Phát triển nguồn nhân lực giám định âm thanh trong Công an Nhân dân phục vụ công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố mang tính quyết định trong công tác bồi dưỡng nhân lực cho đội ngũ công an nhân dân nói chung và trong công tác giám định âm thanh nói riêng, góp phần thành công trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Trong phạm vi bài viết, tác giả trao đổi một số vấn đề phát triển nguồn nhân lực giám định âm thanh trong công an nhân dân phục vụ công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm.

 

Cán bộ Viện Khoa học hình sự, Bộ Công An. Ảnh: cand.com.vn.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, Đảng và Nhà nước ta càng đặc biệt coi trọng việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực (NNL) chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh  công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay. Phát triển NNL là vấn đề mang tính quyết định của mọi công việc, được cụ thể hóa trong các văn bản, nghị định, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, cụ thể:

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 67 nêu rõ: Nhà nước xây dựng công an nhân dân (CAND) cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tại Đại hội XI (năm 2011), Đảng nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước, là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững”1. Những quan điểm này đánh dấu sự chuyển hướng từ nhận thức có tính chất lý luận về vị trí, vai trò của nhân tố con người và NNL đến coi phát triển NNL và NNL chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá của chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ 2011 – 2020.

Tại Đại hội XII (năm 2016), Đảng ta đưa ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển NNL trong thời gian tới, đòi hỏi cần phải: “Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực, với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong nhà trường cũng như trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp và kỹ năng thực hành”2. Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, trong nội dung về các đột phá chiến lược, có nêu: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”3.

Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân Việt Nam, lực lượng CAND có vai trò nòng cốt, là lực lượng xung kích, trực tiếp trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội của đất nước. Trong điều kiện hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của lực lượng CAND càng trở nên hết sức to lớn, nặng nề, khó khăn và phức tạp. Hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, quản lý nhà nước, đấu tranh, phòng, chống tội phạm xâm phạm an ninh, trật tự và các vi phạm pháp luật khác của đất nước phụ thuộc vào NNL CAND, vào phẩm chất, năng lực trình độ chuyên môn và hiệu quả công tác của ngành Công an và người công an cách mạng. Đặc biệt trong lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự nói chung,giám định âm thanh (GĐÂT) nói riêng việc định hướng xây dựng phát triển NNL chất lượng cao đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay – xuất phát từ vai trò tiên quyết, then chốt, là “chìa khóa” trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm của lĩnh vực GĐÂT trong thời kỳ bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Thực trạng nguồn nhân lực giám định âm thanh trong công an nhân dân hiện nay

Trong lĩnh vực kỹthuật hình sự của CAND, trung bình mỗi năm tiến hành giám định gần 000 vụ theo yêu cầu, trưng cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức nhà nước, phục vụ điều tra, làm rõ vụ việc, vụ án4.

GĐÂT là một chuyên ngành của giám định kỹ thuật hình sự; theo quy định tại Điều 87 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015, kết luận GĐÂT là nguồn chứng cứ khoa học rất có ý nghĩa trong điều tra giải quyết các vụ án hình sự. Mặc dù là chuyên ngành giám định ra đời muộn so với các chuyên ngành giám định khác nhưng GĐÂT đã từng bước khẳng định được vai trò trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Khảo sát thực tế công tác GĐÂT từ năm (2010 – 2020) cho thấy, lực lượng kỹ thuật hình sự đã tiến hành giám định 1.099 vụ việc với 3.454 yêu cầu giám định; số lượng vụviệc được trưng cầu giám định hằng năm có xu hướng gia tăng5. Mặc dù số vụ việc và yêu cầu GĐÂT xuất hiện ở mọi lĩnh vực, có cả những vụ GĐÂT là chứng cứ duy nhất để chứng minh tội phạm, có những vụ việc đòi hỏi giám định viên phải là chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tuy nhiên tất cả các yêu cầu giám định đều được thực hiện bảo đảm khách quan, khoa học và chính xác.

Về thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác GĐÂT trong CAND hiện nay được bố trí tại Viện Khoa học hình sự(C09), Bộ Công an – cơ quan đầu ngành của lực lượng công an về giám định kỹ thuật hình sự. Giám định viên âm thanh thuộc biên chế của Phòng Giám định kỹ thuật số và điện tử, được tuyển dụng từ những người có năng lực về công nghệ thông tin, phục vụ nghiên cứu, phân tích đánh giá “âm thanh” trong những vụ việc, vụ án, từ đó đưa ra kết luận chính xác, khách quan và khoa học. Để có kết quả đó, trước hết có thể nhận thấy, NNL GĐÂT trong CAND thể hiện những ưuđiểm cụ thể sau:

(1) Giám định viên âm thanh trong CAND phải khẳng định họ là những nhà khoa học thực sự, có bản lĩnh chính trị, có lập trường chính trị vững vàng, được bồi dưỡng các kiến thức trong ngành Công an;

(2) Có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ thông tin;

(3) Nắm chắc các quy định của pháp luật, như: Luật Giám định tư pháp, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, để có căn cứ định hướng phát triển NNL GĐÂT trong CAND thời gian tới, cần đánh giá một cách toàn diện những khía cạnh còn tồn tại, ảnh hưởng liên quan có tác động đến NNL của lực lượng này, như: (1) Việc phân cấp GĐÂT cho cấp cơ sở (cấp tỉnh) hầu như chưa được triển khai; (2) Vấn đề hợp tác quốc tế đã được đề cập, tuy nhiên chưa thường xuyên dẫn tới việc tiếp cận công nghệ, tri thức của các nước phát triển chưa đáp ứng được; (3) Trang thiết bị, phương tiện phục vụ đào tạo NNL GĐÂT mặc dù đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được trong bối cảnh hiện nay; (4) Hệ thống lý luận liên quan đến GĐÂT còn chưa cụ thể và chưa hoàn thiện gây ảnh hưởng tới việc đào tạo NNL trong lĩnh vực này.

Một số đề xuất để phát triển nguồn nhân lực giám định âm thanh

Thứ nhất, xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giám định viên trong CAND đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở nhận thức về vai trò, vị trí của công tác GĐÂT trong CAND, các cơ quan chức năng phải xây dựng kế hoạch và nội dung bồi dưỡng cần thiết, chủ động tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề, các buổi tọa đàm khoa học. Qua đó, lồng ghép các nội dung có liên quan về vị trí, tầm quan trọng của dấu vết âm thanh đối với công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác GĐÂT phục vụ các yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Thứ hai, cần thường xuyên tổng kết kinh nghiệm về GĐÂT trong đấu tranh, phòng chống tội phạm. Qua sơ kết, tổng kết hằng năm, nêu nổi bật những ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong hoạt động nghiên cứu dấu vết âm thanh để cho cán bộ thấy rõ tầm quan trọng của dấu vết âm thanh là nguồn chứng cứ quan trọng và có giá trị cao trong chứng minh tội phạm trong tình hình hiện nay.

Thứ ba, thông qua các buổi hội thảo chuyên đề hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm trong GĐÂT, làm cho cán bộ đều nhận thức được vai trò, vị trí tầm quan trọng của hoạt động GĐÂT trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GĐÂT. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ giám định, tiếp cận được những thành tựu của khoa học, công nghệ mới, hiện đại của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước về cơ sở vật chất, máy móc, phương tiện kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả giám định phục vụ công tác điều tra tội phạm. Trong điều kiện khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, công nghệ và các phương tiện kỹ thuật không ngừng thay đổi, phát triển với một tốc độ nhanh, có khi chỉ vài năm, thậm chí chỉ một số tháng là đã có những công nghệ mới ra đời, hợp tác quốc tế sẽ giúp cho giám định kỹ thuật hình sự, GĐÂT có thể “đi tắt, đón đầu”, từng bước rút ngắn và tiếp cận trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nội dung hợp tác cần chú trọng các mặt công tác sau:

Đào tạo kỹ năng, phương pháp giám định cho giám định viên, cán bộ giám định, tập trung vào các nội dung giám định mà Việt Nam chưa giám định được hoặc đang gặp khó khăn vướng mắc cần có chuyên gia hỗ trợ.

Chuyển giao công nghệ, hướng dẫn sử dụng, ứng dụng có hiệu quả các phương tiện, công nghệ mới để mởrộng khả năng thực hiện các yêu cầu giám định liên quan đến âm

Trao đổi kinh nghiệm trong GĐÂT phục vụ công tác điều tra tội phạm và tranh thủ nguồn tài trợ, tăng cường thu hút viện trợ, đầu tư trang bị phương tiện hiện đại cho lĩnh vực GĐÂT.

Hợp tác trong GĐÂT các vụ việc cụ thể phục vụ cho công tác điều tra tội phạm ở mỗi nước. Cùng với sự phát triển và mở rộng của hội nhập và hợp tác quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, do sự khác biệt về ngôn ngữ nên rất khó có thể thực hiện giám định tiếng nói của người nước ngoài khi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam và ngược lại, người Việt Nam phạm tội trên lãnh thổ nước khác. Vì vậy, hợp tác quốc tế trong GĐÂT dưới dạng “ủy thác giám định” cần được nghiên cứu, đặt ra trong thời gian tới.

Hình thức hợp tác: (1) Cử giám định viên có trình độ cao sang báo cáo về công tác KTHS và công tác GĐÂT. Việt Nam cần mời nhiều chuyên gia giỏi của các nước phát triển đến tập huấn dài hạn cho giám định viên, cánbộ giám định và nội dung tập huấn tập trung vào những nội dung mà lĩnh vực GĐÂT còn gặp nhiều vướng mắc; (2) Hợp tác với các trường công an, trung tâm đào tạo uy tín của các nước trên thế giới để mở các lớp đào tạo ngắn hạn (tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ) và đào tạo dài hạn (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành về kỹ thuật hình sự và GĐÂT), tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học liên quan đến GĐÂT trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm; (3) Đẩy mạnh các hoạt động kết nghĩa, giao lưu, liên kết đào tạo giữa lực lượng kỹ thuật hình sự Việt Nam, các trường CAND với các Viện nghiên cứu, Trung tâm giám định, các trường cảnh sát ở các nước trong khu vực và trên thế giới dưới dạng bản ghi nhớ hợp tác để đào tạo NNL, giải quyết các yêu cầu thực tiễn và liên kết giám định phục vụ công tác điều tra tội phạm khi có nhu cầu.

Thứ năm, cần nghiên cứu, xác định lộ trình phân cấp GĐÂT tới cấp cơ sở để phát triển NNL ở lĩnh vực này, cụ thể: (1) Xây dựng lộ trình phân cấp GĐÂT ở cấp cơ sở, trong đó xác định một số tỉnh, thành phố lớn tiến hành trước sau đó làm tiền đề để tiến hành các địa phương khác; (2) Quy hoạch, bồi dưỡng ở mỗi tỉnh, cấp cơ sở một số cán bộ chuyên sâu về lĩnh vực âm thanh, để có đủ điều kiện, kiến thức bổ nhiệm chức danh giám định viên tư pháp về lĩnh vực này; qua đó nắm được quy trình, làm chủ được phương tiện, máy móc phục vụ GĐÂT. (3) Trang bị, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn, tập huấn về các phương tiện phục vụ giám định âm thanh. Trong đó, Viện Khoa học hình sự chủ trì, cử các chuyên gia về GĐÂT bồi dưỡng, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trong tiến hành giám định, qua đó phát triển đội ngũ này ở cấp cơ sở.

Thứ sáu, đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giám định viên âm thanh, cụ thể:

Khai thác tối đa tính năng, tác dụng của những phương tiện kỹ thuật hiện có, chú trọng hoạt động bảo dưỡng, bảo trì bảo đảm các phương tiện kỹ thuật luôn hoạt động tốt, đáp ứng yêu cầu công tác chiến đấu. Muốn vậy, phải thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn. Các thiết bị, phương tiện kỹ thuật cần có đầy đủ hồ sơ, sổ sách thống kê, kiểm tra tài sản định kỳ hằng quý, hằng năm; cần giao trách nhiệm quản lý, sử dụng và bảo quản tài sản cho từng bộ phận; hằng tháng kiểm tra, báo cáo, sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời. Đồng thời, tranh thủ mở rộng hợp tác với các đơn vị, cơ sở, trung tâm, doanh nghiệp trong và ngoài ngành Công an trong quá trình khai thác, sử dụng và bảo trì những phương tiện kỹ thuật hiện có.

Quá trình trang bị phương tiện kỹ thuật mới phải căn cứ vào nhu cầu công tác hiện tại, khả năng, năng lực sử dụng của cán bộ giám định. Tránh tư tưởng trang bị nhiều phương tiện mà không phù hợp với nhu cầu, chưa có lực lượng để sử dụng gây lãng phí, không phát huy hết giá trị sử dụng của phương tiện. Ưu tiên trang bị những phương tiện kỹ thuật mà trong nước đã sản xuất được nhằm tiết kiệm ngân sách, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền khoa học, công nghệ nước nhà; chỉ nhập khẩu những phương tiện của nước ngoài khi trong nước không thể sản xuất được.

Thứ bảy, bổ sung, hoàn thiện lý luận liên quan đến GĐÂT phục vụ phát triển NNL. Bộ Công an và công an các cấp cần có sự quan tâm, đầu tư đến công tác nghiên cứu khoa học, trong đó có sự đầu tư thích đáng cho đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu lý luận. Có chính sách thu hút các nhà khoa học có tài, đặc biệt là các học viên đã tốt nghiệp đại học, sau đại học ở các cơ sở đào tạo danh tiếng trên thế giới để xây dựng được đội ngũ cán bộ nghiên cứu có khả năng nghiên cứu lý luận.

Viện Khoa học hình sự là cơ quan đứng đầu về chuyên môn giám định kỹ thuật hình sự cần tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an phương hướng bổ sung, hoàn thiện lý luận về GĐÂT trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Quá trình nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện lý luận âm thanh và GĐÂT, những người làm công tác nghiên cứu khoa học phải thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn, tổng kết thực tiễn, coi trọng các nhật ký khoa học, luôn chú trọng khái quát những vấn đề thực tiễn có tính quy luật thành lý luận để có hệ thống lý luận toàn diện, phù hợp hơn, phục vụ có hiệu quả cho công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011,tr. 41, 130.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2016,90, 116.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021,203.
4, 5. Viện Khoa học hình sự. Báo cáo Tổng kết công tác năm từ 2012 – 2020, Hà Nội, 2020.
ThS. Nguyễn Ngọc Hoan – ThS. Đỗ Ngọc Tân
Học viện An ninh Nhân dân