Quan điểm Đại hội XIII của Đảng về đẩy mạnh chuyển đổi số

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm gần đây, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đem lại một số kết quả nhất định cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và từng ngành, lĩnh vực nói riêng. Đại hội XIII của Đảng đã đề cập nội dung chuyển đổi số là một tất yếu khách quan và có lộ trình, bước đi thích hợp với việc chuyển đổi số. Bài viết tập trung làm rõ một số khái niệm cơ bản về chuyển đổi số, thực trạng việc đẩy mạnh chuyển đổi số theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng.

 

Ảnh: dangcongsan.vn

Đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) hiện nay đang được rất nhiều quốc gia trên thế giới tiến hành, đem lại những thành công nhất định, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức…Ở nước ta, CĐS là một nội dung quan trọng được Đại hội XIII của Đảng đặc biệt quan tâm và đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chuyển đổi số ở nước ta thời gian qua 

Có rất nhiều cách tiếp cận và quan niệm CĐS ở những khía cạnh khác nhau: theo Microsoft cho rằng: CĐS là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới. Còn theo quan điểm của FPT, CĐS trong tổ chức, doanh nghiệp (DN) là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang DN số bằng cách áp dụng công nghệ mới, như: dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty1.

Thực tế cho thấy, CĐS đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số và làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng, cũng như đời sống văn hóa – xã hội. Do đó, CĐS đang dần trở thành xu thế không thể đảo ngược và là bước đi quan trọng để thực hiện nền kinh tế số và xã hội số, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế và mỗi tổ chức, cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có, cũng là những thách thức, yêu cầu mới.

CĐS không phải là cuộc cách mạng của công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới và mô hình mới. Chỉ có đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình2.

Từ những cách tiếp cận trên, theo tác giả, CĐS là hoạt động tích cực, chủ động của người đứng đầu DN, cơ quan, đơn vị trong triển khai, áp dụng công nghệ hiện đại vào các hoạt động sản xuất – kinh doanh, phát triển rút ngắn thời gian lao động, nâng cao hiệu quả công việc.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra các mục tiêu cụ thể cho sự phát triển của đất nước trong những năm tới. Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp (GDP bình quân đầu người ước đạt 4.700 – 5.000 USD/năm); đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 7.500 USD/năm); đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển có thu nhập cao (đến năm đó, tiêu chí sẽ thay đổi, theo tiêu chí hiện nay, GDP bình quân đầu người phải đạt trên 12.535 USD/năm)3.

Để thực hiện được mục tiêu đó, Đại hội XIII của Đảng đã xác định nhiều nhóm giải pháp ở các ngành, lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực CĐS được xác định: “Phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số và co iđây là nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”4. Đại hội cũng khẳng định, cùng với sự phát triển mạnh mẽ khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, CĐS là một trong ba trụ cột thực hiện phát triển nhanh, phát triển bền vững; đồng thời là một trong những khâu đột phá lớn, góp phần “tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”5.

Trong thực tiễn, CĐS đã được các DN lớn và một số quốc gia phát triển áp dụng, gặt hái thành công trong quá trình tạo lập nền kinh tế số, góp phần tạo chuyển biến lớn cho nền kinh tế. Nghiên cứu của Microsoft tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2017 đã chỉ ra rằng, CĐS giúp năng suất lao động khu vực này tăng 15% và dự đoán năm 2020 là 21%; đồng thời, tác động của CĐS mang lại cho GDP là 6% trong năm 2017, 25% năm 2019 và dự đoán năm 2021 là 60%. Nghiên cứu do McKensey thực hiện cho thấy, mức độ tác động đến GDP tại Mỹ là 25%, Bra-xin là 35% và các nước châu Âu khoảng 36%6. Theo nhận định của các tổ chức uy tín trên thế giới: quyết tâm CĐS mạnh mẽ sẽ giúp Việt Nam tăng năng suất lao động lên từ 30 – 40%, đóng góp từ 20 – 30% vào tăng trưởng GDP, tránh được bẫy thu nhập trung bình.

Thống kê cụ thể cho thấy: năm 2015 kinh tế số ở Việt Nam đạt quy mô khoảng 3 tỷ USD, đến năm 2019 giá trị đó đạt khoảng 12 tỷ USD, gấp 4 lần năm 2015, đóng góp 5% vào GDP của quốc gia. Báo cáo của Google và Temasek (Xinh-ga-po) dự báo đến năm 2025, nếu giữ vững đà tăng trưởng quy mô nền kinh tế số tại Việt Nam sẽ đạt con số 30 tỷ USD. Còn theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019”, giá trị đó sẽ chạm mốc 43 tỷ USD với các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ”7.

Trên cơ sở đánh giá, phân tích thực tiễn, nhận thức đúng thời cơ, vai trò quan trọng của cách mạng công nghệ 4.0 đối với sự nghiệp đổi mới. Đại hội XIII xác định thúc đẩy mạnh mẽ CĐS là một trong những trọng tâm chính của nhiệm kỳ tiếp theo: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 để khoa học – công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”8. CĐS quốc gia được thực hiện trên thế “kiềng ba chân” là Chính phủ số – kinh tế số – xã hội số. Việc xây dựng Chính phủ điện tử được nhận định tạo điều kiện tiên quyết để xây dựng thành công Chính phủ số tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Một số biện pháp cơ bản đẩy mạnh chuyển đổi số theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Một là, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải quyết liệt, chủ động thay đổi tư duy nhận thức về tính tất yếu của CĐS, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 của Đại hội XIII nêu rõ: “Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, kích cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm”9. Theo đó, trong thời đại bùng nổ thông tin, với nhiều tính năng, tác dụng rất hiện đại của các trang thiết bị máy móc khác nhau, nếu mỗi người, nhất là người đứng đầu DN, cơ quan, đơn vị, địa phương không tích cực, chủ động thay đổi thói quen cũ, đưa công nghệ số (CNS) vào thực tiễn công việc thì không thể có những bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, cải thiện đời sống của Nhân dân; nhanh chóng tiếp cận CNS, từng bước triển khai tổ chức thực hiện, trước mắt ở những lĩnh vực, ngành nghề như quản trị số, xây dựng hệ thống dữ liệu, xử trí, tiếp cận thông tin đến với người dân được nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Cần có kế hoạch, chiến lược quy hoạch tổng thể, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho mục đích CĐS, đào tạo, sắp xếp nhân lực chất lượng cao cho CĐS; người đứng đầu DN, cơ quan, đơn vị, địa phương phải tiên phong khởi xướng việc CĐS, không được chần chừ, do dự, mà phải quyết liệt nắm bắt những yêu cầu, nhiệm vụ đang đặt ra, có sự tiếp nhận, xử lý công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Có như vậy, mới đem lại sự đổi thay, khác lạ, một diện dạo mới cho DN, cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trên thực tế, triển khai ứng dụng CNS đã góp phần tối ưu năng suất làm việc của người lao động; tăng tính cạnh tranh cho DN; giảm chi phí vận hành; rút ngắn thời gian ra quyết định của các lãnh đạo nhờ vào hệ thống báo cáo kịp thời, chính xác; giúp tăng trải nghiệm của người dân đối với dịch vụ hành chính công, cải tiến quy trình cung cấp dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại…

Hai là, thực hiện CĐS được tiến hành toàn diện, đồng bộ nhưng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực.

Đại hội XIII đã nêu lên định hướng lớn đó là: “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”10. Theo đó, việc CĐS phải được diễn ra toàn diện, đồng bộ trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, y tế, quốc phòng – an ninh và đối ngoại… Trong đó, tập trung ưu tiên những ngành, lĩnh vực có khả năng CĐS nhanh, trọng điểm, mũi nhọn, tạo ra ưu thế, năng suất đem lại hiệu quả cao, không những giảm lao động chân tay cho công nhân, người lao động mà ngay cả đối với những nhà lãnh đạo, quản lý, điều hành, như: giáo dục – đào tạo, y tế, tài chính, ngân hàng, sản xuất công nghiệp…

Muốn thực hiện được những nội dung trên thì chúng ta phải tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận tiện cho các bộ phận, lực lượng thực hành CĐS. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: “Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo…”11; xây dựng được hệ thống nền tảng số mang tầm quốc gia để gắn kết với các địa phương, bảo đảm việc triển khai, tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Đại hội XIII xác định: “phát triển mạnh hạ tầng xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số”12; chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để thực hành CĐS. Đồng thời, xác định: đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị DN13.

Ba là, thực hành CĐS kết hợp chặt chẽ giữa sáng tạo và phát huy nội lực, hướng đến phát triển ổn định, bền vững đất nước.

Đại hội XIII xác định phải chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh…14; đồng thời, cần “nâng cao năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, cơ cấu lại các chương trình nghiên cứu khoa học – công nghệ theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm…”15, “khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước”16. Theo đó, trong quá trình CĐS cần khuyến khích, khơi nguồn sáng tạo cho tất cả người dân trong xã hội, nhất là doanh nhân, những người tài năng truyền đạt kinh nghiệm, phương pháp CĐS; đẩy mạnh hợp tác, liên doanh, liên kết giữa Nhà nước với các DN để gặp gỡ, trao đổi, giải quyết, tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình CĐS; có cơ chế, chính sách hợp lý, kịp thời để khai thác, sử dụng nguồn nội lực trong nước kết hợp với ngoại lực để các cá nhân, tổ chức yên tâm trong quá trình triển khai thực hiện CĐS; đặc biệt, lấy DN làm trung tâm trong thực hành CĐS, đó sẽ là những “bệ phóng”quan trọng để chúng ta kết nối với bên ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong khu vực và thế giới.

Chú thích:
1. Chuyển đổi số là gì? Lợi ích và chiến lược thực thi A – http://amis.misa.vn, ngày 01/3/2021.
2. Bài nói chuyện về chuyển đổi số của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị chuyển đổi số tỉnh Bà Rịa – VũngTàu. http://vietnamnet.vn, ngày 30/3/2021.
3. Những điểm mới trong mục tiêu phát triển đất nước. http://nhandan.com.vn, ngày 13/3/2021.
4, 5, 8, 9, 10, 11, 12, 13,14, 15, Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 214, 221, 46, 213, 115, 223, 222, 231, 120, 41, 107.
6. Phải chia sẻ và kết nối để vượt thách thức của chuyển đổi số. http://baochinhphu.vn, ngày 14/12/2020.
7. Phát triển kinh tế số – chuyển đổi mang tính chiến lược. http://www.most.gov.vn, ngày 23/01/2021.
ThS. Nguyễn Thị Linh
Học viện Cảnh sát Nhân dân