mạnh chính trị-tinh thần được phát huy trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn đã và đang diễn ra, nổi bật là ý chí quyết tâm cao của đội ngũ những người thầy thuốc, đứng ở tuyến đầu. Những ngày tháng 5 nắng lửa này, khi Bắc Giang đang là điểm nóng “giặc Covid- 19” hoành hành, đội ngũ những chiến sỹ áo trắng ở khắp miền tổ quốc đang dồn về tiếp lửa cho Bắc Giang. Đồng hành cũng những chiến sĩ áo trắng là cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân – lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh “chống giặc Covid-19”, những tình nguyện viên… Đó là những người lính tiên phong, sẵn sàng xả thân vì sức khỏe, vì tính mạng của người dân, vì sự bình yên của xã hội.

Các y, bác sỹ lan tỏa thông điệp cả nước chung tay quyết tâm chống dịch COVID-19 (Nguồn: Intenet).

Khí thế quật cường của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân chưa lúc nào bị nao núng. Những chiến binh áo trắng đang không quản ngại ngày đêm túc trực và giữ thế chủ động trong cuộc chiến đấu sinh – tử với “giặc Covid-19”.  Có được điều đó là xuất phát từ tinh thần quả cảm, từ ý thức, trách nhiệm cao với công việc, giữ vững tinh thần “lương y như từ mẫu”. Và, một điều rất quan trọng ở phía sau họ chính là hậu phương vững chắc, là sự đoàn kết một lòng của cả hệ thống chính trị và toàn dân được kết tinh và phát huy từ lòng yêu nước của Nhân dân ta, dân tộc ta.

Cuộc chiến đấu này có thể còn kéo dài một thời gian nữa, nhưng nhất định chúng ta sẽ giành thắng lợi hoàn nhờ tinh thần và ý chí của khối đại đoàn kết toàn dân tộc – truyền thống cực kỳ quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xoay quanh một chữ “đồng”: đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh; có được đoàn kết toàn dân tộc, ắt sẽ đại thành công. 

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia sự thật, 2011, tr.38.
2. Bản tin COVID-19 sáng 31/5: 61 ca mới, riêng Hà Nội 15 ca. https://ncov.moh.gov.vn, ngày 31/5/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Lời kêu gọi toàn quân toàn dân chung sức đồng lòng chống dịch. https://moh.gov.vn, ngày 01/5/2021.
2. Chủ tịch nước kêu gọi cả nước chung tay, đẩy lùi dịch bệnh. https://moh.gov.vn, ngày 27/5/2021.
3. Phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. https://laodong.vn, ngày 27/5/2021.

Hoàng Trang