Định hướng nghiên cứu tạo động lực làm việc cho giảng viên đại học trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

(Quanlynhanuoc.vn) – Ở Việt Nam, vấn đề tạo động lực làm việc ngày càng được quan tâm nhiều hơn trong phát triển tổ chức nói chung và trong các cơ sở giáo dục đại học nói riêng. Trong bài viết này, tác giả tìm hiểu về môi trường làm việc của giáo dục đại học, đặc điểm lao động sư phạm của giảng viên, đặc trưng hoạt động sư phạm đại học, từ đó đề xuất định hướng giải pháp tạo động lực làm việc cho giảng viên trong môi trường cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI).
Lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp Đại học chính quy khóa 16, niên khóa 2015 – 2019 tại Học viện Hành chính Quốc gia.

Đặc điểm lao động sư phạm của giảng viên đại học

Đến nay có nhiều cách tiếp cận khác nhau khi định nghĩa về giảng viên đại học (GVĐH), tuy nhiên đều chung quan điểm mô tả về những người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH). Cụ thể như: “Giảng viên là tên gọi chung cho những người làm công tác giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng, ở các lớp đào tạo, huấn luyện”1. Giảng viên là người có chuyên môn đảm nhiệm việc giảng dạy và đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng thuộc một chuyên ngành đào tạo của trường đại học hoặc cao đẳng. Tuy nhiên, cũng có nhà nghiên cứu cho rằng: “giảng viên được định nghĩa là nhà giáo, nhà khoa học và nhà cung ứng dịch vụ cộng đồng”2.

Hoạt động của các cơ sở GDĐH chủ yếu là đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong đó giảng viên là lực lượng đóng vai trò hạt nhân, với đặc trưng về lao động của họ là tạo ra sản phẩm bằng năng lực và phẩm chất của người học. Đặc điểm lao động của giảng viên là lao động trí tuệ, có tính khoa học, nghệ thuật và sáng tạo, tạo ra sản phẩm đặc biệt; đó là nhân cách (phẩm chất và năng lực) người học. Các đặc điểm này, có thể khái quát hóa như sau:

Thứ nhất, lao động của giảng viên là lao động trí tuệ. Giảng viên là người dẫn dắt người học tiếp cận, lĩnh hội kiến thức thông qua việc sử dụng các phương pháp dạy, nghiên cứu và công cụ hỗ trợ phù hợp. Hoạt động nghiệp vụ của giảng viên phải thể hiện được quá trình tích lũy kiến thức, phương pháp giảng dạy, tích lũy kinh nghiệm thực hành nghề nghiệp.

Theo các nhà giáo dục thế giới thì một giảng viên toàn diện là người được trang bị 4 nhóm kiến thức, kỹ năng sau: (1) Kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, môn học giảng dạy. Đây là điều kiện cần và tiên quyết. (2) Kiến thức và kỹ năng về chương trình đào tạo: mỗi giảng viên chuyên về một chuyên ngành nhất định, nhưng để bảo đảm tính liên thông, gắn kết giữa các học phần trong chương trình đào tạo thì giảng viên phải được trang bị (hoặc tự trang bị) các kiến thức về cả chương trình giảng dạy. Qua đó, giúp giảng viên biết vị trí của từng học phần trong bức tranh tổng thể, cung cấp thông tin về vai trò và sự tương tác giữa một chuyên ngành với các chuyên ngành khác trong cùng một lĩnh vực và giữa các chuyên ngành trong các lĩnh vực khác nhau. (3) Kiến thức và kỹ năng về dạy và học: bao gồm khối kiến thức về phương pháp luận, kỹ thuật dạy và học nói chung và dạy/học trong từng chuyên ngành cụ thể. (4) Kiến thức và kỹ năng về môi trường giáo dục, hệ thống giáo dục, mục tiêu giáo dục, giá trị giáo dục… Đây có thể coi là khối kiến thức cơ bản nhất làm nền tảng cho các hoạt động dạy và học. Giảng viên hiểu rõ được các sứ mệnh, giá trị cốt lõi, và các mục tiêu chính của hệ thống giáo dục và môi trường giáo dục thì việc giảng dạy sẽ đi đúng định hướng và có ý nghĩa xã hội.

Thứ hai, lao động của giảng viên có tính khoa học. Tính khoa học trong lao động của giảng viên là tư duy và tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Đây là yếu tố cần thiết phải có ở mỗi giảng viên để thực hiện nhiệm vụ của mình. Điều này, thể hiện ở cách thức mà giảng viên dẫn dắt người học tiếp cận kiến thức một cách nhanh chóng, phù hợp với năng lực cá nhân của họ thông qua các bài giảng và hướng dẫn khoa học của giảng viên khi người học tham gia thực hiện các đề tài, đề án, báo cáo, tiểu luận… Tính khoa học trong lao động của giảng viên còn thể hiện ở việc xây dựng kế hoạch, lịch trình giảng dạy, sắp xếp logic, giúp cho người học tiếp thu kiến thức dễ dàng nhất3.

Thứ ba, tính nghệ thuật và sư phạm trong lao động của giảng viên. Đây là sự vận dụng khéo léo, linh hoạt tri thức, kỹ năng để đạt hiệu quả cao trong hoạt động nghề nghiệp của giảng viên. Hoạt động giảng dạy có thể bị chi phối bởi các quy tắc với đặc điểm văn hóa vùng miền, phong tục của mỗi quốc gia nói chung và cần phải có hành vi ứng xử khéo léo, tế nhị để hoạt động giao tiếp sư phạm với các đối tượng cụ thể đạt được hiệu quả cao.

Thứ tư, tính sáng tạo trong lao động của giảng viên. Đây là sự vận dụng tổng hợp và sáng tạo tri thức và kỹ năng phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn giáo dục. Điều này được thể hiện thông qua phong cách sư phạm của mỗi giảng viên cũng như dạy học cá thể hóa đối tượng trong GDĐH. Sáng tạo còn được hiểu là sự kiến tạo, kết nối, cộng tác và tạo ra những thành quả vượt trội, hiệu quả, chất lượng trong GDĐH. Sáng tạo của giảng viên không chỉ là sáng tạo trong dạy học mà còn trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ.

Thứ năm, lao động của giảng viên tạo ra sản phẩm đặc biệt, đó là nhân cách (phẩm chất, năng lực) người học. GVĐH luôn phải có ý thức tự hoàn thiện bản thân để xây dựng năng lực, phẩm chất và uy tín đối với người học. Từ tấm gương đó, thông qua tiến trình giáo dục sẽ tạo ra nhân cách của người học theo yêu cầu của xã hội đặt ra. Sản phẩm này thông qua sự chấp nhận, đánh giá và công nhận của thực tiễn xã hội sẽ phản ánh hiệu quả và chất lượng lao động của giảng viên.

Đặc trưng hoạt động của giảng viên đại học trong môi trường cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ và tạo ra thay đổi căn bản trong GDĐH. Những lớp học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo đã và đang trở thành xu thế phát triển tất yếu trong đó. Nhờ công nghệ AI, người máy làm việc càng thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên, làm việc 24/24 giờ, không cần trả lương hay đóng thuế, bảo hiểm… Điều này cũng đang đe dọa đến sự tương quan trong việc sử dụng lao động giữa “người thật” và “người máy” trong GDĐH. Bởi, nó dịch chuyển sức lao động của con người hướng vào  theo đuổi những công việc sáng tạo, thú vị hơn. Do đó, đào tạo đại học phải có những thay đổi về phương thức đào tạo, tổ chức dạy và học để thích ứng với xu hướng này. Đặc biệt là phải có chính sách tạo động lực làm việc cho giảng viên để đội ngũ này chủ động đón nhận, hòa nhập và tạo năng suất, hiệu quả, chất lượng dạy học trong môi trường cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Môi trường trên đã tác động sâu sắc đến GDĐH, được thể hiện thông qua các yếu tố cơ bản sau:

– Mục tiêu, nội dung, phương pháp và phương tiện trong GDĐH đã thay đổi. Điều này thể hiện thông qua cấu trúc năng lực và phẩm chất cần có theo “đơn đặt hàng” của xã hội hiện đại với năng lực khác biệt thế hệ trước đây; đồng thời tác động sâu sắc đến mục tiêu, nội dung giảng dạy đại học. Đặc biệt tương tác qua mạng và công nghệ thông tin (CNTT) và AI đang làm thay đổi cách dạy, cách học và phương tiện dạy học. Từ đó, tác động sâu sắc, thay đổi phương thức lao động của giảng viên ngày nay.

Lớp học trong xã hội kết nối IoT là không gian học tập liên kết với nhau, gồm không gian thực (phòng học, nhà hát, thư viện, nơi làm việc, phòng thí nghiệm, không gian học tập tại nhà, quán cà phê) và không gian ảo (máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh, internet…). Không gian học tập ở đây sẽ hình thành mô hình lớp học đảo ngược. Người học tự học thông qua các video do GVĐH soạn hoặc tự tìm hiểu qua các phương tiện nghe nhìn. Từ sự tiến bộ và phát triển của CNTT đã làm xuất hiện những loại hình đào tạo mới. Hệ thống đào tạo trực tuyến, đào tạo online là những loại hình đào tạo thách thức các phương thức đào tạo truyền thống. Hình thức đào tạo trực tuyến trở nên thịnh hành hơn. Nội dung của dạy học đã được số hóa và tạo ra khả năng “trung chuyển” tri thức trên nền tảng dữ liệu số. Nội dung dạy học và công nghệ số là giúp người học tự tìm hiểu, nghiên cứu và tìm kiếm thông tin trên mạng. Xây dựng được các thang bậc kiến thức đáp ứng cho nhiều đối tượng với những đặc thù khác nhau.

– Đánh giá năng suất, hiệu quả và chất lượng lao động của giảng viên dựa trên năng lực thực tiễn của người học. Điều này có nghĩa thị trường sẽ đánh giá sản phẩm và chất lượng sản phẩm sẽ quyết định đến thương hiệu và sự phát triển của các cơ sở GDĐH. Vì vậy, nó sẽ là căn cứ để đánh giá lao động của mỗi GVĐH.

– Quản trị mở và kết nối toàn cầu trong GDĐH. Do tính chất toàn cầu hóa mạnh mẽ của Viêt Nam hiện nay, cùng với cơ hội mới như tính ổn định về chính trị, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới… đã tạo đà tăng tốc đổi mới xã hội tại nước ta. Điều này, tác động mạnh mẽ và đang tạo ra xu hướng quản trị mở và kết nối trong hệ thống đại học của Việt Nam. Tính hành chính, quan liêu trong quản trị sẽ dần được thay thế bới tính phân quyền, phân cấp, trao quyền tự chủ và cá nhân hóa trách nhiệm trong GDĐH. Quản trị đại học là quản trị mở để mỗi cá nhân, giảng viên trong các cơ sở GDĐH được tôn trọng hơn giá trị sáng tạo cá nhân và thực hiện đa dạng các vai trò khác nhau của giảng viên.

TS. Đặng Xuân Hoan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cùng các đại biểu lãnh đạo, giảng viên, viên chức, người lao động Học viện dự lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên, ngày 16/12/2020, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Động lực làm việc và giải pháp tạo động lực làm việc cho giảng viên đại học trong môi trường cách mạng công nghiệp 4.0

Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra những yêu cầu mới cho năng lực nhân sự, từ đó, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phải thay đổi chương trình đào tạo đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với cách thức, yêu cầu công việc và phải tạo động lực làm việc cho GVĐH.

Rất nhiều nhà nghiên cứu đã chấp nhận thực tế cho rằng: “động lực là hành vi hướng tới mục tiêu xuất phát từ cá nhân bên trong và bên ngoài cá nhân, giải thích cho định hướng, mức độ và sự bền bỉ trong công việc của họ”4, “động lực có thể đến từ hai nguồn, bên ngoài và bên trong. Những người làm việc để có những phần thưởng từ bên ngoài là hành vi có động lực bên ngoài”5. Một nhà nghiên cứu khác cho rằng, “những việc làm nhằm mục đích mong muốn học hỏi của mọi người để thỏa mãn sự tò mò và cảm thấy có năng lực là động lực bên trong. Động lực bên trong thường cần thiết để duy trì hành vi có động lực”6. Hoặc có thể hiểu: “động lực làm việc là sự thúc đẩy con người làm việc hăng say, giúp họ phát huy được sức mạnh tiềm tàng bên trong, vượt qua được những thách thức khó khăn để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Động lực lý giải cho lý do tại sao một người lại hành động. Một người có động lực là khi người đó bắt tay vào làm việc mà không cần có sự cưỡng bức, khi đó họ có thể làm được nhiều hơn điều mà cấp trên mong chờ ở họ. Động lực làm việc thể hiện dưới nhiều khía cạnh khác nhau như sự nhiệt tình, chăm chỉ, bền bỉ”7.

Từ các cách tiếp cận trên, tác giả cho rằng, tạo động lực làm việc cho GVĐH trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay tại Việt nam cần được tiếp cận một cách hệ thống, đồng bộ, tối ưu và hiệu quả gắn với chất lượng.

Muốn vậy, trước hết, cần tập trung vào nhóm giải pháp đổi mới chính sách tạo động lực cho giảng viên trên tầng bậc quốc gia thông qua đổi mới hệ thống nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ban, ngành… về chính sách với GVĐH.

Hai là, đổi mới quản trị và hoạt động trong phạm vi các cơ sở GDĐH, thông qua các quy định và chính sách nội bộ để tạo động lực làm việc của giảng viên.

Ba là, các giải pháp tập trung vào việc cá thể hóa động lực làm việc của cá nhân giảng viên thông qua các giải pháp xây dựng một môi trường kết nối xã hội – gia đình – nhà trường.

Với định hướng giải pháp này thì việc tạo động lực làm việc là tổng hợp các biện pháp và cách ứng xử của tổ chức, của các nhà quản trị đại học nhằm tạo ra sự khát vọng và tự nguyện của GVĐH trong thực thi nhiệm vụ để đạt được các mục tiêu của tổ chức GDĐH.

Chú thích:
1. Từ điển Bách Khoa Việt Nam. Tập 2. H. NXB Từ điển Bách khoa, 2002, tr. 433.
2. Vài suy nghĩ về vai trò mới của giảng viên đại học: Giảng viên đại học – Anh là ai? http://oisp.hcmut.edu.vn, ngày 07/8/2009.
3. Ngô Sỹ Trung, Trần Thanh Xuân. Chất lượng giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. H. NXB Đại học Kinh tế quốc dân, 2021, tr. 29.
4. Nelson, D.L. and Quick, J.C. Organizational Behaviour: Foundation, Realities and Challenges (4th ed.), Australia: Thomson South-Western. 2003.
5. Akinfolarin Akinwale Victor, Ehinola Gabriel Babatunde. Motivation and Effective Performance of Academic Staff in Higher Education (Case Study of Adekunle Ajasin. International Journal of Innovation and Research in University, Ondo State, Nigeria). Educational Sciences. Volume 1, Issue 2, ISSN (Online): 2349 – 5219.
6. Arif, M.H. Human Development and Learning. Majeed Book Depot, Lahore, Pakistan, 2003, Pp.163 – 180.
7. Nguyễn Thị Hồng Hải. Giáo trình Động lực làm việc trong tổ chức hành chính nhà nước. H. NXB Lao động, 2013, tr. 24.
ThS. Tạ Thị Liễu
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội