(Quanlynhanuoc.vn) – Công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo và khởi xướng đã mang lại những thành tựu to lớn trong việc phát triển thị trường nội địa trên nhiều khía cạnh và bình diện khác nhau. Thương mại và thị trường đã góp phần tạo nên “bức tranh” kinh tế – xã hội Việt Nam với nhiều gam màu tươi sáng. Nhìn lại chặng đường đã qua, mạng lưới kinh doanh thương mại, dịch vụ tiếp tục “phủ sóng” trên cả ba địa bàn: thành thị, nông thôn và miền núi, góp phần gắn chặt sản xuất với tiêu thụ, hàng hóa với thị trường. Lưu thông hàng hóa được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng và hàng hóa thiết yếu cho người dân ở mọi miền đất nước và trong những giai đoạn tiêu dùng cao điểm.
Thực trạng thị trường nội địa tại Việt Nam
Một là, quy mô thị trường ngày càng gia tăng.
Theo thống kê, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2010 mới đạt 88 tỷ USD; năm 2016 cán mốc 118 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm trước đó. Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa (BLHH) và doanh thu dịch vụ (DTDV) tiêu dùng đạt 5.059,8 nghìn tỷ đồng (164,5 tỷ USD), tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Giai đoạn 2016 – 2020, tổng mức BLHH và DTDV tiêu dùng gấp 1,6 lần giai đoạn 2011 – 2015, đạt tốc độ tăng bình quân gần 9,4%/năm1.
Số liệu thống kê theo vùng kinh tế cho thấy: giai đoạn 2015 – 2019, Đông Nam Bộ là vùng chiếm tỷ trọng cao nhất so với tổng mức BLHH và DTDV tiêu dùng, dao động trong khoảng 33 – 33,2%; tiếp đến là vùng đồng bằng sông Hồng: 22 – 22,6%; đồng bằng sông Cửu Long: 18,5 – 19%; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: 16,2%; vùng trung du và miền núi phía Bắc: 5 – 5,1% và cuối cùng là Tây Nguyên với 4,5- 4,6%2.
Hai là, loại hình kinh doanh ngày càng đa dạng.
Sự phát triển của mạng lưới bán lẻ truyền thống và hiện đại đã đáp ứng được về cơ bản sự gia tăng cả về quy mô và phát triển nhu cầu mua sắm của các tầng lớp dân cư tại các vùng, địa bàn cả nước. Hiện có 1.085 siêu thị tại 62/63 tỉnh, thành phố và 240 trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm tại 57/63 tỉnh, thành phố. Hơn 10 thương hiệu của các nhà phân phối đến từ châu Âu và châu Á đã đầu tư xây dựng cơ sở ở Việt Nam (Lotte, Central Group, TCC Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart…)3.
Cho đến nay, toàn quốc đã thiết lập trên 100 điểm bán hàng cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 61 địa phương. Chợ truyền thống với 8.500 chợ (61 chợ đầu mối) cùng gần 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa vẫn duy trì hoạt động4. Kênh bán lẻ truyền thống đã có những thay đổi mạnh mẽ (sử dụng thanh toán điện tử, kết hợp cả bán hàng online với offline), tiếp cận xu hướng hiện đại từ trưng bày, giới thiệu hàng hóa, kết nối phản ánh người tiêu dùng với nhà sản xuất.
Ba là, cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Những năm gần đây, nhiều doanh nhân, tập đoàn kinh tế của Việt Nam đã nỗ lực, gia tăng đầu tư để duy trì, giữ lại thị phần, như: Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), Masan, BRG Retail (chuỗi siêu thị BRG Mart), thế giới di động (chuỗi Thegioididong.com; Điện máy và Bách hóa xanh), FPT… Tuy nhiên, những khó khăn đi kèm cũng không nhỏ khi ngày càng có nhiều đối thủ tầm cỡ, vốn lớn, có bề dày kinh nghiệm, đã trải qua nhiều thăng trầm trên thương trường. Các nhà đầu tư lớn thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua việc mua cổ phần của các doanh nghiệp (DN) bán lẻ Việt, như: Tập đoàn Aeon – Nhật Bản; Tập đoàn Central – Thái… khiến việc cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt. Sự xuất hiện của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian qua đã tác động khá lớn tới sự phát triển của thị trường. Tuy số lượng cơ sở và thị phần còn thấp nhưng đã tạo ra áp lực cho DN và các chủ thể bán lẻ trong nước hạn chế về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ bán lẻ… các DN Việt bắt đầu gặp khó trong việc thỏa thuận để đưa hàng hóa vào bán tại các cơ sở phân phối vì mức chiết khấu. Bên cạnh đó, các DN FDI như: MM Mega Market (trước là Metro), Tops Market và GO! (trước là Big C)… với nỗ lực thu hút khách hàng đang mở rộng các nhãn hiệu riêng cũng tác động nhất định tới các DN sản xuất hàng Việt.
Những vấn đề đặt ra cho thị trường nội địa
Giai đoạn 2021 – 2023 sẽ là những năm chuyển trạng thái của nền kinh tế từ vượt khó sang phục hồi và tăng trưởng cao hơn, nhưng trên “phông nền” của những biến động, rủi ro, bất định và khó lường. Trong bối cảnh ấy, thị trường nội địa phải là điểm tựa, trụ vững cho sự phát triển của mỗi quốc gia.
Thực tế cho thấy, kênh bán hàng hiện đại tăng trưởng ở hầu hết các mô hình kinh doanh, nhưng mô hình cửa hàng tiện lợi, và siêu thị nhỏ hiện là phân khúc phát triển nhanh nhất của thị trường bán lẻ Việt Nam đang dần thay thế cho loại hình tạp hóa truyền thống.
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) cao trên thế giới. TMĐT là hình thức kinh doanh phổ cập của nhiều DN, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người tiêu dùng. Tuy nhiên, những dịch vụ và tiện ích của TMĐT Việt Nam mới chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm tối thiểu và làm phong phú thị trường và vẫn còn tồn tại một khoảng cách lớn so với nhiều quốc gia. Các chợ truyền thống và tạp hóa với nguồn lực hạn chế, khả năng tiếp cận công nghệ thấp, thiếu cả công cụ và kinh nghiệm. Tuy công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực phẩm đã được quan tâm, mang lại nhiều kết quả song chưa tạo được những “đột phá” và chuyển biến mạnh mẽ, nên nông sản Việt Nam thường xuyên rơi vào tình trạng “giải cứu”.
Nhìn tổng quát, còn quá ít những DN và những hệ thống phân phối đủ mạnh, có khả năng tài chính, có mạng lưới kinh doanh, có nhân lực, công nghệ quản lý và điều hành phù hợp với xu thế hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa, tương xứng với các đối tác quốc tế trong quá trình mở cửa.
Hạ tầng thương mại nông thôn còn rất thiếu và yếu. Phần lớn có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất – kỹ thuật lạc hậu, nghèo nàn, số chợ tạm còn nhiều. Quy mô của các cửa hàng bán lẻ phổ biến là quy mô hộ gia đình, sử dụng ít lao động và thiếu tính chuyên nghiệp. Nhìn toàn cảnh, thị trường nông thôn (TTNT), đặc biệt là khu vực miền núi vẫn là một thị trường nghèo với sức mua bình quân đầu người khá thấp.
Quan điểm, định hướng cần quán triệt
Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số đang và sẽ tác động rất lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, cấu trúc kinh tế và quản trị của mỗi quốc gia, tạo ra sức ép mới, thách thức mới: tăng trưởng nhanh và bền vững. Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ sản xuất và chế tạo những sản phẩm gì để tham gia vào thị trường thế giới và thoả mãn nhu cầu của thị trường nội địa? Đối với những quốc gia có quy mô dân số trung bình như Việt Nam thì việc tìm ra điểm cân bằng đó là rất quan trọng.
Thứ nhất, cần nhanh chóng cấu trúc lại thị trường, chú trọng trước hết là mối quan hệ giữa thị trường nội địa và thị trường quốc tế, đồng thời với việc tái cấu trúc nền kinh tế. Bám sát và đón đầu xu hướng phải được coi là tư tưởng chủ đạo, là quan điểm xuyên suốt và được tiếp tục triển khai toàn bộ quá trình tổ chức phát triển thương mại và thị trường trong thời gian tới. Theo đó, cần nhận dạng để ứng xử khôn ngoan với các xu hướng phát triển.
Thứ hai, nhận thức được trong 4 phân ngành (nghề) của ngành dịch vụ phân phối, bán lẻ là phân ngành phát triển mạnh mẽ nhất. Trong một tương lai gần, phải “đón đầu” xu hướng phát triển của dịch vụ bán buôn, từng bước hình thành các trung tâm bán buôn hiện đại kiểu nhà cung cấp chủ yếu cho mạng lưới rộng lớn các cửa hàng tiện lợi sau này. Khi ngày càng có nhiều thương hiệu Việt, cần có chính sách khuyến khích “bên nhượng” và hỗ trợ “bên nhận” để phân ngành này “nở rộ”, hướng tới hàng triệu DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh trên khắp mọi miền đất nước.
Thứ ba, cần hướng các nhà phân phối, đặc biệt là DN FDI, tập trung đầu tư chủ yếu vào phương thức cung cấp dịch vụ phân phối là hiện diện thương mại. Tới đây, các hạn chế (hạn chế tiếp cận thị trường, hạn chế đối xử quốc gia) tiếp tục được dỡ bỏ, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và TMĐT, các dịch vụ cung cấp qua biên giới, chợ ảo… sẽ trở nên phổ biến.
Thứ tư, gắn lưu thông với sản xuất, chế biến và hình thành nên các chuỗi cung ứng hàng hóa. Phát triển các chuỗi cung ứng là con đường hợp thời nhất để có ngành thương mại hiện đại trong một thị trường hiện đại.
Thứ năm, về loại hình kinh doanh, cần hướng vào phát triển một lực lượng đông đảo các cửa hàng tiện lợi, trở thành “người nội trợ” cho mọi nhà. Tiêu chí phân bố có tính nguyên tắc là sát dân (người tiêu dùng), theo các tuyến phố, trong các khu dân cư. Từng bước liên kết lại thành chuỗi, trong đó DN chỉ huy chuỗi (công ty mẹ) sử dụng công nghệ “tracking – để theo dõi đơn hàng thông qua việc cung cấp các dãy số nhất định, được các nhà vận chuyển gửi cho khách khi xác định đơn hàng” và trung tâm logistics (logistics nội bộ) để bảo đảm “trọn gói” việc cung cấp hàng hóa theo đặt hàng (order) cho toàn bộ các cửa hàng trong chuỗi.
Thứ sáu, quan tâm và phát triển TTNT là nơi tràn đầy “hồn cốt” Việt, đậm đà các giá trị truyền thống, xứng danh là địa bàn giàu “dinh dưỡng” cho phát triển thị trường Việt, với hàng Việt, thương nhân Việt, cung cách kinh doanh Việt… Cần coi trọng vai trò cung ứng dịch vụ của hợp tác xã…, đồng thời, lựa chọn kỹ các điều kiện để phát triển một số chợ đầu mối bán buôn nông sản gần các trung tâm tiêu dùng lớn. Trong số các chợ đầu mối này, cần chọn ra một số chợ có tiềm năng và tiền đề để phát triển lên một trình độ cao hơn: chợ đấu giá, sàn giao dịch hàng hóa…
Giải pháp cho thời gian tới
Một là, Việt Nam hiện vẫn đang đối diện với rủi ro tài khóa, khi dịch bệnh qua đi, kinh tế hồi phục, sức ép lạm phát sẽ tăng lên. Do đó, chúng ta cần giảm lãi suất cho vay chứ không phải giảm lãi suất huy động. Khi thu nhập giảm, những người có thu nhập thấp càng thắt chặt chi tiêu, khiến cầu hàng hóa giảm. Vì thế, việc sử dụng công cụ lãi suất để kích cầu khó có thể phát huy tác dụng với kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay… Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam” cần có thêm những xung lực mới… bằng việc đẩy nhanh các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua một số hoạt động chính, như: tổ chức “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia – Vietnam Grand Sale ”; xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.
Hai là, Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo các bộ, ban, ngành tạo ra những đột phá mạnh mẽ về cải cách điều kiện kinh doanh. Theo đó, DN được chủ động thực hiện các hoạt động kinh doanh khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện. Đồng thời, họ tự chịu trách nhiệm về việc đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh. Hoạt động hậu kiểm được thực hiện trong suốt quá trình hoạt động của DN; thiết lập kênh ghi nhận phản hồi từ DN một cách công khai, minh bạch và bảo đảm an toàn cho DN…
Bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện,khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng TMĐT; chú trọng phát triển các hạ tầng kỹ thuật cho TMĐT, xây dựng giải pháp ứng dụng phù hợp cho DN; tuyên truyền, đào tạo kỹ năng TMĐT cho người dân và DN nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng TMĐT, tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng với những hành vi tiêu cực trong TMĐT; chú trọng đầu tư nguồn nhân lực phục vụ phát triển TMĐT… Việc tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi tăng giá, đầu cơ găm hàng, thao túng thị trường và hàng giả phải được xem là những “việc cần làm ngay”. Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế phối hợp thông tin thị trường không chỉ giữa các cơ quan quản lý, với các hiệp hội ngành hàng, mà cần thiết lập cả kênh thông tin với nông dân, DN. Cơ chế thu thập, xử lý thông tin cũng cần đổi mới theo hướng đi sâu vào các ngành hàng.
Ba là, Bộ Công Thương cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt là các loại hình cần tập trung phát triển trong thời gian tới, như: hạ tầng logistics, chợ đầu mối (rà soát, sửa đổi Luật Thương mại theo hướng bổ sung quy định về hạ tầng thương mại để làm căn cứ pháp lý cho việc triển khai các chính sách có liên quan). Nghiên cứu ban hành quy phạm pháp luật (hình thức Thông tư) quy định các cơ sở bán lẻ của các DN FDI tại Việt Nam phải dành một diện tích (khu vực) nhất định cho việc quảng bá, giới thiệu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Sửa đổi Quy chế Siêu thị, Trung tâm thương mại ban hành theo Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ Thương mại về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại. Thay vì chỉ quy định ngưỡng diện tích tối thiểu như quy chế hiện hành đối với mỗi siêu thị, trung tâm thương mại, cần bổ sung quy định về ngưỡng diện tích tối đa đối với từng địa bàn, từng khu vực thị trường. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và ban hành tiêu chí xếp hạng các nhà bán lẻ FDI trong việc tuân thủ pháp luật Việt Nam, coi đây là căn cứ xem xét việc cấp phép cho nhà phân phối nước ngoài được mở mới cơ sở bán lẻ thứ 2 (không coi đây là tiêu chí về kiểm tra nhu cầu kinh tế ENT).
Bốn là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hỗ trợ nông dân kết nối, tiếp cận với dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kết nối với các DN chế biến, hệ thống tiêu thụ hàng hóa, qua đó, từng bước hình thành mạng sản xuất và chuỗi cung ứng kết nối sản xuất, chế biến, phân phối và bán hàng hóa.
Trên địa bàn nông thôn, lấy các trục giao thông liên thôn, liên xã có điều kiện và tiềm năng phát triển thương mại, nhất là đối với các thôn, xã ở xa khu vực thị trấn huyện lỵ để hình thành các trục thương mại đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nông sản và nhu cầu mua hàng hóa tiêu dùng của dân cư. Trên các tuyến trục này có thể kết hợp giữa phát triển chợ và dãy cửa hàng, hoặc phát triển các điểm thu mua, bán lẻ hàng hóa.
Ngoài thị trấn, trên địa bàn các huyện tiếp tục phát triển các khu vực thị tứ (hoặc có điều kiện trở thành thị tứ) trở thành các điểm sáng trên TTNT cả về tiêu thụ sản phẩm (nông sản và sản phẩm làng nghề) và bán lẻ hàng tiêu dùng. Theo đó, tại các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung phát triển các khu vực bán lẻ với nhiều loại hình đa dạng. Các khu vực này có thể tương đối tách rời, hoặc liền kề với khu vực xây dựng các chợ đầu mối thu mua, phát luồng bán buôn nông sản và vật tư nông nghiệp. Đối với những vùng sản xuất nông sản chưa phát triển, chủ yếu phát triển chợ vừa phục vụ tiêu thụ nông sản, vừa bán lẻ hàng tiêu dùng. Song song với sự phát triển các cụm công nghiệp, cần tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh công nghiệp và dịch vụ được tự do di chuyển đến các thị trấn, thị tứ, nơi gần đường giao thông để xây dựng cơ sở kinh doanh. Việc làm này vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa tạo ra những điều kiện để sớm hình thành các tụ điểm công – thương nghiệp – dịch vụ ở nông thôn.