Thực hiện dân chủ cơ sở qua mô hình đô thị thông minh tại tỉnh Thừa Thiên – Huế

(Quanlynhanuoc.vn) – Chính phủ điện tử sẽ xóa bỏ khoảng cách và đưa chính quyền các cấp tới gần dân và ngược lại, tạo môi trường cho người dân thực hiện dân chủ cơ sở trong bối cảnh mới. Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có những bước đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử, nhất là thực hiện “Đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh”, qua đó thu hút sự tham gia của người dân thực hiện “dân chủ điện tử”, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

 

Trung tâm Giám sát Điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ảnh: thuathienhue.gov.vn.
Công nghệ thông tin, nền tảng thực hiện dân chủ điện tử trong quản trị nhà nước hiện đại

Dân chủ vừa là giá trị chung của nhân loại, vừa có tính giai cấp, tính lịch sử, đồng thời mang dấu ấn truyền thống, đặc điểm dân tộc và tính chất thời đại. Ở mỗi quốc gia, dân chủ trong xã hội phụ thuộc phần lớn vào trình độ phát triển của xã hội, trình độ dân trí, quyền hạn và năng lực thực hiện quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân. Ở nước ta, việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân phải đặt trong tổng thể mối quan hệ chính trị – pháp lý “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”1, nhằm thu hút Nhân dân tham gia quản lý nhà nước (QLNN), trở thành động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển, đổi mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Do đó, để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền thực sự thành công, khi người dân thực sự được tham gia, đóng góp vào quá trình hoạt động QLNN. Về bản chất, việc thực hiện dân chủ cơ sở (DCCS) thông qua Quy chế Dân chủ ở cơ sở là tạo được môi trường cho người dân tham gia bàn bạc, góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức… theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”2. Đó là phương thức trao quyền cho người dân cơ hội thực hiện quyền và trách nhiệm của bản thân tác động đến cơ quan hành chính nhà nước thực hiện QLNN ngày càng hợp pháp, hợp lý, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả vì lợi ích của Nhân dân.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi phương thức vận hành của thế giới, từ mô hình tổ chức nền kinh tế – xã hội cho đến phương thức điều hành và quản trị quốc gia. Những tiến bộ vượt bậc của khoa học – kỹ thuật, đặc biệt là sự ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông trong mọi lĩnh vực của đời sống đã tạo ra một thế giới “thông minh” và kết nối thực – ảo với mức độ phủ sóng công nghệ lớn và rộng nhất từ trước đến nay. Đây là cơ hội để các quốc gia xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị điện tử và từng bước thiết lập các yếu tố của chính phủ điện tử (CPĐT), xã hội điện tử3, “dân chủ điện tử” và hướng tới những phiên bản cao hơn của các mô hình này.

Sự bùng nổ của CNTT và xây dựng CPĐT đã giúp tăng hiệu quả của quá trình quản trị thông qua tự động hóa và thực hiện dịch vụ hành chính công; “giúp minh bạch hóa thông tin trong hoạt động QLNN, thúc đẩy sáng tạo trong quá trình quản trị. Lợi thế của quản trị điện tử là tăng cường khả năng tương tác và kết nối”4 quá trình này giúp người dân giao tiếp với chính quyền ở mọi nơi, mọi lúc; làm gia tăng tương tác giữa chính quyền và người dân thông qua thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tiết kiệm, tăng cơ hội cho người dân phản ánh, đối thoại với chính quyền.

Quá trình xây dựng, hình thành và vận hành của CPĐT từng bước hình thành “xã hội điện tử”, huy động sự tham gia của người dân vào QLNN trên nền tảng “dân chủ điện tử” mà yếu tố cốt lõi là tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp và sự tham gia của người dân. Bằng việc công khai thông tin, người dân có thể giám sát quá trình QLNN, nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền, hạn chế tối đa các thiếu sót. Thông qua CNTT, mô hình xây dựng CPĐT, đô thị thông minh (ĐTTM) mở ra một không gian rộng lớn để người dân tham gia vào quá trình đề xuất, xây dựng, phản biện, thực hành chính sách, bảo đảm tính minh bạch, gia tăng tương tác giữa người dân – chính quyền và ngược lại, giảm thiểu các rào cản do không gian, thời gian, địa vị xã hội mang lại. CNTT là nền tảng để xây dựng CPĐT, các dịch vụ của ĐTTM, thực hiện “dân chủ điện tử”, kết nối thông tin giữa chính quyền các cấp với người dân và ngược lại qua đó tăng hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ hành chính công.

Hội nghị xúc tiến đầu tư công nghệ thông tin, công bố dịch vụ trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ảnh: dangcongsan.vn.
Người dân thực hiện dân chủ cơ sở thông qua mô hình đô thị thông minh – từ thực tiễn tỉnh Thừa Thiên – Huế

Thừa Thiên – Huế là địa phương được đánh giá có nhiều nỗ lực và sáng tạo trong việc ứng dụng CNTT trong QLNN, đã và đang triển khai nhiều giải pháp để xây dựng CPĐT thông qua đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” tại Quyết định số 1779/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế, ngày 10/8/20185. So với mô hình quản trị theo hướng truyền thống, mô hình quản trị thông qua ĐTTM có những ưu điểm vượt trội, đó là:

– Các dịch vụ công được tích hợp giữa các cơ quan nhà nước và được cá nhân hóa giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong việc tiếp cận, tương tác với chính quyền trong các hoạt động của cuộc sống.

– Người dân và doanh nghiệp được cung cấp đầy đủ các thông tin, công cụ tiện ích để thực hiện các thủ tục đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và có thể theo dõi tiến trình xử lý hồ sơ, yêu cầu, kiến nghị theo thời gian thực hiện. Cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách hành chính, giảm thủ tục, hồ sơ giấy, có thể sử dụng dữ liệu mở… có sự phối hợp liên ngành và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

– Tạo điều kiện cho người dân thực hiện cơ chế DCCS, giám sát, đối thoại, phản biện, cung cấp thông tin cho quá trình QLNN, phát huy vai trò làm chủ của người dân trong trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Qua quá trình thực hiện, điểm nổi bật của mô hình ĐTTM trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế là xác định “người dân làm trung tâm của ĐTTM”, người dân có điều kiện tương tác, thực hiện “dân chủ điện tử”, tham gia vào quá trình giám sát QLNN của chính quyền các cấp. Trong phạm vi bài viết có thể đánh giá mức độ người dân thực hiện DCCS, tham gia vào QLNN thông qua mô hình ĐTTM ở một số nội dung sau:

– Người dân thực hiện DCCS trong lĩnh vực phản ánh thông tin, giám sát trên một số lĩnh vực quản lý xã hội.

– Người dân thực hiện DCCS thông qua mô hình đô thị thông minh trên lĩnh vực cung ứng dịch vụ công, cải cách hành chính

Người dân thực hiện DCCS trong lĩnh vực phản ánh thông tin, giám sát trên một số lĩnh vực quản lý xã hội.

Sự tham gia của người dân thực hiện cơ chế DCCS qua mô hình ĐTTM được thể hiện khá rõ nét trong lĩnh vực phản ánh thông tin, giám sát. Lĩnh vực phản ánh hiện trường là một trong những thành công của Đề án, qua đó thu hút sự tham gia của người dân vào QLNN nhằm giải quyết vấn đề bức thiết trong xã hội, phát triển dịch vụ để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động: Dịch vụ phản ánh hiện trường; dịch vụ giám sát, điều hành giao thông; dịch vụ an ninh trật tự của đô thị…

Đến nay, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thí điểm và đưa vào vận hành 10 dịch vụ ĐTTM như: dịch vụ phản ánh hiện trường; dịch vụ thông tin cảnh báo; dịch vụ giám sát thông tin báo chí; dịch vụ giám sát hành chính công… Trong đó nổi lên một số dịch vụ: dịch vụ phản ánh hiện trường; dịch vụ giám sát đô thị; dịch vụ giám sát hành chính công; dịch vụ giám sát an toàn thông tin mạng, cảnh báo phòng chống dịch bệnh…

Riêng dịch vụ phản ánh hiện trường trong năm 2019 tỉnh Thừa Thiên – Huế đã nhận được 22.644 phản ánh của người dân, trong đó có 15.112 phản ánh được tiếp nhận; 214 cơ quan tham gia xử lý trên hệ thống; 79% là mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với kết quả xử lý6. Qua phản ánh thông tin của người dân, các cơ quan chức năng đã chấn chỉnh kịp thời, xử phạt hành chính 1.481.990.000 đồng. Bên cạnh đó, thông qua mô hình ĐTTM, người dân có điều kiện tham gia dịch vụ giám sát hành chính công. Từ đầu năm 2019 đến nay, hệ thống đã nhận diện được 267.807 hồ sơ vi phạm7.

Đây là giải pháp tích cực, thúc đẩy người dân tham gia thực hiện DCCS, tương tác với chính quyền, góp phần xây dựng được một mạng “cảm biến xã hội” thông minh, đổi mới phương thức điều hành, xử lý công việc của các cơ quan nhà nước.

Điểm nổi bật trong thực hiện cơ chế dân chủ tại tỉnh Thừa Thiên – Huế trong ứng dụng CNTT, đó là phát huy vai trò của người dân tham gia với chính quyền các cấp trong giải quyết các trường hợp khẩn cấp, phòng chống thiên tai trên môi trường dịch vụ ĐTTM thông qua 3 lĩnh vực: vận hành các dịch vụ hỗ trợ ứng phó bão lụt trên ứng dụng Hue-S; triển khai vận hành hệ thống tổng đài hỗ trợ ứng phó bão lụt, SOS; hệ thống thông tin, truyền thông hỗ trợ ứng phó bão lụt.

Riêng trong các đợt bão lụt năm 2019 và 2020, Trung tâm IOC tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xây dựng, kích hoạt, đưa vào vận hành một số dịch vụ ĐTTM phục vụ công tác phòng, chống bão lụt… như thông báo cảnh báo, hỗ trợ ứng cứu khẩn cấp SOS, phản ánh qua đường dây nóng… Cụ thể đã triển khai hệ thống đường dây nóng hỗ trợ ứng phó bão lụt 19001075, “SOS”… tỉnh Thừa Thiên – Huế, đã phát 47 bản tin cảnh báo cho người dân thông qua ứng dụng Hue-S, tiếp nhận 1.919 cuộc gọi phản ánh của người dân, tạo sự tương tác hai chiều. Riêng đợt lũ năm 2020, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cảnh báo, phục vụ chỉ đạo ứng phó bảo lụt qua Facebook 189 thông tin; thu hút lượng tiếp cận đạt 13,2 triệu; tương tác đạt trên 5 triệu, qua Zalo thu hút 872.498 lượt xem, có 3.022 lượt chia sẻ8.

Nhờ giải pháp cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo, các yêu cầu chỉ đạo của cấp có thẩm quyền được chuyển tải đến nhân dân kịp thời, giúp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại khi bão lụt xảy ra. Mặt khác, chức năng phản ánh hiện trường tạo cơ hội cho chính quyền các cấp tiếp nhận các thông tin phản ảnh của người dân đối với các vấn đề khẩn cấp, bão lụt, một cách nhanh nhất để khắc phục, bảo đảm an toàn, an sinh của người dân.

Về hình thức tham gia tương tác, phản ánh chủ yếu thông qua kết nối CNTT. Thông qua điện thoại di động có cài đặt Hue-S, qua kênh tương tác trên internet… như: cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn; qua các kênh tương tác khác: Fanpage: https://facebook.com/HueIOC; Zalo: dịch vụ đô thị thông minh qua đường dây nóng để cung cấp thông tin cho chính quyền.

Hình thành ứng dụng dịch vụ ĐTTM trên nền tảng di động phục vụ cho xã hội: Ứng dụng có tên Hue-S là ứng dụng duy nhất trên nền tảng di động, được tích hợp toàn diện. Ứng dụng được kết nối đồng bộ với Cổng thông tin dịch vụ ĐTTM. Mọi phản ánh của người dân khi được đăng tải lên ứng dụng Hue-S đều sẽ được UBND tỉnh trực tiếp đôn đốc và xử lý dứt điểm. Nhờ đó, lãnh đạo UBND tỉnh và người dân theo dõi được quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của cơ quan chức năng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân nêu ý kiến, phản ánh các bức xúc, đối thoại với chính quyền và tham gia trong suốt quá trình xây dựng và triển khai các chính sách, giải pháp, dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân.

Một điểm nổi bật khác trong thực hiện đề án ĐTTM của Thừa Thiên – Huế là thu hút sự tham gia, tương tác của người dân trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối với dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay. Sự kết hợp linh hoạt giữa đưa tin cảnh báo và phản ánh hiện trường dịch bệnh giữa chính quyền với người dân và ngược lại đã thể hiện rõ nét vai trò của “công dân điện tử” thực hiện “dân chủ điện tử” trong QLNN về lĩnh vực y tế. Qua các đợt dịch, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tiếp nhận và xử lý trên 500 ý kiến của người dân qua Facebook, Zalo đô thị thông minh. Tổ chức rà soát, giám sát 183.028 bài viết trên mạng internet, ngăn chặn và xử lý 1.640.555 vụ liên quan đến tấn công mạng, phần mềm gián điệp… bảo đảm an toàn thông tin trong phòng chống dịch Covid-19.

Hệ thống đô thị thông minh tại Thừa Thiên – Huế được người dân đánh giá cao. Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Người dân thực hiện DCCS thông qua mô hình đô thị thông minh trên lĩnh vực cung ứng dịch vụ công, cải cách hành chính.

Qua thực hiện cơ chế dân chủ, công cuộc cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC ở tỉnh Thừa Thiên – Huế có nhiều chuyển biến trên hai phương diện. Một là, thực hiện đối thoại, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; hai là, thực hiện cung ứng dịch vụ cộng.

Trước hết, công tác đối thoại, tiếp công dân; xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được chính quyền các cấp quan tâm hơn trước. Các cơ quan nhà nước chú trọng xây dựng các quy chế, quy định thực hiện dân chủ gắn với đẩy mạnh cải cách TTHC, thực hiện cơ chế “một cửa” được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Việc công khai, dân chủ đã trở thành phương thức quản lý, điều hành của các cơ quan QLNN, góp phần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với nhân dân và khuyến khích nhân dân tham gia xây dựng, giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước; giám sát cán bộ, công chức về phong cách, trách nhiệm, đạo đức công vụ, lối sống và thái độ phục vụ, sự tôn trọng Nhân dân.

Tiếp đến, người dân thực hiện DCCS thông qua mô hình ĐTTM trên lĩnh vực cung ứng dịch vụ công. Việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa liên thông, tăng cường ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, đặc biệt là triển khai dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết TTHC. Dịch vụ này được triển khai từ đầu năm 2019, trở thành một trong những bước đột phá của tỉnh Thừa Thiên – Huế về cải cách hành chính; đã và đang được nhiều cá nhân và doanh nghiệp lựa chọn, nhất là trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, cụ thể:

Tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận trong năm 2020 là 535.312 hồ sơ (trong đó: trực tuyến: 41.698 hồ sơ); số lượng hồ sơ đã giải quyết: 521.145 hồ sơ (đạt tỷ lệ 97%, trong đó, giải quyết trước hạn: 74.177 hồ sơ, quá hạn: 13.136 hồ sơ chiếm tỷ lệ 2,4%); số lượng hồ sơ đang giải quyết: 14.502 hồ sơ (trong đó, trong hạn: 10.899 hồ sơ, quá hạn: 3.609 hồ sơ chiếm tỷ lệ 0.7%)9. Kết quả trên cho thấy, dù bước đầu sơ khai, thử nghiệm, nhưng đến nay dịch vụ công trực tuyến đã được người dân tham gia, tương tác một cách tích cực, hiệu quả, ngày càng gia tăng số lượng và chất lượng.

Đánh giá chung về sự tham gia của người dân thực hiện cơ chế dân chủ thông qua mô hình đô thị thông minh từ thực tiễn tỉnh Thừa Thiên – Huế

Về kết quả đạt được

Một là, mô hình ĐTTM tại tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thúc đẩy người dân thực hiện cơ chế dân chủ, tương tác vào hoạt động QLNN. Thông qua các dịch vụ, phần mềm ứng dụng đã tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình giám sát, xây dựng và thực hiện “dân chủ điện tử”, qua đó biến tiếng nói của người dân thành các sản phẩm, giá trị cụ thể. Về phía công dân, tổ chức, doanh nghiệp, hệ thống đã xây dựng bộ công cụ giúp người dân, doanh nghiệp chủ động, tin tưởng và tham gia phản ánh kiến nghị. Xây dựng được kênh tương tác đa chiều, đánh giá kết quả xử lý cũng như công khai minh bạch, tạo lòng tin trong Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Hai là, phát huy được mô hình tiếp nhận phản ánh tập trung, xử lý các phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức kịp thời, hiệu quả, qua đó đã khắc phục được những hạn chế, thiếu hiệu quả trong việc xử lý các phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức thực hiện theo mô hình cũ. Đặc biệt, sự tương tác đã góp phần giải quyết các vấn đề, tình huống khẩn cấp phát sinh một cách kịp thời trên địa bàn…

Ba là, cá nhân công dân thông qua thực hiện “dân chủ điện tử” giám sát được quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC tại cơ quan hành chính nhà nước công khai, minh bạch, đúng hẹn, giảm bớt khâu trung gian. Thông qua ứng dụng CNTT đã tạo ra cơ chế giám sát kết hợp với nghiệp vụ giám sát của Trung tâm IOC. Qua đó, thời gian, nội dung, chất lượng, số lượng các phản ánh đều có cơ chế đảm bảo hiệu quả và không bị bỏ sót.

Về hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình người dân tham gia QLNN thông qua mô hình ĐTTM tại tỉnh Thừa Thiên – Huế còn một số hạn chế sau:

Thứ nhất, nhận thức của người dân về các dịch vụ ĐTTM khá hạn hẹp, chỉ tập trung vào đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức. Trình độ am hiểu của người dân về pháp luật, sử dụng CNTT, thiết bị, phương tiện cá nhân đủ điều kiện truy cập còn nhiều bất cập; thói quen tham gia tương tác của người dân với chính quyền, ở một số lĩnh vực tỷ lệ còn quá thấp, do đó tạo ra những hạn chế trong quá trình thực hiện DCCS.

Thứ hai, số lượng phản ánh ngày càng nhiều, các góp ý của công dân ngày càng gay gắt, áp lực ngày càng lớn nhưng nhân sự tiếp nhận chưa bảo đảm về số lượng, thời gian và kinh nghiệm để tiếp nhận, xử lý các tình huống. Người dân kỳ vọng quá cao, giám sát việc thực hiện thường xuyên đối với những phản ánh khó xử lý dẫn đến tình trạng phản ánh gay gắt, thậm chí còn biểu hiện tiêu cực.

Thứ ba, công tác truyền thông, phổ biến ứng dụng và sử dụng các dịch vụ của ĐTTM chưa nhiều, chưa phổ cập, nhất là về việc cung cấp và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp biết sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến trong các dự án cung cấp dịch vụ công đã triển khai. Dẫn đến cách tiếp cận và sử dụng CNTT, phát huy vai trò “công dân điện tử” trong thực hiện “dân chủ điện tử” còn hạn chế.

Để phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp thực hiện cơ chế dân chủ, tham gia vào QLNN trên nền tảng ĐTTM, tỉnh Thừa Thiên – Huế cần tập trung một số giải pháp sau:

Một là, cần chú trọng tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa trong vận hành CPĐT, đô thị thông minh… để tạo sự lan tỏa trong xã hội, làm cho người dân từng bước nhận thức quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia các dịch vụ ĐTTM, nhất là làm cho người dân thấy được trách nhiệm, phát huy DCCS trên nền tảng “dân chủ điện tử”, qua đó tích cực tương tác, góp phần tham gia QLNN.

Hai là, tăng cường các biện pháp chủ động trong hướng dẫn, tập huấn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tạo thói quen, hình thành “công dân điện tử”, nâng cao yêu cầu tham gia vào dịch vụ ĐTTM. Trên cơ sở các chuẩn kiến trúc ĐTTM đã xây dựng, tổ chức các lớp đào tạo về chuyên sâu kỹ thuật nhằm thu hút sự tham gia và khuyến khích hình thành các sản phẩm từ doanh nghiệp để bổ sung vào dịch vụ ĐTTM.

Ba là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phân định trách nhiệm rõ ràng trong ứng dụng CNTT. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị để đáp ứng yêu cầu phát triển và thực tế của địa phương trên nền tảng CPĐT. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, có cơ chế huy động người dân tham gia, tương tác vào quá trình QLNN thông qua các dịch vụ của ĐTTM.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động QLNN về xây dựng ĐTTM để kịp thời phát hiện những thiếu sót, hạn chế trong quản lý, qua đó có biện pháp khắc phục kịp thời. Thường xuyên thực hiện đo lường, đánh giá và tìm các phương án cải thiện, nâng cao hiệu quả của người dân thực hiện DCCS qua mô hình ĐTTM.

Chú thích:
1. Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt nam lần thứ XIII.
3, 4. Nguyễn Xuân Thắng. Quản trị quốc gia trong một thế giới công nghệ đang thay đổi không ngừng. Kỷ yếu Hội thảo khoa học. H. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2018, tr. 9, 11.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2025”. 2018.
6, 7, 8, 9. Sở Thông tin và Truyền thông. Báo cáo kết quả triển khai các dịch vụ đô thị thông minh của Thừa Thiên – Huế. 2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại thành phố Huế. Sự tham gia của người dân trong quản lý nhà nước thông qua mô hình đô thị thông minh qua thực tiễn tại tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2021.
TS. Ngô Văn Trân
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại thành phố Huế