(Quanlynhanuoc.vn) – Bảo đảm công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã khu vực đồng bằng sông Hồng gắn liền với các khâu khác như: quy hoạch, luân chuyển, sử dụng cán bộ, công chức cấp xã. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa các khâu, đồng thời tạo môi trường tốt giúp các cán bộ, công chức cấp xã áp dụng các kiến thức, kỹ năng đã được học vào cải thiện chất lượng công việc, nhiệm vụ được giao, theo đó góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực của quá trình bồi dưỡng.
Một số kết quả đạt được
Trong thời gian qua, công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức (BDCBCC) cấp xã của các Trường Chính trị (TCT) khu vực đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đã được chú trọng và đạt được nhiều kết quả, chất lượng bồi dưỡng (CLBD) cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã có nhiều ưu điểm, cụ thể như sau:
Thứ nhất, các học viên là CBCC cấp xã đã đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của TCT đối với học viên trong quá trình bồi dưỡng, bao gồm các yêu cầu về kỷ luật học tập, yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đạt được thông qua kết quả kiểm tra đánh giá. Nói cách khác, nếu xem xét CLBD bằng kết quả kiểm tra đánh giá thì có thể nói CLBD CBCC cấp xã đã đạt được mục tiêu đặt ra.
Thứ hai, CLBD CB,CC cấp xã cũng được ghi nhận bởi các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và được ghi nhận thông qua những lần kiểm tra đánh giá trong hệ thống các TCT về sự tuân thủ các yêu cầu trong quản lý bồi dưỡng. Đây là thành công hết sức quan trọng xét ở góc độ CLBD của các TCT khi đã đáp ứng những yêu cầu chung nhất về BDCBCC cấp xã của các cấp uỷ đảng, chính quyền ở địa phương.
Thứ ba, CLBD CBCC cấp xã của TCT khu vực ĐBSH đạt được rõ nét ở khía cạnh cải thiện thái độ tích cực trong công việc và tính trách nhiệm của CBCC cấp xã sau quá trình bồi dưỡng. Kết quả về CLBD này rõ nét trong trường hợp các địa phương có trình độ chuyên môn của đội ngũ CBCC cấp xã còn hạn chế. Việc thay đổi thái độ, tính trách nhiệm của CBCC cấp xã là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định giúp cải thiện chất lượng, hiệu quả trong công việc của họ. Một người được bổ sung, cải thiện về kiến thức, kỹ năng làm việc nhưng nếu không có thái độ phù hợp thì cũng không giúp cải thiện chất lượng công việc. Ngược lại, nếu người đó có thái độ tích cực, tính trách nhiệm cao thì họ vẫn có thể cải thiện chất lượng, hiệu quả của công việc ngay cả khi kiến thức, kỹ năng làm việc chưa được bổ sung, cải thiện.
Thứ tư, CLBD CBCC cấp xã của TCT khu vực ĐBSH đã góp phần đạt được mục tiêu cải thiện chất lượng công việc của CBCC cấp xã và được những người liên quan đánh giá cao. Đây là kết quả hết sức quan trọng đối với công tác BDCBCC cấp xã vì mục tiêu chính trong BDCBCC cấp xã là cải thiện năng lực thực thi công vụ. Việc các CBCC cấp xã được ghi nhận cải thiện chất lượng công việc sau khi bồi dưỡng đã phần nào phản ánh CLBD do việc cải thiện chất lượng công việc không chỉ do năng lực CBCC cấp xã cải thiện mà còn có thể do các yếu tố khác ảnh hưởng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, CLBD CBCC cấp xã các tỉnh thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng còn một số hạn chế sau:
Một là, CLBD CBCC cấp xã của TCT khu vực ĐBSH về mức độ cải thiện kiến thức, kỹ năng làm việc của CBCC cấp xã sau bồi dưỡng là không rõ ràng. Mặc dù việc khó đánh giá mức độ cải thiện kiến thức, kỹ năng làm việc của CBCC cấp xã sau bồi dưỡng không hoàn toàn phản ánh CBCC cấp xã không cải thiện kiến thức, kỹ năng làm việc, nhưng nó cũng đã làm hạn chế việc thể hiện CLBD. Nói cách khác, khó có thể kết luận CBCC cấp xã được cải thiện về kỹ năng làm việc thông qua công tác bồi dưỡng của TCT, ngay cả khi kết quả khảo sát khẳng định năng lực CBCC cấp xã và kết quả công việc của CBCC cấp xã được cải thiện sau khi bồi dưỡng.
Hai là, CLBD CBCC cấp xã cũng khó được thể hiện ở khía cạnh cải thiện chất lượng công việc của chính quyền địa phương (CQĐP) ở xã. Hạn chế trong thể hiện CLBD ở cấp độ kết quả là do kết quả công việc của CQĐP ở xã khá phức tạp, đa dạng, trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, do có độ trễ trong tác động về mặt thời gian từ việc cải thiện năng lực sẽ tác động đến chất lượng công việc và tác động đến môi trường xung quan cần khoảng thời gian từ 6 tháng trở lên. Do đó, khi khoảng thời gian đánh giá là khá xa thì sự cảm nhận về kết quả cải thiện chất lượng công việc của CQĐP ở xã là khó khăn.
Ba là, mặc dù các CTBD CBCC cấp xã của TCT khu vực ĐBSH đã xác định các yêu cầu đạt được (kiến thức, kỹ năng, thái độ) đối với học viên sau khi kết thúc bồi dưỡng, song trong nhiều trường hợp các yêu cầu này còn chưa sát với nhu cầu thực tế công việc của học viên, do đó công tác bồi dưỡng có thể đạt được chất lượng theo yêu cầu của cơ sở bồi dưỡng đưa ra nhưng lại khó đạt được chất lượng theo yêu cầu thực tế của công việc.
Bốn là, mặc dù công tác BDCBCC cấp xã đã đáp ứng được các yêu cầu về quản lý bồi dưỡng của các cơ quan quản lý, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại như: đối tượng được cử đi học chưa phù hợp với khoá bồi dưỡng; kỷ luật giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá trong một số trường hợp chưa nghiêm, còn cắt giảm, không đảm bảo dung lượng bồi dưỡng theo quy định,… Điều này cũng thể hiện phần nào ở kết quả khảo sát các yếu tố trong công tác bồi dưỡng, theo đó nhóm yếu tố học viên và công tác tổ chức thực hiện bồi dưỡng có kết quả điểm số bình quân khá thấp. Trong đó phương pháp học tập và động cơ học tập của CBCC cấp xã và công tác đánh giá chất lượng, lấy ý kiến học viên về hoạt động bồi dưỡng là những yếu tố cần quan tâm.
Nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã của các Trường Chính trị tỉnh thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng hiện nay
Trên cơ sở nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và CBCC cấp xã về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động bồi dưỡng, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khắc phục có kết quả những hạn chế, bất cập trong công tác bồi dưỡng CBCC cấp xã, nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế – xã hội, đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ của CBCC cấp xã, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. Quan điểm và giải pháp nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng CBCC cấp xã như sau:
Một là, qua quá trình nghiên cứu thực tế cho thấy, đối tượng học viên là CBCC cấp xã ĐBSH có năng lực tự học, tự nghiên cứu cao hơn các khu vực khác, cho nên để nâng cao CLBD cần đổi mới và tăng cường áp dụng phương pháp bồi dưỡng dựa trên năng lực. Theo đó, bồi dưỡng dựa trên năng lực được hiểu như là một hướng tiếp cận dựa vào năng lực và nhu cầu của người học, vào kết quả đầu ra của người học, kết hợp chặt chẽ giữa các phương thức giảng dạy và hình thức đánh giá được thiết kế nhằm đánh giá kết quả nghiên cứu, học tập và vận dụng kiến thức của học viên thông qua việc thể hiện kiến thức, thái độ, giá trị, kỹ năng và hành vi của họ đối với yêu cầu công việc.
Hai là, nâng cao CLBD CBCC cấp xã cần quan tâm xây dựng CTBD dựa trên công việc thực tế của học viên đang đảm nhận và nhu cầu nâng cao kiến thức của người học; đặc biệt chú ý đến những kỹ năng, tình huống thực tiễn mà học viên cần được hướng dẫn xử lý, trải nghiệm trên lớp, từ đó rút ra kinh nghiệm cho mình. Theo đó, phát triển, cải thiện chất lượng các chương trình khoá bồi dưỡng cần theo chức danh, vị trí việc làm của CBCC cấp xã, tăng cường sự chuyên nghiệp hoá bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy chính quyền cơ sở. Mặt khác, cần thúc đẩy các TCT tỉnh, thành phố khu vực ĐBSH chủ động trong xây dựng và phát triển các khoá bồi dưỡng CBCC cấp xã gắn với nhu cầu cụ thể, thậm chí là phù hợp và phải góp phần trực tiếp để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương ở khu vực ĐBSH (từ nhân tố năng lực quản lý của CBCC cấp xã). Chú trọng việc rèn luyện phẩm chất đạo đức và kiến thức, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng thực thi công việc, thực hành kiến thức thông qua việc xử lý các tình huống cụ thể ở cơ sở.
Ba là, rà soát, đánh giá lại đội ngũ giảng viên, kể cả đội ngũ giảng viên cơ hữu và đội ngũ báo cáo viên. Các TCT tỉnh thành phố khu vực ĐBSH còn có tỷ lệ lớn giảng viên chưa đạt trình độ tiến sĩ; công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giảng viên ở một số TCT còn hạn chế, số lượng giảng viên được cử đi bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn còn chưa nhiều; công tác bồi dưỡng ngạch, bậc vẫn một số bất cập; số lượng giảng viên đạt trình độ giảng viên chính và cao cấp còn thấp; công tác bồi dưỡng về chính trị, tư tưởng, đạo đức cho giảng viên cũng còn chưa đạt hiệu quả cao. Do đó, cần củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của các cơ sở bồi dưỡng CBCC cấp xã. Cần có chính sách và biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng CBCC cấp xã trong thời gian tới. Củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý về công tác ĐTBD; có cơ chế quản lý phù hợp, đáp ứng tốt yêu cầu bồi dưỡng CBCC xã ở khu vực ĐBSH do thực tiễn đặt ra.
Bốn là, đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy, thúc đẩy sự chủ động, tham gia học tập của học viên; chú ý đến đặc thù của CBCC xã ở khu vực ĐBSH là học viên có năng lực, trình độ và sự hiếu học hơn các vùng miền khác, do đó đề xuất chương trình học tập phải gắn kết với các nội dung công việc cụ thể, gắn với thực tiễn cuộc sống, cần chú trọng công tác tổng kết đánh giá, tìm ra mô hình giảng dạy cũng như phương pháp bồi dưỡng hiệu quả để phát huy được năng lực của CBCC cấp xã ở khu vực ĐBSH và nhân rộng mô hình tốt.
Năm là, cải thiện chất lượng bồi dưỡng của TCT tỉnh, thành phố khu vực ĐBSH trên cơ sở tôn trọng và thực hiện đầy đủ các khâu trong chu trình của hoạt động bồi dưỡng, trong đó đặc biệt chú ý đến các khâu: đánh giá nhu cầu bồi dưỡng là quan trọng nhất, xây dựng và phát triển nội dung bồi dưỡng, đánh giá chất lượng CTBD phải thiết thực và chính xác thông qua hiệu quả và kết quả của quá trình thực thi công vụ của CBCC cấp xã.
Sáu là, cần xây dựng chế độ, chính sách hợp lý nhằm tạo động lực để CBCC cấp xã tích cực tham gia học tập bồi dưỡng tại các TCT. Các chính sách bồi dưỡng, quản lý, đánh giá, khen thưởng CBCC cấp xã cần thực chất, tạo ra động cơ học tập tích cực cho CBCC xã để nâng cao năng lực, trình độ chứ không chỉ là trang bị đủ văn bằng, chứng chỉ cho vị trí việc làm. Để làm được điều này, cần xác định được khung năng lực chi tiết cho các chức danh CBCC cấp xã ở khu vực ĐBSH. Điều này giúp cho công tác bồi dưỡng gắn với quy hoạch, sử dụng CBCC cấp xã theo vị trí việc làm và xác định chính xác nhu cầu bồi dưỡng.
Bảy là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, đánh giá CLBD CBCC cấp xã ở khu vực ĐBSH. Các nội dung tiến hành kiểm tra, giám sát, thanh tra, đánh giá cần bao trùm toàn bộ quy trình và hoạt động bồi dưỡng CBCC cấp xã. Đặc biệt, cần quan tâm đúng mức đến việc khảo sát nhu cầu bồi dưỡng theo hướng đáp ứng nhu cầu của học viên, của cơ quan cử học viên đi học để thiết kế chương trình, nội dung bồi dưỡng CBCC cấp xã cho phù hợp yêu cầu đặc thù của địa phương.
Tám là, chú trọng hoạt động sơ kết, tổng kết công tác bồi dưỡng CBCC cấp xã của các TCT khu vực ĐBSH. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc đưa ra các biện pháp cải thiện các yếu tố tác động đến hoạt động bồi dưỡng và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao CLBD CBCC cấp xã của các TCT tỉnh, thành phố khu vực ĐBSH. Thực hiện đồng bộ các cải cách khác góp phần hỗ trợ cho công tác bồi dưỡng CBCC cấp xã khu vực ĐBSH như: nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của CBCC cấp xã; đề cao trách nhiệm trong hoạt động thực thi công vụ, gắn chế độ trách nhiệm cùng kết quả thực thi công vụ với các chế tài về khen thưởng, kỷ luật, đãi ngộ cụ thể…
ThS. Nguyễn Thị Lan Anh
Trường Chính trị tỉnh Hà Nam