(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác giảm nghèo là một điểm sáng của Việt Nam được quốc tế ghi nhận và nhân dân đánh giá cao, góp phần vào thành tựu chung của đất nước qua 35 năm đổi mới, đặc biệt trong 5 năm qua. Thị trường lao động tiếp tục phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục được nâng lên. Giáo dục nghề nghiệp bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong quản lý nhà nước;…
Thực hiện nghiêm, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Trên cơ sở Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng Chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, trong thời gian tới ngành lao động, thương binh và xã hội quan tâm xây dựng đoàn kết, thống nhất, dân chủ và liêm chính. Chú trọng tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; bảo đảm công khai, minh bạch; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cá thể hóa trách nhiệm; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời khen thưởng, biểu dương kịp thời, đúng người, đúng việc.
Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết qua quá trình 35 năm đổi mới: Không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Đây là nhiệm vụ lớn mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
Phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tựu đạt được của ngành; không thỏa mãn, không chủ quan, tự mãn; trên tinh thần kế thừa và đổi mới, ổn định và phát triển; tất cả suy nghĩ, hành động đều phải vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bám sát thực tiễn để không ngừng đổi mới, sáng tạo. Quán triệt tư tưởng phải tích cực, chủ động hơn nữa để vượt qua thách thức, khó khăn trong công việc, phát huy hơn nữa tính tự lực, tự cường, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể, đó chính là thể hiện tư tưởng tấn công.
Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là: lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật; suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông suốt, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Đối với những vấn đề phát sinh thì phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc gì đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục làm; việc gì chưa có hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần.
Bảo đảm thượng tôn pháp luật; xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn. Chính sách của ngành là đến với người dân, vì vậy từng chính sách, từng thông điệp phải giản dị, dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra, dễ đánh giá và phải lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Phải có chính sách, giải pháp phù hợp để khắc phục những thách thức, hệ quả của việc già hóa dân số, nhất là tăng cường khai thác, phát huy vai trò, tiềm lực của người cao tuổi; thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách đối với người nghèo, người yếu thế.
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được cũng còn không ít những tồn tại, hạn chế cần sớm được quan tâm chỉ đạo khắc phục và xử lý như: Thị trường lao động chưa phát triển đồng bộ, hiện đại, kịp thời, thiếu tổng thể, liên thông. Năng suất lao động của Việt Nam tuy có tốc độ tăng nhanh nhưng vẫn thuộc nhóm thấp của châu Á. Tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp, tốc độ cải thiện còn chậm, còn khoảng cách lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn; kết nối cung-cầu trong đào tạo nghề còn giới hạn; lĩnh vực xuất khẩu lao động, quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, tiêu cực…
Một số định hướng, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới
Thứ nhất, tập trung khắc phục những tồn tại, yếu kém, những việc tồn đọng, kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm.
Thứ hai, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để hoàn thiện thể chế, các cơ chế, chính sách còn bất cập theo hướng đồng bộ, thống nhất, hiện đại, sát với thực tiễn, có tính khả thi và sức lan tỏa cao, bảo đảm phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực thi pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; chú trọng thực hiện các giải pháp, nhất là các giải pháp có tính đột phá, đổi mới, giảm phiền hà cho nhân dân; đẩy mạnh số hóa trong tất cả các lĩnh vực; có cơ chế phân công, phối hợp thực hiện và theo dõi, kiểm tra, đánh giá, giám sát việc thi hành pháp luật; kịp thời phát hiện các sai phạm để chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Thứ tư, chú trọng làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật. Coi trọng và nâng cao nhận thức về truyền thông, tổ chức công tác truyền thông phù hợp với công nghệ, đặc điểm của tình hình trong nước và thế giới hiện nay. Tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tham gia đối thoại, tạo đồng thuận trong thực thi chính sách pháp luật về lao động, người có công và xã hội, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông.
Thứ năm, tập trung thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 5/11/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, trong đó lưu ý làm tốt các nội dung về công tác đền ơn đáp nghĩa; huy động nguồn lực hỗ trợ các đối tượng yếu thế; giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững; tạo môi trường cho trẻ em phát triển toàn diện; thúc đẩy bình đẳng giới… Tiếp tục hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội bền vững, trong đó bảo hiểm xã hội là trụ cột chính, quan tâm giải quyết các vướng mắc phát sinh đối với người lao động trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số.
Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển thị trường lao động. Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, liên thông; chú trọng đầu tư để duy trì và phát triển các trường chất lượng cao và ngành nghề trọng điểm, tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Nâng cao năng lực dự báo nhu cầu thị trường lao động; thúc đẩy chuyển dịch lao động, phân bổ hợp lý lao động.
Thứ bảy, nghiên cứu, dần điều chỉnh khung pháp lý và chính sách để phù hợp với tốc độ già hóa dân số theo dự báo, trong đó có chính sách sử dụng lao động người cao tuổi; nghiên cứu, phát triển và tăng cường quản lý dịch vụ chăm sóc xã hội, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
Thứ tám, nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có giải pháp tranh thủ cơ hội thị trường lao động đang mở hiện nay để đưa lao động đi nước ngoài làm việc, bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và sử dụng lao động trong nước. Tiếp tục phối hợp triển khai kịp thời, hiệu quả việc hỗ trợ đưa người lao động của Việt Nam đang mắc kẹt ở các nước do dịch Covid theo tinh thần nhân đạo, phù hợp trong từng giai đoạn, điều kiện cụ thể của đất nước.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19: Yêu cầu các cơ sở, đơn vị của ngành và các cơ sở sản xuất kinh doanh nói chung thực hiện tốt nguyên tắc 5K + vaccine, bảo vệ an toàn cho cán bộ, công chức, người lao động của ngành và doanh nghiệp. Khẩn trương sơ kết, đánh giá nghiêm túc, đầy đủ Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, kịp thời đề xuất các biện pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Thứ chín, coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đảng bộ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong sạch vững mạnh, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII, gắn với các quy định nêu gương của Đảng để thực hiện xây dựng Đảng. Xây dựng bộ máy tinh gọn theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực phẩm chất, uy tín theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Công tác cán bộ phải công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan và phải chọn đúng người, đúng việc, tránh tiêu cực trong công tác cán bộ. Thực hiện kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn ngành, tổ chức tổng kết sơ kết để truyền cảm hứng, hướng dẫn để chống tiêu cực, tham nhũng ở các cơ sở, các đơn vị sự nghiệp nói chung.
Thứ mười, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm điều kiện hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy và thực hiện các nhiệm vụ mang tính đột phá sau đây:
– Thiết lập mạng lưới an sinh xã hội hiện đại, thống nhất trên nền tảng chuyển đổi số. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, bảo đảm liên thông tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác có liên quan.
– Xây dựng, tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình huy động nguồn lực để xóa nhà tạm cho người nghèo, nhất là tại các huyện nghèo. Nội dung Chương trình phải rõ mục tiêu, tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, cách làm, huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả, có kiểm tra và giám sát để tránh tiêu cực.
ThS. Vũ Thị Thùy Dung
Học viện Hành chính Quốc gia