Luật sư bào chữa chỉ định tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự

(Quanlynhanuoc.vn) – Hoạt động bào chữa của luật sư với vai trò là người bào chữa chỉ định góp phần giải quyết vụ án hình sự một cách nhanh chóng, chính xác, hợp tình, hợp lý; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo; giúp Tòa án cân nhắc, xem xét, đưa ra phán quyết chính xác, có sức thuyết phục; đồng thời nâng cao hiệu quả của pháp luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, hoạt động bào chữa chỉ định phụ thuộc nhiều vào vai trò của luật sư nếu họ tự ý thức được vị trí, trách nhiệm, quyền hạn cũng như nghĩa vụ đối với bị cáo, với Nhà nước và xã hội, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo.
Phiên tòa xét xử vụ án hình sự (Ảnh: luatvietnam.vn).
Ý thức của luật sư về vai trò là người bào chữa chỉ định tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự

Trong hoạt động bào chữa, luật sư với vai trò là người bào chữa chỉ định tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự (VAHS) phải nhận thức đúng những việc cần phải làm cho thân chủ, trách nhiệm với xã hội, với sự phát triển công lý. Do đó, người luật sư cần nhận thức rõ vị trí, trách nhiệm, quyền hạn, lợi ích khi tham gia phiên tòa; những yếu tố ảnh hưởng, tác động đến quyết định của bản thân tại phiên tòa và những hạn chế mà bản thân luật sư có thể mắc phải và trên cơ sở đó, đưa ra các phán quyết phù hợp tại phiên tòa.

Người luật sư cần nhận thức rõ và đầy đủ sự khác biệt về vai trò của mình với các luật sư khác trong phiên tòa. Các luật sư khác thực hiện vai trò thông qua thỏa thuận, hợp đồng bào chữa và gắn với thù lao phù hợp. Còn các luật sư với vai trò là người bào chữa được chỉ định bào chữa cho bị cáo và với mức thù lao được cơ quan tiến hành tố tụng chi trả theo quy định của pháp luật. Do thù lao thấp nên đôi khi các luật sư chỉ định này tỏ ra “thờ ơ” với hoạt động bào chữa của mình, dẫn đến kết quả bào chữa chưa cao. Vì vậy, yếu tố tự ý thức của luật sư chính là cơ sở để đánh giá vai trò cũng như phân biệt với trách nhiệm của luật sư trên vai trò khác.

Đạo đức nghề nghiệp của luật sư trong vai trò là người bào chữa chỉ định tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự

Luật sư tham gia bào chữa với vai trò là người bào chữa chỉ định tại phiên tòa xét xử các VAHS đều phải tuân thủ những giá trị, chuẩn mực, quy tắc đạo đức được quy định trong Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư1. Đây là bộ quy tắc đạo đức chứa đựng những quy tắc xử sự thể hiện dưới hình thức văn bản nêu lên những quy phạm đạo đức và ứng xử nghề nghiệp do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành để điều chỉnh hành vi của các thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư có giá trị gắn với các chuẩn mực đạo đức của giới luật sư, tạo cơ sở để luật sư tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong sinh hoạt và hành nghề; là thước đo giúp luật sư giữ gìn phẩm chất, uy tín của mỗi cá nhân; từ đó khiêm tốn học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề, góp phần nâng cao uy tín nghề nghiệp của giới luật sư trong xã hội. Đây cũng chính là một văn bản mang tính quy phạm nội bộ thể hiện rõ nét nhất cơ chế quản lý theo phương thức “tự quản kết hợp với quản lý nhà nước” của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Vị trí, vai trò của luật sư trong vai trò là người bào chữa chỉ định tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự

Thứ nhất, về vị trí:

Vị trí của luật sư là người bào chữa chỉ định tại phiên tòa xét xử VAHS được xác định một cách độc lập nhằm bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa xét xử VAHS khi được Tòa án (cơ quan tiến hành tố tụng) yêu cầu hoặc đề nghị Đoàn Luật sư cử luật sư tham gia bào chữa trong các trường hợp quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015.

Đối với những VAHS, Tòa án xem xét nếu bị cáo thuộc vào các trường hợp được quy định tại Điều 76 BLTTHSnăm 2015 mà bị cáo, người thân của bị cáo không mời luật sư bào chữa thì Tòa án phải yêu cầu hoặc đề nghị Đoàn Luật sư cử luật sư tham gia bào chữa.

Khoản 1 Điều 61 BLTTHS năm 2015 quy định bị cáo là người bị tòa án quyết định đưa ra xét xử. Tư cách tố tụng của bị cáo bắt đầu từ khi tòa án quyết định đưa ra để xét xử và chấm dứt khi tòa án tuyên án và bản án có hiệu lực. Bị cáo là đối tượng bị buộc tội trong quá trình xét xử VAHS song điều đó không đồng nghĩa với việc xác định họ là người có tội. Tòa án và Viện Kiểm sát chỉ được tiến hành những biện pháp tố tụng nhất định đối với họ để xác định sự thật vụ án.

Thứ hai, về vai trò:

Trên cơ sở các quy định của pháp luật cũng như từ hoạt động thực tiễn của luật sư cho thấy luật sư trong trường hợp này có vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo khi thuộc vào trường hợp quy định tại Điều 76 BLTTHS năm 2015, đồng thời luật sư có chức năng bảo vệ sự thật khách quan, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, luật sư trong tố tụng hình sự ở trường hợp này là người bào chữa chỉ định tại phiên tòa xét xử các VAHS, có vai trò bảo vệ bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa, người có nhược điểm về tâm thần; bị cáo về tội có khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tù tử hình; góp phần bảo đảm công lý được thực hiện. Luật sư phải có trách nhiệm đối với bị cáo, đối với sự thật khách quan, đối với sự phát triển công lý trong xã hội hiện nay.

Quyền và nghĩa vụ của luật sư trong vai trò là người bào chữa chỉ định tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự
Luật sư bào chữa chỉ định tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự. (Ảnh minh họa. Nguồn: internet)

Luật sư được phép thực hiện các quyền cũng như phải thực hiện các nghĩa vụ của người bào chữa được quy định tại Điều 73 và trong các điều luật khác tại các chương quy định về trình tự, thủ tục tố tụng BLTTHS năm 2015.

Thứ nhất, về quyền của luật sư trong tố tụng hình sự.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, thông qua việc thực hiện các quyền, như: gặp, hỏi bị cáo; xem biên bản, quyết định tố tụng liên quan đến bị cáo; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản; thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án, liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra, mục đích chuẩn bị cho hoạt động bào chữa tại phiên tòa. Đây là những quy định tiền đề cho hoạt động bào chữa.

Tại phiên tòa, luật sư thực hiện hoạt động bào chữa trên cơ sở các quyền quy định tại Điều 307, 309, 310, 311, 312, 314, 315, 316, 320, 322 Mục V Chương XXI BLTTHS năm 2015. Ngoài các hoạt động bào chữa được thực hiện trên cơ sở các quyền nêu trên, BLTTHS năm 2015 còn cho phép luật sư tiến hành hoạt động “khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.

Thứ hai, nghĩa vụ của luật sư.

Khi tham gia bào chữa tại phiên tòa xét xử các VAHS thuộc vào các trường hợp được quy định tại Điều 76 BLTTHS năm 2015, luật sư phải thực hiện các nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 Điều 73 BLTTHS năm 2015 như:

Làm sáng tỏ những tình tiết xác định bị cáo vô tội, tình tiết giảm nhẹ của bị cáo; hỗ trợ bị cáo về mặt pháp lý; không được từ chối bào chữa nếu không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan; tôn trọng sự thật; không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục bị cáo khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; có mặt theo giấy triệu tập của tòa án; không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết khi thực hiện bào chữa; không được sử dụng tài liệu đã ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; không được tiết lộ thông tin về vụán, về bị cáo mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thực tiễn cho thấy, việc BLTTHS năm 2015 quy định về nghĩa vụ của người bào chữa tại Điều 73 là cần thiết, nếu như luật sư thực hiện đúng các nghĩa vụ pháp luật đã quy định sẽ góp phần giải quyết vụ án một cách nhanh chóng, đúng pháp luật, tìm ra sự thật khách quan và trên hết chính là thực hiện đúng vai trò của luật sư khi được chỉ định tham gia bào chữa./.

Chú thích:
1. Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc về việc ban hành Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. http://thuvienphap-luat.vn, ngày 07/4/2021.
Nguyễn Văn Văn
Đoàn Luật sư Hà Nội