Phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là hồn thiêng của dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng và truyền thống “uống nước nhớ nguồn. Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh còn mang ý nghĩa là nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế. Việc quản lý nhằm bảo vệ và phát huy hiệu quả của di tích trong cuộc sống đương đại, trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân trở thành yêu cầu cấp thiết ở mỗi địa phương nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng.

 

Di tích Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động Thành đánh Dinh Độc Lập. Ảnh: vnexpress.net.

Di tích là những trang sử sống mang dấu ấn về sự biến động, thăng trầm của nhiều thời kỳ lịch sử, đồng thời cũng là bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Di tích lịch sử cách mạng (DTLSCM) là địa điểm lưu lại những dấu ấn cùng những trang sử vẻ vang với các chiến công oai hùng của ông cha ta trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. DTLSCM cấp quốc gia là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là hồn thiêng của dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng và truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh còn mang ý nghĩa là nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế. Việc quản lý nhằm bảo vệ và phát huy hiệu quả của di tích trong cuộc sống đương đại, trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân trở thành yêu cầu cấp thiết ở mỗi địa phương nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Do vậy, cần hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị lịch sử truyền thống góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế của địa phương.

Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến tháng 02/2021, tổng số di tích được xếp hạng trên địa bàn là 185 di tích, trong đó có 24 DTLSCM quốc gia. Các DTLSCM cấp quốc gia đã xếp hạng phân bố tập trung trên địa bàn các quận, huyện nhưng tập trung nhiều ở các quận, như: Quận 1 (5 di tích), Quận 3 (3 di tích), Quận 5, Quận 9, Quận 10, quận Tân Bình và huyện Hóc Môn. Trong số DTLSCM cấp quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh đã được xếp hạng, có 17 di tích thuộc quyền sở hữu nhà nước và 7 di tích thuộc quyền sở hữu tư nhân1.

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về DTLSCM cấp quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh có nhiều chuyển biến tích cực. Những chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng về bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử; các quy định của pháp luật về di tích lịch sử được tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể Nhân dân. Do đó, nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ giữ gìn các di tích được nâng lên rõ rệt. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý di tích cũng được nâng cao. Công tác chỉ đạo thực hiện các nội dung chuyên môn sát sao, cụ thể, cóhiệu quả. Việc xếp hạng, khoanh vùng bảo vệ di tích đã tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ di tích ở Thành phố. Công tác tu bổ, tôn tạo từng bước đi vào nề nếp. Nguồn kinh phí cho hoạt động này đã được xã hội hóa nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp từ nguồn kinh phí của Nhà nước, từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Cùng với sự phát triển về kinh tế, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị DTLSCM cấp quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh luôn được quan tâm và đạt được nhiều kết quả tốt. Nhiều di tích đã trở thành sản phẩm du lịch – văn hóa và là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Điều này, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, làm thay đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống Nhân dân. Bên cạnh đó, DTLSCM cấp quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh còn mang ý nghĩa về nhiều mặt.

Một là, DTLSCM cấp quốc gia là địa điểm in dấu những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ. Là địa điểm lưu giữ, trưng bày hình ảnh, hiện vật về lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và Nhân dân qua các thời kỳ, như: Dinh Quận Hóc Môn, Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động Thành đánh Dinh Độc Lập, Ngã ba Giồng Chiến khu Rừng Sác…

Hai là, DTLSCM cấp quốc gia trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trở thành địa điểm du lịch sinh thái, du lịch về nguồn góp phần phát triển du lịch nói riêng và góp phần phát triển kinh tế của địa phương nói chung. Số lượng du khách tham quan về nguồn ngày càng tăng. Chẳng hạn, tại di tích Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động Thành đánh Dinh Độc Lập bình quân mỗi tháng đón khoảng 200 – 300 khách du lịch (chủ yếu là khách nước ngoài). Ba là, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về những chiến công anh dũng, sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ cha anh đi trước. Để có được những trận đánh “xuất quỷ nhập thần”, lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định đã sử dụng nhiều cơ sở để cất giấu vũ khí. Một trong những cơ sở đó chính là căn hầm tại số nhà 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Nơi đây chứa đựng gần 2 tấn vũ khí để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Căn hầm lịch sử là minh chứng cho thấy tinh thần quyết tâm chiến đấu để giành tự do của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Họ làm tất cả những gì có thể để giành độc lập cho đất nước. Hiện nay, căn hầm đã trở thành một địa chỉ đỏ để thế hệ trẻ tham quan và học tập.

Bốn là, nhiều di tích đã được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và khai thác có hiệu quả góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc; giáo dục truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Bên cạnh đó, còn thể hiện giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa; thể hiện sự tài hoa, trí sáng tạo, đức tính cần cù, tinh thần anh dũng hy sinh của Nhân dân ta; là bằng chứng cho lịch sử phát triển của TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước DTLSCM cấp quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh cũng còn một số tồn tại.

Thứ nhất, khu căn cứ Rừng Sác chưa khai thác hết tiềm năng du lịch, bởi sự hạn chế công trình về giao thông, dịch vụ nhà nghỉ, nhà chờ chưa đáp ứng kịp với tiềm năng du lịch sẵn có.

Thứ hai, tình trạng công trình di tích bị xuống cấp không được kịp thời bảo quản, tu bổ; còn chờ đợi vào kế hoạch tu bổ di tích của Thành phố và kinh phí đầu tư tu bổ từ nguồn ngân sách Nhà nước. Cụ thể, khu đất di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son (số 2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé,Quận 1) và các tài sản gắn liền với di tích có kế hoạch đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích sau khi Bộ Quốc phòng bàn giao lại cho TP. Hồ Chí Minh quản lý2.

Thứ ba, các địa điểm căn cứ cách mạng để trong tình trạng không hoạt động, ít được quan tâm. Tiêu biểu: phòng 5 số 88, đường Lê Lợi, phường Bến Thành, Quận 1, nơi thành lập Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên đồng chí Hội vẫn luôn trong tình trạng đóng cửa; căn phòng số 1, nhà số 1, đường Nguyễn Trung Trực, phường Bến Thành, Quận 1 (Di tích lịch sử quốc gia này là nơi ra đời tổ chức An Nam Cộng sản Đảng năm 1929 cũng trong tình trạng đóng cửa). Bên cạnh đó, còn có các di tích cấp quốc gia khác như: Cơ sở in ấn của Hội Ủng hộ Vệ quốc đoàn, Hầm bí mật chứa vũ khí thời kháng chiến chống Mỹ, Cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ, Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động Thành đánh Dinh Độc Lập năm 19683… Các DTLSCM cấp quốc gia này mang ý nghĩa lịch sử to lớn, song chưa thực sự được khai thác để mang lại đúng ý nghĩa của một DTLSCM cấp quốc gia.

Thứ tư, một loạt các di tích lịch sử trên địa bàn Thành phố đang bị lãng quên. Nếu có phương án khai thác tốt thì đây sẽ là những điểm đến hấp dẫn du khách mỗi khi đặt chân đến Thành phố mang tên Bác.

Nguyên nhân của những hạn chế trên có thể kể đến, như: kinh phí hoạt động của từng cơ sở về thu ngân sách và thu sự nghiệp chưa đáp ứng đủ hoạt động và phát triển đơn vị. Các DTLSCM đa số không có nguồn thu, do đó còn thụ động phụ thuộc kinh phí của ngân sách nhà nước; nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực DTLSCM khá ít. Bên cạnh đó, các DTLSCM cấp quốc gia chưa được quan tâm đúng mức trong việc kết nối phát triển du lịch của địa phương.

 

Di Tích Dinh Quận Hóc Môn (Bảo Tàng Huyện Hóc Môn). Ảnh: hocmon.gov.vn.
Những vấn đề đặt ra và hướng xử lý

Chương trình mục tiêu quốc gia về Phát triển văn hóa giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ đã khẳng định: “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; phát triển các công trình văn hóa hiện đại, có ý nghĩa biểu tượng quốc gia, ý nghĩa chính trị, lịch sử, truyền thống đặc sắc hướng tới mục tiêu chiến lược xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”4.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Chính phủ nhằm cụ thể hóa những nội dung của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về chiến lược văn hóa trong thời kì đổi mới tiếp tục khẳng định: “Đầu tư đồng bộ bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa tiêu biểu trở thành những di sản có chất lượng cao về khoa học bảo tồn và môi trường văn hóa, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế du lịch. Triển khai việc quy hoạch chi tiết đối với các di tích để giải quyết hợp lý, hài hòa, bền vững giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội”5.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa trong hoạt động quản lý nhà nước, trước thực trạng DTLSCM cấp quốc gia trên địa bàn, chính quyền TP. Hồ Chí Minh cần có giải pháp để khắc phục những hạn chế. Cụ thể:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về giá trị di tích và ý thức chấp hành pháp luật về di tích, bảo vệ di tích trong cộng đồng. Chú trọng xây dựng nội dung tuyên truyền pháp luật về di tích với những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ với nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di tích với phương châm “đưa di tích về cộng đồng”, có nghĩa là cư dân địa phương tham gia vào việc quản lý, bảo vệ di tích, đồng thời quan tâm đến lợi ích cộng đồng; coi trọng giải quyết các mối quan hệ giữa trách nhiệm và lợi ích của cộng đồng cư dân trong toàn bộ các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền vun đắp, các giá trị bền vững cho di tích chính là “tính thiêng” của mỗi di tích để vừa tạo ra sựriêng biệt của di tích vừa thu hút Nhân dân, khách thập phương đến tham quan.

Thứ hai, xây dựng chiến lược, chính sách phải dựa trên quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển của địa phương để bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị. Cụ thể hóa văn bản quy phạm pháp luật và chính sách đối với DTLSCM cấp quốc gia để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tăng nguồn ngân sách từ trung ương và địa phương, đồng thời, xã hội hóa trong hoạt động quản lý nhà nước về DTLSCM cấp quốc gia tại địa bàn. Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để triển khai thực hiện bảo tồn, trùng tu các di tích xuống cấp; tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương, các nguồn vốn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động kết nối cộng đồng để phát triển du lịch. Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ để phát triển du lịch, tăng cường đầu tư hệ thống giao thông, phương tiện vận tải phục vụ du khách trong quá trình tham quan; đầu tư nhà hàng, khu nhà nghỉ, trạm dừng chân để thu hút khách du lịch. Tăng cường trong mối quan hệ liên kết hợp tác giữa lãnh đạo Thành phố, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch với các địa phương trong hoạt động quảng bá, kích cầu phát triển sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch về nguồn góp phần phục hồi ngành Du lịch và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống đến thế hệ trẻ về các DTLSCM. Tổ chức các hội thi tìm hiểu về bảo tồn và phát huy giá trị DTLSCM, tổ chức tham quan các DTLSCM cấp quốc gia vào các ngày lễ truyền thống của đất nước.

Thứ năm, kiện toàn tổ chức bộ máy, đồng thời, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn về DTLSCM. Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ công tác tại Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm văn hóa 24 quận, huyện, các ban Quản lý di tích và các cá nhân sở hữu các DTLSCM cấp quốc gia. Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp tham gia duy tu, sửa chữa, phục hồi các DTLSCM không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ trong công tác quản lý và bảo tồn DTLSCM, trọng dụng người có tài, có đức.

Thứ sáu, thanh tra, kiểm tra thường xuyên về việc chấp hành pháp luật về di sản sản văn hóa; thanh tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị DTLSCM trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; tiếp nhận, phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm về DTLSCM cấp quốc gia như lấn chiếm khu vực di tích, các hoạt động làm ảnh hưởng đến mỹ quan kiến trúc đô thị, làm hư hại đến kiến trúc DTLSCM…

Chú thích:
1. Tác giả tổng hợp từ danh sách các công trình, địa điểm đã được quyết định xếp hạng di tích trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (đến hết tháng 02/2021) của Sở Văn hóa và Thể thao Hồ Chí Minh.
2, 3. TP. Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Quốc phòng bàn giao đất tại Ba Son. https://www.sggp.org.vn, ngày 22/8/2020.
4. Quyết định số 936/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia về Phát triển văn hóa giai đoạn 2016 – 2020”.
5. Quyết định số 581/2019/QĐ-TTg ngày 06/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Di sản Văn hóa năm 2001.
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa năm 2009
3. Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều củaLuật Di sản Văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa.
4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VIII, IX, X, XI, XII và XIII.
ThS. Phạm Thành Vao
 Học viện Hành chính Quốc gia