Thiết lập các “doanh nghiệp xanh” tiến tới hình thành các “vùng xanh” – giải pháp phối hợp nguồn lực công – tư nhằm chống dịch Covid-19 hiệu quả

(Quanlynhanuoc.vn) – Việc thiết lập các “Doanh nghiệp xanh” tiến tới hình thành các “vùng xanh” tại Việt Nam không chỉ có tác dụng duy trì sản xuất kinh doanh trong nước mà sẽ đặc biệt hiệu quả để truyền thông và gia tăng niềm tin từ các đối tác quốc tế. Dù bối cảnh trước mắt vẫn hết sức khó khăn, doanh nghiệp cam kết luôn đặt niềm tin vào sự lãnh đạo, dẫn dắt của Chính phủ, sẵn sàng phối hợp nguồn lực công – tư nhằm chống dịch hiệu quả, bảo vệ nguồn lực chung của xã hội, bảo vệ các lợi thế đã và đang có để duy trì vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Các doanh nghiệp Bình Dương triển khai mô hình “3 xanh” phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Ảnh: Congthuong.vn.
Ba vấn đề khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang phải đối mặt

Kể từ khi đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, những khó khăn của doanh nghiệp (DN) phát sinh mạnh. Trên cơ sở các thông tin thu nhận từ các cuộc khảo sát nhanh trong DN, hiệp hội, người lao động, cho thấy, có 3 vấn đề khó khăn lớn nhất mà DN đang phải đối mặt gồm: (1) DN gặp khó khăn, thách thức trong duy trì hoạt động, sản xuất, đặc biệt khi áp dụng các quy định của mô hình “3 tại chỗ”. (2) Khó khăn trong cung ứng hàng hóa, gồm cả đầu vào, đầu ra và hoạt động tiêu dùng; vận tải hàng hóa thì sụt giảm mạnh. (3) Sức khỏe tài chính của DN đang hết sức đáng lo ngại do dòng vốn đã rất mỏng từ ảnh hưởng của 3 lần dịch bùng trước đó, tới đợt dịch lần này lại phát sinh chi phí đặc biệt lớn để đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch, xét nghiệm…

Thứ nhất, theo số liệu báo cáo từ Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tổng hợp nhanh về nhóm sản xuất và việc áp dụng “3 tại chỗ”, ước tính sơ bộ, tính tới ngày 5/8, trong 9 Hiệp hội sản xuất, chế biến (gồm nhóm gỗ, dệt may, da giày, bông sợi, nhôm, thép…), trung bình số nhà máy nỗ lực áp dụng được yêu cầu “3 tại chỗ” chỉ đạt tầm 53,7% tổng số nhà máy1. Tuy nhiên, khó khăn cho nhóm này vẫn tiếp tục hiện hữu bởi áp lực về chi phí duy trì ăn ở, sinh hoạt tập trung cho hàng trăm, hàng ngàn lao động tại một chỗ; áp lực về tâm lý khiến hàng loạt lao động bất hợp tác, bỏ việc; các thách thức và vướng mắc trong khâu thực thi để duy trì và bảo đảm sự an toàn trước dịch bệnh… Đã có gần 5% trong số các nhà máy áp dụng “3 tại chỗ” phải dừng hoạt động trong mấy tuần qua, vì có công nhân trở thành F0, hoặc dù chưa có ca F0 nào nhưng do các yêu cầu mới của địa phương hoặc do khó khăn phát sinh về lao động, về cung ứng đầu, đầu ra vẫn phải dừng hoạt động. Số liệu này có thể tiếp tục tăng trong vài tuần tới, đòi hỏi phải có giải pháp và sự phối hợp công – tư hết sức chặt chẽ để vượt qua thách thức, khó khăn.

Thứ hai, số liệu tổng hợp nhanh về cung ứng, vận tải lưu chuyển hàng hóa. 100% DN, hiệp hội được hỏi tại các tỉnh, thành phố cho biết việc cung ứng hàng hóa diễn ra đặc biệt khó khăn trong đợt bùng dịch lần này, do các yêu cầu mới về phòng chống, dịch bệnh. Nhưng trên hết là do các yêu cầu khác nhau giữa các tỉnh và yêu cầu khác nhau giữa tỉnh với hướng dẫn từ trung ương.

Giao thông vận tải hàng hóa sụt giảm mạnh về hiệu suất trong 2 tháng qua do tắc các cung đường để chờ xét nghiệm, kiểm tra giấy tờ, phân luồng, hay do lái xe thành F0, F1, F2. Chưa kể các DN lĩnh vực này hoặc các chủ hàng phải gánh chịu thêm chi phí rất lớn để xét nghiệm cho lái xe vì hầu hết các tỉnh yêu cầu kết quả PCR có giá trị trong vòng 2-3 ngày. Ví dụ điển hình được các Hiệp hội, DN thống kê như2:

+ Cung đường Hà Nội – Hải Phòng: tăng từ 2h/1 lượt chạy thành 15-20h/1 lượt những ngày qua, tức là 1 xe chở hàng đi và về Hà Nội – Hải Phòng giờ mất 2 ngày/1 chuyến hàng thay vì 1 ngày 2 chuyến như mọi khi.

+ Các cung đường bộ ngắn cho hoạt động xuất nhập khẩu, từ các tuyến tiêu biểu như: cửa khẩu Hữu Nghị/ Tân Thanh/ Chi Ma/ Móng Cái tới các khu công nghiệp ở Bắc Ninh/ Bắc Giang/ Hà Nội/ Phú Thọ/ Hải Phòng/ Hải Dương/ Nam Định… thời gian đi lại mất thêm 0,5 – 1 ngày/chuyến, cùng với chi phí trực tiếp tăng khoảng 20% – 30%/chuyến.

+ Các cung đường bộ dài cho xuất nhập khẩu, quá cảnh từ cửa khẩu Hữu Nghị/ Tân Thanh/ Chi Ma/ Móng Cái đi ChaLo/ Lao Bảo/ Mộc Bài/ Bình Dương/ TP.HCM… thời gian đi lại mất thêm từ 1-2 ngày/chuyến, cùng với chi phí trực tiếp cũng tăng tầm 15%.

Thứ ba, số liệu khảo sát về việc làm và thất nghiệp, tạm tính từ 1/8-12h trưa 6/8 là 52.153 lượt trả lời. Kết quả phân tích sơ bộ cho thấy, tỉ lệ mất việc 63%, có việc 37%, trong đó, nhóm mất việc: có tích lũy tài chính để lo được cuộc sống từ 3-6 tháng và trên 6 tháng chỉ chiếm 14%, tích lũy đủ để lo cuộc sống dưới 3 tháng chiếm 37% còn 49% người trong nhóm mất việc chỉ có tích lũy để lo cuộc sống dưới 1 tháng. Nhóm này cho biết: 40% phải dựa vào sự hỗ trợ của người thân/gia đình để sống; 7,4% dựa vào trợ giúp của làng xóm và các tổ chức nhân đạo, từ thiện; 3,6% nhận sự hỗ trợ của công ty nơi làm việc trước đó còn chỉ có 2% (tương ứng 665 người tham gia khảo sát) cho biết đã nhận sự hỗ trợ của Nhà nước. Số còn lại trong nhóm mất việc, chiếm tới 47% là diện “chưa nhận được sự trợ giúp nào”. Nhóm còn việc làm thì 14% đã bị giảm lương xuống 20%; 20% bị giảm tới một nửa lương; có 5% thậm chí bị giảm 80% lương; 12% chỉ được nhận lương khi có sản phẩm và 6% là diện khác3.

Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất Chính phủ nghiên cứu triển khai tập trung một chiến dịch mới về phát triển loạt “Doanh nghiệp xanh”

Để có thể vượt qua khó khăn, thách thức và giải quyết hiệu quả 3 vấn đề cấp bách nêu trên nhằm bảo đảm vừa chống dịch, vừa duy trì, phát triển kinh tế, bên cạnh các biện pháp mà Chính phủ đã và đang chỉ đạo, các Hiệp hội xin đề xuất Chính phủ nghiên cứu triển khai tập trung một chiến dịch mới về phát triển loạt “Doanh nghiệp xanh”với nội dung cụ thể như sau:

Một là, quan niệm về “Doanh nghiệp xanh”, trước mắt gồm “Doanh nghiệp sản xuất xanh” và “Doanh nghiệp vận tải/logistics xanh”, tiến tới “Doanh nghiệp du lịch xanh”, “Doanh nghiệp hàng không xanh”.

– “Doanh nghiệp sản xuất xanh” là DN có toàn bộ nhân viên, người lao động được tiêm đủ vắc xin; mọi hoạt động sản xuất, vận hành trong khu vực trụ sở DN được đưa về trạng thái bình thường kết hợp duy trì 5K trong quá trình giao tiếp với các nhóm chủ thể ngoài DN; quy trình ứng xử với Covid tại đây áp dụng như với cúm mùa thông thường để tập trung tối đa nguồn lực cho sản xuất.

– “Doanh nghiệp vận tải/logistics xanh” là DN có lái xe, nhân viên logistics làm việc tại hiện trường (kho, bãi, cảng biển…) được tiêm đủ vắc xin, được cấp QR code về tình trạng tiêm chủng kèm tuân thủ quy định 5K để đi lại, giao tiếp, thực hiện dịch vụ, thúc đẩy vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu, nhập khẩu.

Việc hình thành các loại hình “Doanh nghiệp sản xuất xanh”, “Doanh nghiệp vận tải/logsitics xanh” là nền tảng quan trọng để tới đây tiếp tục phát triển “Doanh nghiệp du lịch xanh”, “Doanh nghiệp hàng không xanh”… giúp phục hồi nền kinh tế trong các lĩnh vực đặc biệt quan trọng này.

Hai là, chính sách để thiết lập và thực hiện chiến dịch phát triển loạt “Doanh nghiệp xanh”

– Đề xuất Chính phủ giao chỉ tiêu và trách nhiệm cho các địa phương về tỉ lệ “Doanh nghiệp xanh” trên tổng số DN tại địa bàn. Trên cơ sở đó, chính quyền các tỉnh, thành phố sẽ chủ động hơn trong việc tính toán, sắp xếp thứ tự ưu tiên, sử dụng hiệu quả nguồn lực vắc xin để tổ chức tiêm cho người lao động ở các nhà máy, nhóm lái xe, nhân lực logistics tại các công ty vận tải, dịch vụ xuất nhập khẩu… nhằm tạo lập và phát triển các “Doanh nghiệp xanh”. Đồng thời, đề xuất Chính phủ trao quyền cho các địa phương được quyết sách chủ động việc tổ chức tiêm tại các nhà máy thay vì chỉ ở trung tâm y tế; hay việc cho phép DN tư nhân phối hợp với chính quyền tổ chức tiêm nếu đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn y tế, dưới sự giám sát và tập huấn của Sở Y tế tỉnh, thành phố…

– Đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan cấp QR code cho tất cả đối tượng hoàn thành tiêm phòng trên nền tảng công nghệ tập trung để làm điều kiện vận hành cho “Doanh nghiệp xanh”, giúp nhân công, lái xe, các nhóm chủ thể được tiêm đi lại, thực hiện công việc dễ dàng (kèm theo việc kết hợp 5K) mà không đòi hỏi các giấy tờ, yêu cầu thủ tục có tính hành chính như hiện nay.

– Đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ rà soát khẩn trương và tháo gỡ các quy định đang không phù hợp với “khó khăn thời dịch” để tạo nền tảng tốt nhất cho các DN vận hành hoạt động, song song với việc phấn đấu trở thành “Doanh nghiệp xanh”, như quy định: “phải quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 để được nhận hỗ trợ vay trả lương”; quy định về thời gian làm thêm trong tuần, trong ngày; hay yêu cầu người lao động “phải không còn đóng bảo hiểm xã hội mới được nhận hỗ trợ ngừng việc của Nhà nước” trong khi do giãn cách, phong tỏa kéo dài, hàng nghìn, hàng triệu lao động phải ngừng việc, không có lương nhưng chủ sử dụng lao động vẫn nỗ lực hết sức để đóng tiền duy trì bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động…

Riêng đối với việc cho DN vay trả lương, nhìn vào các số liệu khi khảo sát người lao động thì tình hình rất quan ngại, do đó đề xuất Chính phủ xem xét để mạnh dạn áp dụng cơ chế “Nhà nước bảo lãnh cho doanh nghiệp vay gói vay trả lương tại các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách trong 3 năm” như là 1 cách làm hết sức nhân đạo lúc này, cho dù có một phần rủi ro về khả năng thanh khoản, nhưng xét tổng thể, đây là cách Nhà nước cho DN ứng trước một phần nguồn lực mà họ sẽ đóng cho Nhà nước để DN cùng người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn lúc này.

Ba là, về cơ chế giám sát hiệu quả chiến dịch phát triển loạt “Doanh nghiệp xanh”, đề xuất Chính phủ sử dụng nguyên tắc: huy động giám sát toàn dân kết hợp chế tài nghiêm để bảo đảm mọi việc trong những giai đoạn khó khăn này không diễn biến bất cập như những ngày qua.

Một số giải pháp có thể nghĩ tới, như Chính phủ chỉ đạo một cơ quan đầu mối triển khai nhanh chóng hệ thống đường dây nóng với đội ngũ tổng đài chuyên trách đáp ứng cả về số lượng, thái độ 24/7 để tiếp nhận các vấn đề từ DN, công bố rõ quy trình phản ánh và cách thức xử lý ở cả 4 cấp hành chính; công bố rõ chế tài, trách nhiệm của các cá nhân lạm dụng, nhũng nhiễu người dân, DN cũng như trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng đó… để phát huy khả năng giám sát diện rộng của toàn dân, nhằm cộng hợp với nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành.

Trong gần 2 năm qua, Việt Nam đã được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến như là 1 điểm sáng về chống dịch Covid-19 và duy trì mục tiêu kép. Đây là lý do lớn nhất kết hợp với các yếu tố chính trị-xã hội khác để Việt Nam trở thành điểm đến của hàng loạt FDI lớn và chất lượng thời gian qua. Tuy nhiên, trong những tháng vừa rồi, thông tin từ các nhà đầu tư quốc tế cho thấy, đã bắt đầu có những đánh giá mang tính quan ngại về khả năng Việt Nam vượt qua ảnh hưởng khốc liệt của biến thể Delta. Vì vậy, mục tiêu rất lớn lúc này của cả Chính phủ cùng các DN là phải giữ được thành quả về mặt kinh tế, giữ được cơ hội phát triển và đầu tư.

Chú thích:
1,2. Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân. Báo cáo tổng hợp kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội, ngày 30/6/2021.
3. Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân. Báo cáo tổng hợp khảo sát nhanh từ các Hiệp hội và Doanh nghiệp khối tư nhân trên toàn quốc, ngày 29/7/2021.
4. Công văn khẩn số 33/Ban IV ngày 31/7/2021 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hạn chế sự đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
ThS. Trần Thị Nga
Học viện Hành chính Quốc gia