Xây dựng và phát triển kinh tế số của một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Kinh tế số là nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử thông qua internet. kinh tế số được gọi là kinh tế internet (internet economy), kinh tế mới (new economy) hay kinh tế mạng (web economy). Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số với những lợi thế riêng.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Trong một nghiên cứu của Trung tâm kinh doanh toàn cầu Đại học Tufts (Mỹ) đã cho thấy, hiện nay Việt Nam đang đứng vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số (KTS) nhanh trên thế giới; đồng thời, đứng vị trí 22 về tốc độ phát triển số hóa1. Tuy nhiên, trong quá trình tạo lập các điều kiện phát triển KTS, Việt Nam đã và đang gặp một số điểm nghẽn nhất định. Do vậy, chúng ta cần nghiên cứu kinh nghiệm chuyển đổi số (CĐS) của một số quốc gia trên thế giới, từ đó, rút ra bài học trong phát triển KTS ở Việt Nam.

Phát triển kinh tế số ở một số quốc gia

Ma-lai-xi-a

Đây là quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, với dân số khoảng 31.949.777 người, năm 2019, quốc gia này có quy mô GDP đạt 365,3 tỷ USD, lớn thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 33 thế giới, thứ 12 châu Á, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 11,484 USD/người2. Điện tử và viễn thông của Ma-lai-xi-a là 6,38 điểm, xếp thứ 63 trên thế giới. Ma-lai-xi-a đã phát triển KTS trên các trụ cột sau:

(1) Về xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách cải thiện hạ tầng KTS.

Ma-lai-xi-a là quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á ban hành và thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu (Data Protection Act). Chính phủ Ma-lai-xi-a cũng đề ra một số kế hoạch và dự án nhằm nâng cao hạ tầng KTS của quốc gia này, như: dự án High Speed Broadband (HSBB) 1 năm 2008 và 2 giai đoạn 2015 – 2025); Sub – Urban Broadband (SUBB) giai đoạn 2015 – 2019; Rural Broadband (RBB) năm 2015.

Dự án HSBB 1 đã cung cấp hơn 1 triệu cổng kết nối với tốc độ 10Mb/s; dự án HSBB 2 cung cấp 390.000 cổng mới cho các thủ phủ của tiểu bang, thị trấn và các khu vực tăng trưởng cao sử dụng FTTH, ETTH và VDSL lên đến 100Mbps; dự án RBB mở rộng dịch vụ băng thông rộng tại nông thôn; dự án SUBB cung cấp 420.000 cổng mới từ 421 sàn giao dịch và nâng cấp các đường dây đồng hiện có cung cấp băng thông rộng ở các vùng ngoại ô và nông thôn bên ngoài khu vực HSBB và HSBB2 với tốc độ 20Mbps3.

Ủy ban Truyền thông đa phương tiện Ma-lai-xi-a (MCMC – Malaysia Communications and Multimedia Commission) đã thành lập dự án 5G Task Force với mục tiêu nghiên cứu và đề xuất cho Chính phủ về chiến lược triển khai 5G toàn diện.

Chương trình: “MSC Malaysia” (MSC) với mục tiêu hỗ trợ công ty công nghệ địa phương phát triển, thu hút vốn trong và ngoài nước đã mang lại thành quả rõ rệt. Bên cạnh đó, Chương trình “Doanh nhân công nghệ Ma-lai-xi-a” (MTEP – Malaysia Tech Entrepreneur Programme) là chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khá rõ nét của Ma-lai-xi-a.

(2) Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ma-lai-xi-a có các chương trình bồi dưỡng kỹ thuật số như eUshawan với số lượng người tham gia trong các năm 2015, 2016 và 2017 lần lượt là 3.108; 51.203 và 102.269 người4. eUshawan là chương trình đào tạo với mục đích truyền tải những giá trị, kiến thức về kinh doanh kỹ thuật số đến những người kinh doanh trẻ ở khu vực nông thôn, giúp họ ứng dụng kỹ năng về truyền thông, quảng cáo để tăng doanh số bán hàng và cải thiện thu nhập.

Xinh-ga-po

Xinh-ga-po là quốc gia đi đầu trong khối ASEAN về phát triển KTS. Năm 2018, GDP của Xinh-ga-po đạt 373,217 tỷ USD với dân số 5.638.676 triệu dân. Tỷ lệ người dùng internet của Xinh-ga-po làt 88,16% trong năm 20185. Xinh-ga-po đã phát triển KTS trên các yếu tố cơ bản sau:

(1) Về xây dựng cơ chế, chính sách.

Kế hoạch tổng thể iN2015 đã được ban hành để thực hiện chuyển đổi: “một quốc gia thông minh, một thành phố toàn cầu được cung cấp bởi Infocomm”. Kế hoạch đề ra mục tiêu rõ ràng, tạo thêm 80.000 việc làm; 90% sử dụng băng thông rộng tại nhà; 100% quyền sở hữu máy vi tính trong gia đình có trẻ em đi học6.

Năm 2019, cơ quan phát triển truyền thông thông tin Xinh-ga-po (IMDA – Infocomm Media Development Authority) đã triển khai các chương trình như “5G Inovation” với mục đích nghiên cứu và đánh giá các hiệu quả mà 5G mang lại, từ đó, đề xuất một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển (“5G Grant” là sự thúc đẩy nghiên cứu về ứng dụng và giải pháp cho công nghệ 5G).

Xinh-ga-po có các cơ quan, đơn vị hoặc các nhóm chuyên trách có chức năng trong việc hỗ trợ và đẩy mạnh phát triển KTS. Cơ quan phát triển truyền thông, thông tin Xinh-ga-po là một điển hình. Văn phòng Chính phủ số và Quốc gia thông minh (SNDGO – Smart Nation and Digital Government Office) dẫn dắt sự nghiệp CĐS quốc gia, củng cố năng lực dài hạn cho khu vực công. Mặt khác, Chương trình Technology Adoption Program (TAP) được dẫn dắt bởi cơ quan khoa học – công nghệ và nghiên cứu (A*STAR) có trị giá 51 triệu USD (năm 2013) đã giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nỗ lực hơn trong việc chuyển đổi khoa học – công nghệ số7.

(2) Về xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trong việc áp dụng băng thông rộng 15Mbps (IPv4), Xinh-ga-po đã đứng vị trí thứ 6 trên thế giới. Tốc độ tải cố định và di động lần lượt là 52.84 và 181.47Mbps (năm 2018). Tốc độ đường truyền của Xinh-ga-po ngang với Phần Lan và Nhật Bản sau khi tăng từ 5,4Mbps lên 20Mbps trong 4 năm từ (2012 – 2016)8.

E-xtô-ni-a

E-xtô-ni-a là quốc gia khu vực Bắc Âu, với dân số hơn 1,3 triệu dân, GDP đạt 31.471 tỷ USD (năm 2019), tỷ lệ dân số sử dụng internet đạt 89,532%9.

Chỉ số DESI của E-xtô-ni-a trong năm 2018 xếp thứ 9 trên tổng số 28 quốc gia thành viên EU với 59,7 điểm10. Chỉ số DESI giám sát tổng thể hiệu suất và theo dõi tiến trình của các nước châu Âu về khả năng cạnh tranh kỹ thuật số. Với từng tiêu chí đánh giá cụ thể như: kết nối; nguồn nhân lực; sử dụng internet; tích hợp công nghệ số; các dịch vụ chính phủ số… E-xtô-ni-a luôn tăng điểm qua từng năm (xem bảng 1 cuối bài).

(1) Về xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách.

Năm 1995, nguyên Tổng thống E-xtô-ni-a Toomas Hendrik IIves đề xuất ý tưởng “Bước nhảy của hổ” (Tiger leap) với hàm ý thông qua tin học hóa, E-xtô-ni-a hoặc ít nhất nền giáo dục E-xtô-ni-a sẽ có bước nhảy mạnh mẽ trong tương lai. Ý tưởng đã vấp phải nhiều sự phản đối và cho rằng chúng sẽ hủy hoại nền giáo dục. Tuy nhiên, TS. Jaak Aaviksoo – Bộ trưởng Bộ Giáo dục E-xtô-ni-a đã chấp nhận sự rủi ro và triển khai ý tưởng trên với tài trợ 50% số tiền mua máy vi tính cho các địa phương.

Năm 1998, tất cả các trường học tại E-xtô-ni-a đều có phòng máy tính kết nối mạng. Chính sách trên cũng khiến cho các ngân hàng triển khai chương trình để bảo đảm mọi ngôi làng đều có ngân hàng điện tử đặt tại các cơ quan chính quyền hoặc thư viện thành phố đều có internet. Bên cạnh đó, người cao tuổi và người dân nông thôn được học cách sử dụng máy vi tính để giao dịch ngân hàng trực tuyến.

Một biện pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu quốc gia là “Cơ sở hạ tầng băng thông rộng của E-xtô-ni-a – Dự án Network” (EstWin), do Bộ Kinh tế E-xtô-ni-a khởi động vào năm 2009 với mục đích cung cấp 6.600 km cáp quang ở các vùng nông thôn và các khu có ít hơn 10.000 dân. Đến năm 2020, 98% hộ gia đình, doanh nghiệp và tổ chức không được cách Estwin quá 1,5 km và tất cả các nút mạng hiện có đều được kết nối với hệ thống mạng lõi. 85% chi phí của Estwin được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khu vực châu Âu (ERDF), trong khi phần còn lại 15% chi phí xây dựng mạng được đồng tài trợ bởi các nhà khai thác mạng hỗ trợ11.

Ngoài ra, E-xtô-ni-a còn có những chương trình như Chương trình Nghị sự kỹ thuật số 2020 cho E-xtô-ni-a (Digital Agenda 2020 for Estonia), Chiến lược học tập suốt đời của E-xtô-ni-a năm 2020 (Estonian Lifelong Learning Strategy 2020) đã tác động trực tiếp đến sự phát triển KTS và CĐS của E-xtô-ni-a.

(2) Xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế số (xem bảng 2 cuối bài).

Tại E-xtô-ni-a, hầu hết các hộ gia đình đều được bao phủ bởi mạng lưới NGA và có tốc độ truy cập từ 100Mbps trở lên. Phạm vi

phủ sóng băng thông rộng siêu nhanh của nước này cao hơn mặt bằng chung của EU là 13% (năm 2018). E-xtô-ni-a là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực băng thông rộng di động với 125 lượt đăng ký trên 100 người12. Mục tiêu kết nối của một trong những rào cản đề phát triển KTS của E-xtô-ni-a đó là sự thách thức khi triển khai băng thông rộng ở nông thôn. Do vậy, dự án Estwin là một trong những dự án quan trọng, tạo cơ hội cải thiện kết nối giữa các vùng của E-xtô-ni-a, tháo gỡ điểm nghẽn về sự chênh lệch cơ sở hạ tầng giữa các vùng.

Đặc biệt, E-xtô-ni-a đã nhiều năm đi đầu trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, quốc gia này nằm trong 5 quốc gia hàng đầu về các dịch vụ kỹ thuật số. Dịch vụ y tế cũng được số hóa với mỗi người dân tại E-xtô-ni-a khi đến gặp bác sỹ thì đều có bản hồ sơ trực tuyến được lưu trữ. 95% dữ liệu về sức khỏe được số hóa, 99% đơn thuốc và 100% hóa đơn thanh toán đều là kỹ thuật số13.

Cơ sở của những thành quả trên là sự thành công trong sử dụng thẻ điện tử mà Chính phủ E-xtô-ni-a đã ban hành, hỗ trợ cho người dân, tạo cơ sở hạ tầng thông tin kỹ thuật số X-road, từ đó người dân có thể truy cập bằng E-ID của họ. Hằng năm, các dữ liệu dân cư được cho phép thêm vào bởi các thiết lập mở. Hệ thống thông tin được cung cấp đầy đủ, như (bảo hiểm, đăng ký xe, căn cước…), cho phép người dân sử dụng các dịch vụ, như: bỏ phiếu điện tử, thuế trực tuyến, y tế trực tuyến…, giúp người dân tiết kiệm thời gian, tiền bạc thay vì đăng ký và kê khai các dịch vụ trên giấy.

(3) Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

E-xtô-ni-a luôn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Năm 1995, ý tưởng “Bước nhảy của hổ” đã mang hàm ý đem lại sự phát triển cho giáo dục E-xtô-ni-a. Năm 2018, nhân lực của E-xtô-ni-a đứng thứ 10, hoạt động tốt hơn mức trung bình của EU (xem bảng 3 cuối bài).

Các chương trình “The Digital Agenda 2020 for Estonia”, “Estonian Lifelong Learning Strategy 2020” của E-xtô-ni-a đã mang lại hiệu quả rất lớn trong việc phổ cập kỹ năng số cho người dân. Tỷ lệ người có kỹ năng số là khá cao với 60%, cao hơn trung bình cùa EU là 3% 14 (xem bảng 4 cuối bài).

Chiến lược học tập suốt đời năm 2020 của E-xtô-ni-a là: “Tập trung kỹ thuật số vào học tập suốt đời” là ưu tiên hàng đầu vì chúng là tiền đề của thị trường lao động toàn diện, cải thiện năng suất, tăng trưởng kinh tế bền vững.

Những nội dung phát triển kinh tế số của Việt Nam trong thời gian tới

Từ kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển KTS của Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po và E-xtô-li-a, Việt Nam đã và đang thực hiện triển khai CĐS để phát triển KTS. Trong đó, tập trung vào các vấn đề sau:

Một là, vai trò dẫn dắt của Chính phủ trong việc CĐS và phát triển KTS là vô cùng quan trọng đóng vai trò then chốt. Xét trường hợp E-xtô-ni-a, sự sáng suốt và kiên quyết của Chính phủ đã mang lại thành công nhất định mặc dù vấp phải sự phản đối trong khoảng thời gian đầu thực hiện các chương trình hành động. Hầu hết các quốc gia có sự CĐS nhanh chóng và có nền KTS phát triển đều có những chính sách tốt, chương trình hành động hiệu quả từ phía Chính phủ. Do vậy, Chính phủ không những đề ra các chính sách, chương trình hành động, thực hiện đầu tư, mà cần tuyên truyền đến người dân về tầm quan trọng của CĐS và phát triển KTS.

Hai là, tập trung đầu tư cơ sở vật chất trong quá trình CĐS và phát triển KTS. Chú trọng và phát triển đồng đều, giảm thiểu khoảng cách giữa thành thị và nông thôn là một trong những bước đi quan trọng của quá trình CĐS và phát triển KTS.

Ba là, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khả năng sử dụng ứng dụng CNTT của người dân. Tại E-xtô-ni-a, mục đích của “Tiger leap” là ít nhất nền giáo dục sẽ nhận được sự chuyển biến tích cực đầu tiên. Và kết quả cũng cho thấy, khả năng sử dụng CNTT cơ bản nhất của người dân E-xtô-ni-a đã đạt trên 60%. Vấn đề rủi ro về các đối tượng yếu thế trong CĐS được giảm đi đáng kể và không còn là vấn đề đáng lo ngại.

Bốn là, xây dựng và hoàn thiện chính phủ điện tử, thúc đẩy hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến. Việc tiết kiệm thời gian, chi phí về các dịch vụ công là động lực quan trọng trong sự chuyển biến nhận thức về CĐS cho doanh nghiệp, người dân. Hệ thống thông tin chính xác, minh bạch, hiệu quả sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia.

Năm là, Chính phủ cần dự báo những rủi ro mà CĐS và KTS mang lại. Sự chênh lệch hạ tầng kỹ thuật giữa thành thị nông thôn, rủi ro của những tầng lớp yếu thế trong xã hội, sự tấn công và rò rỉ an ninh mạng… cần được nghiên cứu, dự báo trước nhằm góp phần tạo ổn định phát triển kinh tế – xã hội.

Chú thích:
1. Dấu ấn chuyển đổi số Việt Nam năm 2020. http://quocphongthudo.vn, ngày 09/02/2021.
2. Kinh tế Ma-lai-xi-a. http://vi.wikipedia.org, ngày 15/3/2021.
3, 6, 7, 8. Worldbank (2019). The Digital Econ-omy in Southeast Asia: Strengthening the Foundarations for Future Growth. http://docu-ments1.worldbank.org, p. 53, 104, 108.
4. Worldbank (2018). Malaysia’s Digital Economy: A new driver of development, Sep 2018. https://openknowledge.worldbank.org, p. 71.
5, 9. Dữ liệu trực tuyến của WB. http://data.worldbank.org
10, 11, 12, 13, 14. Digital Economy and society Index 2018, Country report Estonia. http://ec.eu-ropa.eu, p. 2, 4, 3, 9, 5.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021.
2. Trần Thị Hằng, Nguyễn Thị Minh Hiền. Quản lý nhà nước trong nền kinh tế số. Tạp chí Lý luận chính trị, số 6/2019.
3. Tống Thế Sơn. Điều kiện phát triển kinh tế số: Nghiên cứu trường hợp Việt Nam. Luận văn Thạc sỹ, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020.
TS. Đặng Thị Hoài
Trường Đại học Thương Mại