Bức tranh kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam – Những gam màu sáng

(Quanlynhanuoc.vn) – Trước bối cảnh dịch bệnh covid-19, thực hiện “mục tiêu kép” được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương đã đồng thuận thực hiện linh hoạt, hiệu quả, với mục tiêu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của người dân, nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2021. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021 là những gam màu sáng đáng khích lệ.

 

Tổng cục Thống kê công bố Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: vtv.vn

Kinh tế – xã hội (KTXH) 6 tháng đầu năm của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới dần phục hồi, một số quốc gia đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin phòng dịch Covid -19 đã đạt được những kết quả ban đầu, các nước phát triển dần mở cửa trở lại. Thương mại toàn cầu tiếp tục phục hồi, giá cả hàng hóa thế giới có xu hướng tăng, lạm phát rủi ro tài chính gia tăng ở một số nền kinh tế lớn. Trong nước, tiếp đà những kết quả quan trọng, ấn tượng đã đạt được của năm 2020, kinh tế vĩ mô của nước ta tiếp tục ổn định, sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm đạt kết quả khá. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4 tại các tỉnh kinh tế trọng điểm, như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… đã đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, điều hành để phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Tình hình kinh tế

Theo báo cáo Tổng cục thống kê tại buổi họp báo, ngày 29/6/2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển KTXH năm 2021.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng đạt khá, đặc biệt là vụ lúa đông xuân đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay ở mức 68,3 tạ/ha; chăn nuôi lợn phục hồi và chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, tổng đàn lợn và gia cầm thời điểm cuối tháng sáu ước tăng lần lượt 11,6% và 5,4% so với cùng thời điểm năm trước. Xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu hồi phục, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại các thị trường nước ngoài tăng trở lại, sản lượng tôm thẻ chân trắng 6 tháng đầu năm tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp trong quý II/2021 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 11,45% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,91%; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,42%, cao hơn tốc độ tăng 5,06% của cùng kỳ năm 2020.

Hoạt động của doanh nghiệp cơ bản vẫn bảo đảm. Sự gia tăng về số lượng và vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội tại các địa bàn có sự bùng phát của dịch, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 1,1%); hoạt động vận tải hành khách tiếp tục gặp khó khăn; vận tải hàng hóa được duy trì.

Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán tiếp tục có khởi sắc với mức tăng trưởng tích cực nhất của thị trường chứng khoán. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2021 theo giá hiện hành tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này phản ánh kết quả của các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp, cũng như xu thế đón đầu dòng vốn FDI đang chuyển dịch vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

Tiến độ thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm ước tính đạt 57,7% dự toán năm. Chi ngân sách được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, ưu tiên chi cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 6 giảm nhẹ so với tháng trước, tuy nhiên vẫn đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại 6 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 1,47 tỷ USD.

Về tình hình xã hội

Tình hình lao động, việc làm quý II/2021 chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Số lượng lao động đang làm việc giảm so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều tăng. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, số lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế vẫn tăng, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm và thu nhập của người lao động tăng.

Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng KTXH khu vực nông thôn. Đến hết tháng 5/2021, cả nước có 5.282 xã và 191 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có 336 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 12 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam) được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các địa phương vẫn tiếp tục phấn đấu thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phục hồi và phát triển KTXH. Đồng thời, các địa phương triển khai nhiều hình thức tạo việc làm, trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, trợ cấp cho người dân trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh. Vì vậy, đời sống của Nhân dân nhìn chung vẫn được giữ ổn định.

Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là 6.906 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công là 2.540,9 tỷ đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 1.354,7 tỷ đồng; hỗ trợ cứu đói và các đối tượng bảo trợ xã hội là 1.958,4 tỷ đồng; hỗ trợ các đối tượng khác là 1.052 tỷ đồng. Có hơn 30 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.

Một số giải pháp chủ yếu trong thời gian tới

Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục điều hành thực hiện các giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm, cụ thể:

Một là, tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, quyết liệt thực hiện phòng, chống Covid-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động kết hợp với cải cách thể chế kinh tế.

Hai là, tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời.

Ba là, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bốn là, tăng cường đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ những vướng mắc về thể chế đầu tư công, xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng; thu hút FDI phù hợp; đào tạo lao động có tay nghề cao.

Năm là, chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương về hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số; xúc tiến thương mại; hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ vận chuyển, thanh toán trực tuyến; vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước.

Sáu là, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng, chống thiên tại, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, dưới sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước hy vọng 6 tháng cuối năm 2021, Việt Nam tiếp tục được xem là một hình mẫu thành công trong phòng, chống dịch và phát triển KTXH.

Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Thống kê. Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021. Hà Nội, ngày 29/6/2021.
2. Năm 2020: Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất và nhanh nhất thế giới. http://hdll.vn, ngày 04/3/2021.
3. Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
4. Phân tích của Liên hiệp quốc về tác động xã hội của đại dịch Covid-19 đối với Việt Nam và các khuyến nghị chính sách chiến lược. https://www.unicef.org, ngày 30/8/2020.

Hoàng Thị Trang
Học viện Hành chính Quốc gia