Quản lý truyền thông thời Cách mạng công nghiệp 4.0 cần “bắt nhịp” cuộc đua công nghệ  

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, mặc dù phát triển truyền thông như châu Âu – Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay quản lý chặt chẽ như Trung Quốc thì công tác quản lý truyền thông tại các quốc gia, khu vực này cũng phải liên tục thay đổi từ quan điểm, tư duy đến cách thức thực hiện. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế ấy để “bắt nhịp” với cuộc đua công nghệ là việc cần thiết.
Ảnh minh họa (nguồn: internet).

Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là quản lý nhà nước trong lĩnh vực truyền thông đã được chú trọng triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả, song vẫn tồn tại những bất cập trong các văn bản quản lý nhà nước về công tác tuyên truyền, giáo dục; việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực truyền thông…Vì vậy, việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực truyền thông được xem là vấn đề cấp thiếtcần giải quyết hiện nay. Bài viết đưa ra một số vấn đề về quản lý truyền thông (QLTT) trong thời đại 4.0 cũng như đề xuất giải pháp đổi mới công tác QLTT hiện nay.

 Thách thức đến từ không gian “mở” nhưng “ảo”

Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 còn gọi là CMCN 4.0 với những đột phá về công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence), internet kết nối vạn vật (IoT – Internet of Things), điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), sinh học, vật liệu mới… đã làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học.

Trong lĩnh vực báo chí, truyền thông CMCN 4.0 đã tạo ra một không gian “mở” rộng lớn trên thế giới ảo mà ở đó bất cứ ai cũng có thể là người đưa tin. Ranh giới giữa các thể loại báo chí truyền thống bị xóa mờ, khoảng cách giữa tòa soạn báo – bạn đọc được kéo gần lại. Địa vị độc tôn của báo chí bị mạng xã hội cạnh tranh gay gắt.  Mạng xã hội còn được ví von “quyền lực thứ 5” trong kỷ nguyên số.

Sự bùng nổ của mạng xã hội như Facebook, Youtube… và sự biến đổi chóng mặt của báo chí truyền thống cạnh tranh với mạng xã hội đã đặt công tác QLTT trước những cơ hội và thách thức mới.

Những vấn đề gây khó cho quản lý truyền thông ở Việt Nam hiện nay

Việc QLTT thời CMCN 4.0 bao gồm quản lý báo chí, quản lý thông tin trên các phương tiện truyền thông mới (mạng xã hội). Thông tin được truyền tải trên không gian ảo cũng khiến nhà quản lý phải đối mặt với các vấn đề về an ninh truyền thông, tin tặc, các loại tội phạm thông tin đặc biệt nguy hiểm.

Báo chí cách mạng Việt Nam – một loại hình vũ khí vô cùng sắc bén, lợi hại của Đảng trong cuộc đấu tranh chống các âm mưu thù địch, phá hoại của kẻ thù, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Nhân dân. Ảnh: Thu Hương.

Thứ nhất, về quản lý báo chí

Việc quản lý báo chí, hiện có 5 vấn đề “nóng” đang được đặt ra. Một là, tình trạng “đánh đấm, sách nhiễu, đánh hội đồng, xâm phạm đời tư, xúc phạm danh dự” của một số báo, tạp chí với nạn nhân thường là cá nhân (lãnh đạo, doanh nghiệp, địa phương, bộ, ngành). Hai là, nạn sao chép, vi phạm bản quyền nội dung, hình ảnh trong tác nghiệp báo chí. Ba là, nạn “làm báo” qua trang tin điện tử, mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới. Bốn là, nạn “Báo hoá tạp chí”, hoạt động sai tôn chỉ mục đích. Năm là, nạn “câu view, khoán view” trên báo điện tử đã làm suy giảm niềm tin của bạn đọc vào báo chí, truyền thông.

Nguyên nhân sâu xa của các vấn đề nóng này được chỉ ra là việc các cơ quan báo chí lúng túng trong việc giải bài toán kinh tế báo chí. Không ít cơ quan báo chí giao khoán phóng viên buộc phải “làm kinh tế” khi làm báo; khoán view để chấm nhuận bút, khoán bài PR, khoán “hợp đồng truyền thông”. Nguy hại hơn là việc có một số cơ quan báo, tạp chí điện tử lấy “doanh thu” từ “đăng” và “gỡ” bài.

Thêm nữa, nguồn nhân lực cho báo chí, truyền thông hiện nay rất đa dạng: bất cứ ai cũng có thể làm báo; có những người không học bất cứ trường lớp đào tạo báo chí nào nhưng vẫn làm việc tại một số tờ báo, trang thông tin điện tử, viết bài, lên bài mà không có sự kiểm duyệt. Họ cũng không nắm được luật pháp về báo chí và đạo đức nghề nghiệp nên để xảy ra sai sót trong công việc.

Thứ hai, về quản lý thông tin trên mạng xã hội

Việc quản lý thông tin trên mạng xã hội còn phức tạp hơn khi mạng xã hội đang bùng nổ mạnh mẽ ở Việt Nam, trong khi luật pháp; tư duy và hành động đổi mới của các nhà quản lý còn chưa theo kịp.

Trong năm 2019 số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam là 62 triệu người, đến năm 2020, có khoảng 68,17 triệu người Việt Nam sử dụng trực tuyến (chiếm 70% dân số) thông qua các nền tảng, ứng dụng khác nhau. Đáng chú ý là có tới 65 triệu người trong số họ là người dùng mạng xã hội tích cực (chiếm 67% dân số) và 99% trong số này thường xuyên sử dụng bằng điện thoại di động. Đến tháng 01/2021, con số này là 72 triệu người. Trong đó, 61 triệu khách hàng có thể được tiếp cận thông qua quảng cáo trên Facebook, 5,4 triệu trên Instagram, 3,3 triệu trên LinkedIn và 1,27 triệu người qua Twitter1.

Hằng ngày, lượng thông tin trên Facebook đạt tới một con số khổng lồ. Việc ngăn chặn các thông tin sai lệch, có hành vi chống phá Đảng và Nhà nước, gây hoang mang dư luận ngày càng trở nên khó khăn. Trong thời gian qua, chúng ta không chỉ thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà chúng ta còn phải thực hiện phòng, chống nạn tin giả, tin sai sự thật trên môi trường mạng xã hội. Đơn cử: ngày 22/02/2021, Công an thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã ra quyết định xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với Nguyễn Đình Sinh (trú tại xã Nguyễn Huệ, thị xã Đông Triều) vì chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội facebook2. Tại Hà Nội, trong 3 ngày 12, 13 và 14/5/2021, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 chủ tài khoản Facebook có hành vi cung cấp thông tin giả mạo, sai sự thật về ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-193

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện một số biện pháp mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề trong QLTT, như: thực hiện nghiêm Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong báo chí; xây dựng Đề án hỗ trợ báo chí; xử lý căn bản các tồn tại kéo dài (như: “báo hóa tạp chí”, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội); thực thi luật pháp nghiêm minh với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng mạng xã hội, bảo đảm tỷ lệ ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các thông tin xấu, độc, sai sự thật mà phát hiện và xác minh được trên mạng xã hội đạt tối thiểu từ 70 đến 80%…

Luật Báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018 cùng nhiều văn bản dưới luật mới được ban hành gần đây là nỗ lực trong hoạt động quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực truyền thông nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của phát triển báo chí, mạng xã hội. Nhờ đó, hoạt động quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực thông tin – truyền thông trên cả nước nói trong những năm qua có nhiều bước chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều những hạn chế chưa thể giải quyết căn cơ và cần tiếng nói góp ý từ các chuyên gia, các tầng lớp trong xã hội để giúp cơ quan quản lý ban hành được các chính sách vừa có thể quản lý thông tin mà lại không kìm hãm sự phát triển của truyền thông.

Quản lý truyền thông thời Cách mạng công nghiệp 4.0 cần “bắt nhịp” cuộc đua công nghệ

Để quản lý được lĩnh vực truyền thông đang thay đổi như vũ bão thời CMCN 4.0, không còn cách nào khác, các nhà quản lý phải “bắt nhịp” cuộc đua công nghệ và “làm chủ” cuộc chơi trên thế giới ảo. Trong đó, con người và công nghệ là 2 yếu tố quyết định.

Hạ tầng phục vụ công tác quản lý phát triển yêu cầu nguồn nhân lực làm chủ được công nghệ, có chuyên môn, am hiểu về lĩnh vực truyền thông trong kỷ nguyên số. Điều này, đặt ra bài toán về đào tạo nguồn nhân lực truyền thông/QLTT trong thời đại mới.

Thế giới mạng là ảo nhưng đường truyền, con người sử dụng là thật. Vì vậy, cần phải “định danh” người dùng bằng cách yêu cầu sử dụng thông tin thật đăng ký tài khoản mạng Internet, tài khoản mạng xã hội thông qua việc quản lý thông tin thuê bao di động, quản lý địa chỉ IP người dùng internet, quản lý điểm truy cập internet công cộng, …

Để giải quyết căn cơ hiện tượng “báo hóa tạp chí”, trang tin, ngoài việc thực hiện nghiêm quy hoạch báo chí thì cũng cần có một cuộc thanh tra toàn diện việc cấp phép các hoạt động báo chí và các trang tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. Việc thanh tra cũng là để làm rõ có hay không việc “chạy” giấy phép, bảo đảm các quy định của pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh.

Bên cạnh đó, pháp luật là công cụ quản lý quan trọng, cơ bản của Nhà nước đối với xã hội nói chung, lĩnh vực thông tin – truyền thông nói riêng. Công cụ này càng trở nên quan trọng, phổ biến trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay. Các nhà làm chính sách, hoạch định chính sách cần xây dựng các mô hình quản lý riêng với báo chí và mạng xã hội, đồng bộ các giải pháp “xây” và “chống”. Đồng thời, để quản lý bằng pháp luật hiệu quả, Nhà nước cần tính tới nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động quản lý, trong đó, các yếu tố về tổ chức bộ máy quản lý, trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức là yếu tố chủ quan thuộc về chủ thể quản lý có vai trò cơ bản, quan trọng.

Việt Nam đang thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với tầm nhìn đến năm 2030 “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”4. Việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực QLTT cùng với việc thực thi Luật Báo chí, Luật An ninh mạng sẽ giúp Việt Nam trải nghiệm công tác QLTT theo lối tư duy và cách thức mới; chủ động QLTT và quản lý thông tin trên mạng xã hội một cách bài bản và có tính hệ thống.

 Chú thích:
1. Báo cáo Digital in Vietnam 2021: “72 triệu người Việt Nam sử dụng mạng xã hội”. https://andrews.edu.vn, ngày 17/02/2021.
2. Ngăn chặn tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội. https://www.qdnd.vn, ngày 14/5/2021.
3. Hà Nội tiếp tục “mạnh tay” xử lý nghiêm thông tin sai sự thật về dịch Covid-19. http://daidoanket.vn, ngày 26/6/2021.
4. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “ Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Báo chí năm 2016.
2. Luật An ninh mạng năm 2018.
3. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
4. Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Nguyễn Minh Hải
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội