Niềm tin của xã hội đối với Chính phủ

(Quanlynhanuoc.vn) – Niềm tin của xã hội đối với Chính phủ là chủ đề dành được sự quan tâm lớn của nhiều quốc gia và thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu, chính trị gia ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh cải cách khu vực công và sự ra đời, phát triển của các phong trào dân chủ mạnh mẽ và rộng khắp trên toàn cầu. Bài viết nghiên cứu và gợi mở một số đề xuất nhằm xây dựng và củng cố niềm tin của xã hội đối với chính phủ ở Việt Nam.
Niềm tin của xã hội đối với chính phủ là yếu tố cần thiết giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và mở rộng kế hoạch của các chủ thể kinh tế, tăng tính năng động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhận thức về niềm tin của xã hội đối với chính phủ

Trong những thập kỷ vừa qua, niềm tin của xã hội (NTXH) đối với chính phủ trở thành một chủ đề trung tâm trong các tranh luận về cải cách khu vực công (KVC). Niềm tin là một khái niệm rộng, được sử dụng cho nhiều đối tượng, trong nhiều bối cảnh khác nhau. Niềm tin là một hiện tượng chủ quan, được phản ánh qua nhận thức hoặc đánh giá chủ quan của cá nhân về hành động của một người, nhóm hoặc tổ chức khác trong việc đáp ứng những kỳ vọng của mình. Christensen và Legreid cho rằng, NTXH đối với chính phủ (public/social trust in government) là một khái niệm nhiều mặt, phức tạp và khá mơ hồ1. Theo Miller và Listhaug “Niềm tin của xã hội đối với chính phủ phản ánh những đánh giá về việc các cơ quan chính phủ và các tổ chức chính trị có đang hoạt động theo đúng kỳ vọng của xã hội hay không. Kỳ vọng của người dân về cách thức hoạt động của chính phủ bao gồm: công bằng, bình đẳng, trung thực, hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của xã hội”2. Barnes và Gill cho rằng, NTXH đối với chính phủ là mức độ tin cậy của người dân, tổ chức vào năng lực, hoạt động điều hành chính phủ của họ (bao gồm cả các chính trị gia và quan chức nhà nước) để “làm điều đúng đắn”, hành động phù hợp và trung thực thay mặt công chúng3. Việc xây dựng và củng cố NTXH có ý nghĩa quan trọng và được các chính phủ trên thế giới đặc biệt quan tâm bởi một số lý do sau đây:

Thứ nhất, NTXH đối với chính phủ là nhân tố quan trọng tác động đến khả năng điều hành của chính phủ và cho phép các cơ quan chính phủ hành động mà không cần dùng đến sự ép buộc. NTXH đối với chính phủ có thể cải thiện việc tuân thủ các quy tắc, quy định và giảm chi phí thực thi. Trên thực tế, các quy tắc và quy định không bao giờ hoàn hảo hoặc đủ hoàn hảo. Do vậy, NTXH đối với chính phủ có thể dẫn đến việc tuân thủ trên tinh thần tự nguyện cao hơn4.

Thứ hai, NTXH đối với chính phủ có ý nghĩa quan trọng trong đến việc hoạch định và thực thi hiệu quả các chính sách công. Sự tin tưởng của xã hội vào các tổ chức chính phủ có thể hỗ trợ việc triển khai các chính sách công, như việc thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sẵn sàng hy sinh một số lợi ích trước mắt nếu họ có kỳ vọng tích cực về kết quả lâu dài hơn của các chính sách công, hoặc bằng cách đóng góp cho lợi ích chung. Đồng thời, hiểu được NTXH có thể làm cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà phân tích về quản trị công nhạy cảm hơn và đáp ứng được kỳ vọng của người dân.

Thứ ba, NTXH đối với chính phủ là yếu tố cần thiết giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và mở rộng kế hoạch của các chủ thể kinh tế, tăng tính năng động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế5. Ví dụ, sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, trong khi chính phủ của các quốc gia OECD tìm kiếm con đường phục hồi kinh tế, thách thức mà họ đối mặt không chỉ là việc lựa chọn chính sách mà còn là cách thực hiện các chính sách đó. Tuy nhiên, năng lực thực hiện phụ thuộc rất nhiều vào NTXH đối với chính phủ tại các quốc gia này. Sự suy giảm lòng tin có thể dẫn đến tỷ lệ tuân thủ các quy tắc và quy định thấp hơn. Người dân và doanh nghiệp cũng có thể ngại rủi ro hơn, trì hoãn các quyết định đầu tư, đổi mới.

Thứ tư, NTXH có thể giúp các chính phủ thực hiện thành công các chương trình cải cách. Nếu không có sự tin tưởng vào các chính phủ, rất khó có thể huy động được sự hỗ trợ cho những cải cách cần thiết, đặc biệt là những thời điểm cần có sự hy sinh ngắn hạn trong khi lợi ích dài hạn có thể ít hữu hình hơn. Trong trường hợp NTXH thấp, người dân sẽ ưu tiên các lợi ích trước mắt, điều đó sẽ khiến các chính trị gia hướng tới việc ưu tiên cho lợi ích ngắn hạn thông qua thái độ tự do và dân túy6. NTXH đối với chính phủ vừa là đầu vào cho cải cách KVC – cần thiết để thực hiện cải cách – đồng thời là kết quả của cải cách, vì chúng ảnh hưởng đến thái độ và quyết định của xã hội đối với các chương trình, dự án cải cách của chính phủ.

Thứ năm, niềm tin vào chính phủ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khủng hoảng, rủi ro, như thiên tai, khủng hoảng kinh tế hoặc bất ổn chính trị… Sau hậu quả của những thảm họa lớn, sự thiếu tin tưởng có thể cản trở các giải pháp mang tính khẩn cấp hoặc năng lực hành động của chính phủ. Ví dụ, trong tất cả các giai đoạn của đại dịch Covid-19, bao gồm ngăn chặn, giảm thiểu và phục hồi, NTXH đối với chính phủ là yếu tố rất quan trọng đối với khả năng phản ứng nhanh chóng của chính phủ và bảo đảm sự hỗ trợ của người dân.

Lực lượng chuyên trách thực hiện quy định về kiểm tra y tế, đo thân nhiệt tại khu cách ly ở trung đoàn 59, Bộ tư lệnh Thủ đô – Ảnh: Nam Trần
Một số vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng và củng cố niềm tin của xã hội đối với chính phủ trong bối cảnh mới

Một Chính phủ tốt trước tiên phải là một Chính phủ có được niềm tin từ xã hội. Bối cảnh chung của thế giới, khu vực và tình hình cụ thể của mỗi quốc gia đang đặt ra nhiều vấn đề trong việc xây dựng và củng cố NTXH đối với chính phủ. Cụ thể là:

Nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đang phải đối mặt với xu hướng suy giảm NTXH đối với chính phủ ở các mức độ khác nhau, thậm chí ở nhiều các quốc gia dân chủ tiên tiến (ví dụ, Hoa Kỳ, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-da, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển, Na Uy và Niu-Di-Lân)7. Kết quả khảo sát của các tổ chức quốc gia và quốc tế như: Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Văn phòng Quản lý Thông tin Chính phủ Úc, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Tổ chức Minh bạch Quốc tế đều cho thấy, có sự suy giảm lòng tin diễn ra ở nhiều quốc gia8. Theo cuộc thăm dò ý kiến ​​của Gallup World, từ năm 2007 đến 2015, sự tin tưởng vào Chính phủ giảm trung bình 2% ở các nước thành viên OECD (từ 45% xuống 43%). Ở một số quốc gia như: Slo-ve-ni-a, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Phần Lan và Mê-hi-cô mức giảm còn rõ ràng hơn9. Mặc dù tốc độ suy giảm khác nhau giữa các quốc gia tùy theo hoàn cảnh địa cụ thể, nhưng nhìn chung đây là xu hướng phổ biến trên thế giới10.

Trong bối cảnh suy giảm NTXH đối với chính phủ đang diễn ra ngày càng phổ biến, việc xây dựng và duy trì và củng cố NTXH là một yêu cầu đối với các chính phủ, nhưng là vấn đề khó và phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với chính phủ các quốc gia trên thế giới. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và những lợi ích của việc truy cập vào thông tin, người dân cũng đang nhanh chóng trở thành cư dân mạng, hình thành kiến ​​thức và mạng lưới truyền thông của riêng họ. Những điều này cho thấy, môi trường phức tạp hơn cho các chính phủ trong việc duy trì niềm tin của các bên liên quan.

Cuộc cách mạng công nghệ thông tin đòi hỏi các chính phủ suy nghĩ nghiêm túc về cách thức và phương tiện trong việc tổ chức lại các hệ thống cung cấp dịch vụ công cho người dân để duy trì và củng cố NTXH đối với chính phủ. Đồng thời, sự lớn mạnh của phong trào dân chủ đặt ra yêu cầu về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình ngày càng cao. Yêu cầu về sự công khai và minh bạch của KVC được đặt ra xuất phát từ “quyền được biết” của công dân trong xã hội dân chủ pháp quyền11. Trong những thập kỷ gần đây, người dân và các nhóm bên liên quan đang đòi hỏi sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và khả năng trả lời cao hơn từ các chính phủ. Thêm vào đó, khi đời sống và trình độ dân trí cao hơn, kỳ vọng của họ về hiệu quả hoạt động của chính phủ sẽ tăng lên. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong trường hợp kỳ vọng của người dân tăng nhanh hơn hiệu quả thực tế của các chính phủ, thì lòng tin và sự hài lòng có thể giảm xuống12.

Một số yếu tố tác động đến niềm tin của xã hội đối với chính phủ

Có nhiều yếu tố tác động đến NTXH đối với chính phủ, trong đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra hai nhóm nhân tố tác động chủ yếu, bao gồm nhóm nhân tố liên quan đến hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ và nhóm nhân tố liên quan đến việc bảo đảm các giá trị công của chính phủ. Cụ thể là:

Nhóm nhân tố thứ nhất, nhiều nghiên cứu đã chứng minh mối quan hệ chặt chẽ giữa năng lực, hiệu quả hoạt động của chính phủ và NTXH đối với chính phủ13. Nhóm nhân tố này được thể hiện ở những khía cạnh sau:

Năng lực điều hành, quản lý và khả năng đáp ứng các nhu cầu xã hội của chính phủ tác động quan trọng đến NTXH. Một chính phủ đáp ứng các yêu cầu và nhu cầu của công chúng một cách nhanh chóng, hiệu quả có thể nâng cao mức độ tin cậy của người dân. Việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ công là một trong những hoạt động chính của chính phủ. Mặc dù dịch vụ công là quyền lợi, nhưng người dân lại phụ thuộc vào năng lực của các chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ mà họ cần, ở mức chất lượng mà họ mong đợi. Khả năng đáp ứng không chỉ đề cập đến cách người dân tiếp nhận các dịch vụ công mà còn là cách chính phủ lắng nghe người dân và phản hồi phản hồi của họ. Theo nghĩa này, chính phủ phải lắng nghe quan điểm và nhu cầu của công dân, hiểu mối quan tâm và kỳ vọng của họ và phản ánh những điều này trong các quyết định và hành động của chính phủ nếu họ muốn duy trì lòng tin của công chúng.

NTXH đối với chính phủ phụ thuộc vào sự phù hợp giữa kỳ vọng của công dân (và doanh nghiệp) và hoạt động thực tế của chính phủ14. Hiệu quả hoạt động của chính phủ ở cấp độ vĩ mô thể hiện ở các chỉ số như tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lạm phát và sự ổn định của chính phủ15, trong khi hiệu quả của chính phủ ở cấp vi mô chủ yếu đề cập đến chất lượng cung cấp dịch vụ của chính phủ, như chính sách, trường học, giao thông công cộng, công viên, đường phố, điều kiện giao thông, an toàn thực phẩm, dịch vụ y tế công cộng, chỗ ở, giá cả sinh hoạt, các dịch vụ giải trí,…16

Nhóm nhân tố thứ hai liên quan đến việc bảo đảm và tôn trọng các giá trị KVC trong hoạt động của chính phủ. Xây dựng NTXH đối với chính phủ không chỉ về hiệu quả hoạt động của chính phủ và kết quả của các hành động của chính phủ mà còn về các giá trị, nguyên tắc như tính liêm chính, minh bạch, công bằng trong hoạt động của chính phủ. Cụ thể là:

NTXH đối với chính phủ phụ thuộc vào tính liêm chính của chính phủ. Liêm chính là nói đến mức độ trong sạch của chính phủ. Chỉ số quan trọng để xác định điều này là mức độ tham nhũng trong KVC cao hay thấp. Thông thường mức độ tham nhũng càng cao thì mức độ liêm chính càng thấp.  Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tham nhũng dẫn đến việc tạo ra hố sâu về mức độ tin cậy đối với chính phủ. Tham nhũng có nhiều khả năng có tác động tiêu cực đến lòng tin của công chúng đối với chính phủ và các thể chế chính trị khác, đặc biệt là về lâu dài17.

Tính minh bạch của chính phủ đề cập đến việc chính phủ cung cấp thông tin cho người dân, bao gồm thông tin về các chính sách, quyết định, quy tắc và quy định công. Cụ thể, nó liên quan đến ba khía cạnh riêng biệt: tính minh bạch của quá trình ra quyết định, tính minh bạch của nội dung chính sách và tính minh bạch của các kết quả hoặc hiệu quả chính sách18. Sự minh bạch của chính phủ được coi là một nhân tố quan trọng tới NTXH vào chính phủ. Do vậy, tính minh bạch có thể được coi là giải pháp trong việc cải thiện hoạt động của chính phủ, ngăn chặn tham nhũng, nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân và cũng cho phép người dân có thể tham gia vào việc giám sát hoạt động cụ thể của chính phủ tốt hơn.

Tính công bằng trong hoạt động và điều hành của chính phủ với tư cách là một khía cạnh của sự tin cậy, giải quyết mối quan tâm này bằng cách tập trung vào việc chính phủ đối xử nhất quán với người dân và doanh nghiệp, và bảo vệ việc theo đuổi lợi ích của xã hội nói chung.

Một số kiến nghị trong việc xây dựng và củng cố niềm tin của xã hội đối với Chính phủ ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Trong di sản tư tưởng của mình, có tới 51 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tới cụm từ “lòng tin tưởng” và có gần 350 lần Người nhắc tới cụm từ “tin tưởng” (trong tác phẩm “Lòng tin tưởng” mặc dù chỉ vẻn vẹn 769 chữ, nhưng hai cụm từ trên xuất hiện tới 15 lần) – điều đó cho phép chúng ta khẳng định một điều chắc chắn rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đề cao vai trò và coi trọng việc xây dựng lòng tin tưởng cho toàn thể dân tộc ta, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên19. Trong đó, có thể khẳng định, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ là một nội dung đặc biệt quan trọng.

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đang phải đối mặt với xu hướng suy giảm NTXH đối với chính phủ, nhiều nghiên cứu và khảo sát như chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) cho thấy, những tín hiệu đáng mừng về mức độ hài lòng và chỉ số NTXH đối với các hoạt động và điều hành của Chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua. Ví dụ: theo kết quả khảo sát năm 2019, người dân, tổ chức tiếp tục có những đánh giá cao về kết quả cải cách hành chính ở các địa phương (tỷ lệ điểm trung bình đạt 84,51%). Điều này cho thấy, niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân ngày càng cao đối với các chủ trương, chính sách cải cách hành chính tại địa phương. Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng về tiếp cận dịch vụ là 86,48%, về thủ tục hành chính là 86,54%, về công chức là 85,62%, về kết quả dịch vụ là 88,56% và về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức là 73,66%20.

Theo Báo cáo kết quả chỉ số SIPAS 2019 do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố, năm 2019, 84,45% người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ nói chung của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, tăng gần 1,5% so với năm 2018, gần 2,3% so với năm 201721. Kết quả của cuộc khảo sát toàn cầu, do cơ quan nghiên cứu xã hội hàng đầu của Sin-ga-po-re (Blackbox Research) nhằm đánh giá mức độ hài lòng của người dân tại 23 nước và vùng lãnh thổ đối với các nỗ lực của Chính phủ nước mình trong việc phòng, chống dịch Covid-19, người dân Việt Nam đã rất hài lòng và tin tưởng vào các biện pháp của Chính phủ trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Một yếu tố góp phần giúp Việt Nam xếp thứ hạng cao trong cuộc khảo sát đó là có tới 94% người dân Việt Nam được hỏi cho biết việc duy trì thông tin minh bạch về tình hình dịch bệnh đã giúp người dân đặt trọn niềm tin vào Chính phủ22. Đây là những dấu hiệu đáng mừng, để tiếp tục xây dựng, duy trì và củng cố NTXH đối với Chính phủ một cách bền vững, cần chú trọng tới một số vấn đề sau:

Thứ nhất, nâng cao năng lực của chính phủ trong hoạt động quản lý và gia tăng khả năng đáp ứng tốt hơn nữa các nhu cầu của xã hội thông qua việc điều hành kinh tế vĩ mô của quốc gia, giải quyết các vấn đề xã hội như công ăn việc làm, môi trường, giáo dục, y tế, giao thông… Để xây dựng được một chính phủ có năng lực, phục vụ nhân dân ở nước ta hiện nay, cần xây dựng một đội cán bộ, công chức có năng lực, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất tốt, tận tụy và chuyên nghiệp. Đây là nội dung quan trọng và then chốt trong việc xây dựng và duy trì NTXH đối với Chính phủ.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế “lắng nghe” và phản hồi từ xã hội. NTXH được cải thiện khi công dân được tham gia và đóng góp ý kiến ​​vào việc hoạch định chính sách và phản hồi về các dịch vụ công của Chính phủ. Chính phủ cần giám sát hiệu quả dịch vụ và bảo đảm phản hồi của người dân được chuyển thành các dịch vụ tốt hơn một cách nhất quán. Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ công, sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, thể hiện Chính phủ, chính quyền phục vụ, vì dân. Đây không chỉ là một việc làm mới, khó, mà còn nhạy cảm, vì nó đòi hỏi Chính phủ, chính quyền dũng cảm lắng nghe ý kiến phê bình của người dân, tổ chức và ngược lại, người dân, tổ chức cũng dũng cảm đưa ra những nhận xét thẳng thắn đối với Chính phủ, chính quyền.

Thứ ba, gia tăng độ tin cậy của các chính sách, pháp luật, quy định và các quyết định của Chính phủ. Để có được độ tin cậy ở những nội dung này đòi hỏi Chính phủ phải có năng lực và trách nhiệm trong việc dự đoán nhu cầu, biến động, xu hướng trong và ngoài nước để giảm thiểu tính không chắc chắn trong môi trường kinh tế, xã hội và chính trị mà người dân phải đối mặt. Các chính sách, pháp luật, quy định của Chính phủ cần bảo đảm và đáp ứng được độ chắc chắn, ổn định, khả thi và phù hợp với nhu cầu của người dân và xã hội.

Thứ tư, xây dựng Chính phủ liêm chính và công bằng từ sự liêm chính trong cơ chế điều hành của tổ chức đến phẩm chất của từng thành viên của Chính phủ, thể hiện ở tính liêm khiết, trong sạch, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, không vụ lợi cá nhân, lợi ích nhóm…

Tính liêm chính và công bằng đòi hỏi các nguyên tắc hành chính chung phải được xác định rõ ràng và tuân thủ ở tất cả các cấp quản lý. Thay vì chỉ công bố các nguyên tắc chỉ đạo của mình, Chính phủ cần chủ động sử dụng tất cả các cơ hội để chứng minh ý nghĩa của chúng trong thực tế. Sự tương tác, minh bạch và cởi mở của các hoạt động cũng như xác định các quy tắc chung là điều cần thiết để củng cố lòng tin giữa các tổ chức chính phủ. Một trong những nội dung và giải pháp quan trọng nhất trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính là việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường xây dựng đạo đức công vụ. Đạo đức công vụ cần được chú trọng xây dựng và rèn luyện bởi đây là yếu tố quyết định tới niềm tin của người dân và xã hội đối với Chính phủ. Các hệ thống giá trị công vụ như: liêm chính, trung thực, khách quan, trung thành, phục vụ nhân dân cần được gìn giữ và phát huy đối với các nhà lãnh đạo và công chức chính phủ.

Thứ năm, xây dựng Chính phủ “mở” thông qua gia tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Cốt lõi của Chính phủ “mở” là thực hiện tốt công khai, minh bạch thông tin; bảo đảm tốt sự tham gia của người dân và coi trọng việc thực hiện tự quản xã hội. Chính phủ “mở” mang lại cho người dân cơ hội đánh giá các hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ. Công khai, minh bạch thông tin là cơ sở để bảo đảm sự tham gia và giám sát của người dân, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của Chính phủ, cũng như góp phần hạn chế tham nhũng trong KVC và giúp cho tổ chức và cá nhân sử dụng có hiệu quả nguồn thông tin do Chính phủ nắm giữ, từ đó có thể tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Muốn vậy, các cấu trúc, quy trình và thực tiễn minh bạch và dễ tiếp cận, đồng thời truyền đạt chúng một cách rõ ràng. Đồng thời, Chính phủ cần phải minh bạch hơn, đối thoại nhiều hơn, phát huy dân chủ nhiều hơn trong hoạt động quản lý và điều hành của mình, cung cấp khả năng tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ và thông tin cũng như đáp ứng các ý tưởng và nhu cầu mới của xã hội.

Chú thích:
1. Christensen, T & Laegreid, P. (2005). Trust in government: The relative importance of service satisfaction, political factors & demography. Public Performance & Management Review, 487-511.
2. Miller, A.H. & Listhaug, O. (1990). Political parties and confidence in Government: a comparison of Norway, Sweden and the United States. British Journal of Political Science, 357-386.
3. Barnes, C. & Gill, D. (2000). “Declining government performance? Why citizens don’t trust government”.New Zealand: State Services Commission.
4. Murphy, K. (2004). “The role of trust in nurturing compliance: A study of accused tax avoiders”. Law and Human Behavior, pp. 187-209.
5. Dasgupta, P. (2009). “A Matter of Trust: Social Capital and Economic Development”, prepared for presentation at the Annual Bank Conference on Development Economics (ABCDE), Seoul, June.
6. Gyorffy, D. (2013). Institutional Trust and Economic policy, Central European University Press, Budapest.
7,10. Blind, P.K. (2007). “Building trust in government in the twenty-first century: Review of literature and emerging issues”, in 7th Global Forum on Reinventing Government Building Trust in Government, pp. 26-29.
8. G. Shabbir Cheema and Vesselin Popovski (2010). “Building trust in government: Innovations in governance reform in Asia”,United Nations University Press.
9. OECD (2015). “Trust in government”, in Government at a Glance 2015, OECD Publishing, Paris.
11. Nguyễn Trọng Bình. Đặc trưng của nền hành chính phục vụ. https://tcnn.vn, truy cập ngày 20/1/2021.
12. OECD, O. (2013). Trust in government, policy effectiveness and the governance agenda. Government at a Glance.
13. Holzer, M. and Zhang, Mengzong (2004). Trust, Performance, and the Pressures for Productivity in the Public Sector. Public Administration and Public Policy– New York, 215–230.
14. Bouckaert, G. Van de Walle, S. Maddens, B. and Kampen, J.K. (2002). Identity vs Performance: An Overview of Theories Explaining Trust in Government(Second Report 6. “Citizen Directed Governance: Quality and Trust in Government”). Public Management Institute, Katholike Universiteit Leuven.
15. Lawrence, R.Z. (1997). “Is It Really the Economy Stupid?”In Nye, J.S. Zelikow, P.D. and King, D.C. (Eds.). Why People Don’t Trust Government, pp.111-132. Cambridge, MA. Harvard University Press.
16. Rose, L.E. and Pettersen, P.A. (2000). “The Legitimacy of Local Government: What Makes A Difference? Evidence from Norway”.In Hoggart, K. and Nichols.
17. Chang, E.C. and Chu, Y. (2006). Corruption and Trust: Exceptionalism in Asian Democracies? Journal of Politics, pp. 259-271.
18. Grimmelikhuijsen, S. Porumbescu, G. Hong, B. and Im, T. (2013). The Effect of Transparency on Trust in Government: A Cross-National Comparative Experiment. Public Administration Review, pp. 575-586.
19. Hà Sơn Thái. Lòng tin tưởng. https://dangcongsan.vn
20. Báo cáo PAR INDEX 2019. https://drive.moha.gov.vn.
21. Báo cáo SIPAS 2019. https://drive.moha.gov.vn.
22. Người dân Việt Nam hài lòng tin tưởng biện pháp chống dịch Covid-19 của Chính phủ. http://www.danvan.vn.
TS. Hoàng Vĩnh Giang
Học viện Hành chính Quốc gia