Phát triển kinh tế xanh – bước đi bền vững cho sự phát triển của các quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu của nền kinh tế hiện tại và trong tương lai. Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tiêu cực và tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng thì phương thức tăng trưởng kinh tế xanh chính là sự phản ánh chân thực, là mô hình tăng trưởng bền vững của các nước trên thế giới.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Nền kinh tế xanh tại một số nước trên thế giới

Kinh tế xanh (Greeen Economic) là khái niệm đã trở nên quen thuộc với các nền kinh tế trên thế giới. Đây là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, đồng thời, chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên (theo Chương trình môi trường Liên hiệp quốc – 2010).

Hiện nay, kinh tế xanh được hiểu là sự kết hợp giữa 3 yếu tố: kinh tế – xã hội – môi trường. Kinh tế xanh có tính chất bền vững, có nghĩa đó là những hoạt động (trong nền kinh tế) tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích lợi, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người (đặc biệt là yếu tố văn hóa); đồng thời, những hoạt động này thân thiện với môi trường (thành tố quan trọng). 3 yếu tố này được cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững. Kinh tế xanh là một nền kinh tế cần thiết bởi nó tạo ra việc làm, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và ngăn chặn ô nhiễm môi trường, nóng lên toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường.

Trải qua những diễn biến của nhiều cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới và phân tích nguyên nhân của nó, để ứng phó với những tác động và vượt qua khó khăn chung, một số nước trên thế giới đã nghiên cứu và triển khai hệ thống chính sách về tăng trưởng xanh, kết hợp giải quyết khó khăn về kinh tế với nhiều chương trình quan trọng kích thích cho chi tiêu xanh, từ đó hình thành mô hình phát triển kinh tế xanh, bền vững. Điển hình như việc lựa chọn mô hình chuyển đổi cơ cấu ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá. Chuyển dần cơ cấu các ngành, nghề từ nhập khẩu hướng về xuất khẩu. Từ công nghiệp nặng sử dụng nhiều vốn sang công nghiệp sử dụng công nghệ cao. Ví dụ, khi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2007 – 2008 diễn ra, đây không phải là lần đầu các nền kinh tế châu Á bị ảnh hưởng, các nước châu Á đã dần dần dập tắt lây lan và kết quả tích cực đã chứng minh cho nỗ lực của họ. Hàn Quốc là một trong những nước đã vượt lên khủng hoảng một cách ngoạn mục.

Tháng 9/2008, Chiến lược Thực hiện tăng trưởng xanh được Hội đồng quốc vụ thông qua. Để cụ thể hóa, Hàn Quốc đã tiến hành một loạt các hành động mang tính chiến lược, bao gồm: gói kích cầu “Hiệp định tăng trưởng xanh mới”, “Kế hoạch Nghiên cứu và phát triển toàn diện về công nghệ xanh”. Luật khung về tăng trưởng xanh cũng được chính phủ công bố thi hành vào tháng 01/2010. Hàn Quốc xây dựng công nghệ xanh bao gồm các nguồn năng lượng mới và tái sinh, năng lượng có hàm lượng các-bon thấp, quản lý nước công nghệ cao, ứng dụng công nghệ LED, hệ thống giao thông tiết kiệm năng lượng và thành phố xanh công nghệ cao. Công nghiệp công nghệ cao sẽ tập trung vào các lĩnh vực như kết hợp viễn thông và phát thanh, truyền hình, công nghệ thông tin, ứng dụng rô-bot, vật liệu mới và công nghệ nano, dược phẩm sinh học, y học công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, Chính phủ còn đẩy mạnh các chương trình sử dụng năng lượng sinh khối, xây dựng mô hình “nhà ở, trường học và công sở xanh”.

Mỹ là một trong những nước đi đầu thế giới về thực hiện chính sách “kinh tế xanh” nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Chính phủ Mỹ đã thực hiện các chính sách mới nhằm phát triển nền kinh tế thông qua phát triển năng lượng, phát triển kinh tế xanh, thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm bớt ô nhiễm môi trường và thực hiện chính sách tái tạo năng lượng. Trong chiến lược tiết kiệm năng lượng, Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25% lượng phát điện và đến năm 2030 nhu cầu điện trung bình sẽ giảm 15%. Nhằm đạt được các mục tiêu này, Chính phủ Mỹ đã thành lập Cơ quan Triển khai năng lượng sạch (CEDA) thuộc Bộ Năng lượng có chức năng như một “ngân hàng xanh” để huy động và giải ngân vốn đầu tư cho các chương trình năng lượng sạch. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ đã thông qua một loạt tiêu chuẩn mới về khí thải như yêu cầu các công ty sản xuất ô tô chuyển sang các mẫu xe kết hợp sử dụng cả điện và xăng dầu, cùng với việc cải tiến các động cơ để tiết kiệm nhiên liệu1.

Ở châu Âu, Đan Mạch với mục tiêu tham vọng trở thành “quốc gia xanh nhất” tại châu Âu và trên thế giới. Theo chiến lược năng lượng đến 2035, Đan Mạch sẽ hoàn toàn từ bỏ sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong ngành công nghiệp năng lượng. Tất cả năng lượng điện và năng lượng nhiệt sẽ được cung cấp bởi các nguồn nhiêu liệu tái tạo. Để hiện thực hóa tham vọng của mình, Đan Mạch đã thông qua mức thuế đặc biệt với việc xử lý chất thải, bao gồm cả mức phí xử lý chất thải xây dựng. Đồng thời, chi tiêu công cho các sản phẩm hàng hóa do nhà nước điều chỉnh nhằm giảm thiểu lượng rác sinh hoạt và việc sản xuất quá nhiều bao bì hàng hóa. Đối với ngành xây dựng, Đan Mạch quyết tâm xây những tòa nhà có lượng các-bon, đi-ô-xin vô hại đối với môi trường. Tại các công trình nhà ở, xây dựng, Đan Mạch tiến hành lắp đặt các cửa sổ lớn, sao cho các phòng nhận được tối đa ánh sáng. Hạn chế sử dụng điện bằng việc lắp đặt bóng đèn tiết kiệm điện.

Tại Nam Phi, để thực hiện những mục tiêu xanh hóa nền kinh tế trong Chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ Nam Phi đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng trong việc giảm bớt tỷ lệ các-bon trong hoạt động sản xuất, như giảm lượng phát thải 34% vào năm 2020 và 42% vào năm 2025. Trong Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững và Bản Kế hoạch hành động, Chính phủ Nam Phi đã xác định 5 ưu tiên chiến lược, gồm: tăng cường các hệ thống kết hợp lập kế hoạch với triển khai thực hiện; bảo tồn hệ sinh thái quốc gia và sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả; chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh; xây dựng cộng đồng phát triển bền vững; thực hiện ứng phó một cách hiệu quả với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Chính phủ Nam Phi đã phát triển một loạt các sáng kiến về quản trị xanh nhằm thiết lập các quy định mang tính nguyên tắc, baogồm: yêu cầu các quỹ hưu trí phải xem xét các rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị như là một phần trong quá trình xem xét đầu tư (Quy định 28); Bộ Quy tắc hướng dẫn đầu tư có trách nhiệm cho các ngành công nghiệp tại Nam Phi; quy định yêu cầu các công ty niêm yết cung cấp các báo cáo tổng hợp về hiệu quả cũng như rủi ro xã hội và môi trường2.

Kinh tế xanh tại Việt Nam – phát triển bền vững nền kinh tế trong biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu tác động đến tất cả các ngành, nghề từ nông nghiệp, công nghiệp, nông, lâm – thủy sản, đến một số lĩnh vực lao động và xã hội của nước ta. Làm giảm đi nguồn sinh kế của người dân, gia tăng đói, nghèo. Việt Nam không thể mãi dựa vào các khoản viện trợ, các gói vay từ quốc tế nếu muốn phát triển đất nước bền vững. Bên cạnh thiên tai, biến đổi khí hậu thì tình hình dịch bệnh (cúm gia cầm, Covid-19…) đã tác động rất lớn đến kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững, chỉ có phát triển xanh, tăng trưởng xanh mới là lựa chọn đúng đắn và lâu dài. Việc học tập kinh nghiệm các nước đã thành công về kinh tế xanh kết hợp với linh hoạt trong xây dựng chính sách phát triển cơ cấu ngành, nghề và điều chỉnh sao cho phù hợp với chính trị, xã hội, vị trí địa lý và nền văn hóa của nước ta. Một số giải pháp được đề ra như sau:

Thứ nhất, cải thiện môi trường thông qua xanh hóa nền kinh tế. Khắc phục và hạn chế những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế tới môi trường. Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ cần có chiến lược để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xanh bằng cách xây dựng hành lang pháp lý công bằng và có hiệu lực, có những chế tài đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi hủy hoại môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Xây dựng những luật, quy định thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ phát triển cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có hướng phát triển xanh, kinh doanh xanh, bảo vệ môi trường. Tài nguyên và nguồn lực của quốc gia phải được giao tới những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực sử dụng nguồn lực mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội và hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh.

Thứ hai, kêu gọi đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cần được Chính phủ kiểm soát chặt chẽ. Kiên quyết không cho các tập đoàn, tổ chức nước ngoài có xu hướng gây hại đến môi trường được phép đầu tư kinh doanh, xây dựng, sản xuất.

Thứ ba, tiêu dùng xanh là xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây tại Việt Nam. Người tiêu dùng nước ta đã có những nhận thức và ưu tiên nhất định trong việc sử dụng sản phẩm xanh. (Ví dụ: sử dụng sản phẩm eco, organic, dùng túi đi chợ bằng vải, hạn chế dùng túi nilon, sản phẩm gia dụng thân thiện môi trường…). Đây là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, do vậy, việc sản xuất sản phẩm xanh trong môi trường xanh cần được dịch chuyển ngay từ bây giờ chính là hướng đi bền vững cho các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh.

Thứ tư, Việt Nam cần học tập mô hình “chi tiêu công xanh” của Nam Phi để phát triển kinh tế xanh của đất nước. Mô hình này cho phép các sản phẩm xanh và hoạt động đầu tư xanh hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Thông qua hoạt động này, Chính phủ có thể thúc đẩy công nghệ xanh phát triển, thông qua khuyến khích sử dụng hàng hóa xanh ở cả khu vực công và khu vực tư nhân, qua đó giảm chi phí đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh và khuyến khích tiêu dùng bền vững. Chính phủ hỗ trợ các thị trường sản xuất lương thực hữu cơ, năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng.

Chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế xanh là xu hướng nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng tới. Để có hướng đi bền vững, Chính phủ Việt Nam cần có một kế hoạch tổng thể làm cơ sở cho các ý tưởng phát triển xanh được đi vào hoạt động. Để thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế xanh được hiệu quả thì điều quan trọng là phải lồng ghép vào chiến lược phát triển kinh tế chung cùng với việc phân bổ ngân sách cụ thể, bảo đảm có đủ nguồn lực trong thời gian dài trước khi nhận được những hiệu quả cụ thể do nền kinh tế xanh mang lại.

Chú thích:
1. Tương lai tươi sáng của kinh tế xanh. http://tietkiemnangluong.evn.com.vn, ngày 11/10/2017.
2. Stadium, M. Review of green economy and climate finance: Overview of South Africa’s Key National Initiatives, National Treasury. 2014.
Tài liệu tham khảo:
1. Global Green Growth Institute. Kinh nghiệm tăng trưởng xanh của Hàn Quốc: Quá trình, kết quả và bài học rút ra. 2015.
2. Ðan Mạch – Ðiển hình về một nền kinh tế xanh và bền vững. Tạp chí Môi trường. Số 12/2017.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hương
Học viện Hành chính Quốc gia