Khai thác, sử dụng thông tin trên môi trường mạng

(Quanlynhanuoc.vn) – Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông ngày nay, chỉ với một chiếc điện thoại hay máy tính có kết nối internet, bạn có thể tìm kiếm được mọi thông tin, dữ liệu của tất cả lĩnh vực trên môi trường mạng. Thông tin trên môi trường mạng là kho kiến thức khổng lồ phục vụ công việc, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Internet, mạng xã hội đã trở lên phổ biến và là nhu cầu không thể thiếu trong xã hội ngày nay, những tiện ích mà nó mang lại đã giúp cho con người rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian cũng như được tiếp cận với nền văn minh nhân loại.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Thông tin và môi trường mạng

Tùy vào từng hoàn cảnh và lĩnh vực khác nhau mà có cách định nghĩa về thông tin, tuy nhiên, để định nghĩa một cách đơn giản nhất theo cách hiểu thông thường thì “Thông tin là những gì con người thu nhận được từ thế giới xung quanh như sự vật, sự việc, hiện tượng”… Thông tin đem lại nhiều kiến thức, sự hiểu biết cho con người.

Theo khoản 3 Điều 4 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 định nghĩa: “Môi trường mạng là môi trường trong đó thông tin được cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông qua cơ sở hạ tầng thông tin”.

Những thuận lợi trong việc khai thác, sử dụng thông tin

Thứ nhất, về trang thiết bị. Ngày nay, mỗi cá nhân làm việc đều được trang bị máy tính có kết nối internet tại cơ quan, đơn vị và hầu hết mỗi người đều tự trang bị cho mình chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính xách tay với nhiều ứng dụng và tiện ích phong phú, đa dạng phục vụ công việc chuyên môn và giải trí.

Thứ hai, về kiến thức, kỹ năng. Hiện nay, hầu hết người dùng internet có kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, kỹ năng sử dụng máy tính, nhận, gửi email và đặc biệt là khai thác thông tin trên mạng internet tương đối tốt; sử dụng thành thạo công cụ tìm kiếm trên internet như google, yahoo…; thường xuyên trao đổi thông tin qua môi trường mạng như email, zalo, viber,…để phục vụ công việc, giải trí,…

Thứ ba, về cơ sở pháp lý. Để nâng cao hiệu quả quản lý việc khai thác, sử dụng thông tin trên môi trường mạng cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật An ninh mạng năm 2018, văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BTTTT ngày 10/5/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng,…

Thứ tư, về thông tin trên môi trường mạng. Thông tin khổng lồ trên không gian mạng (KGM) liên tục được cập nhật, bổ sung; đặc biệt, việc tìm kiếm thông tin trên KGM với ưu điểm nhanh chóng, đa dạng, dễ thực hiện, mọi nơi mọi lúc, gọn nhẹ và tiết kiệm. Tại đây, người sử dụng có thể giao tiếp, trải nghiệm, chia sẻ thông tin, tổ chức diễn đàn, cung cấp hỗ trợ xã hội, tìm kiếm việc làm, kinh doanh, giải trí,… thông qua các trình duyệt web (Google, Chrome, Safari…); các trang web tin tức (VnExpress, Tin tức, Zing news, VTC New…); các mạng xã hội (Facebook, Twitter, Instagram, Youtube, Skype,…); các tiện ích (chuyển tiền, việc làm, email, thiệp điện tử…);… KGM thật sự trở thành không gian sinh tồn mở rộng, không gian kiến tạo và gia tăng sức mạnh quốc gia với nguồn tài nguyên số vô tận.

Những khó khăn, hạn chế trong việc khai thác, sử dụng thông tin

Một là, quá trình khai thác, xử lý và lựa chọn thông tin gặp khó khăn do lượng thông tin quá lớn; hạn chế về năng lực và kỹ năng thu thập, xử lý, sử dụng thông tin; không có các kiến thức về thống kê, kỹ năng phân tích thông tin, kỹ năng sử dụng các phương tiện tin học trong xử lý số liệu làm sai lệch thông tin…

Hai là, ý thức về việc bảo vệ tài nguyên của cơ quan, tổ chức hay cá nhân trên môi trường mạng chưa được quan tâm một cách đầy đủ; đồng thời, kiến thức về pháp luật trên KGM của người dân còn nhiều hạn chế; việc tự giác trong việc phòng, chống thông tin xấu, mã độc trên KGM chưa cao…

Ba là, các mối đe dọa từ KGM là những thách thức về tình báo mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng phát tán mã độc, tấn công mạng gây nguy hại cho các tổ chức, cá nhân thậm chí làm lộ các bí mật của Nhà nước gây ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng. KGM có thể trở thành môi trường để các tổ chức khủng bố quốc tế, các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu lợi dụng thông tin để tác động, thao túng dư luận; xâm phạm độc lập, chủ quyền quốc gia trên KGM, tiến hành chiến tranh thông tin đối với các cơ quan Đảng, nhà nước.

Bốn là, nguồn lực về con người, tài chính và hạ tầng kỹ thuật, công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh thông tin trong tình hình mới; hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh thông tin chưa cao; năng lực phát hiện, xử lý các hoạt động xâm hại an ninh thông tin, sự cố gây mất an ninh thông tin của các cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế; hiệu quả ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong bảo đảm an ninh thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới,…

Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng. Nguồn: cand.com.vn.
Giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng và quản lý thông tin trên môi trường mạng

Thứ nhất, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, từng bước phát triển nền công nghiệp thông tin, đặc biệt là công nghiệp an ninh thông tin đáp ứng nhu cầu và phù hợp với sự phát triển của Việt Nam.

Thứ hai, bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên không gian mạng và khai thác có hiệu quả tài nguyên thông tin quốc gia; tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng, như: sử dụng phần mềm bản quyền, chương trình diệt virus, kỹ năng sử dụng các ứng dụng trên môi trường mạng an toàn và hiệu quả,…

Thứ ba, nâng cao nhận thức về an ninh thông tin và bảo đảm an ninh thông tin; tổ chức các chương trình về kỹ năng khai thác, sử dụng và quản lý thông tin trên môi trường mạng, như: kỹ năng phân tích, đánh giá, xác định nguồn thông tin chính thống đầy đủ  và chính xác; giới thiệu các phương pháp, công cụ khai thác thông tin dễ sử dụng và hiệu quả; kỹ năng nhận diện những mối đe dọa, nguy cơ có thể xảy ra trên môi trường mạng; cập nhật kiến thức về pháp luật quản lý trên môi trường mạng;…

Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh thông tin, môi trường mạng; xây dựng hoặc bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật về khai thác, sử dụng thông tin, an ninh thông tin phù hợp với thực tiễn;

Thứ năm, bảo đảm tuyệt đối an toàn các hệ thống thông tin về an ninh quốc gia; sử dụng các biện pháp kỹ thuật để khắc phục hậu quả sau các cuộc tấn công vào hệ thống thông tin trên KGM. Nêu cao ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ KGM quốc gia; tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh mạng; kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến an ninh mạng, nguy cơ đe dọa an ninh mạng và các hành vi xâm phạm khác; giúp đỡ, tạo điều kiện cho người có trách nhiệm tiến hành các biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

Tài liệu tham khảo:
1. Sách trắng Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. H. NXB, Thông tin và Truyền thông, 2019.
2. Luật Công nghệ thông tin năm 2006.
3. Luật An toàn thông tin mạng năm 2015.
ThS. Lê Thị Thu Thủy
Học viện Hành chính Quốc gia