(Quanlynhanuoc.vn) – Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh, thực hiện và định hướng, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tư tưởng và phương pháp làm báo, viết báo của Bác luôn mới mẻ, hiện đại, tiến bộ, phù hợp với phong trào báo chí cách mạng, báo chí trên thế giới ngay cả với hiện nay.
Suốt hơn nửa thế kỷ gắn bó với báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một sự nghiệp đồ sộ: trên 2.000 bài viết với 169 bút danh khác nhau đăng ở nhiều tờ báo trong và ngoài nước, bằng tiếng Việt, Pháp, Hán, Nga, Anh… với chủ đề đa dạng, sinh động, văn phong vừa độc đáo, vừa gần gũi, dễ hiểu, luôn chiếm được sự mến mộ của bạn đọc1.
Học tập phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhà báo Hồ Chí Minh – Người làm báo, viết báo để phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và nhân loại. Trong cuộc đấu tranh đó, có đấu tranh chống cái xấu, cái sai ở mỗi con người, ở trong Đảng, trong tổ chức, trong đời sống xã hội, để xây dựng cái đúng, cái tiến bộ; biểu dương người tốt, việc tốt. Người sử dụng báo chí làm công cụ giác ngộ và thức tỉnh tính nhân văn, giai cấp, tính xã hội chủ nghĩa,… Tiêu biểu cho tư tưởng này được thể hiện trong các bài viết đầu tiên đăng trên Báo Người cùng khổ (1922) và Báo Thanh niên (1925).
Với Báo Người cùng khổ, Bác vừa là người sáng lập, vừa là người lãnh đạo, chủ bút, phóng viên và thậm chí có lúc còn kiêm luôn nhiệm vụ phát hành. Bằng ngòi bút sắc sảo, Bác đã vạch trần tội ác của bọn xâm lược tại các nước thuộc địa để cho nhân dân Pháp và nhân dân thế giới thấy rõ và ủng hộ cho cuộc đấu tranh đòi quyền sống, quyền con người, quyền tự do của các dân tộc thuộc địa. Với Báo Thanh niên, Bác đã dùng tờ báo làm công cụ tuyên truyền con đường cách mạng giải phóng dân tộc, để tập hợp và giác ngộ quần chúng, tiến tới thành lập một tổ chức lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Ngày 17/8/1952, trong buổi nói chuyện ở Trường Chỉnh Đảng Trung ương, tại Chiến khu Việt Bắc, Bác nói về vai trò quan trọng của báo chí cách mạng, Bác khẳng định: “Báo chí là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức, lãnh đạo…”, “Báo chí là vũ khí sắc bén, nhanh nhạy, đại chúng, phục vụ kịp thời…”. Bác đánh giá và khuyên dạy: “Báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới… Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”2.
Bác nêu rõ 4 vấn đề cơ bản trước những cán bộ báo chí: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?” và Bác cũng đã đưa ra cách giải quyết cặn kẽ, phù hợp các vấn đề đó. Bác căn dặn: “Phải viết gọn, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi… Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?”3.
Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 9/1962), Bác thẳng thắn phê bình những khuyết điểm của báo chí nước nhà lúc bấy giờ: “Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không phù hợp với trình độ và thời gian của quần chúng…”, “Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta…”, “Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng…”, “Thiếu cân đối: Tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn thì viết dài, tin để sau thì để trước, nên trước lại để sau…”, “Lộ bí mật – có khi quá lố bịch…”, “Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và lắm khi dùng không đúng…”4. Và, “Nhiều anh em hay viết dài. Viết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác,… làm tốn giấy mực, mất công người xem,… Viết làm gì mà dài dòng và rỗng tuếch như thế? Chỉ có một cách trả lời: là quyết không muốn cho quần chúng xem”. Và Bác khuyên, “… mỗi câu, mỗi chữ phải có một ý nghĩa, có một mục đích, không phải rỗng tuếch”5.
Nhà báo Hồ Chí Minh thường viết rất ngắn, chặt chẽ, như: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”; trung với nước hiếu với dân; không có gì quý hơn độc lập tự do; tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình… Nhà báo Hồ Chí Minh rất coi trọng tính quần chúng và tính chân thực khi viết báo. Người đã thâu tóm được những gì tinh hoa, cốt yếu nhất trong tiếng nói của quần chúng để có cách truyền đạt gần gũi và hiệu quả nhất, có sức thuyết phục cao đối với người đọc.
Nhà báo Hồ Chí Minh phê bình và luôn động viên những nhà báo chưa tâm huyết, chưa toàn tâm toàn ý với nghề, thậm chí muốn bỏ nghề: “Sau khi nghiên cứu chỉ thị của Trung ương về báo chí, có một số đồng chí thì tiến bộ, nhưng cũng có một số vì trình độ văn hóa và chính trị còn kém thì đâm ra bi quan và muốn đổi làm nghề khác. Họ không biết rằng nghề nào cũng khó, không có nghề nào dễ… Không có việc gì khó, có chí thì làm nên. Câu nói đó rất đúng”6. Và, Người kết luận: “Tóm lại, trong lao động không có nghề gì là hèn, chỉ có lười biếng mới là hèn; làm tròn nhiệm vụ thì công tác nào cũng vẻ vang”7. Nhà báo phải gần gũi với quần chúng, học hỏi nhân dân để tiến bộ, phải phản ánh trung thực hiện thực xã hội, cần sâu sát thực tiễn.
Bác nhắc nhở: “Muốn viết báo thì cần:
1. Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.
2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người.
3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi cho những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu.
4. Luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ”8.
Làm theo phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong xã hội hiện đại, nhu cầu chuyển tải thông tin qua các loại hình báo chí ngày càng lớn và đa dạng – cả về thể loại và phương tiện. Thông tin báo chí phải thu hút được sự quan tâm của dư luận, tạo được dư luận xã hội phản đối những cái xấu, ủng hộ những điều tốt, cổ vũ Nhân dân, nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh phản bác những quan điểm, luận điệu xuyên tạc, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa – tư tưởng.
Mỗi bài báo cần phải tác động được đến cảm xúc yêu thương, ủng hộ, trân trọng, những cảm xúc tích cực cho người đọc, người xem, cũng như có thể tạo ra được cảm xúc bất bình, phẫn nộ về những tiêu cực của xã hội, những vấn đề còn đang bức xúc. Mỗi nhà báo cần có một văn phong báo chí thể hiện rõ tính cách, trình độ và bản lĩnh của riêng mình. Vì vậy, nhà báo cần phải có năng lực nghiên cứu, năng lực tổng kết thực tiễn, yêu nghề, say mê với nghề, có tài phát hiện và chuyển tải vấn đề từ thực tiễn, không được vô cảm, không được nhắm mắt làm ngơ trước những tiêu cực của xã hội; nêu cao trách nhiệm trong hoạt động tác nghiệp của mình, đề cao cái tốt, cái tích cực; phát hiện và đấu tranh chống cái xấu, cái tiêu cực.
Nhà báo cần đức tính trung thực trong tác nghiệp báo chí và đây là đức tính, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp quan trọng, là nền tảng của người làm báo, bởi khi viết báo phải trung thực, tôn trọng sự thật, không làm sai lệch thông tin hoặc chạy theo lợi nhuận mà đưa những sự kiện “giật gân” để câu khách. Nhà báo cần tham gia đấu tranh mạnh mẽ với những bài viết, hình ảnh phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa con người Việt Nam trên các báo, tạp chí điện tử hiện nay; cần phải lên án mạnh mẽ với tình trạng các báo mạng điện tử xuất bản bài viết chủ quan, suy diễn để trục lợi. Mọi thông tin đưa ra công luận phải phản ánh đúng bản chất sự thật khách quan về sự kiện và tình huống được thông tin, thông qua đó hướng dẫn, định hướng dư luận, nhưng quan trọng hơn là phải có cái tâm trong sáng, phải có bản lĩnh để giữ cho ngòi bút không bị bẻ cong trước những cám dỗ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy các nhà báo: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”9. Để làm được điều này, mỗi nhà báo cần phải tích cực, tự giác học tập, rèn luyện, kiên trì, bản lĩnh và đặc biệt phải tâm huyết với nghề, tận tâm với công việc, người viết phải “lao tâm, khổ tứ” với chủ đề mình định viết.
Nhà báo phải xác định đúng nội dung, hình thức thể hiện, cách diễn đạt tối ưu, phù hợp với lối sống, trình độ học vấn, kiến thức, truyền thống văn hóa cũng như yêu cầu, đặc điểm riêng của từng đối tượng. Đồng thời, xác định đúng mục đích của bài viết là để tuyên truyền, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng nhân dân. Do đó, báo chí không thể tách rời các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.
Học tập và làm theo cách sử dụng cây bút và trang giấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những tác phẩm được Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam coi là “Bảo vật quốc gia” như: Nhật ký trong tù, Đường Kách mệnh, Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời Kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặc biệt với tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, các nhà báo sẽ thấy và vận dụng được cách Bác sử dụng câu từ, văn phong, ngôn ngữ để dành gửi gắm ý nguyện của mình thông qua đó nhắc nhở, khuyên răn, phê bình, phê phán, đấu tranh, khen ngợi, chia sẻ, đòi quyền lợi cho Nhân dân Việt Nam,… Là những điều vô giá cần các nhà báo vận dụng trong mọi hoàn cảnh cuộc sống để viết, để sáng tạo những bài báo hay, chạm được vào cảm xúc của xã hội để hoàn thành nhiệm vụ “sứ mệnh” của mình.
Học tập và làm theo phong cách viết báo của Bác, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (với bút danh N.V.L) đã có nhiều bài viết trên Chuyên mục: “Những việc cần làm ngay” của Báo Nhân dân. Các bài viết ngắn gọn trong những ngày đầu công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; các vấn đề đời sống xã hội, của Nhân dân được Tổng Bí thư trăn trở, quyết liệt trong hành động nhưng bằng những câu chữ rất đỗi giản dị… Đối với các cơ quan báo chí, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề nghị, “Nên mở rộng mục “Người thật, việc thật”, “người tốt, việc tốt”, “việc không nên làm”10. Đối với nhà báo, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khuyên: “Tránh bệnh chỉ ưa tầm chương, trích cú theo kiểu các thầy đồ nho văn, động một chút là: Khổng tử viết, Mạnh Tử viết… Nay bạ đâu cũng Mác đã nói, Lênin đã nói,… Thì sẽ hóa thành các “ông đồ Mác-xít”11!
Báo chí truyền thông hiện đang đứng trước nhiều bước ngoặt do sự thay đổi về xu hướng công nghệ của thế giới. Vị thế của báo in đang giảm dần, thay vào đó, báo, tạp chí điện tử, mạng xã hội đang có xu hướng lên ngôi nhờ sự phổ biến của Internet và các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại (điện thoại di động thông minh…), người đọc báo ngày nay đa phần được tiếp cận thông tin miễn phí từ các tờ báo mạng điện tử. Thực tế này đã giúp ngành báo chí tiến hành chuyển đổi số rất nhanh. Đồng thời, đòi hỏi các báo, tạp chí điện tử cần bảo đảm thông tin nhanh chóng, chính xác, thông suốt, các khâu xuất bản ấn phẩm, quản trị mạng và lưu trữ phải bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Theo đó, bên cạnh các phẩm chất, đạo đức nhà báo nói chung thì đối với báo, tạp chí điện tử còn phải xây dựng được đội ngũ “nhà báo số”, “người làm báo số” đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.
Đảng, Nhà nước và đặc biệt là các cơ quan chủ quản báo chí cần chăm lo đầu tư, có cơ chế đặt hàng, hoặc giao nhiệm vụ về nguồn kinh phí để các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo cách mạng có đủ điều kiện, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đặt ra để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Hội Nhà báo các cấp cần làm tốt hơn vai trò trong việc hỗ trợ nghiệp vụ, có nhiệm vụ giúp các hội viên đoàn kết, giúp đỡ nhau, nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ để phục vụ Nhân dân và phụng sự Tổ quốc tốt hơn.
Các cơ quan báo chí cần tìm cách khắc phục được tình trạng “thương mại hóa báo chí”, vì lợi ích kinh tế mà bỏ qua giá trị tốt đẹp, nhân văn – chức năng cơ bản của báo chí; tăng tính phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, sự vô cảm trong xã hội; tăng tuyến bài viết về những điều tốt đẹp, gương người tốt, việc tốt, tạo sự đồng thuận trong xã hội và tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.