Văn hóa công vụ – nhìn từ góc độ xây dựng và ban hành văn bản hành chính nhà nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước theo hướng xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, minh bạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả là để đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội ngày càng tốt hơn. Trong bối cảnh mới, việc xây dựng và nâng cao văn hóa công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước có vai trò không nhỏ đến việc đánh giá hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ của cơ quan hành chính nhà nước hiện nay.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quản lý nhà nước (QLNN) là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, các cơ quan nhà nước sử dụng công cụ pháp luật để điều chỉnh hành vi của con người nhằm duy trì sự ổn định và phát triển xã hội. Để đạt được hiệu lực, hiệu quả QLNN, trong từng trường hợp cụ thể, các cơ quan nhà nước sẽ đưa ra các quyết định quản lý khác nhau để điều chỉnh các hành vi theo định hướng của Nhà nước.

Hiệu lực, hiệu quả của hoạt động QLNN phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: thể chế, tổ chức bộ máy, nhân lực, trong đó yếu tố trựctiếp và quyết định chính là yếu tố con người mà cụ thể là nhận thức, năng lực, trình độ, kỹ năng làm việc của đội ngũ công chức. Một nền hành chính chuyên nghiệp chỉ có thể hình thành trên cơ sở xây dựng và phát triển nguồn nhân lực tương ứng mang tính chuyên nghiệp. Việc xem xét, đánh giá tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức phải dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau như: trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, đề cao văn hóa công vụ (VHCV).

Cấu trúc của VHCV có thể nhìn từ nhiều phương diện khác nhau, dù ở phương diện nào cũng không thể thiếu được những giá trị đó là những khuôn mẫu, nguyên tắc, chuẩn mực công vụ, các giá trị này là một trong những yếu tố tác động đến những hành vi và lề lối làm việc của đội ngũ công chức. Cho nên, VHCV có vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến đội ngũ công chức – những người thực thi công vụ (TTCV), đến chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ. Hiệu lực, hiệu quả của cơ quan QLNN đạt được ở mức độ nào phụ thuộc phần lớn vào trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc và thái độ cũng như nhận thức của đội ngũ công chức làm việc trong bộ máy đó.

Từ góc độ sản phẩm của hoạt động QLNN là các quyết định quản lý được chứa đựng trong các loại văn bản khác nhau thuộc hệ thống văn bản QLNN, trong hệ thống đó, văn bản hành chính nhà nước chiếm một số lượng lớn trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Sở dĩ loại hình văn bản này chiếm số lượng lớn vì nó được dùng để chứa đựng, truyền đạt thông tin trong hoạt động QLNN như: công bố hoặc thông báo về một chủ trương, quyết định về một sự việc cụ thể hay nội dung và kết quả hoạt động của một cơ quan nhà nước; ghi chép lại các ý kiến và kết luận trong các hội nghị; thông tin giao dịch chính thức giữa các cơ quan nhà nước với nhau hoặc giữa cơ quan nhà nước với tổ chức và công dân…

Hệ thống văn bản hành chính nhà nước đều do đội ngũ công chức nhà nước xây dựng và ban hành, sản phẩm này tác động tới các đối tượng quản lý đem lại kết quả của hoạt động quản lý hay không, mức độ đến đâu sẽ phản ánh trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, sự chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ công chức cũng như hiệu lực, hiệu quả của hoạt động QLNN.

Hiện nay, qua đánh giá của cơ quan QLNN có thẩm quyền cho thấy, các văn bản hành chính ở các cơ quan nhà nước cơ bản thực hiện theo đúng quy định của pháp luật1. Trong bộ máy nhà nước, đội ngũ công chức được lựa chọn ngay từ khi tuyển dụng đầu vào và thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành chính, ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ nên trình độ ngày càng được nâng cao, tác phong, lề lối làm việc ngày càng chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế nhất định, gây ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan nhà nước, giảm sút niềm tin của người dân đối với một bộ phận công chức khi TTCV, phần nào ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động QLNN giai đoạn hiện nay. Những hạn chế được cơ quan có thẩm quyền đánh giá trong công tác xây dựng và ban hành văn bản hành chính, gồm: việc tuân thủ pháp luật về công tác văn thư, soạn thảo văn bản chưa nghiêm; kỹ năng tổng hợp và xử lý thông tin phục vụ hoạt động quản lý của công chức chưa đáp ứng yêu cầu của các cấp lãnh đạo; thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản vẫn còn sai sót; khâu kiểm tra, soát xét văn bản trước khi ký và ban hành chưa được chú trọng, vẫn còn tình trạng văn bản ban hành sai thẩm quyền về hình thức và nội dung.

Văn bản của một số cơ quan nhà nước còn có những “lỗi không đáng có”. Ảnh minh họa (nguồn: internet).

Qua khảo cứu thực tế, tác giả nhận thấy văn bản của một số cơ quan nhà nước còn có những hạn chế, những “lỗi không đáng có” chẳng hạn, như: Văn bản số 2258/STNMT-CTR ngày 26/3/2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh về việc báo cáo phương án hoạt động hỏa táng ứng phó với tình hình chống dịch Covid-19 tại đơn vị, trong quá trình tham mưu soạn thảo công chức diễn đạt ngôn ngữ chưa đạt yêu cầu, dẫn tới hậu quả làm cho người đọc hiểu sai tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo, bộ phận soát xét văn bản cũng chưa thực hiện hết vai trò, trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, lãnh đạo (người ký ban hành văn bản) cũng chủ quan, tin tưởng vào năng lực, trình độ tham mưu của cấp dưới nên cũng không xem xét nội dung trước khi ký ban hành, dẫn tới hậu quả gây tâm lý hoang mang cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát khắp cả nước. Mặc dù sau đó, văn bản đã được thu hồi, song vẫn để lại những hậu quả nhất định, phản ánh trách nhiệm, trình độ, năng lực, sự thiếu chuyên nghiệp của công chức trong TTCV, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động QLNN.

Hoặc như vụ việc của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai trong vụ khiếu kiện của doanh nghiệp đối với việc không hoàn thuế giá trị gia tăng2. Hay như việc phát hành Giấy mời của Ủy ban nhân dân phường Hương Văn (Thừa Thiên – Huế) năm 20183. Tiếp đến là văn bản của huyện Tĩnh Gia – Thanh Hóa đối với với việc xác nhận đối tượng là người có công với cách mạng để giải quyết gói hỗ trợ 62.000 tỷ do đại dịch Covid-194. Ngoài ra, còn có hàng loạt các vụ việc để lại bức xúc trong dư luận mà trong phạm vi bài viết tác giả không nêu hết.

Qua những dẫn chứng thực tế cho thấy, quy trình soạn thảo văn bản ở một số cơ quan nhà nước chưa được thực hiện nghiêm túc, nhận thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp trong kỹ năng nghiệp vụ, thái độ, văn hóa ứng xử của công chức – những người TTCV đã trực tiếp tạo ra các sản phẩm của hoạt động quản lý ở một số cơ quan chưa đáp ứng được yêu cầu. Những yếu tố này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả (uy tín, niềm tin của người dân đối với cơ quan nhà nước mà đại diện là đội ngũ công chức nhà nước) của cơ quan QLNN.

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN trong việc xây dựng, ban hành văn bản hành chính ở các cơ quan nhà nước từ góc nhìn VHCV, trong thời gian tới, cơ quan quản lý, đội ngũ lãnh đạo và công chức thừa hành cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn trong TTCV. Để thực hiện giải pháp này cần sự tích cực cả từ cơ quan quản lý, sử dụng công chức và mỗi công chức thừa hành. Đối với cơ quan QLNN cần quan tâm, tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, các điều kiện khác để công chức được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là các nghiệp vụ về soạn thảo và quản lý văn bản trong các cơ quan, đơn vị. Bản thân mỗi công chức cũng cần xác định việc học tập, tự học tập, rèn luyện là nghĩa vụ, đồng thời cũng là quyền lợi của bản thân, học để có đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu đổi mới của nền hành chính trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, các quy chế VHCV, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, quy định, quy chế khác cần được chuẩn hóa, xây dựng trên cơ sở khoa học, hợp pháp, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, tính chất của mỗi ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và bảo đảm tính khả thi; đồng thời, cần được tổ chức thực hiện nghiêm túc, triệt để. Đặc biệt, lưu ý các chế tài nhằm bảo đảm ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, thái độ phục vụ, văn hóa giao tiếp ứng xử, văn hóa nhận trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức trong TTCV.

Có thể nói, đây chính là môi trường để mỗi công chức tự giác tôn trọng kỷ luật, kỷ cương, thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Các cơ quan quản lý, sử dụng công chức cũng có thể coi đây là công cụ quản lý để hướng tới xây dựng môi trường làm việc văn minh, chuyên nghiệp, xây dựng uy tín của cơ quan, của đội ngũ lãnh đạo và hạn chế được “bệnh quan liêu” trong một bộ phận công chức lãnh đạo, quản lý và công chức thừa hành. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ tạo được niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với đội ngũ công chức cũng như các cơ quan nhà nước trong việc TTCV của mình.

Thứ ba, khi xây dựng được các quy chế, quy định phù hợp và tổ chức thực hiện nghiêm túc, triệt để thì với vai trò, lãnh đạo, quản lý là hoạt động đánh giá không thể thiếu. Đánh giá để bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc cũng như việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ công chức; đánh giá để điều chỉnh hoạt động TTCV khi cần thiết.

Riêng công tác soạn thảo văn bản có thể đưa vào một nội dung của công tác tham mưu, nếu tham mưu không đúng, chưa đúng, nhiều lần chưa đúng hoặc chưa đáp ứng yêu cầu gây hậu quả ở các mức độ khác nhau… thì có thể xem xét và coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi công chức thừa hành cũng như trách nhiệm của lãnh đạo, quản lý – những người có thẩm quyền ký ban hành văn bản. Bên cạnh đó, qua đánh giá có thể tìm hiểu được nguyên nhân của những hạn chế, những bất cập trong hoạt động công vụ nói chung cũng như trong soạn thảo văn bản nói riêng để kịp thời điều chỉnh khi cần thiết.

Thứ tư, mỗi cơ quan cần xây dựng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn khen thưởng bảo đảm thống nhất, phù hợp, khả thi để phát huy được tính tích cực của công tác khen thưởng cũng như tính tích cực, chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, tạo động lực cả về vật chất và tinh thần cho đội ngũ công chức trong quá trình TTCV. Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị đang áp dụng biện pháp chấm điểm theo tháng, quý, năm với các mức độ đánh giá khác nhau (A, B, C, D). Từ kết quả chấm điểm này có thể bằng các biện pháp nêu gương, các mức độ khen thưởng vật chất, tinh thần khác nhau tùy thuộc vào điều kiện ở mỗi cơ quan, đơn vị mà tạo được động lực cạnh tranh lành mạnh, làm việc tích cực ở mỗi cá nhân, đơn vị trong mỗi cơ quan.

Trên đây là một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động QLNN. Từ góc nhìn trách nhiệm của công chức trong xây dựng VHCV, cụ thể ở đây là đối với công tác xây dựng và ban hành văn bản của cơ quan nhà nước, có thể khẳng định, một trong những giá trị cơ bản của VHCV là tính chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp không chỉ thể hiện ở năng lực làm việc tốt, chuẩn mực đạo đức, tác phong của đội ngũ công chức mà còn ở chỗ các thủ tục, các quy trình công việc cần được chuẩn hóa và được thực hiện nghiêm túc.

Bên cạnh trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ VHCV sẽ giúp cho mỗi công chức nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong TTCV nói chung và trong tham gia xây dựng và ban hành văn bản của cơ quan, đơn vị nói riêng, ý thức được trọng trách được giao, từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong QLNN của các cơ quan nhà nước.

VHCV có chức năng định hướng nhận thức, giúp mỗi công chức của cơ quan nhà nước có những định hướng đúng đắn trong thái độ, cách ứng xử, dù là trực tiếp hay gián tiếp bằng văn bản của cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp, tổ chức và công dân, từ đó góp phần định hướng ngay trong quá trình TTCV, nhiệm vụ đạt kết quả tốt nhất, với chất lượng cao nhất, đó chính là vai trò của VHCV đối với hiệu lực, hiệu quả QLNN – nhìn từ góc độ xây dựng và ban hành văn bản hành chính của các cơ quan nhà nước hiện nay.

Chú thích:
1. Báo cáo số 477/BC-CVTLTNN ngày 20/5/2019 của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổng kết 15 năm thực hiện Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư và Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 08/02/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2004/NĐ-CP.
2. Cục Thuế tỉnh Đồng Nai xin lỗi luật sư vì… lời lẽ văn chương. http://dantri.com.vn, ngày 02/01/2018.
3. Lỗi giấy mời gây “chết người” của phường Hương Văn. http://vietnamnet.vn, ngày 05/11/2018.
4. Cái gì “lòi ra” ở Thanh Hóa khi thực hiện hỗ trợ dân dịch Covid-19. http://giaoduc.net.vn, ngày 19/5/2020.
TS. Nguyễn Thị Thanh Hương
Học viện Hành chính Quốc gia