Tổ chức và hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh

(Quanlynhanuoc.vn) – Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, với mục tiêu tạo bước đột phá, đổi mới toàn diện trong công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và tạo sự thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ Hành chính công theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 28/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh. Nguồn: baoquangninh.vn

Sau thời gian thực hiện thí điểm, mô hình Trung tâm Phục vụ Hành chính công (PVHCC) đã phát huy hiệu quả rõ rệt, thực sự là bước đột phá, đi đầu trong cả nước về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa nền hành chính, được Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá cao và nhiều tỉnh, thành phố đến trao đổi, học tập kinh nghiệm về sự đổi mới nội dung cũng như phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, hướng tới xây dựng một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kiến tạo và phục vụ.

Thực trạng tổ chức và hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh

Thứ nhất, về công tác tổ chức của Trung tâm.

Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm sự kết nối cao, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ TTHC. Với vai trò làm đầu mối và là nơi để các cơ quan, đơn vị cử công chức, viên chức đến thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân, Trung tâm không trực tiếp giải quyết TTHC thay cho các cơ quan, đơn vị nhưng mỗi cán bộ Trung tâm được bố trí tham gia ở một số khâu trong quy trình giải quyết TTHC, như: hướng dẫn, cung cấp các thông tin cho tổ chức, cá nhân, trình tự thực hiện các bước trong giải quyết TTHC; thu phí, lệ phí tập trung đối với tất cả TTHC có phát sinh phí, lệ phí tại một nơi; thực hiện việc đóng dấu của các sở, ngành tại Trung tâm và trả kết quả giải quyết TTHC tập trung cho tổ chức, cá nhân tại một đầu mối để theo dõi, giám sát độc lập, đôn đốc việc giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị bảo đảm tuân thủ theo đúng quy trình và thời gian quy định.

Theo Quyết định số 22/QĐ-UBND ngày 03/01/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm gồm có: Giám đốc, 2 Phó Giám đốc và 4 phòng chuyên môn, nghiệp vụ (Phòng Hành chính – Quản trị; Phòng Kế hoạch – Tổng hợp; Phòng Tiếp nhận và Giải quyết thủ tục hành chính; Phòng Kiểm tra – Giám sát).

Về số lượng công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm là 64 người, trong đó có 15 công chức, viên chức, nhân viên chuyên trách; 49 công chức, viên chức sở, ban, ngành cử đến làm nhiệm vụ tại Trung tâm. Bên cạnh đó, có 41 cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành thường xuyên bố trí thời gian phù hợp hằng ngày ký phê duyệt TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị ngay tại Trung tâm1. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được cử đến làm việc tại Trung tâm được lựa chọn từ những người có năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, có phẩm chất đạo đức, kỹ năng giao tiếp tốt.

Ngoài ra, tại Trung tâm còn có đại diện của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh trực tiếp giám sát và chấn chỉnh những trường hợp vi phạm, giải quyết triệt để những vụ việc tổ chức, người dân bức xúc có phản ánh, kiến nghị.

Về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm việc tại Trung tâm được hỗ trợ 2.000.000 đồng/người/tháng để kịp thời động viên, khích lệ và được trang bị đồng phục làm việc theo năm bảo đảm trang trọng, lịch sự2.

Thứ hai, về một số kết quả hoạt động của Trung tâm.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo tập trung rà soát, đơn giản hóa các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền để đưa vào thực hiện tại các Trung tâm PVHCC, cụ thể là 1.438 TTHC (gồm có 1.360 TTHC của các sở, ngành thuộc tỉnh; 59 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh; 18 TTHC của ngành Điện và 1 TTHC của ngành Nước)3.

Trung tâm đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, như: tạm dừng hoạt động từ ngày 01/4/2020 – 15/4/2020 nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chỉ duy trì tiếp nhận trực tiếp một số TTHC cấp thiết, bảo đảm phục vụ cho nhu cầu chính đáng của công dân. Ngoài ra, chỉ tiếp nhận trực tuyến các TTHC đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Duy trì thực hiện tốt “Thông điệp 5K” của Bộ Y tế: “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế”, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch và cán bộ làm việc tại Trung tâm, không để xảy ra sự cố hay vi phạm của cán bộ Trung tâm trong thời gian thực hiện các quy định về giãn cách xã hội4.

Trong công tác thẩm định và phê duyệt TTHC, đến nay, số TTHC được thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị phân công, ủy quyền phê duyệt tại Trung tâm là 1.033/1.360 (đạt 75,9%) theo quy trình giải quyết TTHC “4 tại chỗ”: “Tiếp nhận – Thẩm định – Phê duyệt – Trả kết quả”. Với mục tiêu tổ chức hoạt động của Trung tâm PVHCC tỉnh ở cấp độ cao hơn, chuyên nghiệp hơn nhằm rút ngắn thời gian, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện TTHC cho người dân; từ tháng 01/2019, Trung tâm đã chính thức quản lý, sử dụng 22 con dấu thứ hai của 16 sở, ban, ngành tại Trung tâm, khắc phục các bất cập trong việc “đóng dấu” trên các kết quả đã được ký duyệt tại các sở, ngành, nâng quy trình từ “4 tại chỗ” lên thành “5 tại chỗ”: “Tiếp nhận – Thẩm định – Phê duyệt – Đóng dấu – Trả kết quả tại chỗ5.

Tính từ ngày 01/7/2016 (thời điểm chỉ đạo triển khai đồng bộ việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh) cho đến nay, Trung tâm PVHCC tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 32.884 hồ sơ trực tuyến (chiếm tỷ lệ 35,6%). Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến được gắn với việc trả kết quả cho tổ chức, cá nhân bằng chữ ký số và cập nhật kết quả giải quyết TTHC lên trang thông tin điện tử6.

Để đạt hiệu quả cao trong công tác, Trung tâm đã xây dựng, hoàn thiện về cơ sở vật chất, đồng bộ trang thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm trang bị phần cứng (hệ thống cấp điện, viễn thông, không gian, dây chuyền làm việc, hệ thống máy chủ, máy tính, mạng,…) và hệ thống phần mềm điện tử (phần mềm xử lý thông tin, phần mềm lấy số thứ tự, phần mềm trả kết quả, phần mềm thu phí, lệ phí, phần mềm giám sát, thống kê tình hình giải quyết TTHC,…) kết nối các sở, ban, ngành, các phòng, ban và UBND cấp huyện với các chức năng khoa học, rõ ràng, tiện lợi, có tính tự động cao, bảo đảm các yêu cầu về quản lý toàn bộ hoạt động của Trung tâm; số hóa các thủ tục, hồ sơ, cho phép tích hợp chữ ký số, thuận lợi cho việc tra cứu thông tin; các bước tiếp nhận, chuyển giao, xử lý tại các bộ phận nhằm công khai, minh bạch hóa công tác giải quyết TTHC.

Qua đó, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức và cá nhân đối với việc giải quyết TTHC tại Trung tâm PVHCC tỉnh luôn đạt từ 99% trở lên. Các kết quả đánh giá công khai là kênh thông tin quan trọng để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công7.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động của Trung tâm PVHCC tỉnh Quảng Ninh hiện nay vẫn còn những hạn chế và bất cập, đó là:

(1) Việc xây dựng mô hình Trung tâm PVHCC là cách làm mới của tỉnh Quảng Ninh nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội, hoạt động theo cơ chế thí điểm nên chưa xác định được rõ ràng loại hình hoạt động, căn cứ pháp lý cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động.

(2) Việc ủy quyền cho công chức được cử đến làm việc tại Trung tâm có thẩm quyền ký phê duyệt ngay các TTHC chưa được thực hiện triệt để do vướng một số quy định hiện hành; có tình trạng cán bộ tâm lý e ngại, dè dặt khi được ủy quyền; chế độ, chính sách đối với công chức làm việc tại Trung tâm còn chưa thật phù hợp so với nhiệm vụ và áp lực công việc.

(3) Do một số bộ, ngành chưa thường xuyên rà soát, chuẩn hóa, công bố kịp thời các TTHC, một số văn bản chưa phù hợp, gây khó khăn cho cán bộ, công chức của Trung tâm trong quá trình thực hiện; vẫn còn tình trạng giải quyết TTHC quá hạn chủ yếu trong một số lĩnh vực như đất đai, tư pháp,…

(4) Phần mềm quản lý chuyên ngành liên quan đến giải quyết TTHC của một số ngành không tích hợp, thống nhất với phần mềm dùng chung của Trung tâm nên ảnh hưởng đến quản lý, theo dõi, đánh giá tình hình giải quyết TTHC.

(5) Việc tổ chức thực hiện cơ chế đánh giá sự hài lòng của tổ chức, người dân khi giao dịch giải quyết TTHC tại Trung tâm còn chưa thường xuyên công khai kết quả đánh giá để các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, người dân biết.

Đề xuất nhằm hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh

Để tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Trung tâm trong thời gian tới, cần tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Một là, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, kịp thời tham mưu, đề xuất các bộ, ngành trung ương có những giải pháp hiệu quả trong cải cách hành chính.

Việc thay đổi mô hình xử lý, giải quyết công việc từ lề lối làm việc cũ sang quy chuẩn làm việc mới thông qua chính quyền điện tử và hoạt động Trung tâm PVHCC đối với các tỉnh, thành phố tại Việt Nam là điều khá mới mẻ, do đó, cần sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, sự ủng hộ của cấp trung ương, từ đó, tạo được sự đồng thuận, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và Nhân dân chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện cải cách TTHC hướng đến xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.

Hai là, tiếp tục rà soát, lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, trình độ kinh nghiệm và đạo đức công vụ làm việc tại Trung tâm PVHCC tỉnh.

Tăng cường đào tạo, phát triển cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin bảo đảm khai thác, sử dụng, ứng dụng tốt trong quản lý, điều hành và xử lý công việc.

Ba là, thường xuyên rà soát, cập nhật các TTHC mới, TTHC sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị trình UBND tỉnh công bố kịp thời; tiếp tục nghiên cứu giảm tối đa thời gian giải quyết TTHC so với quy định theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Rà soát kỹ lưỡng, thống nhất danh mục các TTHC còn lại của các cơ quan, đơn vị để tiếp tục xem xét đưa vào giải quyết tại Trung tâm PVHCC các cấp và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.

Bốn là, hiện đại hóa nền hành chính, tập trung đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ bao gồm việc đầu tư phần cứng (trung tâm tích hợp dữ liệu, trụ sở, thiết bị, đường truyền) và phần mềm (các phần mềm dịch vụ công, hệ thống cơ sở dữ liệu của các ngành, đơn vị trên phạm vi toàn tỉnh) bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục và hiệu quả.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đột xuất việc thực thi công vụ, văn hóa công sở, giao tiếp ứng xử nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ, năng lực, kỹ năng giao tiếp, giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm sự hài lòng của người dân trong việc giải quyết các TTHC.

Tăng cường sử dụng công cụ khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân nhằm phát huy vai trò giám sát của người dân trong công tác cải cách hành chính nói chung và TTHC nói riêng. Giải quyết nhanh chóng, chính xác, công bằng, thỏa đáng các kiến nghị, phản ánh của người dân nhằm tạo lòng tin trong Nhân dân.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng, đa dạng bằng nhiều hình thức (qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, niêm yết tại các khu dân cư, nhà văn hóa,…) nhằm nâng cao nhận thức đến toàn thể cán bộ, công chức, tổ chức, người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng, sự cần thiết phải đổi mới trong công tác cải cách TTHC, về chính quyền điện tử, hoạt động của Trung tâm PVHCC các cấp. Vì đây là công việc mới, khó khăn, phức tạp, do đó, cần tiếp tục tăng cường truyền thông, chỉ đạo, quán triệt cũng như vận động, thuyết phục để các ngành, địa phương hiểu rõ, nghiêm túc thực hiện, đồng thời tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp ủng hộ, hưởng ứng, tham gia.

Chú thích:
1, 2, 4, 7. Báo cáo số 301/BC-UBND ngày 28/8/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh về đánh giá kết quả 3 năm thực hiện thí điểm Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 28/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
3, 5, 6. Báo cáo số 278/BC-TTPVHCC ngày 14/4/2020 của Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính từ năm 2015 đến năm 2020; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 – 2030.
ThS. Nguyễn Đức Phúc
Công ty Chế biến than Quảng Ninh – TKV