Tăng cường giáo dục pháp luật về quyền con người cho học viên trong các Trường sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Trước yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới, đòi hỏi công tác giáo dục nói chung, giáo dục pháp luật về quyền con người nói riêng cần phải được tăng cường, nâng cao hơn nữa về chất lượng để đạt được mục tiêu đề ra trong quá trình giáo dục và đào tạo của các trường sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Học viên Trường Đại học Trần Quốc Tuấn (Trường Sĩ quan Lục quân 1).
Quyền con người trên thế giới và Việt Nam

Trong lịch sử hình thành và phát triển của xã hội loài người, quyền con người (QCN) luôn là vấn đề mang tính toàn cầu, là nguyện vọng chung của nhân loại, thành quả đấu tranh của con người qua nhiều thế hệ và được cộng đồng quốc tế luôn quan tâm và nghiên cứu. QCN được hiểu là những giá trị, kết tinh của lịch sử xã hội loài người. Đó là quyền thiêng liêng của tất cả mọi người, là những nhu cầu xuất phát từ bản tính vốn có của con người dưới các hình thức, chuẩn mực khách quan, được xã hội thừa nhận và bảo đảm thực hiện trên cơ sở các quy định của pháp luật. Ở nước ta, QCN luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm; việc ghi nhận, quy định bảo đảm về QCN đã được thể hiện cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Tại khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

Giáo dục pháp luật (GDPL) về QCN là hoạt động có tính định hướng, có tổ chức của chủ thể giáo dục tác động lên đối tượng được giáo dục nhằm hình thành ở họ tri thức pháp luật về QCN, để từ đó họ biết tự bảo vệ quyền của mình và tôn trọng quyền của người khác trên cơ sở các chuẩn mực, các yêu cầu của luật pháp quốc tế và pháp luật quốc gia. Cơ sở đặt nền móng cho hoạt động giáo dục QCN trên toàn thế giới chính là Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền năm 1948, trong đó nêu rõ mục tiêu chung cho tất cả các dân tộc và các quốc gia phải phấn đấu đạt tới để nhằm mục đích cuối cùng là mỗi cá nhân, mỗi tổ chức xã hội, luôn luôn ghi nhớ bản Tuyên ngôn bằng giáo dục và giảng dạy sẽ nỗ lực thúc đẩy tôn trọng đối với các quyền và những tự do cơ bản”1.

GDPL về QCN cho học viên là một nội dung giữ vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật về QCN, xây dựng hành vi pháp lý hợp pháp cho học viên trong các trường sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Do đó, thông qua quá trình GDPL về QCN nhằm đưa đến những hiểu biết về vấn đề QCN cho học viên.  Đồng thời, giúp cho học viên thấy rõ tầm quan trọng của QCN, từ đó, tiếp tục trau dồi, học hỏi để hình thành và phát triển sự hiểu biết, kỹ năng về các giá trị của QCN trong cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt, điều này càng trở nên quan trọng trong điều kiện hiện nay khi lực lượng QĐND Việt Nam ngoài nhiệm vụ chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, còn phải tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội khác như thực hiện các hoạt động nhân đạo quốc tế, tham gia giữ gìn hòa bình trong khu vực và trên thế giới.

Thực trạng trong giáo dục pháp luật về quyền con người trong các trường sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

Công tác GDPL về QCN cho học viên trong các trường sĩ quan QĐND Việt Nam thời gian qua được tiến hành thông qua việc lồng ghép trong nội dung Nhà nước và pháp luật, một số ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam như Luật Hiến pháp, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Dân sự, Luật Tố tụng dân sự… và một số hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Để thực hiện chiến lược giáo dục, đào tạo, ngày 05/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1309/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án đưa nội dung giáo dục QCN vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bên cạnh đó, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1650/QĐ-CT ngày 25/9/2018 về việc ban hành chương trình giáo dục các môn khoa học xã hội và nhân văn đào tạo sĩ quan cấp phân đội, trình độ đại học trong QĐND Việt Nam, trong đó có một chuyên đề Công ước quốc tế về chống tra tấn… Trên cơ sở đó, hoạt động GDPL về QCN cho học viên trong các trường sĩ quan QĐND Việt Nam đã từng bước được tăng cường cả về mặt nội dung, chương trình và phạm vi tổ chức giáo dục.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên ở các trường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về QCN và tích cực học hỏi trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Việc thực hiện GDPL về QCN đã được các nhà trường thực hiện với nhiều hình thức, phương pháp đa dạng, phong phú, căn cứ vào đặc điểm, đặc thù và điều kiện trong công tác đào tạo, huấn luyện của từng nhà trường nên mức độ, phương pháp và hình thức GDPL về QCN cũng mang những tính đặc thù riêng và đã đạt được một số mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, thông qua GDPL về QCN cho học viên ở các trường sĩ quan QĐND Việt Nam đã góp phần hình thành một cách vững chắc các thế hệ học viên có trình độ, bản lĩnh chính trị cách mạng đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, thời gian qua, công tác GDPL về QCN cho học viên trong các trường sĩ quan QĐND Việt Nam vẫn còn những bất cập, hạn chế.

Thứ nhất, việc đưa các nội dung liên quan đến QCN vào giảng dạy và tuyên truyền, phổ biến chưa được triển khai một cách đồng bộ, chưa xây dựng được chương trình môn học riêng về giáo dục QCN để triển khai sử dụng cho tất cả các trường. Do đó, nội dung, chương trình GDPL về QCN vẫn còn dàn trải, nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, chưa phù hợp với đối tượng đào tạo trong môi trường quân sự. Hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy và học tập về nội dung QCN còn chưa được bảo đảm. Còn một số cán bộ, giảng viên giảng dạy nội dung về pháp luật trong các nhà trường không được đào tạo đúng chuyên ngành, dẫn đến chất lượng GDPL nói chung, GDPL về QCN nói riêng còn chưa cao.

Thứ hai, các hình thức GDPL về QCN có thời điểm còn chưa phù hợp, chưa kết hợp hài hòa giữa trang bị kiến thức pháp luật về QCN với việc hình thành kỹ năng, hành vi của học viên dẫn đến việc kích thích hoạt động và điều chỉnh hành vi của học viên còn ở mức độ nhất định.

Thứ ba, vẫn còn xuất hiện tình trạng một bộ phận học viên còn có thái độ thờ ơ, không quan tâm đến nội dung học tập về QCN, có biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống do chưa nắm rõ những kiến thức về vấn đề QCN, chưa thấy được những kết quả về nhân quyền ở nước ta đã đạt được trong thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật quân đội vẫn còn xảy ra.

Giải pháp tăng cường giáo dục pháp luật về quyền con người cho học viên trong các trường sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

Một là, tăng cường GDPL về QCN cho học viên trong các trường sĩ quan QĐND Việt Nam cần phải gắn với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.

Sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong các trường sĩ quan QĐND Việt Nam đối với GDPL về QCN cần được triển khai một cách toàn diện, chặt chẽ có chiều sâu. Đây là yêu cầu khách quan và cần thiết để bảo đảm cho công tác GDPL về QCN cho học viên của các cơ quan, khoa, đơn vị trong các trường sĩ quan QĐND Việt Nam được thực hiện theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng và các quy định pháp luật của Nhà nước, góp phần từng bước giải quyết được những hạn chế và thiếu sót có thể xảy ra trong thực hiện nhiệm vụ GDPL về QCN.

Hai là, nâng cao nhận thức về mục đích, vai trò của GDPL về QCN cho học viên trong các trường sĩ quan QĐND Việt Nam

Mục đích của GDPL về QCN cho học viên trong các trường sĩ quan QĐND Việt Nam nhằm cung cấp những kiến thức, sự hiểu biết các quyền năng mang tính bảo đảm cho các cá nhân được hưởng theo quy định của pháp luật. Đây là hoạt động giữ vai trò quan trọng của công tác giáo dục chính trị, đạo đức, kỷ luật trong môi trường quân sự. Thông qua GDPL về QCN sẽ thúc đẩy ý thức tôn trọng quyền của người khác và của các học viên trong các hoạt động ở môi trường quân sự, trong mối quan hệ với Nhân dân. Góp phần xây dựng và hình thành tình cảm, lòng tin của học viên vào các quy định về QCN của pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Tạo sự vững chắc của các thói quen, ứng xử theo yêu cầu, nội dung về QCN trong quá trình học tập và rèn luyện.

Ba là, tăng cường GDPL về QCN cho học viên trong các trường sĩ quan QĐND Việt Nam đi đôi với việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nội dung GDPL về QCN

Để hoạt động GDPL về QCN cho học viên trong các trường sĩ quan QĐND Việt Nam đạt được hiệu quả cao thì việc xây dựng và hoàn thiện nội dung GDPL về QCN cho phù hợp là rất cần thiết, ngoài nội dung được giảng dạy trong môn học Nhà nước và pháp luật theo chương trình chính khóa thì cần phải tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nội dung các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực và những văn bản mới ban hành liên quan đến QCN đến toàn thể cán bộ, giảng viên và học viên nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật, góp phần ngăn chặn và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, nội dung GDPL về QCN cần thường xuyên kết hợp với các môn học khác và lồng ghép vào toàn bộ quá trình đào tạo, kết hợp với việc sử dụng các vụ việc, hình ảnh, tư liệu thực tế để làm tăng tính sinh động, phát huy tính tích cực của học viên thông qua các hoạt động thảo luận, đóng vai…

Bốn là, đổi mới hình thức, phương pháp GDPL về QCN trong các trường sĩ quan QĐND Việt Nam cho phù hợp với môi trường quân sự.

Công tác GDPL về con người trong các trường sĩ quan QĐND Việt Nam được thực hiện thông qua các hình thức giảng dạy, tuyên truyền, phổ biến pháp luật khác nhau theo chương trình của Tổng cục Chính trị – Bộ Quốc phòng. Ngoài các hình thức hiện nay các trường sĩ quan QĐND Việt Nam đang tổ chức thực hiện thì cần phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động GDPL về QCN cho học viên trong các buổi sinh hoạt tập thể, các buổi dã ngoại, hoạt động ngoại khóa… của các đơn vị học viên. Thông qua việc đổi mới hình thức, phương pháp GDPL về QCN sẽ tạo ra động lực để chủ thể giáo dục và đối tượng được giáo dục phát huy hết tiềm năng, tạo ra không khí sôi nổi trong quá trình truyền đạt và tiếp thu những nội dung về QCN. Bên cạnh đó, các nhà trường cần tăng cường lồng ghép các buổi học tập chính trị với phổ biến pháp luật về QCN, tuyên truyền trên loa truyền thanh vào những thời gian ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ trong các đơn vị học viên; tổ chức cho các đơn vị thi tìm hiểu pháp luật về QCN, tổ chức các diễn đàn, giới thiệu chuyên đề để học viên có được môi trường rèn luyện phù hợp và vận dụng những kiến thức vào quá trình học tập và rèn luyện ở đơn vị.

Năm là, đầu tư hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ cho công tác GDPL về QCN trong các trường sĩ quan QĐND Việt Nam

Chuẩn bị nguồn tài liệu phục vụ nghiên cứu là một khâu quan trọng trong hoạt động GDPL về QCN. Đây là nội dung có liên quan đến rất nhiều văn bản, tài liệu pháp luật quốc tế, tài liệu của Liên hiệp quốc và các cơ quan hữu quan của Liên hiệp quốc về nhân quyền. Vì vậy, cần có những văn bản chính thống, bản dịch chính xác về vấn đề nhân quyền dùng làm tài liệu cho cán bộ, giảng viên, học viên trong quá trình học tập, nghiên cứu. Đồng thời, để làm cơ sở để cán bộ, giảng viên, học viên phát triển nghiên cứu lý thuyết về QCN, so sánh vấn đề QCN trên thế giới với vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Do đó, các trường sĩ quan QĐND Việt Nam cần phải thường xuyên tăng cường, trang bị đầy đủ hệ thống giáo trình, tài liệu cần thiết phục vụ cho hoạt động GDPL về QCN, góp phần nâng cao chất lượng, sự hiểu biết về vấn đề nhân quyền và đạt được mục tiêu, yêu cầu giáo dục và đào tạo đặt ra.

Chú thích:
1. Các văn kiện quốc tế về quyền con người. H. NXB Chính trị quốc gia, 2018. tr. 63.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đưa nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
2. Quyết định số 1650/QĐ-CT ngày 25/9/2018 của Tổng cục Chính trị về việc ban hành chương trình các môn khoa học xã hội và nhân văn đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trịnh Văn Hưng
Trường Đại học Trần Quốc Tuấn, Bộ Quốc phòng