Đổi mới việc giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

(Quanlynhanuoc.vn) – Quá trình giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị là hoạt động có mục đích của người dạy, với nhiều hình thức phong phú thích hợp với người học, làm cho người học nhận thức được những nội dung tri thức được truyền tải nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị bồi dưỡng thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng. Do đó, để phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp mới, cần thiết phải đổi mới giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị.

 

Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trường cán bộ các bộ, ngành, đoàn thể trung ương lần thứ VII khu vực phía Bắc. Ảnh: hcma.vn
Nội dung giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị

Lý luận chính trị (LLCT) được hiểu là những vấn đề lý luận gắn liền với cuộc đấu tranh giữa các giai cấp trong xã hội có giai cấp, xung quanh vấn đề giành và giữ chính quyền nhà nước1. Còn theo nghĩa hẹp, LLCT là một thuật ngữ dùng để chỉ một hệ thống lý luận trong lĩnh vực chính trị đó là: lý luận Mác – Lênin (triết học Mác – Lênin, kinh tế chính trị Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học); tư tưởng Hồ Chí Minh; lịch sử Đảng. Trong nội dung bài viết, thuật ngữ LLCT được hiểu theo nghĩa hẹp, là các môn học lý luận Mác – Lênin được giảng dạy trong các học viện, trường đại học, cao đẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

Như vậy, có thể hiểu: LLCT là hoạt động tư duy bao gồm các quan điểm phản ánh các nguyên lý, các quy luật vận động của xã hội mang tính giai cấp, dân tộc, của giai cấp cầm quyền dùng để định hướng, điều hành xã hội; là hệ thống quan điểm chính trị của giai cấp công nhân thể hiện trong các môn học chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam… đang được giảng dạy phổ biến ở các học viện, trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam.

Với ý nghĩa quan trọng và cần thiết của môn LLCT mà trong hệ thống các học viện, trường đại học và cao đẳng đã đưa vào chương trình giảng dạy và học tập nhằm hướng đến người học có một tri thức khoa học nhất định trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ tri thức khoa học tự nhiên, tri thức thẩm mỹ đến việc bồi dưỡng nhân cách, đạo đức con người.

Quá trình giảng dạy và học tập các môn LLCT là hoạt động có mục đích của người dạy, với nhiều hình thức phong phú thích hợp với người học, làm cho người học nhận thức được những nội dung tri thức được truyền tải nhằm nâng cao trình độ LLCT, bồi dưỡng thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng. Do đó, để phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp mới, tri thức khoa học trở thành nhân tố tiên tiến của lực lượng sản xuất, làm cho tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất thế kỷ XXI có những thay đổi căn bản, cần thiết phải đổi mới giảng dạy và học tập các môn LLCT.

Đổi mới giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị

Đổi mới dạy và học các môn LLCT là quá trình thay đổi từ nội dung đến phương pháp các môn LLCT nhằm ngày càng nâng cao chất lượng dạy và học, phù hợp với sự tiến bộ tri thức khoa học và hiện thực xã hội. Đổi mới không phải là sự xóa bỏ sạch trơn cái cũ, mà là làm cho cái cũ phù hợp với sự phát triển tiến bộ. Vì vậy, thực chất của sự đổi mới việc dạy và học các môn LLCT là một tất yếu. Trên thực tế, việc đổi mới nêu trên đã và đang được triển khai ở từng mức độ, phạm vi khác nhau. Đã có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học, nhiều phương pháp dạy và học được áp dụng với nhiều đối tượng sinh viên, học viên nhằm đáp ứng nhu cầu tri thức hiện đại của xã hội nói chung và người học nói riêng.

Tuy nhiên, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc đổi mới phương pháp dạy và học các môn LLCT vẫn là một thách thức đối với cả người dạy và người học, mặc dù những phương pháp dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 đã được phổ biến và áp dụng trong nhiều trường đại học và học viện. Song, trong lĩnh vực các môn học LLCT, việc áp dụng khai thác công nghệ 4.0 chỉ mới dừng lại ở các bài giảng, bài thuyết trình bằng công cụ PowerPoint nhưng cũng không được khai thác triệt để.

Gần đây, đại dịch Covid-19 đã trở thành mối đe dọa lớn toàn cầu, bắt buộc nhiều quốc gia phải tuyên bố phong tỏa, tự cách ly xã hội. Điều này, buộc các cơ sở đào tạo triển khai chuyển đổi việc dạy và học bằng phương pháp trực tuyến trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản yêu cầu các trường đại học áp dụng phương pháp dạy và học trực tuyến.

Ở Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, một số trường như: Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc tế… đã chủ động triển khai hoạt động dạy và học trực tuyến. Và lần đầu tiên, các môn học LLCT đã được Khoa Chính trị – Hành chính tổ chức dạy cho sinh viên, trong đó đã thực hiện ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua hoạt động giảng dạy và học tập các môn LLCT. Điều đó cho thấy đội ngũ giảng viên có đủ năng lực tiếp cận và từng bước làm chủ công nghệ giảng dạy trực tuyến kết hợp với phương pháp giảng dạy truyền thống.

Tuy nhiên, việc tổ chức dạy và học các môn LLCT bằng phương pháp trực tuyến cũng có những hạn chế nhất định.

Một là, về phía người dạy.

Phương pháp dạy trực tuyến là một phương pháp mới chưa được phổ biến rộng rãi đối với các giảng viên môn LLCT. Thời gian thực hiện việc triển khai gấp rút, do đó không thể tránh khỏi sự lúng túng, nhất là đối với các giảng viên có tuổi cao và chưa kịp thích ứng với công nghệ dạy học trực tuyến. Hoạt động giảng dạy trở nên đơn điệu phụ thuộc vào bảng trình chiếu.

Các môn học LLCT là khoa học có tính khái quát trừu tượng cao. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy theo phương pháp truyền thống, yêu cầu giảng viên phải tương tác với người học trực tiếp. Tuy nhiên, với phương pháp trực tuyến, các giảng viên không thể nắm bắt tâm lý người học, điều đó dẫn đến sự hoài nghi khả năng tiếp thu của sinh viên.

Phương pháp dạy trực tuyến chỉ có thể áp dụng đối với lớp có số lượng sinh viên ít, càng không thể tổ chức thuyết trình nhóm vì không thể kiểm soát số lượng sinh viên như phương pháp truyền thống.

Về phương diện kỹ thuật, nếu đường truyền internet không tốt, hoặc có lỗi sự cố sẽ làm buổi học có thể bị gián đoạn. Điều này, khiến cho cả người dạy và người học lúng túng.

Hai là, về phía người học.

Chưa phát huy được tính tích cực tự giác học tập. Do không thể tổ chức thuyết trình như các buổi học truyền thống nên tạo ra tâm lý ỷ lại. Các sinh viên, học viên chỉ dựa vào bài giảng của giảng viên mà không chịu tìm tòi, đầu tư kiến thức mặc dù sinh viên, học viên biết và có thể khai thác “kho tư liệu” trên mạng internet. Nguyên nhân của hạn chế trên do nội dung môn học phong phú nhưng thời gian có giới hạn, đòi hỏi người học phải có kế hoạch học tập hợp lý. Tuy nhiên, có thể do áp lực học tập, một số sinh viên chưa có sự đầu tư, thậm chí coi các môn học LLCT chỉ là môn học phụ nên không có sự quan tâm.

Việc học viên có tham gia các buổi học trực tuyến hay không có thể nói là khó kiểm soát đối với giảng viên. Các môn học LLCT là khoa học khái quát cao với hệ thống khái niệm, phạm trù mang tính trừu tượng. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào các slide trình chiếu, sinh viên, học viên sẽ không nắm bắt được bản chất khoa học LLCT.

Đề xuất giải pháp nhằm đổi mới việc giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

Để nâng cao chất lượng môn học LLCT trong các nhà trường, bảo đảm đổi mới việc giảng dạy và học tập phù hợp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cần tập trung một số nội dung sau:

Thứ nhất, nâng cao ý thức của sinh viên, học viên về việc học tập các môn LLCT.

Để đạt đến mục tiêu này đòi hỏi người dạy phải làm cho sinh viên, học viên hiểu: học tập các môn LLCT là học tập về bản chất, thực trạng chính trị, về phương pháp LLCT mà thành quả đạt được là năng lực lập luận, thảo luận về các vấn đề chính trị. Cả người dạy và người học phải xem môn học này là một môn khoa học mang tính khách quan. Người dạy không phải là nhà tuyên truyền chính trị và người học sẽ không phải là những người răm rắp nghe theo và thụ động tiếp nhận mọi quan điểm của thầy.

Bên cạnh đó, sự quan tâm, tham gia vào công việc chính trị, công việc chung của toàn xã hội là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ trưởng thành của một cá nhân. Cho nên việc học các môn LLCT gắn với thực tiễn sẽ nâng cao ý thức và thái độ của sinh viên, học viên, giúp họ chủ động hơn trước những vấn đề hệ trọng của đất nước, của vận mệnh chính thế hệ mình.

Thứ hai, người dạy phải có sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy và trong cách tiếp cận vấn đề của môn học.

Việc giảng dạy nên được chuyển từ “độc thoại” sang “đối thoại”. Trước khi tham dự vào lớp học (dù là trực tiếp tại giảng đường hay là trực tuyến qua màn hình máy vi tính), cả người dạy và người học cần chuẩn bị trước nội dung bài học. Người thầy có nhiệm vụ cung cấp tư liệu cần thiết cho các sinh viên và phân chia nhiệm vụ rõ ràng trong từng buổi học cho từng cá nhân hoặc từng nhóm. Như vậy, buổi học sẽ trở thành một buổi thảo luận về một vấn đề mà ở đó “sân khấu” chính là nơi sinh viên trình bày quan điểm của mình; thầy giữ vai trò điều hành, điều phối và đưa ra nhận xét.

Tinh thần của thảo luận nhất quyết phải dựa trên “sự cưỡng bách của một lập luận tốt hơn”, tức là một lập luận có sức thuyết phục hơn sẽ được thừa nhận, tránh những xu hướng quy chụp chính trị phản khoa học.

Thứ ba, học tập các môn LLCT cần đổi mới theo sự phát triển của công nghệ.

Để tăng tính sinh động cho phần trình bày và diễn giải của mình, cả người dạy và người học nên sử dụng những hỗ trợ của công nghệ, như: hình ảnh 3D, video, clip…

Thứ tư, người dạy và người học cần có cái nhìn đa chiều, đa diện về các vấn đề của môn học khi quan niệm về các môn LLCT như là những môn học có tính khoa học, tính đảng, tính cách mạng.

Để làm được điều này, cần phải có những phương pháp tiếp cận đa dạng khác nhau. Bên cạnh đó, kiến thức liên ngành từ các bộ môn khác cũng là những nguồn lực quan trọng giúp soi sáng và hiểu sâu hơn nội dung các vấn đề của môn học.

Chú thích:
1. Ban Tuyên giáo Trung ương. Chương trình bồi dưỡng chuyên đề: Phương pháp giảng dạy lý luận chính trị. NXB Lao động – Xã hội, 2008, tr. 7.
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Văn Tuấn. Đổi mới giáo dục lý luận chính trị trong các học viện, nhà trường kỹ thuật quân sự hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Luận án tiến sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr. 37.
2. Cách mạng công nghiệp. Bách khoa toàn thư. wikipedia.ogr, ngày 08/02/2021.
TS. Trần Hoàng Hảo
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh