Sức bật tinh thần – Biến khó khăn thành cơ hội giữa đại dịch

(Quanlynhanuoc.vn) – Loài sống sót không nhất thiết là loài mạnh nhất, hay thông minh nhất, mà là loài có khả năng thích nghi cao và sẵn sàng thay đổi. Cuốn sách: Sức bật tinh thần giúp bạn đọc học cách xóa bỏ những bài học cũ và đón nhận các hoạt động mới để tạo ra đột phá, phát kiến hay phát triển sáng tạo trong bất kỳ lĩnh vực nào.

Tiến sĩ Susan Kahn là nhà tâm lý học kinh doanh: chuyên gia khai vấn, nhà diễn thuyết, người cố vấn và chuyên gia hoà giải. Bà vừa là một người học hỏi trọn đời, vừa là giám đốc chương trình Chứng chỉ Khai vấn sau đại học tại Birkbeck, Đại học Luân Đôn, chuyên giảng dạy phương pháp huấn luyện cho các nhà lãnh đạo. Susan là thành viên đầu tiên của Khoa Kinh doanh tại tổ chức The School of Life, nơi bà giảng dạy và khuyến khích trí thông minh cảm xúc nơi công sở.

Trước khi đạt được thành công ở tác phẩm Bounce Back (Sức bật tinh thần), Susan Kahn đã nổi tiếng với quyển sách đầu tay Death and the City (Cái chết và Thành phố), đề cập đến cảm giác mất mát, buồn rầu và trầm uất tại nơi làm việc, đồng thời là bài nghiên cứu về hồi kết của các tổ chức trong cơn khủng hoảng tài chính. Nghiên cứu sử dụng công cụ quan sát theo phân tâm học này đã nhận được giải thưởng của Viện nghiên cứu Birkbeck.

Biết cách xoay chuyển trở ngại

Khi đối mặt với thất bại hoặc nỗi thất vọng, chúng ta có thể suy nghĩ như những người khắc kỷ (Stoic). Hãy nghĩ xem điều gì khác tồi tệ hơn có thể xảy ra. Chủ nghĩa Stoic dạy chúng ta rằng thế giới rất khó lường, cuộc sống rất ngắn ngủi, chúng ta nên phấn đấu trở nên mạnh mẽ và kiểm soát bản thân. Nó khuyến khích chúng ta vượt qua cảm xúc tiêu cực và suy ngẫm về những công việc và hành động mà chúng ta nên làm thay vì tranh luận.

Một trong những phương pháp của Stoic là làm quen với bất hạnh. Triết gia Montaigne sống ở thế kỷ 16 đã đưa ra một số lời khuyên vẫn còn thông dụng đến ngày nay. Ông kêu gọi chúng ta hãy sống hết mình ngay lúc này, bởi khi chúng ta qua đời thì mọi lựa chọn đều mất đi. Vì vậy, chúng ta nên nghĩ đến mọi tình huống xấu nhất mà mình lo ngại, như một cách kiểm soát nỗi sợ hãi và lo lắng. Để khi không phải tất cả những điều trên đều xảy ra, chúng ta sẽ cảm thấy biết ơn vì hầu hết những khó khăn đều là tạm thời hoặc có thể xoay chuyển được.

Chúng ta cũng có thể tự rèn luyện để tránh suy nghĩ về chuyện tốt và chuyện xấu. Những người khắc kỷ thường sử dụng một bài tập có tên “Xoay chuyển trở ngại”, trong đó họ định hình lại một vấn đề sao cho tình huống khó chịu, khó khăn hay “xấu”, trở thành một tình huống tốt. Ví dụ, bạn đang giúp đồng nghiệp giải quyết một nhiệm vụ mà họ đang vất vả thực hiện, nhưng họ đáp lại bạn bằng thái độ nóng nảy, vô ơn và thô lỗ. Họ tỏ ra bất hợp tác và không muốn bạn giúp đỡ. “Xoay chuyển trở ngại” sẽ đòi hỏi bạn nghĩ về những phẩm chất mới mà đồng nghiệp này đang giúp bạn rèn luyện, chẳng hạn như tính kiên nhẫn, thấu hiểu hoặc cảm thông.

Biến khó khăn thành cơ hội mới

Đây chính là tư duy đằng sau thuật ngữ “những cơ hội học hỏi” mà Barack Obama vẫn thường đề cập. Trong quá trình tranh cử để trở thành tổng thống, Obama từng gặp rất nhiều trở ngại, nhưng ông đã đối mặt với nó, đặt tâm điểm tranh cử vào việc giải quyết tình huống và biến tình huống tiêu cực thành cơ hội giải quyết các vấn đề khó khăn. Đây chính là việc mà các doanh nhân rất thành thạo: tận dụng cơ hội – không phải theo nghĩa thông thường, mà là biến hoàn cảnh khó khăn thành cơ hội để cung cấp sản phẩm và dịch vụ mới, đặc biệt trong cơn đại dịch này.

Chẳng hạn, sau trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản vào năm 2011, những người trẻ tuổi và những nhà cải cách đã tham gia tích cực vào quá trình khôi phục bằng cách nhanh chóng tái xây dựng và đổi mới. Hay như ở Greenburg, một thành phố ở Kansas, Hoa Kỳ – sau khi bị bão tàn phá gần như hoàn toàn, nơi này đã gạt đi những suy nghĩ truyền thống để tái xây dựng một thành phố dẫn đầu thế giới về mức độ thân thiện với môi trường. Người theo chủ nghĩa Stoic biến mọi trở ngại thành cơ hội. Với họ, không có gì là tốt hay xấu, quan trọng là cách chúng ta nhìn nhận tình huống, và chúng ta hoàn toàn kiểm soát được cách nhìn nhận của mình.

Tuy nhiên, chúng ta là những sinh vật dễ bị tổn thương hơn so với vẻ bề ngoài, nhất là khi thất bại xảy đến vào lúc cuộc sống chúng ta đang có những khó khăn và nỗi buồn khác. Quan trọng là hãy thừa nhận rằng có điều gì đó đã mất, một điều mà bạn đã dành rất nhiều hy vọng và ước mơ vào nó nhưng lại không có được kết quả như kỳ vọng.

Cách tốt nhất là hãy làm theo lời khuyên mà bạn thường dùng để động viên bạn bè. Thất bại một vài lần cũng không sao, bạn không cần nghĩ ngợi quá nhiều và phán xét bản thân. Dĩ nhiên, thất bại không phải là chuyện vui vẻ và rất khó để chào đón chuyện đau buồn, nhưng sau khi nhìn lại và chiêm nghiệm về những trải nghiệm thất bại đó, bạn có thể thông suốt hơn và học được rất nhiều điều hữu ích. Hãy nhớ rằng bạn không phải là người duy nhất, bởi tất cả chúng ta đều gặp thất bại.

Và khi chuyện này xảy ra, ta vẫn có lựa chọn. Ta sẽ tuyệt vọng và quyết định không bao giờ đón nhận bất kỳ thử thách nào nữa, hay ta quyết định sẽ thôi ủ dột để tiếp tục hành trình và hiểu rằng không nên lãng phí sức lực vào những việc nằm ngoài tầm kiểm soát?

Chúng ta đang sống trong một thế giới công việc phức tạp và đầy tính cạnh tranh, vì vậy nếu ta bao dung với chính mình, biết chấp nhận và rút kinh nghiệm từ những sai lầm và thất bại của bản thân, ta sẽ sống mà không hối tiếc. Có thể xem thất bại là điều kiện tiên quyết để thành công… Vì vậy nếu bạn muốn thành công nhanh chóng, hãy nhân đôi tốc độ thất bại.

“Sức bật tinh thần” không đơn thuần là quyển sách hướng người đọc đến với cuộc sống thành công, mà còn chứa đựng kiến thức chuyên sâu về thần kinh học, phân tâm học và tâm lý học xoay quanh sự phản kháng của con người khi vấp ngã. Trong quyển sách này, Susan Kahn bàn về căn nguyên của nỗi sợ thất bại, bao gồm những yếu tố ẩn sâu trong tiềm thức đến mức ta không nhận thức được sự tồn tại của chúng. Những “điểm mù” này góp phần không nhỏ vào việc định hình phản ứng của bản thân ta với sự thất bại, mất mát và xung đột. Do đó, chỉ sau khi nhận ra những yếu tố ẩn sâu trong tiềm thức và biết cách xử lý chúng, chúng ta mới có thể vượt qua nỗi sợ thất bại và biến thử thách thành cơ hội.

Bên cạnh phần lý thuyết, Susan còn đưa ra các bài thực hành đánh thức nội lực và từng bước rèn luyện sức bật tinh thần để bạn luôn sẵn sàng trong mọi thử thách. Sức bật tinh thần không phải là một đặc tính thiên bẩm, mà là một khả năng tất cả chúng ta đều có thể sở hữu được nhờ vào quá trình tập luyện.

Những người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát và đã tìm được đường ra khỏi vực sâu luôn là những cá nhân kiên cường nhất, có tố chất để thành công nhất. Họ có lòng cảm kích, sự nhạy cảm và thấu hiểu đối với cuộc đời đầy chông gai. Khi đi qua những thử thách khắc nghiệt, ngoài bản lĩnh và lòng can đảm, ta còn trở nên bao dung và yêu thương cuộc sống hơn.

Các tình huống đa dạng nơi công sở, thương trường, xã hội dân sinh và sự tương tác phức tạp trong thời đại số buộc mọi người phải không ngừng thích nghi để sinh tồn và phát triển. Chính vì vậy, sức bật tinh thần trở thành một khả năng không thể thiếu để thành công trong công việc, bất kể bạn là nhà lãnh đạo hay nhân viên. Tất cả chúng ta, dù thành công hay không, dù giàu có hay nghèo khổ, đều đang đối diện với những khó khăn khắc nghiệt của riêng mình. Thuyền to sóng lớn hay chỉ là hạt cát bị cuốn phăng trong sóng lớn thì chúng ta đều có thể chọn cho mình một thái độ khôn ngoan để băng qua những biến động vô thường của đời sống.

Dù muốn hay không thì quá trình tiến hóa tự nhiên vẫn thao túng toàn bộ đời sống và tâm lý của bạn. Bản năng của chúng ta là sợ hãi những điều ta không biết và nỗi sợ đó có thể dẫn tới chứng hoang tưởng. Bởi lẽ, trong quá trình chúng ta tiến hóa tự nhiên, hệ thống thần kinh đã phát triển để nhận ra những hiểm nguy tiềm tàng. Do đó, chúng ta có hai lựa chọn tiến hóa: Hoặc cảnh giác với những nguy hiểm luôn rình rập và sẵn sàng tấn công chúng ta dù ta không nhìn thấy chúng; hoặc tin rằng không có gì nguy hiểm ngay cả khi đang có rất nhiều nguy cơ. Nhân loại thuộc về nhóm đầu tiên, chúng ta đã phát triển khả năng lo lắng quá mức cần thiết nhưng nhờ vậy mà chúng ta đã sống sót.

Bạn cần hiểu rằng chứng hoang tưởng và thổi phồng nguy cơ của ta chính là hành vi thích nghi từ sâu trong bộ gen của chúng ta. Điều duy nhất cần điều chỉnh chính là phải nhận ra mình đang đánh giá quá cao mức độ hiểm nguy khi tai họa xảy đến, trong khi đó lại đánh giá thấp khả năng xử lý mối đe dọa của mình. Chỉ khi nào bạn nhận ra điều này, luôn ý thức rèn luyện khả năng sức bật tinh thần, bạn sẽ luôn ở trong hàng ngũ những người thành công.

Điểm nổi bật của quyển sách này chính là sự dẫn dắt tài tình của Susan Kahn trong việc đưa người đọc tiếp cận một thuật ngữ chuyên ngành tâm lý học phức tạp. Nhờ vào sự liên kết giữa kiến thức chuyên môn và những câu chuyện đời thường, Susan giúp người đọc không chỉ hiểu vấn đề đang được đề cập trong quyển sách, mà còn có thể liên hệ vấn đề đó với thực tế cuộc sống của bản thân và vận dụng những kiến thức mới có được, để tự phân tích và tìm ra giải pháp cho nhiều tình huống phức tạp trong đời.

Thứ duy nhất kìm hãm chúng ta là suy nghĩ và tâm trí của chính mình. Thế nên, nếu chỉ có góc nhìn hạn hẹp thì ta rất dễ rơi vào vòng xoáy tự hủy diệt bản thân và đích đến sẽ là sự thất bại, thối chí. Ngược lại, nếu có thể thay đổi lăng kính nhìn nhận và nắm bắt vấn đề, điều chỉnh tư duy của mình để xem nghịch cảnh chỉ là một trong những tình huống có thể xảy ra, chúng ta sẽ có thể đón nhận những lần vấp ngã của mình như một cánh cửa mở ra cơ hội mới và rèn giũa chính mình trở nên hoàn thiện hơn.

Với kiến thức uyên thâm trong lĩnh vực tâm lý học và lối diễn đạt súc tích, dễ hiểu, Susan Kahn đã góp phần thay đổi cuộc sống của vô số độc giả trên khắp thế giới, giúp họ trở nên hạnh phúc và thành công hơn thông qua tác phẩm của mình.

Thùy Dương