Thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh và bền vững

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong thời đại bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số đã và đang trở nên phổ biến và là xu hướng tất yếu đối với bất cứ quốc gia nào nếu không muốn tụt lại phía sau. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh nhiều lần về kinh tế số, coi phát triển kinh tế số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá của nhiệm kỳ. Để đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030, cần đòi hỏi nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, tập trung mọi nguồn lực, tạo môi trường và điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh và bền vững theo tinh thần của Đại hội đề ra.
Kinh tế số (Ảnh minh họa. Nguồn: baodautu.vn)
Khái niệm và vai trò của kinh tế số

Trên thế giới hiện nay có rất nhiều định nghĩa về kinh tế số (KTS). Theo nhóm cộng tác KTS của Oxford, KTS được định nghĩa là nền kinh tế vận hành dựa trên nền tảng công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet. Ba thành phần chính trong nền KTS bao gồm doanh nghiệp (DN) số, hạ tầng kinh doanh số và thương mại điện tử1. Một số quan điểm khác cho rằng, KTS là việc áp dụng các tiến bộ về mặt công nghệ vào phát triển kinh tế, là thương mại điện tử, là nền công nghệ 4.0 hay là việc bán hàng online2.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, KTS là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và những mô hình kinh doanh mới được tạo ra từ việc áp dụng công nghệ số và dữ liệu số3. Về bản chất, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. Bao gồm các hiện tượng mới nổi, như công nghệ blockchain, nền tảng số, phương tiện truyền thông xã hội, DN điện tử; các DN liên quan đến phát triển phần mềm, ứng dụng, phát triển nội dung số và truyền thông, các dịch vụ và đào tạo liên quan, cùng với các DN tham gia vào sản xuất và phát triển thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông.

Có thể dễ dàng bắt gặp hằng ngày những biểu hiện của công nghệ số xuất hiện ở bất cứ đâu trong đời sống, như: các trang thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến hay các ứng dụng về ăn uống, vận chuyển, giao nhận,… cũng tích hợp công nghệ số để đáp ứng nhu cầu thuận tiện cho khách hàng. Vì vậy, KTS có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh KTS tạo ra quy mô và tốc độ tăng trưởng cho các nền kinh tế, còn làm các nền kinh tế thay đổi trên hai bình diện:

Một là, phương thức sản xuất (nguồn lực, hạ tầng, cách thức vận hành sản xuất – kinh doanh) và cấu trúc kinh tế. Trong đó, sự xuất hiện nguồn lực phát triển mới là tài nguyên số, của cải số đã làm thay đổi vị thế của mỗi quốc gia. Ngày nay, sức mạnh của một quốc gia được đo bằng sự phát triển của công nghệ cao, thông tin và trí tuệ con người.

Hai là, KTS giúp tăng trưởng bền vững hơn. Nhờ có công nghệ, chúng ta sẽ có những giải pháp tốt và quản lý hiệu quả hơn đối với việc sử dụng tài nguyên, xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường…

Ba là, với chi phí tham gia thấp và dễ tiếp cận, KTS cũng tạo ra cơ hội cho nhiều người hơn, mọi thành phần, khu vực, qua đó, góp phần làm giảm khoảng cách giàu nghèo, giải quyết nhiều vấn đề xã hội thông qua đo lường tâm trạng xã hội, sự tham gia của người dân vào hoạch định chính sách…

Thực tiễn cho thấy, KTS đã mang lại rất nhiều ưu thế cho các công ty, tập đoàn lớn trên toàn cầu. Cụ thể, các DN lớn trên toàn cầu đều ít nhiều có liên quan tới những nền tảng số, KTS (Google, Apple, Amazon, Microsoft hay Alibaba). Những ưu điểm nổi bật nhất trong những thế mạnh mà KTS mang lại có thể kể tới: tăng trưởng thương mại điện tử; thúc đẩy người dùng sử dụng in-ternet và phát triển hệ thống hàng hóa và dịch vụ KTS. Ngoài ba ưu điểm này, phát triển kinh tế theo định hướng KTS còn bảo đảm tính minh bạch cần hiểu rằng, minh bạch là một trong những điểm mạnh của KTS được nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm, nhờ đó, gián tiếp làm giảm lượng tiền tham nhũng thông qua các hoạt động trực tuyến minh bạch, giúp kiểm soát tốt nền kinh tế hơn.

Đối với Việt Nam, KTS có những đóng góp không nhỏ trong sự hội nhập của các DN vào chuỗi công nghệ toàn cầu. Trong nền KTS, các DN buộc phải đổi mới quy trình sản xuất – kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng và điều này sẽ làm tăng năng suất cũng như hiệu quả lao động. Nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) được xem là hạt nhân của chuyển đổi số, được đánh giá là phần quan trọng nhất của nền KTS lõi (Core Digital Economy). Việc phát triển tốt nền tảng này sẽ góp phần giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tiến lên phát triển nhanh chóng, bền vững.

Thực tiễn và triển vọng phát triển kinh tế số ở Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển KTS ở mức khá trong khu vực ASEAN với hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao. Tính đến cuối năm 2020, cả ba nhà mạng điện thoại di động lớn trong nước là Viettel, VNPT và Mobifone đều đồng loạt công bố vùng phủ sóng, chính thức thử nghiệm kinh doanh dịch vụ 5G, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia đầu tiên trên thế giới tiếp cận công nghệ này, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ KTS. Quan trọng hơn, không như các công nghệ trước đây hầu hết phải nhập khẩu,Việt Nam đã dần làm chủ và sản xuất được các thiết bị 5G, một bước tiến mang ý nghĩa chiến lược trong quá trình phát triển viễn thông – công nghệ thông tin của quốc gia. Hiện nay, có khoảng 30 nghìn DN phần cứng, phần mềm, nội dung số và các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin. Công nghiệp phần mềm có khoảng 10 nghìn DN, với tốc độ tăng trưởng cao (15 – 20%/năm). Một số DN đã chứng tỏ được năng lực công nghệ số, thực hiện nhiều dự án công nghệ cao như: xe tự lái, robot, AI,…4.

Xu hướng số hóa xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại, thanh toán đến giao thông, giáo dục, y tế… và việc sử dụng công nghệ dần đi vào nếp sống, nếp sinh hoạt và làm việc của người dân nhờ những tiện ích to lớn mà nó mang lại. Các ứng dụng mạng xã hội, ứng dụng xem video, game, ứng dụng công việc hay ứng dụng mua sắm qua các sàn thương mại điện tử đều được người dùng internet sử dụng thường xuyên mỗi ngày. Việt Nam hiện có ít nhất 64 triệu người dùng internet, trung bình 1 ngày mỗi người dành tới 6 giờ 42 phút sử dụng interent trên các thiết bị di động thông minh (smartphone)5. Do đó, chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội cho các DN, hộ kinh doanh vừa, nhỏ tới siêu nhỏ thông qua các nền tảng thương mại điện tử – cầu nối giữa các nhà cung cấp và khách hàng.

Thương mại điện tử Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nhanh chóng cả về hình thức lẫn quy mô thị trường, trở thành một trong mười thị trường phát triển có tiềm năng nhất thế giới về tăng trưởng thương mại điện tử. Các hình thức chợ trực tuyến (online), mua sắm, kinh doanh, giải trí, cùng với đó là các dịch vụ giao nhận, các giải pháp thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ, máy thanh toán bùng nổ mạnh mẽ, hiện diện ở khắp nơi trong từng gia đình, khu dân cư. Trong khi các thương hiệu thương mại điện tử nổi tiếng thế giới đang đổ bộ mạnh mẽ vào Việt Nam, như: Amazon, Ebay, Alibaba, Shopee… thì các trang thương mại điện tử có nguồn gốc Việt Nam cũng đang nở rộ, một số trang, như: Lazada Việt Nam, Tiki, Sendo, FPT Shop, Điện máy xanh, Thế giới di động… dần dần chiếm lĩnh thị phần trong nước, qua đó, thúc đẩy thay đổi xu hướng và hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.

Theo báo cáo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, quy mô thị trường 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước6. Và được đánh giá là mức tăng cao của khu vực trong tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Diễn đàn “Chuyển đổi số doanh nghiệp công nghiệp truyền thống – Con đường phát triển của Rạng Đông, ngày 28/4/2021. Ảnh: QA, quanlynhanuoc.vn.

Chính dịch Covid-19 là cú huých lớn với ngành thương mại điện tử Việt Nam, những biện pháp cách ly, giãn cách xã hội được áp dụng nghiêm ngặt đã làm gia tăng nhu cầu sử dụng internet của người dân và DN. Đồng thời, làm thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân theo hướng sang mua sắm trực tuyến và làm DN thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trực tuyến. Số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, nếu như năm 2015, con số này chỉ là 30,3 triệu người thì năm 2020 lên tới 44,8 triệu người. Tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong năm cũng gia tăng, từ 70% năm 2018 lên 77% năm 2019. Lượng khách hàng truy cập các sàn thương mại điện tử trung bình khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày7.

Tuy nhiên, để duy trì tốc độ phát triển các nền tảng thương mại điện tử cần đặc biệt khắc phục các trở ngại khi mua hàng trực tuyến như vấn đề về sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo, dịch vụ khách hàng, bảo mật thông tin cá nhân, giá cả kém cạnh tranh, vấn đề vận chuyển, website kém chuyên nghiệp, phương thức thanh toán phức tạp… Báo cáo của Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 cho thấy, các con số này còn khá lớn, cụ thể như: sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo là 72%; lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ là 58%; giá cả (đắt hơn mua trực tiếp/không rõ ràng) là 42%; dịch vụ chăm sóc khách hàng kém là 27%; cách thức đặt hàng trực tuyến rắc rối là 26%; dịch vụ vận chuyển và giao nhận còn kém là 23%; website/ứng dụng bán hàng thiết kế không chuyên nghiệp là 13%; cách thức thanh toán phức tạp là 12%8.

Theo báo cáo nền KTS Đông Nam Á năm 2019 do Google, Temasek và Bain & Com-pany công bố, nền KTS tại Việt Nam đạt 12 tỷ USD năm 2019, dẫn đầu khu vực cùng với In-đô-nê-xi-a. Việt Nam và In-đô-nê-xi-a là hai thị trường bứt phá trong xu hướng phát triển nền KTS so với các quốc gia còn lại trong khu vực, với tốc độ tăng trưởng vượt mức 40% một năm, trong khi những quốc gia còn lại tăng trưởng từ 20 – 30% hằng năm. Báo cáo cũng đánh giá triển vọng phát triển KTS tại Việt Nam có thể đạt 43 tỷ USD vào năm 2025, bao gồm các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ9. Tổ chức Data61 (Ốt-xtrây-li-a) cũng có chung nhận định khi đánh giá GDP của Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm, nếu quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam diễn ra thành công và nhanh chóng. Điều này hoàn toàn có thể lạc quan kỳ vọng bởi Việt Nam đang có nhiều lợi thế để bước vào kỷ nguyên phát triển KTS.

Thứ nhất, Đảng và Nhà nước ta thể hiện rõ quyết tâm, định hướng và nỗ lực hành động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển KTS ở Việt Nam. Trong tầm nhìn chiến lược dài hạn, Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” đề ra nhiệm vụ tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 và KTS để đạt mục tiêu thoát “bẫy thu nhập trung bình”, phát triển bền vững, đưa Việt Nam vào nhóm hai mươi nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ cũng ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Gần đây nhất, trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, khái niệm KTS được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”10. Đại hội cũng xác định, chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển KTS, xã hội số là một trong các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ này. Những chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về KTS đã được thể chế hóa rõ ràng, trở thành động lực to lớn thúc đẩy KTS ở Việt Nam phát triển.

Thứ hai, Việt Nam đang có những nền tảng hạ tầng khá thuận lợi cho việc chuyển đổi và ứng dụng số. Mạng lưới hạ tầng mạng viễn thông, công nghệ thông tin và internet phát triển nhanh chóng, bao phủ rộng khắp và hiện đại không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới. Tỷ lệ người dân dùng in-ternet, điện thoại thông minh luôn nằm trong top đầu các nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nguồn nhân lực lao động tiềm năng, với gần 100 triệu dân, trong đó tỷ lệ dân số từ 15 – 64 tuổi chiếm 68%, trình độ dân trí khá cao11. Tâm lý và tích cách người Việt Nam thích ứng khá nhanh với cái mới, nhất là công nghệ. Đấy cũng là những lợi thế quan trọng cho việc phát triển KTS ở Việt Nam.

Một số gợi ý nhằm thúc đẩy kinh tế số ở Việt Nam

Một là, quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm Đại hội XIII của Đảng về phát KTS. Huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển KTS nhanh và bền vững. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để khoa học và công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.

Hai là, phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển KTS, xã hội số, tạo bứt phá về năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, cần phải xây dựng hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh mạng, gia tăng mức độ bảo mật thông tin, dữ liệu của cá nhân, DN, tổ chức trên các nền tảng IoT, các ứng dụng, đám mây, thương mại điện tử, ngân hàng… nhằm giảm thiểu các nguy cơ đánh cắp dữ liệu, hacker hay khủng bố.

Ba là, KTS là xu thế phát triển tất yếu trong thời đại ngày nay, do vậy, cần xây dựng và ban hành cụ thể, chặt chẽ các khung pháp lý để kiểm soát hiệu quả các hoạt động kinh tế diễn ra trên không gian mạng. Hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử, xây dựng hệ sinh thái cho thương mại điện tử, có chính sách bảo vệ người tiêu dùng, tránh những biểu hiện tiêu cực như gian lận thương mại trong kinh doanh trực tuyến, đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.

Bốn là, nâng cao nhận thức cho người dân và DN về KTS. Khuyến khích người dân thay đổi thói quen, hành vi mua sắm, thanh toán theo hình thức trực tuyến. Khuyến khích DN thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng trực tuyến, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Năm là, thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung thúc đẩy đào tạo về khoa học – công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, công nghệ thông tin trong chương trình giáo dục quốc gia. Biến thách thức dân số cùng giá trị dân số vàng thành lợi thế trong hội nhập và sử dụng nguồn lực lao động.

Chú thích:
1. Phát triển kinh tế số: Kinh nghiệm từ Xinh-ga-po, Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam. http://www.ssc.gov.vn, ngày 15/5/2020.
2. Hiểu đúng về kinh tế số ở Việt Nam. http://doanhnhanvn.vn, ngày 23/10/2020.
3. Tiềm năng thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Việt Nam. http://ncif.gov.vn, ngày 12/8/2020.
4. Kinh tế số – cơ hội “bứt phá” cho Việt Nam. http://hdll.vn, ngày 28/5/2020.
5. Báo cáo Digital Việt Nam 2019, tr.15, 19.
6. Thương mại điện tử Việt Nam đạt 11,8 tỷ USD năm 2020. http://vietnamfinance.vn, ngày 25/01/2021.
7,8. Bộ Công Thương – Cục Thương mại điện tử và kinh tế số. Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2020. H, 2020, tr. 34, 41.
9. Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về tăng trưởng nền kinh tế số. http://baochinhphu.vn, ngày 03/10/2019.
10. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. http://tulieuvankien.dang-congsan.vn, ngày 26/02/2021.
11. Quy mô dân số Việt Nam những phát hiện chính. http://consosukien.vn, ngày 03/8/2020.
TS. Phạm Thị Thùy
Trường Đại học Điện lực