Mạng lưới các trường Công vụ ASEAN

(Quanlynhanuoc.vn) – Mạng lưới các trường Công vụ ASEAN (PSTI) được Xinh-ga-po đề xuất thành lập tại Hội nghị Lãnh đạo nền công vụ ASEAN (AHOCS) lần thứ 2 diễn ra tại Manila (Phi-líp-pin) vào ngày 02/11/2017. Mạng lưới được xây dựng nhằm ghi nhận vai trò của các trường công vụ trong việc phát triển năng lực của các nền công vụ ở mỗi nước thành viên ASEAN. Đồng thời, thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa các trường công vụ trong đào tạo và phát triển con người, nâng cao vai trò của các trường trong việc hỗ trợ chuyển đổi nền công vụ ở mỗi quốc gia.
Học viện Hành chính Quốc gia – thành viên Mạng lưới các trường Công vụ ASEAN (PSTI)

Các mục tiêu cụ thể của PSTI gồm: (1) Xây dựng cộng đồng các lãnh đạo, chuyên gia cấp cao của PSTI, những người có trách nhiệm về đào tạo và phát triển cho đội ngũ công chức; (2) Thúc đẩy trao đổi các bài học và kinh nghiệm tốt trong việc xây dựng năng lực cho đội ngũ công chức trong nền công vụ; (3) Tăng cường năng lực đào tạo và phát triển cho các chuyên gia của PSTI.

Cơ cấu tổ chức và thành viên tham gia của PSTI

Mạng lưới PSTI bao gồm các đại diện đang làm việc tại PSTI. Các trường công vụ này được chỉ định ở mỗi quốc gia thành viên ASEAN, cụ thể:

– Bru-nây: Viện Công vụ (CSI), Văn phòng Thủ tướng.

– Cam-pu-chia: Trường Hành chính Hoàng gia (RSA).

– In-đô-nê-xi-a: Trung tâm Phát triển Công vụ (CSDC), Cơ quan Công vụ Quốc gia.

– Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào: Viện Nghiên cứu và Đào tạo Hành chính công (PARTI), Bộ Nội vụ.

– Ma-lai-xi-a: Viện Hành chính Quốc gia (INTAN).

– Mi-an-ma: Viện Công vụ Trung ương.

– Phi-líp-pin: Viện Công vụ (CSI), Ủy ban Dịch vụ công.

– Xinh-ga-po: Trường Công vụ (CSC).

– Thái Lan: Viện Đào tạo Công vụ (CSTI), Văn phòng Ủy ban Công vụ.

– Việt Nam: Học viện Hành chính Quốc gia (NAPA).

Chủ tịch luân phiên của PSTI

Vai trò Chủ tịch của PSTI được thực hiện luân phiên giữa các quốc gia thành viên ASEAN với thứ tự theo bảng chữ cái. Thời gian của nhiệm kỳ là hai năm. Một quốc gia thành viên có thể linh hoạt hoán đổi nhiệm kỳ của mình với một quốc gia thành viên khác trong mạng lưới, tùy thuộc vào thỏa thuận chung giữa hai bên.

Với tư cách là người đề xuất thành lập PSTI và tiếp sau thời gian nắm giữ vai trò Chủ tịch Chương trình hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ – ACCSM lần thứ 19 của Xinh-ga-po (từ năm 2017 – 2018), Xinh-ga-po sẽ là Chủ tịch PSTI từ năm 2019 – 2020. Tiếp theo là Thái Lan từ năm 2021 – 2022 và Việt Nam từ năm 2023 – 2024.

Trong nhiệm kỳ 2 năm, Chủ tịch của PSTI sẽ chịu trách nhiệm về các nội dung sau:

(1)  Đăng cai tổ chức các cuộc họp của PSTI.

(2) Tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho PSTI.

(3) Tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ nguồn lực giữa các thành viên của PSTI.

(4) Thực hiện việc tư vấn, phối hợp với các quốc gia thành viên ASEAN trong các lĩnh vực hợp tác.

(5) Bảo đảm sự phù hợp với ACCSM thông qua việc phối hợp và tư vấn với Ban Thư ký ASEAN.

Các lĩnh vực hợp tác của PSTI

PSTI thực hiện việc hợp tác trong các cuộc họp, các hoạt động xây dựng năng lực hoặc chia sẻ các nguồn lực, được Chủ tịch PSTI chủ trì hoặc phối hợp thực hiện. Các lĩnh vực cụ thể bao gồm:

Một là, xây dựng mạng lưới: là cuộc họp của những người đứng đầu các trường công vụ để chia sẻ các thách thức và bài học kinh nghiệm.

Hai là, các hoạt động xây dựng năng lực, bao gồm: các chuyến thăm của cán bộ, giảng viên của các trường công vụ để hiểu rõ hơn về chiến lược và hoạt động của các trường thành viên; tham dự các hội nghị, chương trình của các thành viên PSTI khác; cung cấp tài liệu tham khảo để hiểu các hoạt động cụ thể của các PSTI.

Ba là, chia sẻ nguồn lực, bao gồm: trao đổi các bài báo và công trình nghiên cứu của các PSTI trên nền tảng trực tuyến; trao đổi học thuật thông qua cử đại biểu tham dự và phát biểu tại các hội nghị hoặc chương trình của PSTI; chia sẻ về các chính sách và quy trình xây dựng chính sách.

Các thành viên PSTI hỗ trợ cho Chủ tịch luân phiên PSTI thông qua sự tham gia, đóng góp của các cán bộ, giảng viên hoặc diễn giả mời ngoài của mình vào các cuộc họp hoặc các hoạt động xây dựng năng lực chung của PSTI.

Kế hoạch hành động của PSTI

Kế hoạch hành động thời hạn 2 năm sẽ tập trung vào các lĩnh vực hợp tác dựa trên những chủ đề quan trọng đối với các PSTI, nhưng không giới hạn việc chia sẻ các kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động, phương pháp giảng dạy và nâng cao năng lực của các cán bộ, giảng viên PSTI.

Chi phí đi lại, ăn ở và bất kỳ chi phí phát sinh nào cho đại diện tham dự các cuộc họp hoặc hoạt động do Chủ tịch luân phiên hoặc các thành viên PSTI đồng tổ chức sẽ do các PSTI của nước đó chi trả.

Trong bối cảnh của dịch Covid-19, một số hoạt động đạt được của PSTI gồm:

Tháng 7/2019: tham quan học tập tại Xinh-ga-po cho cán bộ, nhân viên các trường PSTI và Hội nghị bàn tròn của lãnh đạo các trường PSTI;

Tháng 7/2020: chương trình trực tuyến đào tạo và phát triển trong thời kỳ Covid-19;

Tháng 11/2020: hội nghị trực tuyến của lãnh đạo các trường PSTI.

Đặc biệt, trong hội nghị gần nhất của các lãnh đạo các trường PSTI được diễn ra vào tháng 11/2020, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận 3 vấn đề lớn đặt ra đối với hoạt động công vụ hiện nay, bao gồm: (1) Những thay đổi và thách thức chủ yếu của tổ chức công trong thời gian tới; (2) Sự thay đổi của công việc và những năng lực cần thiết để lực lượng lao động có thể thực thi tốt nhiệm vụ trong tương lai; (3) Những hoạt động mà mạng lưới PSTI có thể thực hiện để xây dựng các năng lực đó.

Tài liệu tham khảo:
1. Asean PSTI. Tài liệu Asean PSTI Roundtable, 6 Nov 2020.
2. Ban Hợp tác quốc tế, Học viện Hành chính Quốc gia. Asean network of public service training institutes (PSTI). 2020.
3. Trường Công vụ Xinh-ga-po. Recap of Asean PSTI Activities (2019 – 2020).
ThS. Nguyễn Thị Mai
Học viện Hành chính Quốc gia