Giải pháp nâng cao năng lực cán bộ, công chức làm công tác đối ngoại tỉnh Bình Phước

(Quanlynhanuoc.vn) – Bình Phước là tỉnh biên giới nằm trong khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam với nhiều tiềm năng phát triển các hoạt động đối ngoại, như: thu hút hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hợp tác hữu nghị với các tỉnh bạn thuộc Vương quốc Cam-pu-chia. Do đó, tỉnh rất cần đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu, thực hiện công tác đối ngoại có năng lực, tâm huyết để thực hiện hiệu quả và phát huy tiềm năng đối ngoại của tỉnh.

 

Tỉnh Bình Phước. Ảnh: TTXVN.
Tiềm năng phát triển đối ngoại của tỉnh Bình Phước

Bình Phước có diện tích 6.871,54 km2, đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiệp lâu năm (cao su, tiêu, điều, cà phê), cây ăn quả. Dân số gần 1 triệu người, trong đó dân số đang ở độ tuổi lao động chiếm 60%. Hiện nay, tỉnh đã có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha và đã chấp thuận chủ trương quy hoạch mở rộng 3 khu công nghiệp và lập mới 4 khu công nghiệp, nâng tổng số khu công nghiệp của tỉnh lên 20 khu với tổng diện tích 10.000 ha. Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2030, toàn tỉnh có 40 cụm công nghiệp với tổng diện tích tăng thêm 16.000 ha.

Bình Phước có chiều dài đường biên 260,433 km, chạy qua 3 huyện biên giới (Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập) tiếp giáp 3 tỉnh thuộc Vương quốc Cam-pu-chia (Tabong khmum, Kratie, Mudulkiri). Dọc đường biên giới là hệ thống 4 cửa khẩu và lối mở (1 cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; 2 cửa khẩu chính Hoàng Diệu và Lộc Thịnh; lối mở Lộc Tấn). Thông qua việc giữ gìn tuyến biên giới ổn định, hòa bình, nhiều hoạt động đối ngoại được mở ra với các tỉnh giáp biên giới như: ký kết biên bản hợp tác trên nhiều lĩnh vực; tổ chức các hoạt động, sự kiện quan trọng; xây dựng, gìn giữ đường biên giới, mốc giới; hướng dẫn hỗ trợ cư dân 2 bên biên giới chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật nước sở tại; xuất nhập hàng hóa qua lại, phòng, chống buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép…

Với vị trí thuận lợi nằm trong khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam, cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 80 km, tiếp giáp với các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Lâm Đồng và Đắk Nông. Đây là những tỉnh đứng đầu về tăng trưởng và thu hút đầu tư nước ngoài ở khu vực miền Nam, do đó rất thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài đến với tỉnh.

Cùng với sự phát triển thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư; tỉnh cũng quan tâm hợp tác với các cơ quan đại diện, tổ chức nước ngoài (Tổng lãnh sự, Đại sứ…) của các quốc gia có nhiều doanh nghiệp đang đầu tư vào tỉnh, từ đó, xây dựng các quan hệ đối ngoại hợp tác toàn diện cho tỉnh, như: thăm hỏi, chào xã giao, ký kết biên bản hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, bảo hộ công dân…

Với mục tiêu củng cố, phát triển các mối quan hệ sẵn có, mở rộng hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường công tác vận động viện trợ, mở rộng giao lưu hợp tác về thương mại, du lịch và văn hóa, công tác đối ngoại năm 2020 của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh: tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của Bình Phước tiếp tục được giữ vững, kinh tế – xã hội vẫn duy trì sự ổn định và phát triển. Hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đạt những kết quả tích cực, hợp tác quốc tế, tăng cường quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với cộng đồng quốc tế, qua đó, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; công tác xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài có chuyển biến tích cực.

Nhằm góp phần triển khai đường lối đối ngoại “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” của Đảng và Nhà nước, công tác đối ngoại của Bình Phước trong thời gian tới dự kiến sẽ tập trung vào những hoạt động chủ yếu như sau: tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 15/4/2010 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại quốc tế; thu hút đầu tư trong nhiều lĩnh vực nhất là các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như cao su, điều, tiêu… Tiếp tục triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư theo hướng tập trung vào kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp tại các thị trường truyền thống, như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…; đồng thời mở rộng xúc tiến đầu tư tại các nước ở châu Âu, Hoa Kỳ…

Duy trì và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Cam-pu-chia; các tỉnh phía Nam của Lào; thành phố Hovegen của Hà Lan trên tất cả lĩnh vực; củng cố và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện nước ngoài và Tổng lãnh sự quán các nước tại Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Cam-pu-chia, Ấn Độ, Đức, Xinh-ga-po… và các tổ chức quốc tế: JICA, KOICA, KOTRA, KCCI. Xúc tiến mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với một số địa phương trên thế giới để thiết lập mối quan hệ hợp tác bền vững. Triển khai các dự án phi chính phủ đã và đang hoạt động năm 2020 và vận động thu hút viện trợ, Dự án phi chính phủ năm 2021.

Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, tiềm năng của tỉnh Bình Phước thông qua nhiều kênh thông tin nhằm thu hút các đối tác nước ngoài đến địa phương giao lưu, hợp tác và đầu tư. Quản lý tốt và tạo điều kiện cho các đoàn ra, đoàn vào được thuận lợi, thực hiện việc cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ cho các đối tượng tại Điều 7 Nghị định số 65/2012/NĐ-CP ngày 06/9/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Tổ chức các Hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý biên giới, các kết quả đạt được trong công tác phân giới cắm mốc cho cán bộ, công chức (CBCC), chiến sĩ và Nhân dân trong tỉnh.

Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Phước. Nguồn: internet.
Thực trạng về năng lực đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác đối ngoại tại Sở Ngoại vụ

Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Phước có chức năng quản lý nhà nước về công tác ngoại vụ và công tác biên giới lãnh thổ, biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh; các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở theo quy định. Đồng thời, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chủ trương hội nhập quốc tế, định hướng mở rộng quan hệ và phát triển toàn diện công tác đối ngoại của tỉnh; tổ chức quản lý công tác đối ngoại Đảng của tỉnh theo quy định.

Về cơ cấu tổ chức, khi thành lập Sở Ngoại vụ có 19 biên chế và 3 lao động hợp đồng, với cơ cấu Ban Giám đốc và 5 phòng chuyên môn, gồm: Văn phòng sở, Thanh tra sở, Phòng Biên giới, Phòng Lãnh sự và Phòng Hợp tác quốc tế. Đến nay, qua nhiều đợt tinh giản biên chế và sáp nhập phòng, ban theo Đề án của Tỉnh ủy, Sở còn 16 biên chế hành chính, 1 chỉ tiêu hợp đồng với cơ cấu tổ chức có Ban Giám đốc và 3 phòng chuyên môn là Văn phòng Sở, Phòng Biên giới và Phòng Hợp tác quốc tế.

Về trình độ chuyên môn, chính trị, số lượng đội ngũ CBCC thuộc Sở có trình độ đại học: 12, thạc sỹ: 4; trình độ chính trị sơ cấp: 3, trung cấp: 8, cao cấp: 5. Về năng lực ngoại ngữ, tin học, 100% CBCC đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Về nghiệp vụ đối ngoại, đội ngũ CBCC của Sở cơ bản đã được bồi dưỡng về trình độ, nghiệp vụ đối ngoại.

Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Phước đã thực hiện phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đối ngoại trên toàn tỉnh. Kết quả rõ nét nhất hiện nay, Bình Phước là một trong những tỉnh đầu tiên cả nước hoàn thành sớm nhất công tác phân giới cắm mốc trên thực địa. Duy trì phát huy mối quan hệ đoàn kết hữu nghị láng giềng thân thiết với các tỉnh bạn giáp biên giới thuộc Vương quốc Cam-pu-chia, góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình ổn định trong cả nước.

Bình Phước đã ký kết nhiều biên bản hợp tác với các địa phương của các nước, gồm 6 tỉnh của Cam-pu-chia, 3 tỉnh của Lào, 1 thành phố của Hàn Quốc, 1 thành phố của Vương quốc Hà Lan, 1 tỉnh của Mô-dăm-bích… Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức nhiều lượt xúc tiến đầu tư, giao lưu với các đối tác, địa phương của các quốc gia và vùng lãnh thổ có tiềm năng, thế mạnh chiến lược nhằm mở rộng ngoại giao kinh tế, như: Xinh-ga-po, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Ca-na-đa. Ấn Độ, Thái Lan… Theo số liệu thống kê của tỉnh, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, lũy kế đến hết năm 2020, tỉnh có 272 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký là 2,7 tỷ USD; tiếp tục xúc tiến đầu tư và đã thu hút, vận động được 19 tổ chức phi chính phủ hoạt động tại địa phương.

Tỉnh đã chú trọng và cử nhiều lượt CBCC đi học tập, bồi dưỡng theo các chương trình được tài trợ của các đối tác nước ngoài, như: Ấn Độ, Ốt-xtrây-li-a, Trung Quốc, Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản, Cam-pu-chia, Hoa Kỳ…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, từ góc độ quản lý cho thấy còn một số mặt hạn chế trong phát huy hiệu quả nguồn lực đội ngũ CBCC của tỉnh, như:

Một là, trình độ ngoại ngữ đội ngũ CBCC của Sở chưa đáp ứng trên thực tế, chỉ mới biết sử dụng có 4 ngoại ngữ, như: Anh, Cam-pu-chia, Lào, Trung Quốc. Trong đó, tỷ lệ công chức sử dụng được tiếng Anh, tiếng Cam-pu-chia là chủ yếu (do quy định công chức thi tuyển phải có trình độ B ngoại ngữ, còn tiếng Cam-pu-chia do là tỉnh giáp biên được học tập tại tỉnh). Các ngoại ngữ còn lại tỷ lệ công chức biết hoặc có thể sử dụng còn thấp, như: tiếng Trung: 6,25%, Lào: 18,75%. Do đó, công chức của Sở chưa đáp ứng yêu cầu phiên dịch, một số hoạt động gặp gỡ ngoại giao còn phải thuê phiên dịch.

Hai là, lực lượng công chức còn hạn chế về số lượng, Sở Ngoại vụ là cơ quan chuyên môn có trách nhiệm chính trong công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh, nhưng chỉ có 16 biên chế hành chính. Do đó, nếu cùng thời điểm có nhiều hoạt động đối ngoại phải thực hiện sẽ dẫn đến tình trạng không có nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ.

Ba là, công tác đối ngoại của một tỉnh không chỉ thực hiện ở cấp tỉnh mà còn được

thực hiện ở cấp huyện và cấp xã nhưng hiện nay chỉ ở cấp tỉnh là có cơ quan chuyên trách về công tác đối ngoại (Sở Ngoại vụ), còn cấp huyện, thị xã chưa được bố trí biên chế công chức chuyên trách có nghiệp vụ về đối ngoại, do đó việc tham mưu, thực hiện các hoạt động đối ngoại của các cơ quan này còn nhiều hạn chế, nhất là về giao tiếp lễ tân, ngoại ngữ… Đối với hoạt động ngoại giao lớn hoặc phức tạp tại các cơ quan này, Sở Ngoại vụ phải trực tiếp hỗ trợ hoặc cử công chức đến phối hợp thực hiện. Điều này đôi khi cũng gây ra áp lực về nhân lực khi trong một thời điểm có hai hoặc nhiều hoạt động đối ngoại cùng diễn ra tại địa phương. Từ đó đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động đối ngoại của tỉnh, nhất là ở các địa bàn biên giới, địa bàn nơi có nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động…

Bốn là, công chức Sở Ngoại vụ không có chế độ ưu đãi đặc thù, chưa có chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ nên việc cơ quan cử CBCC đi học tập là rất hạn chế, hiện công chức chủ yếu mới được cử đi đào tạo ngoại ngữ tại các lớp ngắn hạn hoặc các dự án đào tạo ngoại ngữ được miễn phí.

Một số giải pháp, kiến nghị

Công tác đối ngoại đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giữ gìn môi trường hòa bình, an ninh khu vực biên giới và hợp tác phát triển kinh tế. Để công tác này thực sự là đòn bẩy cho hội nhập phát triển kinh tế – xã hội của một tỉnh, đòi hỏi đội ngũ công chức làm công tác đối ngoại phải thực sự có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xu hướng hội nhập, hợp tác.

Thứ nhất, về công tác tuyển dụng. Bên cạnh các quy định chung về tiêu chuẩn tuyển dụng công chức, việc tuyển dụng công chức ngành Ngoại vụ cần thêm tiêu chí về ngoại hình cho thích ứng với đặc thù công việc.

Thứ hai, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ. Vì chỉ tiêu biên chế được giao cho Sở Ngoại vụ rất hạn chế, trong khi CBCC ngành Ngoại vụ phải vừa làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ còn kiêm thêm nhiệm vụ biên, phiên dịch ngoại ngữ, do đó xuất phát từ yêu cầu công tác đối ngoại của tỉnh mà phải đào tạo thêm ngoại ngữ cho công chức làm công tác đối ngoại. Hơn nữa, việc thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ cho công chức là điều hết sức cần thiết, nhất là đối với những ngoại ngữ ít phổ biến không được sử dụng nhiều. Tuy nhiên hiện nay, kinh phí đào tạo rất hạn chế, do đó, đề nghị Chính phủ, bộ, ngành trung ương có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho công chức làm công tác đối ngoại cũng như có chính sách khuyến khích công chức tự học tập thêm ngoại ngữ của tỉnh.

Thứ ba, kiến nghị thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác đối ngoại tại các huyện biên giới hoặc nơi có nhiều người nước ngoài đến sinh sống, hợp tác, đầu tư theo một số tiêu chí nhất định. Bổ sung chỉ tiêu công chức cấp xã làm công tác đối ngoại chuyên trách tại các xã biên giới ở nơi có nhiều người nước ngoài đến sinh sống, công tác, hợp tác, đầu tư theo một số tiêu chí nhất định.

Thứ tư, có chế độ, chính sách hỗ trợ ngành nghề đặc thù hằng năm cho công chức làm công tác ngoại giao (trang cấp trang phục, giày dép…).

Tài liệu tham khảo:
1. Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 19/11/2013 về triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
2. Quyết định số 288-QĐ/TU ngày 08/6/2016 của Tỉnh ủy Bình Phước về ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
3. Quyết định số 1802-QĐ/TU ngày 27/02/2020 của Tỉnh ủy Bình Phước về việc ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh.
4. Báo cáo kết quả đối ngoại năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước.
ThS. Phạm Thị Anh Thư
Sở Ngoại vụ tỉnh Bình phước